Saturday, 1 November 2014

Đơn cứu xét vụ án Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn (Võ Thị Thanh Thúy)





Võ Thị Thanh Thúy
Chủ Nhật, 02/11/2014

Kính gửi Dân Luận,

Đây là đơn xin cứu xét trước đây bà Thúy vợ ông Thu định gửi tòa án và các cấp chính quyền trong nước. Trong khi lấy chữ ký của người ủng hộ thì tòa án bắt bỏ tù thêm 3 người trong Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn nữa nên bà Thúy quyết định không gửi nữa. bà cũng đã nhắc đến vấn đề này trong tâm thư.

Có gần 400 người ký ủng hộ đơn kêu cứu này!

Nhờ Dân Luận đăng lại để rộng đường dư luận, chúng tôi xin cảm ơn!

*

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Bình Định, Ngày 5 tháng 5 năm 2014

ĐƠN XIN CỨU XÉT

Kính gửi:
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Tòa án nhân dân tối cao
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Bộ trưởng Bộ Công an

V/v: Xin xem xét lại bản án sơ thẩm số 04/2013/HSST, ngày 04/02/2013 của Vụ án “Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn”, nguyên là Công ty TNHH Quỳnh Long thuộc thôn Hảo Sơn, Xã Hòa Xuân Nam, Huyện Đông Hòa, Tỉnh Phú Yên.

Kính thưa quý cấp

Tôi tên Võ Thị Thanh Thúy, sinh ngày 23/03/1967, hiện đang ngụ tại địa chỉ số 646 Trần Phú, phường Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, là vợ của ông Phan Văn Thu (Trần Công), sinh ngày 25/06/1948, trong vụ án “Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn”.

Tôi trân trọng và khẩn thiết kính xin ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét lại trường hợp của chồng tôi là ông Phan Văn Thu (tức Trần Công) cùng 21 người khác trong vụ án có tên “Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn”. Chồng tôi bị kết án tù chung thân và 21 người còn lại lãnh mức án từ 10 năm đến 17 năm tù giam tại phiên tòa sơ thẩm ngày 04/02/2013 (bản án số 04/02/HSST) với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự.

Thưa quý cấp, trong suốt quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án này cho đến lúc tòa mở phiên xét xử, chúng tôi đã không mời luật sự bào chữa cũng như không kháng án sau khi nhận bản tuyên án. Sở sĩ như vậy vì chúng tôi là những người tu hành, chúng tôi xem đó là pháp nạn mà mình phải gánh chịu. Tuy nhiên, trong tình hình như hiện nay, tôi thấy Nhà nước rất độ lượng và khoan hồng cho những tù nhân có tội danh như chồng tôi. Vậy nên, tôi khẩn thiết viết đơn xin cứu xét này với mong muốn tột cùng là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hãy rộng lòng độ lượng xem xét lại mức án của chồng tôi và 21 người khác để họ được hưởng lượng khoan hồng mà sống hết quãng đời còn lại với người thân, gia đình và làm những việc có ích cho xã hội.

Nguyên nhân của vụ án “Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn” suy cho cùng chỉ là một việc làm thần thánh hóa. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì nguy hại đến an ninh trật tự xã hội hay tính mạng con người. Chúng tôi chỉ có một khu du lịch sinh thái Đá Bia. Chồng tôi, ông Phan Văn Thu cùng những người đồng đạo đã gửi tất cả tình thương ở đó. Đất nước, quê hương Phú Yên của chúng tôi, những người dân quê tôi đã có một vùng sinh thái mát mẻ, tươi đẹp, trong lành để vui chơi, giải trí. Khu sinh thái Đá Bia đã mang lại hạnh phúc cho toàn thể người dân trong và ngoài tỉnh kể từ ngày khu sinh thái chính thức mở cửa. Riêng về phần chồng tôi, tuổi đã già và thân thì đang mang nhiều chứng bệnh quá nan y, không biết sống chết lúc nào. Xã hội chủ nghĩa đã ân xá cho rất nhiều người và chúng tôi cũng hy vọng nhận được sự khoan hồng, độ lượng đó.

