Saturday, 1 November 2014

Nếu Cộng Hòa chiếm luôn Thượng Viện (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, October 31, 2014 4:44:58 PM

Ðảng Cộng Hòa đã chiếm đa số tại Hạ Viện từ năm 2010, qua hai lần bầu cử. Trong bốn năm qua các dân biểu Cộng Hòa đã soạn và biểu quyết nhiều dự luật ngược với chủ trương của Tổng Thống Barack Obama. Thí dụ một dự luật cắt giảm thuế suất cho những người giầu nhất nước Mỹ từ 35% xuống 28%, do Dân Biểu Eric Cantor đề nghị. Hoặc dự luật ngân sách năm 2013 của Dân Biểu Paul Ryan, trong đó ông cắt trợ cấp chương trình y tế cho người nghèo (Medicaid, Medical). Các dự luật đó không bao giờ được chuyển tới bàn giấy ông tổng thống, vì Ðảng Dân Chủ có khả năng ngăn lại với 55 ghế ở Thượng Viện. Nghị Sĩ Harry Reid, lãnh tụ khối đa số, nắm quyền soạn chương trình nghị sự, quyết định dự luật nào sẽ được đưa ra thảo luận và biểu quyết. Nếu ông không đưa ra thì coi như bỏ.

Sang năm, Tổng Thống Obama có thể sẽ không còn được che chở với cái “mộc” của ông Reid nữa. Nhiều cuộc nghiên cứu dự đoán đảng Cộng Hòa có thể sẽ chiếm quyền kiểm soát Thượng Viện của đảng Dân Chủ nếu thắng thêm sáu ghế nghị sĩ. Nếu vậy, khi Thượng Viện khai mạc khóa mới vào Tháng Giêng 2015, Nghị Sĩ Mitch McConnell, hiện là trưởng khối thiểu số Cộng Hòa, sẽ lên thay ông Reid - giả thiết rằng chính ông McConnell không thất cử, trong một cuộc chạy đua gay go tới ngày cuối cùng. Mất cái lá chắn là Nghị Sĩ Reid, nếu muốn bác bỏ một dự luật do Quốc Hội đưa qua thì Tổng Thống Obama sẽ phải dùng quyền phủ quyết.

Hiến Pháp Mỹ dành cho các vị tổng thống quyền phủ quyết (veto) các dự luật của Quốc Hội. Muốn vô hiệu hóa một veto (chữ La Tinh, nghĩa là Tôi Cấm), Quốc Hội phải hội đủ hai phần ba số phiếu ở mỗi viện, một điều rất khó. Nhưng khi một ông tổng thống veto, có nghĩa là “sinh sự,” hoặc “khai chiến.” Ông Obama, có lẽ do bản tính, không thích sinh sự với ai. Cho nên trong sáu năm qua ông chỉ veto có hai dự luật, cuối năm 2010. Tổng Thống George W. Bush veto 12 lần, trong hai nhiệm kỳ của ông có sáu năm đảng Cộng Hòa kiểm soát Quốc Hội. Hai vị tổng thống khác cai trị hai nhiệm kỳ gần đây là Ronald Reagan, 78 lần veto, Clinton 37 lần; còn Tổng Thống George H.W. Bush, 44 lần. Vị tổng thống Mỹ duy nhất đã veto ít hơn ông Obama là James Garfield, ông không phải dùng quyền phủ quyết lần nào vì nhậm chức được 200 ngày đã bị ám sát, năm 1881.

Trong hai năm tới, ông Obama có thể sẽ đuổi kịp hoặc vượt qua con số 12 lần veto của ông George W. Bush, nếu các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa quyết định “chiến,” không chịu “hòa.” Nếu Thứ Ba tuần tới đảng Cộng Hòa thắng, họ có thể chọn con đường hòa hoãn, hoặc tấn công. Hòa hoãn tức là Quốc Hội sẽ thông qua những dự luật mà ông tổng thống có thể ký ban hành thay vì phủ quyết. Muốn vậy, Quốc Hội phải chịu chấp thuận một số điều ông tổng thống đề nghị sửa đổi. Ba lãnh vực hai bên có thể tìm cách thỏa hiệp với nhau là tăng thêm số hiệp ước thương mại tự do với nhiều quốc gia khác; giản dị hóa hệ thống thuế vụ; và cải tổ luật lệ về di dân, trong đó giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp.

