Thursday, 30 June 2016

KẾT THÚC 4 NĂM ĐIỀU TRA VỤ BENGHAZI : CHẲNG CÓ GÌ MỚI ! (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Wednesday, June 29, 2016 5:56:08 PM

Hôm Thứ Ba, Ủy Ban Ðặc Biệt Ðiều Tra Vụ Benghazi của Hạ Viện Mỹ đưa ra bản báo cáo kết luận cuộc điều tra về vụ tấn công tòa Lãnh Sự Mỹ hồi năm 2012. Mặc dầu mất thời gian hơn hai năm để hoàn thành và phí tổn công quỹ $7 triệu, bản báo cáo dài 800 trang không cho thấy có một khám phá gì đặc biệt cũng như không đạt được mục tiêu chính trị mà những người chủ trương muốn tìm.

Vụ Benghazi xảy ra khá lâu, nên có lẽ cần nhắc lại một số điểm chính.

Chiều tối ngày 11 Tháng Chín, 2012, một toán trên 100 phần tử Hồi Giáo quá khích võ trang tấn công vào Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Benghazi, thành phố miền Ðông Libya, làm bốn người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Ðại Sứ Chris Stevens, đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên chết trong lúc thi hành công vụ kể từ năm 1979.

Lúc này, bà Hillary Clinton đang là ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Thoạt đầu, bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng đây là một vụ biểu tình phản kháng của dân chúng phẫn nộ về một cuốn phim xúc phạm Hồi Giáo. Sau đó, khi đã nhận được báo cáo đầy đủ, bà xác định đây là cuộc tấn công của quân khủng bố, và cải chính tin tức lộn xộn ban đầu.

Các giới lãnh đạo Cộng Hòa ở Quốc Hội vin vào sự kiện này, tố giác chính quyền Obama giấu diếm tin tức, đánh lạc hướng dư luận. Thế là Quốc Hội cho mở cuộc điều tra. Qua nhiệm kỳ thứ hai, đầu năm 2013, Tổng Thống Barack Obama muốn chỉ định bà Susan Rice làm ngoại trưởng thay thế bà Hillary Clinton, tuy nhiên, dự kiến không vượt qua được khó khăn sẽ gặp trong quá trình chuẩn thuận của Quốc Hội, bà Rice rút lui để tổng thống chọn Thượng Nghị Sĩ John Kerry vào chức vụ này.

Nhưng vụ Benghazi chưa chấm dứt ở đó. Với mục tiêu chính trị, phe Cộng Hòa trong Quốc Hội muốn tìm ra ở đây những lý do để buộc lỗi chính quyền Obama. Dần dần việc phe Cộng Hòa dùng sự kiện Benghazi để tấn công phe Dân Chủ nhắm mục tiêu trực tiếp tới bà Hillary Clinton khi rõ ràng bà sẽ là ứng cử viên tổng thống năm 2016.

Năm 2014, Hạ Viện cho thành lập ủy ban đặc biệt do Dân Biểu Trey Gowdy (Cộng Hòa-South Carolina) làm chủ tịch. Ủy ban có thời hạn tới 2016 sẽ hoàn tất cuộc điều tra. Ủy ban luôn luôn khẳng định rằng mục tiêu chỉ là tìm hiểu sự thật chứ không nhằm đánh phá triển vọng đắc cử của bà Clinton. Nhưng mùa Thu năm ngoái, Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), thủ lãnh khối đa số Hạ Viện, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Fox, đã nói toạc ra rằng: “Mọi người tưởng là Hillary Clinton không thể bị đánh bại sao? Chúng tôi vừa lập một ủy ban điều tra đặc biệt về Benghazi...” Sau này, ông McCarthy giải thích lại lời ấy nhưng đảng Dân Chủ vẫn mạnh mẽ đả kích việc sử dụng vụ Benghazi vào mục tiêu chính trị đảng phái.

Sau nhiều tháng năm chờ đợi, cuối cùng bản báo cáo được đưa ra hôm Thứ Ba. Các thành viên Dân Chủ trong ủy ban không được duyệt lại toàn bộ bản báo cáo. Cho đến tối Thứ Hai, chỉ một số nhỏ cơ quan truyền thông được bên Cộng Hòa tiết lộ một phần báo cáo. ABC News nói rằng họ không nằm vào thành phần ấy. Nhưng đảng Dân Chủ cũng cho công bố một phần bản báo cáo ngay tối Thứ Hai.

Bản báo cáo của Cộng Hòa lên án năm điểm: (1) Bộ Ngoại Giao thiếu bảo vệ an ninh đúng mức cho nhân viên ở Libya, (2) CIA lơ là trước những dấu hiệu báo động, (3) Bộ Quốc Phòng không ứng cứu các công dân Mỹ kịp thời, (4) Chính quyền Obama không hợp tác hết lòng vào cuộc điều tra, (5) Một phụ tá của bà Clinton can thiệp vào bản báo cáo điều tra nội bộ ở Bộ Ngoại Giao.

Nhưng tất cả những cáo giác ấy, hoặc không có bằng chứng cụ thể, hoặc chỉ là lý luận và không thể đi đến sự quy lỗi hay đề nghị truy tố một cá nhân hoặc cơ quan nào.

Theo nhận định của các quan sát viên, bản báo cáo cuối cùng vừa phổ biến chỉ tác động rất giới hạn, nếu có, đến uy tín chính trị của bà Clinton. Ủy ban không tìm ra thêm chi tiết gì khác về sự can dự hay lỗi lầm của bà. Qua 16,000 trang ghi lại biên bản phỏng vấn trên 80 nhân chứng, không có điều gì đặc biệt mới lạ hơn đã biết qua những cuộc điều ra trước.

Trong tình trạng tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần tố cáo bà Hillary Clinton về sự thiếu phẩm chất và khả năng lãnh đạo khi làm ngoại trưởng. Phát biểu sáng Thứ Ba ở New York, ông Trump vẫn còn nhắc lại một lời đã nói trước kia liên quan đến vụ Benghazi: “Hoàn toàn đáng tủi hổ về việc bà ta đã làm cho Ðại Sứ Chris Stevens. Khi ông bị bỏ rơi để rồi chết thì bà đang ngủ say trên giường, đúng vậy, điện thoại reo lúc 3 giờ sáng, bà còn đang ngủ.”

Theo ABC News, lời lẽ ấy của ông Trump chỉ là võ đoán. Vụ tấn công ở Benghazi bắt đầu lúc 3 giờ 42 phút, giờ Ðông bộ Hoa Kỳ, không phải nửa đêm. Và cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ cho tới buổi tối. E-mail riêng của bà Clinton gởi con gái, Chelsea, cho thấy giờ đó bà thức và nói cho con gái biết có vụ tấn công ở Benghazi.

Ông Trump cũng sai khi cho rằng bà Clinton “đã khởi sự cuộc chiến đặt ông Stevens đến Libya.” Chiến tranh không tạo ra các đại sứ và nếu có thì đại sứ sẽ rời khỏi nơi đang xảy ra xung đột.

Nhưng ông Trump đúng khi nói là ông Stevens và ngoại giao đoàn Mỹ ở Libya đã xin tăng viện an ninh ở Benghazi mà Bộ Ngoại Giao không chấp thuận, do không đủ phương tiện, vì lãnh sự quán Benghazi xa tòa đại sứ ở Tripoli. Tuy vậy, “đại sứ đã yêu cầu hàng trăm lần” chỉ là một lối phát biểu cường điệu của ông Trump chứ không phải sự thật.

Tố giác của bản báo cáo điều tra là Bộ Quốc Phòng không đưa quân đội tới ứng cứu kịp thời cũng chỉ là điều kiện và tình hình thực tế. Benghazi ở quá xa và Bộ Quốc Phòng cho đến lúc ấy chưa có kế hoạch sẵn sàng triển khai mau chóng đơn vị nào trong trường hợp cấp bách như thế. Hơn nữa, CIA đã không tiên liệu đúng tình thế vô chính phủ ở miền Ðông Libya và những chuyển biến mau chóng sau khi chính quyền Muanmar Gadaffi bị lật đổ.

