Ngô Nhân Dụng
Tuesday,
April 5, 2016 4:30:27 PM
Trong
Hồ Sơ Panama có người nào họ Nguyễn không? Hoặc họ Trần, hay họ Lê, họ Phùng
cũng được. Nhiều người chắc sẽ thất vọng nếu trong số 140 nhân vật được nêu tên
trong hồ sơ này không có người Việt nào cả. Và tất nhiên cũng có một số người
vui mừng.
Người
vui mừng có lý do. Thứ nhất là họ không thấy tên mình. Có tên trong bảng vàng
đó không danh giá chút nào. Tất cả các tên tuổi được nêu ra trong danh sách đều
giầu sụ nhưng nguồn gốc tài sản thì không biết ở đâu ra. Nghĩa là khả nghi: Người
ta sẽ hỏi, đây là tiền ăn trộm ăn cướp, ăn hối lộ hay buôn lậu? Tại sao ông
Vladimir Putin có hai tỷ đô la Mỹ? Có tỷ phú nào đó hâm mộ ông, mỗi năm đến Tết
lại xách một túi tiền đến tặng ông chăng? Tiền đâu mà ông em vợ Tập Cận Bình lại
làm chủ những công ty ở ngoại quốc trị giá hàng trăm triệu đô la? Nhiều đảng
viên Cộng Sản Việt Nam chắc cũng mừng nếu thấy không có đồng chí lãnh tụ nào của
họ dính trong hồ sơ mới bị tiết lộ từ công ty cố vấn pháp luật Mossack Fonseca
tại Panama. Vì rút dây động rừng, thằng trên dính cấp trên thì thằng dưới sẽ
dính, cấp thấp hơn.
Rất
nhiều người sẽ thất vọng khi không thấy tên Việt Nam nào dính, trong khi ai
cũng biết bọn tham quan đã vơ vét hàng triệu, hàng tỷ đô la nhờ độc quyền lãnh
đạo của đảng Cộng Sản. Ai cũng muốn vạch mặt chỉ tên bọn chúng! Nhưng nếu nước
Việt Nam không có ai góp mặt trong danh sách Panama này thì cũng dễ hiểu: Nước
mình còn nghèo. Trong một nước nghèo thì ngay đến phường trộm cắp cũng nghèo,
các cô gái giang hồ cũng nghèo hơn người ta. Bọn “cướp ngày là quan” cũng khó
tích tụ được tài sản hàng tỷ Mỹ kim nếu mỗi trận đánh lớn như Vinashin nếu ăn cắp
được bạc tỷ thì cũng phải chia trên chia dưới, anh ăn nhiều nhất cũng chỉ nuốt
được mấy trăm triệu. Chưa đủ giầu để thuê công ty Mossack Fonseca rửa tiền
giúp.
Hãy
coi cả nước Tàu, dân đông hơn 10 lần nước mình, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn được
Cộng Sản Việt tôn làm thầy, thế mà cũng chưa có đến 10 tên Trung Hoa trong danh
sách 140 người. Nhưng nhìn vào các tên tuổi đó người ta cũng thấy một đặc tính,
là các lãnh tụ Cộng Sản không những chỉ ăn cướp để lo cho đời mình mà còn lo cho
con, cho cháu, chắt và anh chị em nữa. Trong danh sách ngoài tên của em vợ Tập
Cận Bình ra, còn có tên cô con gái của Lý Bằng, viên cựu thủ tướng đã tàn sát
sinh viên và công nhân tại Thiên An Môn năm 1989; còn tên một cháu nội hay cháu
ngoại của Giả Khánh Anh, một thành viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung Cộng.
Ðúng
là một truyền thống Á Ðông: Một người làm quan cả họ được nhờ!
Các
lãnh tụ Cộng Sản cố bám lấy quyền hành là để bảo vệ các quyền lợi cho gia đình,
tới đời con, đời cháu còn được hưởng. Những tay ăn trên ngồi trốc này muốn đảng
Cộng Sản tiếp tục nắm quyền, ít nhất trong đời họ, để bảo vệ tài sản “đời cha
gian khổ củng cố đời con.”
Nhưng
còn các đảng viên Cộng Sản cấp thấp, không có khả năng ăn hối lộ hàng triệu Mỹ
kim, họ có thấy cần bảo vệ độc quyền cai trị của đảng hay không?
Một
độc giả Người Việt gần đây mới viết thư nhắc tới mối lo lắng của nhiều đảng
viên lớn tuổi trong đảng Cộng Sản Việt Nam: Họ lo lắng về cái sổ lương hưu. Suốt
đời họ phục vụ đảng, nghĩ rằng họ đang phục vụ đất nước. Ðến tuổi già, họ chỉ
trông cậy vào sổ lương hưu. Bọn tham quan còn có những nguồn lợi mánh mung được;
để của tới đời con, đời cháu còn dư dả. Nhưng các đảng viên bình thường thì chỉ
có sổ lương hưu. Họ lo sẽ không còn được lãnh lương hưu nếu chế độ Cộng Sản sụp
đổ. Vì vậy, dù chán ngấy cái chế độ độc ác đang lụn bại, nếu nó cứ tiếp tục cai
trị, ít nhất cho đến khi họ qua đời, thì họ an tâm hơn. Họ không dám đấu tranh
thay đổi chế độ.
Nhiều
đảng viên Cộng Sản khác còn mang nỗi lo lắng lớn hơn quý vị lão thành về hưu kể
trên. Không những lo mất tài sản, tiền bạc, nhiều người còn lo mạng sống, lo cả
cho con cháu! Con cái rồi không biết mình làm được nghề ngỗng gì ngoài cái nghề
đảng viên, nghề cấp ủy cha truyền con nối.
Cho
nên dù biết thế giới này sẽ không còn chế độ Cộng Sản nào nữa, nhiều đảng viên
bình thường vẫn cố bảo vệ cho nó sống càng lâu càng tốt, trong khi chính họ tìm
đường hạ cánh an toàn. Khẩu hiệu “Ðảng còn thì mình còn” không phải chỉ đúng
trong giới công an.
Vì
vậy, bây giờ là lúc nên nhắc lại một đề nghị đã được đưa ra tại Ba Lan trong thập
niên 1980: Mua lại đất nước đang bị đảng Cộng Sản chiếm làm vật sở hữu. Chúng
tôi đã nhắc tới đề nghị này trong cuốn Ðổi Mới Kinh Tế, ký tên Vương Hữu Bột,
in năm 1989 trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Trong thập niên 1980, người Ba
Lan đã nảy ra sáng kiến này: Mặc cả với đảng Cộng Sản để mua lại nước Ba Lan.
Trả giá nào thì hai bên có thể thuận mua, vừa bán?
Các
giáo sư kinh tế học hồi đó đã tính toán, theo phương pháp thuần túy nghề nghiệp
của họ: So sánh phí tổn với lợi ích. Làm cách mạng lật đổ chế độ sẽ tốn kém rất
nhiều, cả mạng người lẫn tài sản bị phá hủy. Nếu các lãnh tụ Cộng Sản đồng ý trả
lại nước Ba Lan cho người dân tự quyết định chọn người quản trị, thì sẽ tránh
được những phí tổn đó. Nhưng đổi lại, họ sẽ nhận được cái gì? Nói cách khác,
cái giá mà dân Ba Lan phải trả để cho các lãnh tụ Cộng Sản rời khỏi chính quyền
là bao nhiêu? Nếu cái giá đó thấy rất thấp so với phí tổn nếu làm cách mạng,
thì nên mua!
Công
cuộc chuyển giao quyền hành ở Ba Lan từ năm 1989 không phải là kết quả của một
cuộc thương lượng theo kế hoạch “mua lại” kể trên, nhưng có thể cũng chịu ảnh
hưởng của ý kiến này.
Trước khi bàn đến giá
cả trong cuộc mua lại nước Việt Nam từ tay đảng Cộng Sản, phải giải thích tại
sao chính các đảng viên Cộng Sản, cả những lãnh tụ đang hốt bạc và sắp hốt bạc,
lại có thể đồng ý tham dự cuộc mặc cả mua bán này.
Chúng
tôi xin phân tích theo lối kinh tế học, do thói quen nghề nghiệp. Bất cứ ai,
khi phải lựa chọn nhiều con đường kinh doanh, cũng muốn chọn đường nào ít rủi
ro nhất. Phải đem so sánh lợi nhuận có thể đạt được cùng một lúc với những may
rủi sẽ phải chấp nhận.
