Saturday, 9 April 2016

ĐIỀU CHƯA KỊP NÓI VỚI TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (Trịnh Cung)





Thứ Bảy, ngày 09 tháng 4 năm 2016

Tạ Chí Đại Trường

Tuy có gặp nhau thời còn làm văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975 và cùng trại tù "cải tạo" ở Xuân Lộc - Long Khánh năm 1976-77 nhưng  không là bạn thân của  anh, tôi chỉ quen biết và mến trọng anh vì hai lẽ: Bình dị trong giao tiếp và minh bạch trong cách nghĩ về lịch sử.

Chính cách suy nghĩ và phản biện lại một cách quyết liệt và có luận cứ khoa học của anh về những khuất tất và những điều tự thêm bớt của những người viết lịch sử Việt Nam khi họ có thời cơ hoặc cầm quyền cai trị đất nước làm tôi luôn có cảm giác rất gần gũi với anh dù không thân thiết.

Những lần gặp anh đáng nhớ nhất là trong trại tù ở Xuân Lộc và lần thăm anh trong nhà dành chăm sóc nhũng người già bệnh nặng ở thành phố Santa Ana thuộc quận Cam năm 2015 cùng với Trần Doãn Nho.

Ở trại Xuân Lộc, tôi cũng ít gặp anh vì ở khác đội. Thỉnh thoảng gặp nhau ở hội trường hoặc đi cuốc, lúc nào Tạ Chí Đại Trường cũng cười hóm hỉnh và giương cặp mắt sáng rất tinh anh mỗi lần gặp tôi. Có lần, toàn trại cử tôi trình bày tờ bích báo để chào mừng đại hội Đảng lần thứ 4 hay thứ 5 gì đó, tôi không nhớ rõ, khi tờ báo được treo lên hội trường thì anh em tù đổ xô đến xem, xì xào đủ kiểu bình luận nhắm vào bức chân dung Hồ Chí Minh. Khi đó, Tạ Chí Đại Trường ghé vào tai tôi nói nhỏ:" Ông vẽ ông chớ đâu phải vẽ HCM?"

-"Suỵt, hình này thuộc thời ông ta ở Pắc Pó đó bạn, tôi vẽ theo tài liệu và có quản giáo kiểm chứng mà bạn." Tôi trả lời.

Thế mà, một sự việc khá nghiêm trọng đã xảy ra với tôi sau đó chừng một giờ đồng hồ.

Một tiểu đội vệ binh với súng có lưỡi lê đi đều bước được chỉ huy bởi một sĩ quan quản giáo tiến về hội trường để tháo gỡ tờ báo tường đó xuống và mang nó về bộ chỉ huy trại dưới dự chứng kiến của đám tù nhân đang tụ tập ở đó.

Lúc này tôi đang ngồi nghỉ xả hơi ở hàng hiên của láng trại thì được các bạn cùng phòng chạy đến báo cho tôi sự thể vừa xảy ra và tỏ ra lo ngại chuyện không lành sẽ xảy ra cho tôi vì bức chân dung ấy. Và tức khắc, tôi bị rơi vào hốt hoảng. Tôi đi gặp trưởng khối (quên tên) để hỏi tôi có bị phạt gì không, anh ấy nói: "Mình vừa bị chỉ huy trại gọi đi họp, chưa biết chuyện gì, họp xong mình sẽ cho bạn hay."

Nếu không có nhận xét của Tạ Chí Đại Trường cũng như sự xầm xì bàn tán của các bạn tù về bức chân dung HCM rất giống khuôn mặt nhô xương, ốm đói, lại thêm chồm râu già làng của tôi thì chắc không hẳn vì lý do này mà tờ báo bị tháo xuống.

Một chuyện khác cũng thuộc về việc tôi vẽ trong trại tù mà Tạ Chí Đại Trường có viết trong cuốn hồi ký của anh được xuất bản ở Mỹ cách nay hơn 10 năm. Đây chính là điều tôi muốn trao đổi với anh nếu có dịp gặp lại. Nhưng dịp gặp lại anh thì có, ít ra cũng hơn một lần mỗi khi tôi có dịp qua Cali, và tôi lại không muốn nói vì tự nghĩ nó cũng chẳng to tát gì.

Thế mà giờ anh đã đi xa, thật xa rồi, tôi lại muốn nói chuyện anh đã viết về tôi... vẽ ai người đó sẽ chết!

Đúng là có người đã chết sau khi tôi vừa vẽ. Người chết này là một bạn tù, nằm cách chỗ tôi một vách gạch 10 phân. Anh ấy treo cổ tự tử ở nhà bếp phía sau chỗ ngủ. Là một dược sĩ, trung uý đồng hoá, rất hiền lành, đẹp trai, rất yêu vợ. Để bớt nhớ, anh ấy mỗi đêm đều đắp lên mặt mình chiếc quần xì của vợ mình để dễ ngủ. Tôi thường hay vẽ phác hoạ nhanh vài nét bạn tù cho vui vào những lúc nhàn rỗi, anh ấy là một trong nhiều khuôn mặt tôi đã vẽ, nhưng không may, anh ấy là người đã chết chỉ sau khi tôi vẽ có ít ngày. Và bức chân dung đơn sơ ấy đã được các bạn đặt nó trên thân xác anh để anh em thắp hương vĩnh biệt.

Và cũng nhờ lời đồn "vẽ ai chết nấy" này mà tôi đã dùng nó để dễ dàng từ chối vẽ chân dung cho đám quản giáo, họ nghe tôi nói thế đều rút lui. Thì ra, người theo chủ nghĩa vô thần cũng rất mê tín và những lời đồn đãi như thế đôi khi cũng có lợi, đã giúp tôi tránh được những khó khăn, đặc biệt trong các trường hợp tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng.

Anh Tạ Chí Đại Trường, với  những dòng vụn vặt này tôi viết vì nghĩ đến anh, một chút kỷ niệm thời gian truân đã ập xuống khi chúng ta đang ở độ tuổi 40 đầy sinh lực và cũng đầy hoài bão. Cầu cho anh thượng lộ bình an, tôi không bao giờ quên cặp mắt sáng quắc và nụ cười hóm hỉnh của anh.

OC, tháng Tư 2016
Trịnh Cung





No comments:

Post a Comment

View My Stats