Friday, 8 April 2016

BA CÂU HỎI TỪ VỤ RÒ RỈ TÀI LIỆU PANAMA - LUẬT SƯ & CÂU CHUYỆN "RỬA TIỀN" (Nam Quỳnh - Luật Khoa)





Nam Quỳnh
06/04/2016

Theo Dấu Dòng Tiền

Sau khi Hollywood cho ra mắt rạp bộ phim trinh thám chính trị “All The President’s Men”, “Follow The Money” (“Bám Theo Dòng Tiền”) sau đó trở thành một cụm từ quen thuộc trong cả làng báo chí và trong văn hóa đại chúng Mỹ, nhằm tóm gọn một phương cách điều tra tội ác hữu hiệu: anh muốn tìm ra kẻ ác, hãy bám theo dòng tiền dẫn đến chúng.

Các nhà báo của tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung có lẽ là biết rõ tầm quan trọng rất lớn của việc “Follow The Money”  khi cách đây hơn một năm họ được một nhân vật bí ẩn liên lạc.

Nhân vật bí ẩn này, được các nhà báo quốc tế gọi bằng mật danhJohn Doe, đã tuồn cho các nhà báo Đức hơn 2000 gigabyte dữ liệu bảo mật từ một công ty luật quốc tế có trụ sở tại Panama, công tyMossack Fonseca [1].

Tổng hợp thông tin của các chính trị gia được tiết lộ trong Panama Paper.

Những luật sư tại Mossack Fonseca

Mossack Fonseca chuyên giúp mở các công ty ‘rỗng ruột’, công ty ‘hình thức’ (shell corporation/company) để tạo điều kiện cho các thân chủ của họ che giấu danh tính trong công việc làm ăn: các công ty hình thức này sử dụng tư cách pháp nhân riêng của chúng để sở hữu tài sản và thu nhận, gửi góp tiền nong thay mặt những chủ nhân giấu mặt.

Các công ty hình thức như thế thường được đăng ký và trú đóng tại những nước chuyên miễn thuế hoặc không thu thuế doanh nghiệp. Những nước này đồng thời cũng thường là những nước với hệ thống luật lệ “thoải mái” – không quá nhiều đòi hỏi khắt khe trong việc đăng ký công ty, không truy vấn nhiều về danh tính chủ công ty hay tính chính đáng của các nguồn vốn hoặc nguồn thu nhập của các công ty.

Những yếu tố nói trên cho phép những chủ nhân giấu tên của các công ty hình thức này tiết kiệm hàng trăm tỷ đô la tiền thuế, đồng thời giúp những chủ nhân có thu nhập từ những nguồn không chính đáng như buôn bán ma túy, tham nhũng hay tội phạm có tổ chức v.v. có thể “hợp pháp hóa”, rửa sạch những dòng tiền bẩn của họ.

Các hoạt động rửa tiền, trốn thuế luôn có dấu ấn của giới luật sư. Ảnh minh họa.

Làm ăn dựa trên việc tận dụng cả pháp luật và những nhập nhằng của pháp luật tại một số nước như thế nên các công ty luật giống như Mossack Fonseca từ lâu đã hứng chịu nhiều chỉ trích và là đối tượng điều tra của nhà chức trách nhiều nước trên thế giới.

Vào các năm 2012 và 2013, Mossack Fonseca từng bị nhà chức trách Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) bắt nộp phạt tội rửa tiền cho con trai thủ tướng Ai Cập Hosni Mubarak [2].

Năm 2015, Mossack Fonseca bị một công ty quản lý quỹ của Mỹ (vốn là một chủ nợ của nước Argentina nợ như chúa Chổm) kiện ra tòa vì một công ty con của Mossack Fonseca ở Mỹ bị phát hiện đã giúp một thân hữu của cựu tổng thống Argentina Cristina Kirchner che giấu 65 triệu đô la bị nghi là biển thủ từ công quỹ Argentina [3].

Kiểm tra các tài liệu mới rò rỉ từ Panama, báo Guardian của Anh tố cáo là Mossack Fonseca đã ‘nhúng chàm’ ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước: công ty này bị cáo buộc đã giúp đỡ một tay cướp có vũ khí người Anh “rửa” tiền kiếm được từ số 3.5 tấn vàng hắn ta và đồng bọn cướp được [4].