Tất cả những sơ sót ấy khó có thể tránh hết, với thực tế của nước Mỹ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng phê phán chuyện ấy để nhắm vào một mục tiêu chính trị thì ủy ban điều tra đặc biệt không thể đi đến kết quả vì thiếu yếu tố.

Tờ Washington Post châm biếm: “Cuộc săn ngỗng của đảng Cộng Hòa ở Benghazi cuối cùng về tay không, chẳng bắn được con ngỗng nào cả.”





CUỘC KHỦNG HOÀNG VỀ NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT ĐANG BÓP NGHẸT VENEZUELA TỚI MỨC NÀO ? (Julia Buxton - Epoch Times)





Julia Buxton 
Dịch giả: Trà Văn Kính
29 Tháng Sáu , 2016
.
Người dân Venezuela đang xếp hàng để dùng can nhựa hứng nước trên núi Wuaraira Repano tại Caracas, ngày 21 tháng 1 năm 2016. Venezuela đang trong giai đoạn thiếu nước nghiêm trọng, một tình trạng mà chính phủ đang đổ lỗi cho nguyên nhân là do mùa mưa đến trễ năm thứ 3 liên tiếp. (Federico Parra/AFP/Getty Images)

Venezuela đang trải qua tình trạng khan hiếm trầm trọng, khiến cho người ta lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ nhấn chìm toàn bộ quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu lửa này. Thực phẩm, thuốc men, tiền bạc, điện, và nước đều ở ngưỡng thiếu hụt hoặc là không có sẵn, khi mà chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đang phải đối mặt với nền kinh tế suy thoái, cũng như phải hứng chịu một đợt hạn hán rất nghiêm trọng.

Việc giá dầu bị giảm một nửa trên thị trường quốc tế đã khiến cho quốc gia phụ thuộc vào 95% doanh thu xuất khẩu đến từ dầu khí này phải đảo lộn hoàn toàn những tiến bộ đã đạt được từ giữa những năm 2000 là giảm tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào một mặt hàng dễ bay hơi thì chẳng thấm tháp gì nếu so với những tình trạng thê thảm khác mà Venezuela đang phải đối mặt. Kể từ khi được bầu làm tổng thống vào năm 2013, sau cái chết của Tổng thống Hugo Chavez, ông Maduro đã không thể giải quyết triệt để những căn bệnh kinh niên như biện pháp quản lý kinh tế sai lầm cũng như những yếu kém khi lập kế hoạch, tình trạng quan liêu trì trệ và vấn nạn tham nhũng.

Chính quyền của ông Maduro vẫn tiếp tục duy trì cơ chế kiểm soát giá và tỉ giá hối đoái khiến cho giá xăng, thị trường chợ đen, và tình trạng thiếu hụt càng ngày càng gia tăng. Vì những nỗ lực không ngừng khi xây dựng chủ nghĩa xã hội từ thế kỷ 21, nên nhà cầm quyền đã tiếp tục duy trì những hoạt động phi thực tế cũng như xây dựng các chương trình quốc hữu hóa hoàn toàn không có khả năng chi trả.

Hàng tỷ đô la có thể đã thất thoát khỏi đất nước do các vụ kiện tụng tranh chấp về tài sản và các vụ việc chiếm hữu đất. Trong khi đó, rất nhiều hợp đồng và hóa đơn chưa thanh toán vẫn đang bị tồn đọng đã khiến cho Công ty Dầu khí Quốc gia PDVSA phải tìm cách tái cơ cấu một số khoản nợ.

Những sự thiếu hụt rất trầm trọng

Muốn diễn đạt chính xác về những tham vọng, những yếu kém và cuối cùng là sự thất bại của Tổng thống Hugo Chavez, và sau đó là của Tổng thống Nicolas Maduro thì phải nhắc đến nguồn nước sinh hoạt, vì người dân đang bị chính phủ Venezuela siết chặt chế độ phân phối nguồn nước. Hiện nay quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng hạn hán gay gắt do hiện tượng El Nino gây ra. Nhà chức trách đã ban hành một sắc lệnh kéo dài kỳ nghỉ lễ Phục sinh trong tháng 3, đóng cửa các trung tâm mua sắm và giảm số ngày làm việc trong tháng 4 vừa qua.

