Chủ Nhật, ngày 03 tháng 4 năm 2016
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường tạ thế ngày 24.3.2016 sau thời gian ngắn khoảng 5 tháng khi từ Mỹ quay về sống những ngày cuối đời tại Việt Nam với di nguyện được gởi nắm tro tàn bên cạnh mẹ ở quê hương. Ở tuổi đời 81, ông vẫn là người độc thân và có những công trình nghiên cứu không những về mảng lịch sử gần như bị lãng quên mà còn là người giải mã những giá trị văn hóa tâm linh trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đánh giá: “Tác giả đã giúp diễn biến của Việt từ thời tối cổ cho đến thời cận đại, qua đó mà hiểu thêm diễn biến của tín ngưỡng thờ thần của dân tộc ta, đi sâu vào cuộc sống tâm linh của dân tộc qua các thời đại”, khi đề cập đến tác phẩm “Thần, người và Đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường, tái bản tại Việt Nam năm 2006 nằm trong số hàng chục tác phẩm nghiên cứu qua 21 năm định cư ở nước ngoài. Tưởng chừng cuộc đời anh sẽ chấm dứt lặng lẽ, nhưng không ngờ khi anh mất đi có nhiều báo, tạp chí trong nước đưa tin với những bài viết về sự nghiệp nghiên cứu của anh đã đóng góp cho lĩnh vực văn hóa, lịch sử đất nước một cách khâm phục, đó là điều rất đặc biệt. Như giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh, chủ biên tập san Sử Địa- Sài Gòn trước 1975, đã nhận xét: “Tạ Chí Đại Trường luôn sẵn sàng chấp nhận một sự chung thân với truyền thống xa xưa của các sử gia xứng với tên gọi này”. Tạ Chí Đại Trường có một bút pháp rất riêng, nhẹ nhàng giàu cảm xúc cùng với cái nhìn riêng biệt nhưng thật sự nghiêm túc, khoa học và chân xác. Thật hiếm có một nhà nghiên cứu sử học nào được các nhà sử học trong và ngoài nước có những ghi nhận với lòng trân trọng như thế.
Trở lại
chuyện đời thường. Tôi có cơ may sống bên anh tại Quân y viện Đoàn Mạnh Hoạch từ
khoảng đầu năm 1969 đến năm 1972. Đơn vị này đóng bên cạnh phi trường quân sự
Phan Thiết (Bình Thuận) có tên Camp ESEPIC, xung quanh là bãi tha ma nối dài đến
Bia Đài- Cổng Chữ Y, cách trung tâm thị xã Phan Thiết khoảng 3 cây số. Khi Tạ
Chí Đại Trường từ một đơn vị quân y của Thủy quân lục chiến về với cấp bậc
Trung úy, là sĩ quan hành chánh quân y. Anh được giao chức vụ Trưởng phòng Tiếp
liệu của Quân y viện. Dáng người anh cao lêu nghêu, lại đeo kính cận không có
gì mang vẻ một người lính của binh chủng dữ dằn với bộ quân phục rằn ri như lúc
mới trình diện. Lúc đầu, tôi có chiếc mobylette, muốn nổ máy phải bật chân chống
lên đạp mấy tua rồi mới chạy được. Tôi chở anh đi quanh khắp thị xã nhỏ này, nhưng
anh thích nhất là đến dinh Vạn Thủy Tú, Chùa Ông, chùa Bà và đồi Phú Hài… Anh
mê mẩn với từng câu đối, hoành phi chữ Hán nhưng không bao giờ ghi chép mà chỉ
lẩm nhẩm trong miệng như người lẫn tính. Những gì anh nhìn thấy bao giờ anh
cũng đặt câu hỏi và cuối cùng cũng chính anh tự trả lời. Những ngôi mộ cổ trên
Lầu Ông Hoàng, anh phân ra nào là mộ của người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến…
qua kiểu xây, họa tiết. Theo anh, các bài vị của người chết, tử nạn trên biển
thờ cúng tại Chùa Ông, đền miếu của các bang Hoa kiều còn có ý nghĩa nhắc nhở
người sống đừng xa rời tinh thần quê hương. Chùa Ông uy nghi với với lễ hội
nghinh Ông, múa rồng trong màu sắc rước đèn, chưng cộ rầm rộ trở thành tập tục
từ sự thờ cúng vị anh hùng mặt đỏ đất Ba Thục. Qua đó người ta có thể tìm ra
trong văn hóa Nam hà những yếu tố dị biệt với Bắc hà do bởi ảnh hưởng Trung Hoa
nam Trường Giang và cận đại.