Vụ rò rỉ tài liệu động trời của Mossack Fonseca như thế có thể nói chỉ là đám lửa bùng cháy lên từ một nơi đã bốc khói nghi ngút từ lâu!

Ba Câu Hỏi

Hơn 2000 gigabyte dữ liệu mà John Doe đã tuồn cho các nhà báo tờ Süddeutsche Zeitung bao gồm hơn 4 triệu email, hơn 2 triệu tài liệu điện tử dạng PDF, hơn 1 triệu hình ảnh và rất nhiều các tài liệu, dữ liệu điện tử khác.

Cùng phối hợp với hơn 400 nhà báo quốc tế thông qua Liên đoàn báo chí điều tra quốc tế [5],  các nhà báo Đức đã phân tích các dữ liệu này trong hơn một năm qua để “theo dấu dòng tiền” tìm đến những vị chủ nhân bí ẩn.

Danh sách những vị chủ nhân này [6] đã và đang gây lên những lùm xùm và tranh cãi lớn trên toàn thế giới.

Còn quá sớm để có thể đưa ra những kết luận mang tính quyết định về những dữ liệu rò rỉ từ Panama, hiện nay có ba câu hỏi cơ bản có thể được đặt ra cho những ai quan tâm đến vấn đề này:

1. Nếu bị phát hiện danh tính, John Doe có được bảo vệ?

Chắc chắn là các nhà báo Đức của tờ Süddeutsche Zeitung sẽ không bao giờ muốn tiết lộ nguồn tin của họ. Về mặt luật pháp, có thể nói là các nhà báo và bản thân danh tính John Doe được luật báo chí Đức bảo vệ khá tốt:

Điều 53 của Bộ luật hình sự Đức [7] cho phép các nhà báo chuyên nghiệp tại Đức được phép từ chối tiết lộ nguồn tin ngay cả khi nhà chức trách lẫn tòa án Đức yêu cầu.
Bên cạnh đó, điều 5 của Bộ quy chuẩn đạo đức báo chí Đức [8] quy định các nhà báo phải có quyền và nghĩa vụ bảo vệ các nguồn tin ẩn danh của họ.

Tuy nhiên, bản thân John Doe có thể không được luật Đức bảo vệ nếu anh ta thực sự đang ở một nước khác, hoặc đang ở Panama. Nếu ở ngoài Châu Âu, luật tại nước anh ta đang ở không chắc là có những cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực mạnh mẽ như luật lệ tại các nước Châu Âu.

Việc anh ta có thể tiếp cận khối lượng lớn dữ liệu bảo mật của Mossack Fonseca cho thấy rằng nhiều khả năng anh ta là một trong số hơn 500 nhân viên tại 40 trụ sở của Mossack Fonseca trên toàn thế giới.

Ngay cả khi các nhà báo Đức không tiết lộ danh tính John Doe, công ty Mossack Fonseca, thông qua điều tra nội bộ, vẫn có thể khoanh vùng và phát hiện ra John Doe (nếu anh ta thật sự là người của họ).

Điều đáng ngại hơn, và bản thân John Doe cũng thú nhận điều đáng ngại này với các nhà báo Đức, chính là tính mạng của anh có thể bị đe dọa bởi chính những vị thân chủ thế lực đầy mình của Mossack Fonseca, vốn đang bị làm bẽ mặt trước toàn thế giới

2. Việc John Doe làm về bản chất là sai hay đúng?

Giả sử John Doe là một nhân viên của Mossack Fonseca, anh ta nhiều khả năng là một luật sư (nên mới có quyền tiếp cận khối lượng lớn dữ liệu) hoặc là một nhân viên cấp thấp hơn nhưng có điều kiện/khả năng thoát khỏi kiểm soát bảo mật cấp cao hơn và các ngăn cách nội bộ để tiếp cận khối lượng lớn dữ liệu.

Cho dù là luật sư hay không phải luật sư thì John Doe cũng vẫn là nhân viên của một công ty luật và theo đó, phải chịu kiểm soát bởi các nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt về đạo đức luật sư.