Xét về tư tưởng, chúng tôi hoàn toàn không có ý ngoan cố chống đối lại Nhà nước. Việc chúng tôi làm chỉ đơn thuần là diễn giải lại những ý nghĩa hàm chứa trong bộ sấm Thái ất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa. Chúng tôi không có liên kết với bất cứ tổ chức, đảng phái nào cả. Xét về tình cảm cũng như những gì trong quá khứ, Ông Phan Văn Thu không hề có tính chất phản động. Nếu chồng tôi có những tư tưởng, tính chất đó thử hỏi có ai dám đi theo ông. Cho đến hôm nay, chồng tôi và những người đồng đạo đều bị kết án tù vì tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, đối với chúng tôi nó giống như một giấc mơ, một cơn ác mộng. Chúng tôi không biết là mình đã lật đổ chính quyền nào, đã làm những gì để lật đổ. Chúng tôi cũng không làm nguy hại đến ai thì tại sao phải chịu mức án cao như vậy!

Đạo Hồng Ân được ra đời trên mảnh đất Phú Yên từ năm 1969. Vào thời điểm ấy, Hồng Ân Đại Đạo là nơi của những người xuất gia tu hành. Các tăng sứ cùng nhau xây dựng nhiều bửu tự và làm rất nhiều việc vô cùng ý nghĩa, nhân đạo để cứu nhân loại trong cảnh tang thương. Chồng tôi cùng với tăng ni đã dành tất cả gạo thóc có được để tiếp tế cứu dân bị đói khổ. Phần mình thì ăn rau cỏ nơi rừng núi để sống qua ngày. Không cầm lòng khi thấy dân bị thương tật, đau đớn, đoàn tăng sứ đã dùng tất cả những gì mình có để cứu giúp, chữa lành vết thương cho họ. Những đứa trẻ mất cha, lạc mẹ cũng được tăng sứ nhận về nuôi, thương yêu như con ruột. Thử hỏi những nghĩa cử ấy có thể xuất phát từ tấm lòng của những con người nuôi tham vọng vật chất, danh lợi, địa vị chăng?

Khi đó có nhiều người theo ông Thu vì ông đã sống bằng tất cả tình cảm yêu thương sâu sắc của mình đối với mọi người. Cách sống và đạo lý làm người cao đẹp để “từ trái tim đi đến trái tim” của hàng trăm tín đồ chứ không phải bằng những lời dụ dỗ, những lời ru ngủ hay những hứa hẹn về địa vị, vật chất gì cả. Nói đến 21 người còn lại bị án tù thì đa số là người già, tuổi trên dưới 60 (theo như các báo chính thống Việt Nam đã đưa). Đã vậy, họ còn kêu gọi những người thân như vợ con và bạn bè tham gia vào Hồng Ân. Nếu thật sự đây là một tổ chức phản động, họ có thể làm như thế không? Đây chỉ có thể là một tổ chức tôn giáo mà thôi. Hơn thế nữa, họ đều là người dân hiền lành lương thiện, sống chất phát, thật thà, không hề làm tổn hại đến bất cứ ai, ngay cả việc giết một con kiến họ cũng chẳng đành lòng. Họ chỉ biết chăm chỉ làm việc và tu tâm dưỡng tánh để mong được giải thoát.

Để xây dựng nên khu du lịch sinh thái được như ngày hôm nay, Ông Phan Văn Thu cùng mọi người đã phải chắt chiu, dành dụm từ những đồng tiền chân chính. Chồng tôi thường nói đó là công trình “hai hạt hai giọt” là giọt mồ hôi mặn nồng chan hòa cùng giọt nước mắt đắng cay, hạt muối mặn cùng hạt gạo thơm lừng của bao người dân hiền lành đã chắt chiu sau bao lam lũ. Đó là công trình được xây dựng nên chỉ bằng sức con người. Họ đã không quản ngày đêm khó nhọc, không ngại nắng mưa, cần mẫn, chăm chỉ làm việc chỉ để lòng mình thấy an vui và ngày mai một Tổ Đình sẽ được khai mở để hướng con người đến chân tu, giải thoát mình ra khỏi những trầm luân đau khổ của thế tục.