Ðảng Cộng Hòa cũng có thể chọn đối đầu với Tòa Bạch Ốc. Họ sẽ tấn công ngay vào một pháo đài của chính quyền Obama, là Ðạo luật Cải tổ Y tế, tên chính thức là ACA, “Affordable Care Act,” thường gọi là Obamacare. Ðây là một đề tài gây sôi máu người bên Cộng Hòa từ hơn ba năm nay. Hôm Thứ Ba vừa qua, Nghị Sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa tại Thượng Viện, đã nói trong một phút sơ hở, rằng ông không thấy hy vọng mai mốt sẽ rút lại, xóa bỏ được đạo luật ACA, Obamacare. Ngay sau đó, dư luận trong đảng nổi giận đến nỗi văn phòng của ông McConnell phải ra thông cáo cải chính, nói rằng ông vẫn quyết tâm xóa bỏ đạo luật ACA. Nhưng ai cũng biết rằng ông McConnell có lý. Một dự luật xóa bỏ ACA, dù được Hạ Viện thông qua dễ dàng, muốn qua cửa ải Thượng Viện thì đảng Cộng Hòa phải có đủ 60 phiếu thuận. Mà dù qua được cửa ải khó khăn này rồi, khi chuyển qua Tòa Bạch Ốc chắc chắn ông Obama sẽ phủ quyết. Ðảng Cộng Hòa không đủ số phiếu ở mỗi viện để lật ngược lại.

Chắc các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa sẽ không muốn phí thời giờ thảo luận và bỏ phiếu một đạo luật để xóa Obamacare. Họ có thể vẫn tấn công đạo luật này mà không cần làm luật mới. Mỗi năm Quốc Hội vẫn biểu quyết ngân sách cho việc thi hành đạo luật ACA, Obamacare. Chỉ cần cắt giảm các món chi tiêu y tế, cho các chương trình như Medicaid, Medical, cũng có tác dụng như xóa bỏ Obamacare. Quốc Hội cũng có thể làm các đạo luật hoàn toàn độc lập với Obamacare nhưng khiến cho nó vô hiệu. Thí dụ, một đạo luật cấm sử dụng bảo hiểm y tế trả tiền bác sĩ phá thai. Một đạo luật cấm phá thai sau 20 tuần lễ, đã được Hạ Viện (Cộng Hòa) thông qua, mai mốt có thể sẽ qua ải Thượng Viện. Với những đạo luật nhỏ như vậy, đảng Cộng Hòa có thể cắt, xén dần dần nhiều khoản trong Obamacare. Họ sẽ không đụng tới những điều khoản được đa số dân Mỹ ủng hộ, như bảo hiểm y tế toàn dân, cho con cái được theo bảo hiểm y tế của bố mẹ khi còn học đại học, hoặc cấm các công ty bảo hiểm từ chối thân chủ đã mắc bệnh, vân vân. Nhưng trong Quốc Hội mới đảng Cộng Hòa sẽ không thể làm ngơ về Obamacare được; vì đó là một mục tiêu họ đã tấn công để vận động cử tri từ mấy năm nay rồi. Trong cuộc tranh cử năm nay, đề tài lại được hâm nóng cao hơn; cùng với các khẩu hiệu khác. Bà Joni Ernst, ứng cử viên Cộng Hòa tại tiểu bang Iowa, đã tuyên bố nếu đắc cử bà sẽ “cấm phá thai, cấm hôn nhân đồng tính.” Bà còn dọa sẽ đàn hặc (impeach) Tổng Thống Obama nữa. Nếu bà Joni Ernst thắng thì đảng Cộng Hòa có hy vọng chiếm trên 50 ghế ở Thượng Viện; nếu bà thua thì chắc đảng Cộng Hòa chắc sẽ vẫn đóng vai thiểu số.