Ðối
với các đảng viên Cộng Sản đang có cơ hội khai thác doanh lợi nhờ đảng nắm quyền,
thì có hai con đường trước mắt họ: Một là cố bám lấy quyền hành của đảng. Hai
là chuyển nhượng quyền cho dân Việt Nam tự cai trị lấy. Còn nắm quyền tức là
còn thu lợi, lợi rất lớn. Nhưng cũng rất nhiều rủi ro. Một mối lo là không biết
lúc nào đảng có thể tan rã, mất chính quyền vì dân uất ức, rồi đảo chính, rồi
cách mạng. Rủi ro cụ thể hơn nữa là chế độ Cộng Sản vẫn còn nhưng mình và phe
cánh mình mất quyền. Vụ này cũng không biết lúc nào xẩy ra. Ðang làm chủ tịch
nước, đang làm thủ tướng, làm bộ trưởng, vụ trưởng, đùng một cái chúng nó bảo
mình xuống, cho đứa khác lên ngồi! Bao nhiêu ông thầy bói không ông nào báo trước
cho cái biến cố bất ngờ đó!
Không
những mất cơ hội làm giầu, tài sản có thể mất nếu chúng nó giở trò chống tham
nhũng ra truy tầm nguồn gốc tài sản của mình, mạng mình cũng có thể mất nữa. Một
lãnh tụ Cộng Sản dùng chính sách thuê bọn côn đồ đánh người, cũng không biết đến
lúc nào sẽ có đứa nó cũng thuê côn đồ đánh vợ mình, con mình!
Cho
nên ngay trong hàng ngũ các cán lớn, cán nhỏ, ai cũng muốn tìm xem có con đường
nào cho cuộc sống bớt rủi ro hơn. Những lãnh tụ và đảng viên giầu nhất cũng có
thể đồng ý đem bán lại chính quyền cho đám dân bị trị, họ chấp nhận hưởng lợi
nhuận thấp hơn nếu tránh được hoặc ít nhất bớt được rủi ro.
Những
người có tài sản đều muốn sống trong một xã hội có pháp luật, bảo vệ tài sản tư
nhân. Tài sản càng lớn thì nhu cầu đó càng cao. Con mình nó còn giữ được chức vụ
đấy, vẫn có thể làm ăn được đấy, nhưng có lo bị chúng nó dùng thủ đoạn chặn đầu
chặn đuôi, rồi đè con cháu mình xuống tới đất đen hay không? Xã hội Cộng Sản là
nơi bất trắc nhất đối với những người có tiền. Chính các đảng viên Cộng Sản khá
giả cũng muốn thoát!
Một
cách tránh rủi ro thông dụng nhất hiện nay là đi, dậy mà đi... ra nước ngoài.
Nhiều lãnh tụ, quan chức Trung Cộng và Việt Cộng đã đưa con cái qua Mỹ qua Úc,
Canada sống, chuyển tài sản ra gửi ngân hàng nước ngoài. Nhưng đa số vẫn còn kẹt
cứng trong chế độ cộng sản! Nếu có cơ hội thay đổi, chính họ cũng muốn thay đổi,
miễn là họ có thể hạ cánh an toàn.
Cho
nên, ý kiến “Mua lại nước Việt Nam” có thể thực hiện được. Có người đã bắt đầu
bàn đến giá cả mua bán ra sao. Chẳng hạn, một cái giá được tung lên như trái
bóng thử khí tượng, là chấp nhận cho đảng Cộng Sản tiếp tục hoạt động sau khi
dân Việt Nam được tự do cai trị lấy mình, không bị đứa nào đè đầu xuống. Ðiều
kiện này có thể tính ra coi tương đương với bao nhiêu tiền. Chắc ai cũng đồng ý
“giá tối thiểu” là tất cả các đảng viên, cán bộ sẽ được tiếp tục lãnh lương
hưu, và đồng lương hưu sẽ tăng lên kịp với tỷ lệ lạm phát. Có lẽ đồng bào chúng
ta nên bắt đầu thảo luận về vấn đề này, càng sớm, càng nhanh và càng nhiều người
góp ý càng tốt. Cần làm nhanh, vì chúng ta có thể bị cạnh tranh. Luôn luôn đề
cao cảnh giác sẽ có người hiến giá cao hơn mình, đó là ông Tập Cận Bình!
No comments:
Post a Comment