Sở dĩ chúng tôi dùng khu du lịch sinh thái làm nơi tầm tri học đạo là có lý do. Đạo Hồng Ân bị ảnh hưởng của những diễn biến trước và sau năm 1975, chồng tôi đã vô tình trở thành tội đồ của đất nước mặc dù bản chất vẫn chỉ là một vị chân tu. Chùa chiền của Đạo Hồng Ân bị phá bỏ và cấm hoạt động. Thế nhưng chí nguyện của người chân tu vẫn luôn thôi thúc trong lòng và nhân duyên đã đưa họ gặp nhau để lại tiếp tục sự nghiệp cứu thế. Không được phép danh chính ngôn thuận mà tu tập, họ phải núp dưới cái bóng của khu du lịch sinh thái Đá Bia. Thế nhưng, xét cho cùng điều đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh hay tính mạng của bất cứ người dân nào, hay đối với chính quyền cũng vậy. Nếu luận về tội thì tội của chúng tôi là đã đề cập đến những từ mang tính chất chính trị trong những bài học của mình (điều này không được phép ở Việt Nam). Nhưng đó cũng chỉ là những lời nói mơ hồ dựa theo sấm Trạng Trình. Chúng tôi không dùng đến bất cứ vũ khí quân sự, không hề có chiến lược, kế sách hay những hành động chống phá nào để cấu thành tội lật đổ chính quyền như cơ quan chức năng đã kết luận. Vậy nên, mức án mà chồng tôi và 21 người còn lại đang thụ nhận thật là vô cùng oan nghiệt.

Trước, trong và sau khi vụ án này kết thúc, người dân, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng tại Phú Yên cũng đã nhìn thấy rõ bản chất chân tu của những người theo đạo Hồng Ân chúng tôi. Chúng tôi chỉ đơn giản là những người tu hành hiền lành, ngay thật, cam chịu và nhẫn nhục, không hề có bất cứ một hành động bạo động nào, không có hành động nào chống trả lại lực lượng an ninh. Chúng tôi đã rất ôn hòa, chỉ biết khóc thương cho những người thân yêu, những đồng đạo sắp phải bước vào vòng lao lý. Chủ tọa phiên tòa đã không ít lần xúc động đến tưởng chừng như rơi nước mắt. Trong lúc xử, ông nhiều lần kéo cặp kiếng lão xuống, nét mặt không giấu nổi sự cảm thông và giọng nói trầm mặc, từ tốn không giống như đang phán quyết kẻ mang trọng tội. Một trong những luật sư bào chữa cho chúng tôi đã không cầm được nước mắt đã khóc thành tiếng trước phiên tòa. Còn những người dự tòa đã khóc suốt kể từ những ngày đầu xét xử. Đã không hề có sự oán giận nào, không hề có sự căm ghét nào, không hề có sự sỉ vả, cũng không có tính chất nguy hiểm nào ở phiên tòa này cả. Cái mọi người thấy chỉ là một phiên tòa đẫm nước mắt.

Tất cả những gì tôi trình bày ở trên đều xuất phát từ tấm lòng của một con người đang gánh chịu nỗi đau khổ đến cùng cực, của một người tu hành trước danh đạo Hồng Ân, của một người vợ thương yêu chồng, một người tu xót thương cho đồng đạo. Tôi tha thiết cầu xin sự độ lượng của các cấp chính quyền, của cơ quan chức năng. Hơn hết, tôi cầu mong Ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng hãy dành ít thời gian của mình để một lần xem xét lại bản án này của chồng tôi cùng tất cả đồng đạo của ông trong vụ án “Hội Đồng Công Luật Công án Bia Sơn”.

Hôm nay, tôi thay mặt cho gia đình của 21 người đang thi hành án viết đơn xin cứu xét này với mong muốn được Nhà nước khoan hồng, giảm mức án xuống thấp nhất có thể. Đó là nguyện vọng của chúng tôi.

Sau cùng, tôi xin thay mặt tất cả đồng đạo cầu chúc cho đất nước Xã hội Chủ Nghĩa cùng người dân một lòng xây dựng đất nước giàu mạnh để mang lại an bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn!

Bình Định, ngày 05 tháng 05 năm 2014
Kính đơn
Võ Thị Thanh Thúy

Đính kèm theo đơn là danh sách chữ ký người nhà của những người đang thụ án và những người có cùng nguyện vọng với chúng tôi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats