Sunday, 3 April 2016

TRẬN CHIẾN CHỚP NHOÁNG 1974 : BÀI HỌC RÚT RA TỪ CUỘC ĐỌ SỨC CUỐI CÙNG GIỮA TRUNG QUỐC & VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN BIỂN ĐÔNG (Harry J. Kazianis, The National Interest)





Harry J. KazianisThe National Interest
Trần Ngọc Cư dịch    
3/4/2016        

Một trận đánh diễn ra cực ngắn nhưng ác liệt. Và có lẽ Biển Đông sẽ không bao giờ trở lại như cũ.

*
Trong khi những nhà quan sát tình hình châu Á khắp thế giới tranh luận về những động thái mới nhất của Trung Quốc (TQ) nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông bằng cách xây dựng từng hòn đảo nhân tạo một, chúng ta phải nhớ đến khởi điểm của việc Bắc Kinh mưu tìm địa vị bá quyền trong lãnh hải trọng yếu này: đó là trận đánh ngắn ngủi và đẫm máu với Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] năm 1974 để giành lấy Quần đảo Hoàng Sa. Lịch sử cho thấy rõ ràng chính cuộc đụng độ chớp nhoáng và ác liệt này đã khởi động chuỗi biến cố sau đó – đấy là một trận đánh giữa hai nước châu Á mà cho đến nay nhiều người vẫn chưa hiểu tường tận.

Nhờ đóng góp tuyệt vời của học giả Tiến sĩ Toshi Yoshihara, Giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và là một trong những nhà nghiên cứu về quốc phòng TQ xuất sắc nhất thế giới, bây giờ chúng ta bắt đầu có một cái nhìn sâu sát hơn về cuộc chiến ngắn ngủi này thông qua bản nghiên cứu được công bố gần đây của ông, điều mà ông gọi là “nhát cắt đầu tiên trong việc mổ xẻ một giai đoạn quan trọng nhưng gần như không được đánh giá đúng mức trong quá trình TQ tiến chiếm các biển.” Vị giáo sư đầy uy tín này còn chia sẻ những chi tiết quan trọng về sự kiện trận Hoàng Sa có thể đã ảnh hưởng lên các chiến thuật mà TQ đang sử dựng, trình bày bằng những chi tiết khiến người đọc phải sửng sốt về “cung cách các nhà chiến lược TQ vạch ra chiến thuật của họ để ép buộc, ngăn chặn và đánh bại bất cứ đối phương nào có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.”

Thật vậy, tác phẩm gần đây của Yoshihara đăng trên Tạp chí Định kỳ của Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nhan đề Trận Hải chiến Hoàng Sa 1974: Bản đánh giá Chiến dịch [The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal], là một tác phẩm phải đọc [a must read] đối với bất cứ ai muốn hiểu tường tận hơn về cuộc xung đột ngắn ngủi này cùng với những bài học liên quan áp dụng cho cuộc đọ sức hiện nay trên Biển Đông. Yoshihara giải thích:

“Cuộc đụng độ [tại Hoàng Sa] và hậu quả của nó… đã để lại một di sản vượt ra ngoài kích cỡ của trận đánh và tồn tại mãi trong các quan hệ quốc tế tại châu Á. Cuộc tranh chấp lãnh thổ đã đưa đến trận thủy chiến 40 năm về trước vẫn chưa được giải quyết và còn nhen nhúm hận thù giữa hai dân tộc Việt – Trung. Ngay sau khi Bắc Kinh đặt một giàn khoan trong vùng biển gần Hoàng Sa tháng Năm 2014, các cuộc biểu tình bạo động nhắm vào các công ty TQ đã nổ ra nhiều nơi tại Việt Nam. Trên vùng biển Hoàng Sa, các tàu cảnh sát biển Việt Nam tìm cách phá vòng đai an toàn do các tàu dân sự, bán quân sự, và hải quân TQ tạo ra quanh giàn khoan. Giữa cuộc giằng co này, quan hệ song phương giữa hai nước [cộng sản anh em] một lần nữa tuột xuống những điểm thấp mới. Như vậy, cuộc đọ sức tại Hoàng Sa vẫn chưa chấm dứt hẳn; và những hận thù mà cuộc tranh chấp biển đảo vẫn còn khêu dậy có nguồn gốc từ năm 1974.”

Nhưng còn có rất nhiều điều đáng lưu ý hơn nữa trong bản nghiên cứu dày 24 trang này – chí ít ta có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu toàn diện và rộng lớn. Yoshihara bắt đầu tác phẩm bằng việc duyệt lại khung cảnh địa lý cũng như bối cảnh lịch sử của trận đánh. Rồi ông kể lại những động thái diễn ra trước đó trong vùng tranh chấp lãnh hải này, những nước cờ đã đưa TQ và VNCH đến cuộc đụng độ vũ trang sau cùng. Yoshihara mô tả trận đánh như một thiên anh hùng ca cùng với hậu quả của nó – gần như ông chỉ dựa vào các nguồn tư liệu hiếm hoi từ phía TQ, chúng chủ yếu tạo màu sắc cho bản nghiên cứu của ông. Những nguồn tư liệu này đưa ra một quan điểm rất đáng lưu ý về trận đánh, một cái nhìn tường tận hơn về các quan hệ quân sự – dân sự của Bắc Kinh, hoạt động của hải quân TQ và quan trọng nhất là vai trò của các lực lượng bán quân sự TQ. Cuối cùng, ông kết thúc bản nghiên cứu bằng cách đưa ra nhận định rằng trận Hoàng Sa có thể cho thấy chiến lược tương lai của TQ tại Biển Đông và những hệ quả của nó đối với các nước liên hệ trong lãnh hải châu Á.

Mặc dù việc đào sâu để mô tả thật đầy đủ mọi chi tiết đáng đọc trong bài nghiên cứu dài và xuất sắc này là một nhiệm vụ khó thực hiện trên một blog như thế này, tôi chỉ xin đưa ra đây năm trọng điểm lớn từ tác phẩm của Yoshihara mà các nhà nghiên cứu tình hình châu Á nên quan tâm:

1. Một số trong các chiến thuật mà TQ áp dụng trong Trận Hoàng Sa là rất sáng tạo
“Các tư lệnh chiến trường nhận lệnh ‘tiến nhanh, đánh gần, và đánh mạnh.’ Những tàu nhỏ hơn, nhanh hơn, và gọn nhẹ hơn của TQ cố tình đánh cận chiến (贴身战 [thiếp thân chiến], nghĩa đen, “níu thắt lưng mà đánh”) chống lại các đơn vị VNCH lớn hơn, kềnh càng hơn, và nhả đạn chậm hơn. Chiến thuật này là tiến sát tàu địch đến mức súng trên bong tàu bắn quá mục tiêu. Bằng cách tác chiến trong khi núp vào những điểm mù này, quân TQ vô hiệu hóa tầm bắn xa và khả năng sát thương của hỏa lực địch. Các tư lệnh chiến trường của Hải quân TQ đã chọn một cuộc chiến đấu bằng dao để đánh một kẻ thù đang chờ đợi một trận đấu súng”.

2. Sau khi VNCH thua trận trên biển và trên chính các đảo của mình, có một khoảnh khắc họ đã cân nhắc việc leo thang xung đột, bằng cách tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ
“Bị thua đau, Sài Gòn đe dọa leo thang. Tin tức cho biết Hải quân VNCH gửi hai khu trục hạm đến tăng cường Đà Nẵng và điều sáu chiến hạm trực chỉ Hoàng Sa. Bộ chỉ huy tối cao VNCH cũng báo động tất cả hải, lục, không quân tăng cường tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đích thân ra Đà Nẵng trực tiếp giám sát các lực lượng của ông, được đồn đoán là đã ra lệnh không quân VNCH ném bom lên các vị trí TQ trên Quần đảo Hoàng Sa – trước khi kịp thời hủy bỏ quyết định này. Đồng thời, Sài Gòn yêu cầu sự yểm trợ của Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ, nhưng không được đáp ứng”.

3. Các lực lượng bán quân sự TQ đóng vai trò quan trọng [trong trận Hoàng Sa] – và còn có thể đóng vai trò quan trọng một lần nữa trong một cuộc đụng độ tương lai trên Biển Đông:
“Việc kết hợp dân sự – quân sự trong quyền lực trên biển của TQ, gồm dân quân (militia) và tàu đánh cá, đã đóng góp trực tiếp cho sự thành công của chiến dịch. Lực lượng dân quân, đóng sẵn ở vị trí tiền phương trên Đảo Phú Lâm [Woody Island], hành động tức khắc khi nhận được lệnh khẩn cấp, đã lợi dụng đêm tối lén lút xâm nhập các đảo Đông Nam của Nhóm Lưỡi liềm [the Crescent Group], đánh úp các đơn vị trú đóng của VNCH. Trên thực tế, lực lượng dân quân này đã đẩy lui biệt kích VNCH [Vietnamese commandos] cố chiếm lại đảo ngày hôm sau. Khả năng hành động nhanh nhạy và hiệu quả này đã vô hiệu hóa các mục tiêu hành quân của địch đồng thời mua thời gian cho quân chính qui được huy động trên lục địa Trung Hoa. Rốt cuộc, các lực lượng dân quân đã tham dự vào việc chiếm giữ đảo Hữu Nhật [Robert] và đảo Hoàng Sa [Pattle] giúp TQ kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa.”

Một điểm đáng lưu ý nữa, các tàu đánh cá TQ đã trở thành một vũ khí chiến tranh quan trọng:

“Trong vùng biển Hoàng Sa, các tàu đánh cá số 402 và 407 là những tàu tiếp ứng đầu tiên. Trong nhiều tháng trước khi trận hải chiến diễn ra, các tàu đánh cá TQ đã duy trì sự hiện diện ngay từ đầu tại Quần đảo Hoàng Sa đồng thời khẳng định yêu sách chủ quyền tại các đảo này bằng cách cắm cờ TQ ở đấy. Sau đó các tàu đánh cá đã gửi những cảnh báo sớm nhất đến bộ chỉ huy trên đất liền khi những tàu chiến đầu tiên của VNCH đến Quần đảo Hoàng Sa. Các thuyền trưởng tàu đánh cá cũng cung cấp tin tình báo chiến thuật cho các tư lệnh Hải quân TQ đang tham gia chiến dịch trong vùng. Các tàu đánh cá này đã giúp vận chuyển các toán dân quân vào các đảo Quan Hà [Duncan], Duy Mộng [Drummond] và đảo Cọ [Palm Island] đêm trước trận đánh và cung cấp phương tiện để tiến hành các cuộc đổ bộ lên các đảo Việt Nam sau khi các chiến hạm VNCH tháo chạy. Các tàu đánh cá cũng đóng vai trò bản lề trong việc tiếp cứu tàu quét mìn số 389 đang bị thiệt hại nặng”.

4. Một bài bản của TQ có xuất xứ từ trận Hoàng Sa 1974: Xâm nhập bãi cạn Scarborough
“Hành vi của TQ trong vụ bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy những lựa chọn chiến thuật mang dư âm của trận chiến TQ – VNCH năm 1974… Cuộc khủng hoảng gần đây bắt đầu khi một máy bay trinh sát Philippines phát hiện năm tàu đánh cá TQ gần bãi cạn Scarborough, nằm về phía Tây đảo Luzon khoảng 200 km…
“Tương tự như các tàu đánh cá được vũ trang đã đóng một vai trò vượt ra ngoài kích cỡ của chúng suốt chiến dịch Hoàng Sa, các tàu dân sự và bán quân sự chủ yếu can dự vào vụ bãi cạn Scarborough. Các tàu cá TQ đã châm ngòi cả hai cuộc khủng hoảng bằng cách tham gia các hoạt động mà theo quan điểm của các đối thủ tranh chấp chủ quyền là bất hợp pháp và khiêu khích. Các tàu dân quân năm 1974 và các tàu bán quân sự năm 2012 đóng chức năng tuyến phòng thủ đầu tiên [the first line of defense] của TQ, giúp thăm dò ý định và khả năng của các đối thủ đồng thời khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Các tàu không trực tiếp chiến đấu này được Hải quân TQ bảo vệ ngay cả trong khi chúng làm tai mắt cho Hải quân TQ. Sự hỗ tương này đã giúp TQ đánh giá các tình huống chiến thuật; bày tỏ quyết tâm mà không cần phải quân sự hóa cuộc đối đầu trong những giai đoạn sơ khởi; rà soát mức độ áp lực cần thiết để lung lạc ý chí của đối phương; và nếu nỗ lực ngăn chặn thất bại, thì sử dụng vũ lực.

“Tính cách dân sự của những tàu TQ này đã hạn chế hoạt động của hải quân các nước đối thủ. Hải quân VNCH và Philippines rõ ràng không muốn bắn vào các tàu dân sự được trang bị nhẹ hoặc không vũ trang, sợ có nguy cơ gây ra một cuộc leo thang nghiêm trọng hoặc chuốc lấy những hậu quả bất lợi về ngoại giao. Vì thế, hải quân của cả hai nước nói trên chỉ còn cơ động và đặt mình vào vị trí vô dụng trong nỗ lực trục xuất tàu TQ.

5. Hoa Kỳ và các đồng minh hoặc các đối tác phải rút ra những bài học nào?
“Sẽ là điều khá lạ lùng, nếu quân đội TQ [2016] hùng mạnh hơn năm 1974 rất nhiều lại gây ra những đụng độ không cần thiết như trận Hoàng Sa. Thay vào đó, TQ có thể dựa nhiều hơn vào các tàu hải giám – công cụ đặc biệt của TQ nhằm tạo áp lực trên biển trong những năm gần đây – để quyết đoán các yêu sách lãnh thổ trong khi hải quân TQ đứng ngay đằng sau chân trời để hậu thuẫn các đơn vị không trực tiếp chiến đấu như thế. Vụ bãi cạn Scarborough và căng thẳng về đảo Sensaku/Điếu Ngư hiện nay chứng minh hùng hồn sự kết hợp dân sự – quân sự trong quyền lực trên biển của TQ. Bằng cách này, các phương tiện quân sự cổ điển ngày càng hùng hậu của TQ sẽ tăng cường hơn nữa các lực lượng phi chính qui để áp đặt ý chí của TQ lên các đối thủ có tuyên bố chủ quyền. Sự thể chỉ một mình TQ – chứ không phải những đối thủ yếu thế hơn – có cái lựa chọn leo thang xung đột làm cho yếu tố hăm dọa [the intimidation factor] trở nên đáng sợ gấp bội. Trên thực tế, sự hiện diện lấp ló ở chân trời của Hải quân TQ có thể làm cho một đối thủ phải xuống nước trước trong một cuộc khủng hoảng, như rõ ràng đã diễn ra trong cuộc đối đầu Scarborough.”

Mặc dù bản tóm lược cực ngắn của tôi có vẻ bất công đối với bản nghiên cứu gốc rất hấp dẫn của Yoshihara, nhưng có một điểm thật rõ ràng: vận dụng các binh pháp hỗn hợp không phải là một điều mới lạ, mà là một bộ phận quan trọng trong chiến sách hiện nay của TQ, vốn phát xuất nhiều thập niên trước từ trận Hoàng Sa – đây là điều mà Washington cần phải chú ý trong những năm tháng sắp tới. Và thậm chí chúng ta càng có nhiều lý do hơn nữa để luôn nhớ kỹ là phải nghiên cứu lịch sử để rút tỉa những bài học quí giá có liên quan tới thời đại chúng ta đang sống.

H. K.

Harry Kazianis (@grecianformula) là một Học giả Cao cấp không thường trú về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích Quốc gia [Center for the National Interest], một Học giả Cao cấp không thường trú tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối với Trung Quốc [China Policy Institute], đồng thời là một nhà nghiên cứu về các vấn đề An ninh Quốc gia tại Sáng hội Potomac [Potomac Foundation]. Ông là cựu Biên tập viên Điều hành của Tạp chí National Interest và là cựu Tổng biên tập của Tạp chí The Diplomat.

Đề nghị đọc thêm bản nghiên cứu gốc của GSTS Toshi Yoshihara, “The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal”:

Dịch giả gửi BVN.






No comments:

Post a Comment

View My Stats