Thực ra
công việc hành chánh cũng khá nhàn nhã, trừ khi nghe tiếng trực thăng Shinook
đáp xuống khoảnh đất cạnh Quân y viện với hàng chục chiếc băng ca chuyển lính
trận bị thương về mới thấy chuyện bận rộn, kinh hoàng. Khi nghe Hồ Tà Dôn, một
nhà thơ trẻ trong nhóm văn nghệ ở Phan Thiết, ở Phú Hài vừa san ủi đất công
trình đã lộ ra một số chum sành có nhiều đồng tiền cổ, Tạ Chí Đại Trường vội đến
ngay, không biết bằng cách nào anh xin được vài chục đồng tiền điếu, có xu đã
mòn hết chữ nhưng cẩn thận xếp vào valy sưu tập cất ở đầu giường. Sau này,
không hiểu sao valy tiền cổ bị mất cắp, anh như người mất cả hồn phách, rồi cạo
trọc đầu và trông anh thất thểu. Trong quân đội cấm lính để râu, cạo trọc nhưng
là đơn vị chuyên môn cho nên cấp trên cũng lờ đi. Khi làm tập san Quê Hương
(1969) do Lê Văn Chính, Nguyễn Bắc Sơn đứng ra vận động, tôi và anh cùng dự họp
các buổi ban đầu tại nhà của Sơn, số 1 đường Chu Văn An, đến số thứ 2 cũng là
cuối cùng thì anh đã rời Phan Thiết. Với bài biên khảo “Phan Thiết, thành phố
trong khuôn khổ” anh có một cái nhìn khá thú vị: “Phan Thiết, cái tên thông tục
của danh từ Mân Thít từ sử sách nhà Nguyễn, chuyển âm của một làng chài xứ Chàm
xưa, lúc này cũng vẫn còn là một làng chài, tuy có phức tạp hơn. Thành phố nằm
trên lượn uốn khúc cuối cùng của sông Cà Ty. Trông ra một cửa biển nhiều cá, là
nơi lý tưởng cho ngư dân sắc tộc địa phương tụ tập”. Anh thường đặt ra câu hỏi
và chia sẻ mỗi lần đi điền dã với anh, khi đề cập đến ngọn đồi cao của làng biển
Phú Hài, nơi có tháp Chăm cổ đã đổ nát và dấu tích Lầu Ông Hoàng với câu chuyện
tình thơ mộng của Hàn Mặc Tử. Theo anh dãy đồi cao đó là cư xứ của người Chăm
ngày xưa, còn vùng đất Phan Thiết hàng trăm năm trước là vùng trũng ngập nước
biển. Đúng cách gọi phải là Phố Hời, vì Hời, Chàm theo cách gọi thời đó nhưng
sau bị coi là miệt thị. Như chúng ta thường nghe đến những phát hiện vàng làm
thành nãi chuối, cau trầu tục thờ cúng chôn trong đất, người ta gọi là vàng Hời.