Một trong những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất, có tính phổ quát quốc tế nhất về đạo đức luật sư chính là bảo mật thông tin khách hàng: chừng nào anh còn làm việc cho ai thì anh không vạch áo người đó cho thiên hạ xem lưng.

Bảo vệ thông tin khách hàng là nghĩa vụ cơ bản trong đạo đức nghề luật sư. Ảnh minh họa.

Ngược lại, có thể tranh luận là việc tiết lộ thông tin của John Doegiúp bảo vệ lợi ích cộng đồng toàn thế giới: giúp người dân các nước phát hiện ra hành vi mờ ám, sai trái của những vị nguyên thủ quốc gia không gương mẫu, giúp người dân nhận ra sự nghiêm trọng của vấn nạn rửa tiền, tuồn tiền ra nước ngoài của các nhóm tội phạm có tổ chức v.v.

Phải chăng đôi khi luật sư nên có quyền ‘thất đức’ vì cộng đồng?

Giả sử John Doe là một cựu nhân viên của Mossack Fonseca thì sao? Việc đánh cắp thông tin nội bộ của chủ làm cũ cũng không hẳn là một trong những công việc trong sạch nhất mà một người có thể làm.

3. Các tài liệu rò rỉ từ Panama có thật sự giúp ích nhiều cho công cuộc chống tham nhũng quốc tế?

Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là cho tới nay những gì được phát hiện từ các tài liệu rò rỉ từ Panama [9] chưa có khả năng chứng minh một cách chắc chắn nhất có thể việc tham nhũng của một số quan chức.

Lấy ví dụ những tài liệu liên quan đến tổng thống Nga ông Vladimir Putin:
Những mối dây liên kết các tài liệu rò rỉ ở Panama với ông Putin là những thân chủ của Mossack Fonseca vốn có quan hệ bằng hữu, bạn bè với ông Putin.
Tờ Guardian của Anh, vốn vẫn luôn mạnh bạo khi đưa ra những cáo buộc chống lại ông Putin, chỉ ra một trong những bằng hữu nổi bật “quản lý tài sản” cho Putin là ông Sergei Rodulgin, một nhạc công xen-lô [10].

Phần lớn những chi tiết được đưa ra làm xương thịt cho những cáo buộc như thế này chủ yếu là chi tiết về mối quan hệ bạn bè gần gũi giữa Putin và những người được chỉ mặt điểm tên. Chúng ta chỉ biết rõ hai dữ kiện:
o    Họ là bạn rất thân của Putin
o    Họ là thân chủ sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca.
Hai dữ kiện trên là không đủ để chứng minh một cách không thể nghi ngờ gì nữa là ông Putin tham nhũng, biển thủ, gửi tiền ra nước ngoài v.v.
Người cáo buộc bắt buộc phải đưa ra giả định, một giả định rất lớn, là những bằng hữu này của Putin đang tuồn ra nước ngoài tiền tham nhũng của chính Putin, chứ không phải là tiền làm ăn chính đáng, hay tiền từ các hoạt động tham nhũng của chính những người đó.
Như vậy, giá trị bằng chứng từ các rò rỉ tại Panama, xét một cách khắt khe nhất trong trường hợp ông Putin, chỉ mang tính suy đoán và gián tiếp (circumstantial evidence).

Những phát hiện từ các rò rỉ tại Panama cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn về các liên kết có thể có giữa một số nhân vật quyền lực nhất trên thế giới và việc “rửa tiền”, giấu của tại các thiên đường thuế trên thế giới. Đây là một bước tiến lớn và ngoạn mục trong công cuộc chống tham nhũng toàn câu, nhưng có lẽ chúng ta không nên quá vội mừng./.

----------------------
Tài liệu tham khảo

[5] (The International Consortium of Investigative Journalists –https://panamapapers.icij.org/)

------------
ĐỌC THÊM
Trương Tự Minh (lược dịch) “Bất cứ khi nào bạn có một khoản tiền thuộc công quỹ thiếu tính giải trình và quá trình sử dụng minh bạch, tình trạng này gần như luôn luôn đồ...
Trương Tự Minh (dịch) Theo dự kiến, dự thảo Luật tiếp cận thông tin sẽ được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10 đang diễn ra từ ngày 20/10 đền ...





No comments:

Post a Comment

View My Stats