Những biện pháp này được đưa ra nhằm để bảo tồn lượng điện năng tiêu thụ khi mực nước trong đập thủy điện Guri – nơi cung cấp 65% nhu cầu năng lượng của toàn quốc, đã xuống thấp tới mức báo động.

Vào năm 2007, 2010 và đến thời điểm hiện nay, mực nước ở đập Guri đã nhiều lần giảm đến mức chỉ còn 244 mét trên mực nước biển. Nếu mực nước của con đập này chỉ cần giảm xuống dưới mức 240 mét, thì nhà máy điện này sẽ ngừng hoạt động, và 8 turbine sẽ bị ngưng, mất khoảng 5.000 công suất phát điện.

Lịch sử đầy cam go

Venezuela có nguồn tài nguyên nước rất phong phú, nhưng nó nằm sai vị trí. Dựa theo ước tính của chính phủ, thì 85% tài nguyên nước nằm ở phía đông nam của đất nước, nhưng tại đây dân số chỉ có khoảng 10%. Ngược lại, chỉ có 15% tài nguyên nước nằm ở phía bắc – khu vực này là nơi đô thị hoá rất nhanh chóng của đất nước, tập trung phần lớn người dân sinh sống tại đó.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng vào những năm 1950 và 1960 đã cải thiện được nguồn cung cấp, giúp cho 80% các hộ gia đình Venezuela tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt. Nhưng việc đầu tư và quy hoạch theo kiểu như vậy vẫn không sao đáp ứng nổi nhu cầu cũng như mức tiêu thụ trung bình khoảng 350 lít nước mỗi ngày (hiện nay với 4 triệu cư dân tại thủ đô Caracas, thì mỗi ngày họ tiêu thụ khoảng 450 lít nước).

Năm 1989, do thất vọng tràn trề với tình trạng thiếu thốn, với những dịch vụ kém hiệu quả, tình trạng ô nhiễm, hoạt động khai thác bất hợp pháp, và sự suy giảm về mặt tiêu chuẩn chất lượng của nguồn nước nên những nguyên nhân này đã dẫn đến sự hình thành một khuôn khổ điều tiết mới. Điều này đã phi tập trung hóa được việc nhà nước nắm độc quyền phân phối các dịch vụ về nguồn nước sinh hoạt, phân tách nó thành 10 khu vực tiện ích, và hình thành thêm một cơ quan mới: cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia Empresa Hidrologica de Venezuela (gọi tắt là Hidroven).

Riêng các quận huyện đông dân cư trên toàn liên bang thì được phục vụ bởi Hidrocapital (một cơ quan quản lý nguồn nước tại Caracas). Dự án này được ra đời vào năm 1991, trong đó ưu tiên cải tạo cống dẫn nước nhằm lấy nước từ các độ sâu thuộc lưu vực sông Tuy. Tuy nhiên, việc siết chặt chế độ phân phối nguồn nước cũng như những cuộc biểu tình ngoài xã hội vẫn tiếp tục diễn ra song song trên toàn quốc vào những năm 1990. Sự kỳ thị và tẩy chay tư nhân hóa các ngành dịch vụ về nước sinh hoạt đã gây rất nhiều khó khăn cho chính phủ khi xúc tiến những chương trình có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Vào cái thời mà Tổng thống Chavez còn đương chức

Giống như rất nhiều các chính sách khác ở Venezuela, chính sách sử dụng nguồn nước sinh hoạt cũng thường xuyên bị thay đổi trong những nhiệm kỳ mà ông Chavez còn giữ chức Tổng thống. Chính phủ đã có những bước căn bản để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng về nguồn nước – mà hầu hết các cư dân sống ở các khu ổ chuột luôn bị ảnh hưởng. Những bước căn bản này chính là nền tảng hỗ trợ cho chính quyền của ông Chavez.