Cũng theo đường lối trên đây, đảng Cộng Hòa có thể đưa ra những điều luật tấn công vào các chủ trương của chính phủ Obama. Thí dụ Quốc Hội có thể giảm bớt vai trò của cơ quan bảo vệ môi trường sống, EPA. Họ có thể cắt bớt ngân sách của cơ quan này, hoặc đưa ra những điều luật nhỏ “kèm vào” một dự luật về ngân sách, chỉ cho phép các xí nghiệp năng lượng thải khí và nước độc dễ dãi hơn. Ông tổng thống sẽ phải chấp nhận điều khoản đó, hoặc phải bác bỏ, phủ quyết tất cả bản ngân sách! Nhiều vấn đề khác cũng có thể được giải quyết theo cách này, như giảm bớt quyền hành của cơ quan bảo vệ người tiêu thụ, hoặc kiểm soát các ngân hàng và định chế tài chánh. Phương pháp này đã được Dân Biểu Paul Ryan áp dụng trong hai năm qua. Ông đưa vào ngân sách quốc gia những điều khoản như giảm bớt quỹ học bổng Pell cho sinh viên vay tiền, hoặc cắt bớt trợ cấp thực phẩm (food stamps), giảm ngân sách trùng tu xa lộ, đồng thời cắt thuế suất cho nhà giầu, vân vân. Dự luật của ông Ryan được Hạ Viện (Cộng Hòa) thông qua, rồi bị tắc ở Thượng Viện (Dân Chủ). Sang năm, nếu hai viện vào tay một đảng, việc sẽ dễ dàng hơn.

Với đa số tại cả hai viện Quốc Hội, đảng Cộng Hòa có thể ảnh hưởng tới việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang. Tất cả đều phải được Thượng Viện thông qua. Cho nên trong hai năm tới, Tổng Thống Obama phải chọn, hoặc đề nghị những thẩm phán “vừa mắt” đảng Cộng Hòa, tức là nghiêng về phía bảo thủ; hoặc là ông tổng thống sẽ không thể bổ nhiệm một vị thẩm phán nào mới cả; trong lúc guồng máy tư pháp liên bang hiện đang thiếu thẩm phán vì thủ tục phong nhậm khó khăn. Trong hai năm tới, một thẩm phán tối cao có thể sẽ từ nhiệm, là bà Ruth Bader Ginsburg, đã 79 tuổi. Nếu đảng Cộng Hòa muốn, họ có thể trì hoãn việc bỏ phiếu chấp thuận một vị thẩm phán mới. Trong Tối Cao Pháp Viện còn lại 8 người, thì phe bảo thủ sẽ chiếm bốn, phe cấp tiến chỉ còn ba, một vị được coi là trung lập. Ðến năm 2016, nếu một ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử tổng thống, ông hay bà ta có thể sẽ đề cử ứng viên thẩm phán tối cao thích hợp với Cộng Hòa hơn.

Nếu chiếm được cả hai viện Quốc Hội, đảng Cộng Hòa có thể tạo thêm ảnh hưởng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Việc nhỏ là họ sẽ dùng diễn đàn Quốc Hội mở cuộc điều tra về vụ một đại sứ Mỹ bị quân khủng bố giết ở Benghazi, Libya, trong thời gian bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng. Họ có thể kết tội bà Clinton đã che giấu tin tức về vụ này.