Điều này phù hợp cách đọc của người dân bản địa bị trại âm từ ơ ra a. Đến năm
1970, Tạ Chí Đại Trường nhận được giải thưởng Văn chương Toàn quốc với tác phẩm
“Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”, đây là luận văn cao học của
anh từ năm 1964 nói về cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Đến năm
1971 với tên tuổi về tác phẩm này mà anh được điều về Ban Quân sử của bộ Tổng
Tham Mưu ở Sài Gòn. Đời lính từ nơi đối mặt với chiến trường, rồi về một bệnh
viện quân y tưởng yên ổn nhưng lại phải thường xuyên ám ảnh cảnh chết chóc, với
những chiếc quan tài vội vàng bọc lớp tôle kẽm mỏng giao cho thân nhân hoặc đưa
chôn ở nghĩa địa, đêm đêm nghe tiếng rên rú của lính trận bị thương … mà nay được
về Sài Gòn, ai cũng mong được vì đó là chỗ nương thân không gì bằng, nhất là đối
với những người luôn sợ hãi chiến tranh. Có người nói do nội dung tác phẩm được
giải này mang nội dung đề cao vai trò lịch sử của Gia Long, hạ thấp Quang Trung
mà anh gặp nhiều rắc rối sau ngày miền Nam thất thủ. Theo tôi, với cái lý lịch
sĩ quan ngành quân y thì cũng được nhìn nhẹ nhàng thôi, nhưng đúng hơn có một
phần chịu tiếng là một “sử quan” ngụy quân càng thêm nhiều nỗi thăng trầm, là
thế!
Lần gần
nhất anh từ Mỹ về Việt Nam và ghé Phan Thiết vào cuối năm 2011, anh tặng tôi tập
“Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861- 1945” vừa do nhà xuất bản Tri Thức (VN) ấn
hành. Đây là bản thảo luận án Tiến sĩ sử học trường Đại học Văn khoa Sài Gòn,
đã có từ đầu 1975. Trông anh có vẻ già hơn tuổi 75, nhưng không nghe anh nói về
bệnh tật của mình. Tôi có hỏi anh, thời gian ở Mỹ điều kiện nào để có tư liệu
mà hình thành nhiều công trình nghiên cứu như vậy và nếu phát hành ở đất người
sẽ có không nhiều người đọc, nhất là còn cuộc sống ở Mỹ phải cật lực kiếm sống
nữa. Anh tâm sự và tôi nhận ra ở anh có một phương pháp nghiên cứu riêng cho
mình, thoát ra khỏi cái khuôn khổ quen thuộc và anh cứ lặng lẽ viết… Cứ thế,
anh không bao giờ nghĩ đến lúc sẽ in, sẽ được công bố, kể cả sẽ được xuất bản tại
Việt Nam như ngày nay.
PHAN CHÍNH
---------------------------
NHÀ SỬ HỌC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
Thứ Ba, ngày 29 tháng 3 năm 2016
.
Chủ Nhật, ngày 03 tháng 4 năm 2016
.
04/04/2016
.
Lâm Bình Duy Nhiên
.
Đoàn Xuân Kiên
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London, Anh quốc - 27
tháng 3 2016
.
Kính Hòa, phóng viên RFA -
2016-03-29
.
.
Hoàng Lan - 25/3/2016
.
Nguyễn Thị Hậu
- 24/3/2016
.
Tiếp Thị Thế Giới
- 24/03/2016
.
BBC Tiếng Việt - 24
tháng 3 2016
.
VOA Tiếng Việt
- 24.03.2016
.
Người Việt
- March 23, 2016
.
Việt Báo Cali
- 25/03/2016
.
Cô Tư Sài Gòn
- Thư Sài Gòn - Việt Báo -
25/03/2016
.
Sưu tầm của Kevin Trần
- Mar 23, 2016
.
Hoài Thanh
(TT&VH) phỏng vấn sử gia Tạ Chí Đại Trường - 24/8/2009
.
Nhân dịp nhận giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2014 (24-3-2014)
.
.
.
.
.
.
Quach Hien -
Thursday, February 12, 2015
.
Phạm Xuân Nguyên -
Sep 9, 2010
.
Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học”
Việt Nam?
talawas | Tạ Chí Đại
Trường 4.2.2008
No comments:
Post a Comment