Đăng
ngày 04-04-2016
.
Tòa nhà Arango Orillac
tại Panama, nơi có trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca, khởi điểm của vụ bê bối
thế kỷ Panama Papers (Ảnh chụp ngày 03/04/2016).REUTERS/Carlos Jasso
« Panama papers
», vụ tai tiếng thế kỷ bắt đầu lan ra khắp thế giới. Hàng chục nguyên thủ quốc
gia, con cháu, thân cận của họ, từ Tập Cận Bình đến Vladimir Putin, từ các ông
hoàng dầu hỏa đến tổng thống một số quốc gia châu Phi nghèo đói, đã bị phát hiện
là khách hàng của hệ thống trốn thuế lừa đảo này.
Từ
chiều Chủ nhật 03/04/2016, hơn 100 cơ quan truyền thông quốc tế công bố danh
sách tài sản hàng tỷ đô la cất giấu tại các thiên đường thuế, qua công ty bình
phong đặt ở Panama, Trung Mỹ. Đây là vụ « lộ tẩy » kỷ lục
trong lịch sử báo chí với 11,5 triệu tài liệu, giờ được gọi là vụ « Panama papers », nhiều gấp 10 lần
tai tiếng Offshore Leaks, công bố
vào năm 2013.
Các tài liệu từ tổ hợp luật sư Panama Mossack Fonseca cho thấy, trong số những người
tẩu tán tài sản có 140 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính trị hàng đầu thế
giới. Panama Mossack Fonseca, với mạng lưới 214.000 công ty bình phong, trải rộng
ở 21 thiên đường trốn thuế, tuy không hẳn là trái phép nhưng công việc của họ
là giấu tài sản tẩu tán cho khách hàng qua những tên vay mượn.
Vì
thế mà « tiền sạch » trộn lẫn với « tiền bất chính »,
tiền trốn thuế pha với tài sản của xã hội đen, mãi dâm, ma túy, thu nhập của
các ngôi sao thể thao, các nhà tài phiệt nằm chung với tiền tham ô của các vị tổng
thống, chủ tịch nước, thủ tướng, hay thân nhân của những người này từ Âu sang
Á, từ Trung Đông đến châu Mỹ la tinh.
Trong
danh sách được công bố từ chiều Chủ nhật 03/04/2016 từ 107 toà soạn báo chí,
truyền thanh truyền hình trên khắp địa cầu, người ta thấy có tên tuổi của thân
nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu thủ tướng Lý Bằng, con gái cố lãnh đạo
Đặng Tiểu Bình, hai người đã ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên và công nhân
Trung Quốc ở Thiên An Môn, trong phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989. Con trai của
thủ tướng Malaysia cũng ở trong danh sách này.
Ở
châu Âu có tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú tổng thống Ukraina Petro
Porochenko, thân phụ của thủ tướng Anh David Cameron.
Hồ
sơ "Panama papers" đã được xử lý như thế nào ?
Các
cơ quan báo chí đối tác của Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) đã
tham khảo trên 11,4 triệu tài liệu, với tổng cộng 2,6 téraoctet dữ liệu. Cụ thể
họ đã tiếp cận và xử lý các dữ liệu này như thế nào ?
Phần
đầu gồm có hồ sơ đăng ký của 214.488 công ty offshore (công ty bình phong đặt ở
hải ngoại). Mỗi công ty có một loạt tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau (PDF,
Word, bảng tính, file âm thanh…). Nhưng chủ yếu là các email và các thư từ được
scan lại, biểu thị hoạt động thường nhật của Mossack Fonseca. Đại đa số bằng tiếng
Anh, nhưng cũng có một số tài liệu tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Hoa ngữ.
ICIJ
đã trang bị những công cụ rất mạnh để giúp khai thác số dữ liệu khổng lồ này, kể
cả những tài liệu được scan. Có hai cách
tiếp cận.
Cách thứ nhất là tìm kiếm bằng những
cụm từ, ví dụ như « hộ chiếu Pháp », hy vọng dẫn đến những cái tên
cụ thể. Hoặc dùng những từ chuyên môn của Mossack Fonseca như « PEP »(người
nhiều rủi ro chính trị), « UBO » (người thụ hưởng cuối cùng), «
Due Diligence » (kiểm tra nhân thân khách hàng).
Cách thứ hai là lập trước các
danh sách. Chẳng hạn danh sách các dân biểu Pháp, các bộ trưởng từ thập niên
80, hay 500 người giàu nhất nước Pháp, các nguyên thủ thế giới, đội tuyển bóng
đá Pháp…rồi từ đó mới đi tìm. Nếu một người sở hữu đến năm công ty khác nhau thì
thời gian nghiên cứu cũng tăng theo cấp số nhân.