Nhưng diễn đàn Quốc Hội có thể được sử dụng gây những ảnh hưởng lớn hơn. Một đảng nắm quyền Quốc Hội có thể hướng dư luận cả nước quan tâm đến những vấn đề mà họ coi là quan trọng nhất; cũng là các vấn đề mà đảng có câu trả lời được dân chúng thích nhất. Vì chính Quốc Hội là diễn đàn thảo luận các vấn đề của quốc gia, mà nghị trình thì đảng đa số được quyền quyết định. Do đó, trong hai năm tới, đảng Cộng Hòa có cơ hội đưa ra những đề tài lớn, cho báo chí luôn luôn nhắc tới, và khiến dân chúng phải chú ý. Nghĩa là các đề tài trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 sẽ do đảng Cộng Hòa quyết định! Họ có thể muốn dân chúng bàn về chuyện an ninh, quốc phòng, di dân hay hôn nhân đồng tính, họ sẽ làm cho cả nước phải chú ý đến.

Một hành động hỗ trợ được cho bất cứ ứng cử viên tổng thống nào của đảng Cộng Hòa (hiện chưa có ai nổi bật) là làm sao vô hiệu hóa hai năm sau cùng của Tổng Thống Obama. Như vậy, dân Mỹ sẽ chán luôn cả ông Obama lẫn đảng Dân Chủ. Họ có thể biểu quyết các dự luật lớn, được toàn dân chú ý, như thuế khóa, di dân, vân vân, biết trước rằng nội dung không thể được ông Obama chấp nhận. Do đó bắt buộc ông phải veto. Làm như vậy nhiều lần, uy tín của ông tổng thống dần dần xuống thấp. Ðó là chiến thuật mà đảng Dân Chủ đã làm trong hai năm sau cùng của Tổng Thống George W. Bush (2007-08)!

Nhưng các dân biểu, nghị sĩ, dù thuộc đảng nào, cũng lo cho chính họ hơn là lo cho ứng cử viên tổng thống cùng một đảng. Chúng ta cần nhớ lại rằng trong chính trường nước Mỹ, hiện tượng hai ngành hành pháp và lập pháp do hai đảng đối nghịch điều khiển là một chuyện thường tình. Ông Reagan làm tổng thống tám năm, đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ Viện trong bẩy năm rưỡi và chiếm luôn Thượng Viện trong ba năm sau cùng; rồi tiếp tục như vậy suốt bốn năm của ông Bush (cha). Sáu năm cuối (1994-2000) ông Clinton ngồi ở Tòa Bạch Ốc còn đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai viện Quốc Hội. Trong bốn năm cuối của Tổng Thống Bush (Con) hai viện Quốc Hội đều do đảng Dân Chủ chiếm đa số.

Hai đảng trong hai ngành hành pháp và lập pháp vẫn có thể cộng tác với nhau. Năm 1994, Dân Biểu Newt Gingrich dẫn đầu đảng Cộng Hòa chiếm lại hai viện Quốc Hội. Ông thành chủ tịch Hạ Viện, trong khi Nghị Sĩ Bob Dole là trưởng khối đa số ở Thượng Viện. Lúc đầu, hai người cộng tác tấn công tới tấp Tổng Thống Bill Clinton. Quốc Hội thông qua các dự luật hoàn toàn vô ích vì bị tổng thống veto. Năm 1996, Quốc Hội làm chính phủ phải đóng cửa vì hết ngân sách chi tiêu. Nhưng sau đó ông Gingrich đã đổi chiến thuật. Ông cộng tác với ông Bill Clinton để hoàn thành một đạo luật cải tổ an sinh xã hội. Ðây là đạo luật dân Mỹ vẫn chờ đợi mấy chục năm nhưng hai đảng không thể nào đồng ý với nhau. Nhờ hai ngành chính phủ thuộc hai đảng khác nhau cho nên cả hai mới có dịp cộng tác như vậy. Chúng ta sẽ coi ông Obama có mời ông Clinton làm cố vấn về phương pháp cộng tác với đảng Cộng Hòa hay không.

Nhưng liệu đảng Cộng Hòa có toàn thắng, chiếm đa số cả hai viện Quốc Hội hay không? Cho đến nửa đêm ngày Thứ Ba tới, chưa ai dám nói chắc 100%.

---------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats