Monday, 4 April 2016

BÀN VỀ VỖ TAY (FB Nguyễn Đình Cống)






Bình thường vỗ tay là để tỏ ý tán thưởng, động viên, khen ngợi một phát biểu, một biểu diễn của ai đó. Vỗ tay có giá trị cao khi nó xuất phát một cách tự động, bất chợt, là sự bùng nổ ngẫu nhiên do cảm nhận được cái hay, cái tuyệt vời. Lúc này vỗ tay càng to, càng kéo dài chứng tỏ sự hưởng ứng, sự ca ngợi càng mãnh liệt. Trong tiếng vỗ ấy người ta cảm nhận được cái hồn, khơi dậy được nguồn năng lượng tinh thần.

Vỗ tay còn để thể hiện thái độ lịch sự khi chứng kiến, tiếp nhận một biểu diễn nào đó.

Trong 2 trường hợp trên người ta căn cứ vào mức độ tiếng vỗ tay để phán đoán tầm thành công của biểu diễn. Vỗ tay vì lịch sự thường chỉ lẹt đẹt vài ba tiếng mà thôi.

Cũng thường gặp vỗ tay theo “mồi”. Đó là khi người trên diễn đàn, phát biểu xong một ý nào đó, rất muốn cử tọa hưởng ứng nhưng chẳng có ai vỗ tay, đành tự mình vỗ tay trước để làm mồi cho người ta vỗ theo. Kiểu vỗ tay như thế thường rời rạc, dựa vào sự nể nang.

Có một loại vỗ tay theo chỉ đạo, được dàn dựng trước. Đó là vỗ tay trong các buổi mit tin để chào mừng ai đó hoặc sự kiện nào đó , trong các đại hội . Kiểu vỗ tay này là theo nhiệm vụ, theo kịch bản, đầy tính xu nịnh. Vỗ rất to, rất dài, nhưng đấy chỉ là những tiếng động vô hồn. Trong mớ hỗn độn âm thanh ấy người ta cảm nhận được sự rời rạc, sự áp đặt, kể cả sự khinh bỉ. Điển hình cho sự vỗ tay này xẩy ra tại đại hội đảng cộng sản Rumani năm 1989 khi nghe bài phát biểu của Tổng bí thư Ceausescu. Người ta vỗ tay rất to, rất nhiều lần, mỗi lần rất dài. Tưởng rằng như vậy thì Ceausescu đang ở trên đỉnh cao của uy tín và quyền lực, không ngờ chỉ sau vài ngày ông đã bị nhân dân lật đổ, bị tòa án kết tội tử hình và bị bắn ngay sau đó.

Gần đây lại thấy xuất hiện nhiều kiểu vỗ tay “từ thiện”. Tại các tiệc cưới hoặc buổi liên hoan, thậm chí tại buổi thuyết trình, có vài người ( chủ yếu là người dẫn chương trình MC ) đề nghị, xin xỏ : “ Xin bà con cho một tràng pháo tay để…”. Vỗ tay là tỏ ý tán thưởng, thế mà phải đi xin thì quá yếu. Các MC tưởng nhầm thế là lịch sự vì cúi đầu xuống để xin, nhưng chưa thấy được sự hèn kém ẩn dưới chữ xin đó. Đây là kiểu vỗ tay từ thiện, ban ơn.

Xin kể câu chuyện. Hồi tháng 5/ 2014 tôi thuyết trình tại Đại học Xây dựng Miền Trung về Nghệ thuật giao tiếp. Khi tôi kết thúc, thính giả mà phần lớn là sinh viên đã nhiệt liệt vỗ tay. Tiếp theo là phần giao lưu, giải đáp, thảo luận. Sau vài ý kiến, một bạn trẻ phát biểu : “ Trước khi nêu nhận xét và câu hỏi, em xin các bạn một tràng pháo tay thật to để cám ơn giáo sư Cống đã thuyết trình rất hay”. Nghe đến đây tôi vội vàng giơ tay ra hiệu ngăn lại và nói lớn ; “ Xin đừng, xin đừng”. Sau đó tôi nói tiếp : “ Tôi cám ơn bạn trẻ vừa rồi vì lòng tốt và sự kính trọng đối với tôi mà xin các bạn vỗ tay, nhưng tôi không muốn nhận sự vỗ tay do xin xỏ ấy. Các bạn đã thật lòng vỗ tay rồi, tôi đã cảm nhận được tấm lòng đó, bây giờ lại xin vỗ tay thì tôi chẳng thấy vinh dự hơn mà còn cảm thấy bị xúc phạm, nào, bạn trẻ, có nhận xét hoặc câu hỏi gì cứ nêu ra”.

Thế còn khi bạn phát biểu xong mà cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay thì sao. Xin kể 3 chuyện.

Chuyện 1-Tại cuộc họp Quốc hội sáng ngày 01 tháng 4 vừa qua xẩy ra một việc như vậy ( tôi không được chứng kiến kiểu “kỳ mục sở thị” mà chỉ biết qua tường thuật ). Đó là phát biểu nổi tiếng của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Hội Luật gia VN. Trong 7 phút LS Nghĩa đã hùng hồn phát biểu những vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước, những sự thật mà ít ai dám nói tới hoặc tìm mọi cách che giấu hoặc nói ngược lại. Phát biểu xong không có tiếng vỗ tay nào. Hình như gần 500 đại biểu QH, khi nghe xong cảm thấy tự đau xót, thấm thía, xấu hổ, bất động như bị đánh trúng tử huyệt. Cũng có nhận xét là gần 500 đại biểu chỉ là nghị gật, phải cúi đầu xấu hổ trong thân phận những kẻ bù nhìn.

Chuyện 2-Tại cuộc Hội thảo của Hội Cựu giáo chức bàn về “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục” vào tháng 11 năm 2013 tại Hà Nội ( do GS Phạm Minh Hạc điều khiển), tôi được đọc tham luận. Đọc xong phần chính đã được duyệt, tôi phát biểu thêm mấy câu sau ( không có trong bài chuẩn bị sẵn nộp cho ban tổ chức) : “Trong hội thảo này tôi nghe có 3 tham luận nhấn mạnh rằng phải kết hợp chặt chẽ tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác Lê nin. Tôi cho rằng việc đó không những không cần thiết mà còn có hại. Càng ngày càng thấy rõ Chủ nghĩa Mác Lênin chứa nhiều độc hại, nếu kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho tư tưởng đó bị xấu đi mà thôi. Tôi đề nghị, để phát triển giáo dục cũng như phát triển đất nước thì nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lê nin. Xin hết “.

Tôi kết thúc tham luận, bước xuống trong không khí im lặng gần như tuyệt đối, không một tiếng vỗ tay, không một tiếng xì xào, không gian như bị đông cứng lại. Vừa đi xuống, tôi nhìn sang hai bên, nhận được những ánh mắt thông cảm, cổ vũ, và cả vài ánh mắt, bộ mặt hằn học, thù hận. Khi giải tán, tôi cố nấn ná lại khá lâu trước cổng để nhận những cái bắt tay thân thiện và một vài lời thì thầm “ được, tớ đồng ý…, giỏi, dũng cảm…”. Tôi có hỏi vài người quen “ sao không vỗ tay”. Nhận được câu trả lời : “ Ủng hộ trong lòng là được rồi, vỗ tay có mà…”. Đó là năm 2013 !

Chuyện 3- Xa hơn chút nữa, tháng 11 năm 2000. Trong chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, có buổi gặp gỡ với thầy trò Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không được dự buổi gặp này, chỉ được nghe nói rằng những thầy cô giáo và sinh viên đến dự phải được lựa chọn trước, được căn dặn là phải ngồi yên ( không được đứng dậy chào mừng) khi Tổng thống Mỹ vào hội trường, không được vỗ tay khi nghe ông ta nói chuyện. Không biết chỉ thị đó từ ai phát ra. Có người đoán là từ Tổng bí thư đảng Đỗ Mười. Đây là kiểu không được vỗ tay theo mệnh lệnh. Tôi có nghe tường thuật trực tiếp buổi đó. Nhiều điều tôi cho là mới lạ, rất hay, đáng ra phải được vỗ tay nhiệt liệt, thế mà hội trường vẫn im phăng phắc. Tôi hết sức thông cảm với những người dự trực tiếp, được nghe những lời quá hay mà phải kìm nén. Ôi chao, các phóng viên ngoại quốc sẽ đánh giá trình độ văn hóa của thầy trò đại học VN ở mức nào.

Thế mới biết, chuyện vỗ tay hay không, tưởng là đơn giản nhưng nhiều lúc chẳng đơn giản chút nào.






No comments:

Post a Comment

View My Stats