Dù 107 ban biên tập các báo của nhiều nước phải mất đến một
năm để đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng không ai có thể lục lọi toàn bộ rừng dữ
liệu khổng lồ của « Panama papers ». Vì chỉ nghiên cứu những
tài liệu mới nhất, nhiều người vẫn có thể lọt lưới nếu bị nêu trong những tài
liệu cũ, hay chỉ có tên trong danh sách viết tay. Hoặc là họ sử dụng dịch vụ của
những công ty cạnh tranh với Mossack Fonseca, mượn tên người thân để đăng ký…
Cũng
như trong các vụ « OffshoreLeaks », « SwissLeaks », các tờ báo tham
gia chiến dịch chỉ đăng kết quả điều tra của các nhà báo chứ không công bố toàn
văn các tài liệu có được, vì « Panama Papers » còn chứa nhiều
thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại…
--------------------------
Đăng
ngày 04-04-2016
Vụ Panama papers phát
giác hàng ngàn trường hợp tẩu tán tài sản qua các thiên đường thuế đang làm chấn
động dư luận thế giới. Danh tính những người thân trong gia đình của các quan chức
cao cấp Trung Quốc bị chỉ đích danh đã đứng tên nhiều công ty bình phong ở các
thiên đường thuế để tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Có
ít nhất 8 cái tên liên quan trực tiếp đến các nhân vật trong giới lãnh đạo chóp
bu của đảng Cộng Sản Trung Quốc được nêu trong các tài liệu điều tra của vụ
Panama papers.
Trong
số nhiều người thân cận hoặc trong gia đình của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc,
đáng chú ý là những cái tên liên quan đến chủ tịch Tập Cận Bình, tác giả của
chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn ở Trung Quốc.
Đó
là Đặng Gia Quý, chống của chị gái ông Tập Cận Bình. Theo tiết lộ
điều tra của các nhà báo, năm 2009, khi ông em vợ còn đang là ủy viên thường trực
Bộ Chính Trị, ông Đặng Gia Quý là cổ đông duy nhất của hai công ty đóng trên quần
đảo Virgin của Anh Quốc, một thiên đường trốn thuế nổi tiếng.
Năm
2012, ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình
đã phát động một chiến dịch rầm rộ chống tham nhũng nhằm làm trong sạch nội bộ
đảng, đồng thời cũng để củng cố vị thế quyền lực tuyệt đối của mình.
Nhưng
thật trớ trêu, cũng trong năm đó, một điều tra của hãng tin Bloomberg News phát
giác ra các khoản tiền đầu tư lên tới 365 triệu đô la của gia đình khi ông Tập
còn là phó chủ tịch nước. Một phần của khối tài sản trên được đặt vào công ty của
Đặng Gia Quý.
Một
cái tên khác được nêu trong điều tra Panama papers là Lý Tiểu
Lâm, con gái Lý Bằng, nguyên thủ tướng Trung Quốc ( 1987-1998). Cùng
với chồng, Lý Tiểu Lâm quản lý một quỹ đầu tư tại Lechtenstein. Riêng bà Lý còn
quản lý một công ty đăng ký tại quần đảo Vierges. Thời điểm đó bố bà vẫn còng
đương nhiệm thủ tướng Trung Quốc.
Cháu gái của ông Giả Khánh Lâm, cựu ủy viên thường
trực Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng một mình là chủ nhiều công ty
bình phong ở hải ngoại với mục đích bí mật kiểm soát các hoạt động tài chính của
các tập đoàn ở Trung Quốc.
Tài
liệu « Panama papers » còn gián tiếp nhắc đến cái tên Bạc Hy Lai, quan chức chóp bu của đảng bị
ngã ngựa khi nêu tên Pattrick
Devillers. Vị kiến trúc sư người Pháp này từng có quan hệ mật thiết với
« hoàng tử đỏ » họ Bạc. Ông này đã giúp vợ Bạc Hy Lai thông qua một công ty
bình phong để chuyển tiền mua một biệt thự sang trọng tại Pháp. Thương vụ này
được thực hiện bằng tiền của một doanh nhân giàu có Trung Quốc hối lộ cho gia
đình Bạc Hy Lai.
Những
tiết lộ mới này chỉ là phần bổ sung thêm cuộc điều tra, cũng do ICIJ tiến hành
từ tháng Giêng năm 2014. Tài liệu trên đã cho biết gần 22 nghìn khách
hàng giàu có gốc Trung Quốc lục địa hoặc Hồng Kông đã dính líu vào các hoạt động
chuyển ngân mờ ám qua các công ty « bình phong ».
Trong
danh sách vừa được ông bố còn xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú trong giới
doanh nhân Trung Quốc, ít nhiều có liên hệ với các cựu lãnh đạo chính trị từ Đặng
Tiều Bình, chủ tịch, tổng bí thư Hồ Cẩm Đào hay thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Người
ta còn nhớ, năm 2012, nhật báo Mỹ New York Times đã cho công bố một tài liệu điều
tra đánh giá tài sản của gia đình ông cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo lên tới 2,7 tỷ
đô la. Ngay sau đó qua báo chí chính thống, Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận gay
gắt các thông tin của nhật báo Mỹ.
Ở
Trung Quốc, tài sản của các lãnh đạo đất nước vẫn luôn là chuyện nhạy cảm và bị
chính quyền kiểm duyệt nghiêm ngặt, để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những
vị quan chức vẫn được tô vẽ là công bộc của dân.
Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi thấy hôm nay báo chí Trung Quốc cũng ồn ào đưa tin các phát giác vụ Panama papers liên quan đến các nhân vật nước ngoài, thế nhưng họ lại tuyệt nhiên không đả động gì đến những danh tính người Trung Quốc nổi bật.
Trong
khi địa chỉ trang mạng của ICIJ bị chặn tại Trung Quốc, chủ đề này cũng đang được
giám sát rất chặt chẽ trên mạng xã hội nội địa Vi Bác (Weibo).
No comments:
Post a Comment