Sau khi Viện Thống kê Quốc gia công bố một nghiên cứu vào năm 2001 cho thấy 231 trong tổng số 335 thành phố của Venezuela không có đủ các dịch vụ nước và vệ sinh môi trường, 4,2 triệu người không được tiếp cận với nguồn nước máy và khoảng 8 triệu người không được cung cấp đầy đủ thiết bị vệ sinh, thì Bộ Luật Nước sạch và Vệ sinh môi trường đã được ban hành bởi lệnh của Tổng thống. Để phù hợp với đường lối chủ trương của chính phủ là trao thêm quyền cho cộng đồng và là một “hình thái mới về quyền lực”, bộ luật này cũng đã triển khai chính sách phi tập trung hóa việc quản lý nước xuống 7.000 thành viên thuộc liên minh “hội nghị bàn tròn” (là hiệp hội có liên quan đến việc giám sát nguồn nước ở cấp độ khu vực) liên kết với cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia Hidroven.

Người dân địa phương phải gánh luôn trách nhiệm trong việc xác định rõ nhu cầu cũng như những hạng mục đầu tư thuộc loại ưu tiên của họ. Vào năm 2007, song song với tình trạng địa phương hóa nhằm quản lý các dịch vụ tiện ích, chính phủ cũng đã tiến hành quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, bao gồm luôn cả ngành điện.

Những lời hứa hão huyền

Chủ trương của ông Chavez trong việc  trao thêm quyền cho cộng đồng [tầng lớp lao động và người nghèo] cũng như cho rằng nước này có thể tự cung tự cấp về năng lượng quốc gia, thì cũng không khác gì các kế hoạch của những người tiền nhiệm vào những năm 1990 – vẫn không thể đưa ra bất kỳ sự cải tiến nào. Việc đầu tư và cung cấp cho cả hai lĩnh vực nước và điện (trong thập niên vừa qua, ước tính chính phủ đã bỏ ra 10 tỷ USD đầu tư cho nguồn nước và 60 tỷ USD đầu tư cho nguồn điện) vẫn không sao đáp ứng nổi tốc độ của nhu cầu do tăng trưởng dân số và kinh tế.

Sự quản lý yếu kém do đội ngũ lãnh đạo cấp cao luôn bị biến động và do hạn chế về mặt kỹ thuật công nghệ, đồng thời bộ máy hành chính thì cồng kềnh và sự lãng phí ngày càng gia tăng do giám sát không hiệu quả cũng như năng lực hạn chế. Cũng y như những ví dụ điển hình khác về chủ trương của ông Chavez khi tiến hành một chế độ dân chủ định hướng bởi cộng đồng, thì các chương trình nghị sự liên quan đến nguồn nước sinh hoạt luôn nhanh chóng bị thất bại. Rồi hàng loạt những vấn đề khác nữa, cũng không thể nào đạt hiệu quả cao.

Cả nước hiện nay đang bước vào một giai đoạn rất mang tính định mệnh. Hệ thống tài chính sụp đổ đã ngăn cản mọi khả năng đầu tư với quy mô lớn nhằm cải thiện nguồn nước của nhà nước. Và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của quốc gia này đã làm cho việc quản lý và bảo tồn tài nguyên môi trường không còn là vấn đề thiết yếu nữa.

Và đương nhiên, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nguy hiểm về mặt sức khỏe. Nhiều hộ gia đình dự trữ nguồn nước khan hiếm có thể làm gia tăng dịch bệnh cho cả cộng đồng dân cư vốn rất dễ bị tổn thương do các căn bệnh do muỗi gây ra bao gồm virus Zika, sốt vàng, sốt xuất huyết, và sốt chikungunya (là bệnh do virus chikungunya lây nhiễm qua trung gian của muỗi truyền bệnh).

--------------------
Julia Buxton là Giáo sư thuộc ngành Chính trị học So sánh tại Đại học Trung ương Châu Âu tại Hungary. Bài viết này đã được công bố lần đầu tiên trên tạp chí The Conversation.




View My Stats