Wednesday 8 January 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 8-1-2014 (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 08.01.2014

VRNs (08.01.2014) - Sài Gòn -

1. An ninh cộng sản sách nhiễu gia đình bà Huỳnh Thục Vy

Bà Thục Vy cho biết, từ cuối tháng 12.2013, chủ nhà trọ, nơi gia đình bà Thục Vy thuê đã bị an ninh Sài Gòn gây áp lực và họ yêu cầu bà chủ nhà không cho gia đình bà thuê nữa. Sau đó, gia đình bà Thục Vy được thầy trụ trì chùa Giác Hoa cho gia đình bà ở tạm tại nhà kho của chùa. Thế nhưng, sáng nay, an ninh của phường đã đến yêu cầu thầy trụ trì không cho gia đình bà ở.
Bà Thục Vy kêu cứu: “Tôi xin mọi người lên tiếng cho trường hợp của tôi bởi vì vợ chồng tôi đã trải qua nhiều ngày tháng rất khó khăn bởi sự bao vây của chính quyền.”
Bà Thục Vy cho rằng, có thể do bà tham gia Phụ Nữ Nhân Quyền VN nên gia đình bà đã bị nhà cầm quyền sách nhiễu. Bà Thục Vy nói: “Tôi nghĩ, nguyên nhân ở đây chính là việc tôi gia nhập vào Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là một tổ chức nhân quyền bảo vệ cho quyền lợi của người phụ nữ trên khắp VN vừa mới thành lập vào ngày 25.11.2013. Sau khi thành lập nhiều chị em thành viên của chúng tôi, đặc biệt là các thành viên trong ban vận động đã chịu rất nhiều sách nhiễu, đàn áp, đánh đập, bị đổ nước bẩn vào nhà, bị theo dõi. Riêng cá nhân tôi bị đuổi chỗ trọ. Đó chính là những nguyên nhân mà người ta đã có những sách nhiễu gần đây đối với tôi. Và, tôi có thể suy đoán được, đó là người ta lo sợ sự lớn mạnh của Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam bởi vì khi chúng tôi lớn mạnh lên thì tiếng nói của chúng tôi sẽ có trọng lượng hơn và chúng tôi có thể bảo vệ cho nhiều nạn nhân. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà cầm quyền cộng sản VN, bởi vì nhà cầm quyền này chính là thủ phạm vi phạm nhân quyền mà Phụ Nữ Nhân Quyền bảo vệ cho những nạn nhân bị vi phạm đó. Vì thế, chúng tôi là đối tượng để họ đả kích, vùi dập. Nhưng gia đình chúng tôi có một may nắm là thầy chủ trì đã cho chúng tôi ở lại thêm 10 ngày trước khi chúng tôi về quê ăn tết.”
Qua sự kiện này, với tư cách là Trưởng ban Văn phòng Công lý và Hòa Bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cha Giuse Đinh Hữu Thoại lên tiếng: “Theo tôi, việc công an ngăn cấm không cho vợ chồng cô Huỳnh Thục Vy lưu trú trong chùa Giác Hoa là một sự vi phạm luật cư trú. Bởi vì, người đồng ý hay không đồng ý cho người khác lưu trú trong nhà của họ, là chủ nhà. Trong sự việc này, người chủ nhà ở đây là Quý thầy chùa Giác Hoa chứ không phải là công an. Đối với trường hợp của cô Huỳnh Thục Vy, công an chỉ là nơi tiếp nhận thông báo lưu trú theo Điều 31 của luật cư trú.”
“Khi có người đến lưu trú trong nhà, nếu chủ nhà đồng ý thì báo cho nơi tiếp nhận lưu trú và như thế là đủ. Cho nên chuyện ngăn cấm không cho công dân lưu trú ở một nơi nào đó là công an vi phạm pháp luật. Vì cô Huỳnh Thục Vy và anh Lê Khánh Duy là hai người không thuộc đối tượng cấm lưu trú, cũng như chùa Giác Hoa không thuộc nơi cấm người khác lưu trú. Vì vậy, tôi thấy trong trường hợp này, công an không thực thi đúng pháp luật.” Cha Thoại phân tích.
Bà Thục Vy kể lại cho VRNs biết sự việc như sau: “Cuối tháng 12, bà chủ nhà trọ không muốn cho chúng tôi rời khỏi nhà trọ của bà, bởi vì chúng tôi đã làm hợp đồng với bà nên bà không muốn có sự rắc rối trong hợp đồng. Nhưng bà chủ buộc phải làm vậy, nếu không, công việc làm ăn của bà sẽ bị cản trở nếu bà làm mất lòng những người đang gây áp lực cho bà. Những người đó mà tôi muốn nói đến chính là an ninh địa phương và an ninh Sài Gòn nói chung. Họ không đến gặp chúng tôi nhưng họ đã đến rất đông để gây áp lực với bà chủ nhà. Tôi cảm thấy được sự lo lắng và buồn rầu nơi bà nên tôi không gây khó khăn cho bà. Sau đó, vợ chồng tôi đã chuyển đi sau khi nhận được yêu cầu của bà.”
Bà Thục Vy kể tiếp: “Chúng tôi không có nơi nào để ở nên chúng tôi đã qua chùa Giác Hoa, Sài Gòn để nhờ thầy trụ trì cho chúng tôi một chỗ ở. Thầy sắp xếp cho chúng tôi ở một nhà kho của chùa, ở ngoài phạm vi của chư tăng. Chúng tôi biết rằng, sự có mặt của chúng tôi ở trong chùa sẽ gây bất tiện cho nhà chùa, nhưng buộc lòng chúng tôi phải cậy nhờ quý thầy bởi vì chúng tôi không tìm được chỗ trọ nào khác. Khi chúng tôi ở đây được hơn 10 ngày thì có sự rắc rối. Đó là thầy trụ trì đến nói rất nhẹ nhàng với gia đình chúng tôi rằng, đã có an ninh của địa phương và nhà cầm quyền địa phương đến gặp thầy. Họ nói, nếu thầy tiếp tục cho cư sĩ ở trong chùa [họ không nói rõ tên của chúng tôi] mà không khai báo và người đó còn liên quan dính dáng đến những chuyện không hay đối với chính quyền thì việc trọ học, tu học của chư tăng sẽ gặp khó khăn. Các thầy ở đây đã nhận rất nhiều tăng chúng ở khắp nơi đến trọ học và nếu chính quyền địa phương không làm tạm trú cho những người này, thì họ sẽ không còn được trọ học. Sau khi tôi chia sẻ thông tin này trên facebook thì tôi đã nhận được nhiều lời chia sẻ rất chân thành, tình cảm. Tôi rất cám ơn tất cả những tình cảm đó.”
Việc nhà cầm quyền gây khó khăn, gây áp lực và thậm chí đe dọa các chủ nhà trọ, để họ không cho những người đấu tranh Dân chủ được tiếp tục thuê nhà, đó là chiêu trò mà nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng.

www.ducme.tv
Gia đình Thục Vy bị nhà cầm quyền sách nhiễu 
chuacuuthe·    Published on Jan 8, 2014

2. Báo Trung Quốc nhận vơ ảnh Việt Nam

Tờ Thanh Niên Online đưa tin, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc, phiên bản trên mạng bằng tiếng Pháp, vừa giới thiệu một chùm ảnh màu về Trung Quốc, trong đó ghi rõ: “Loạt ảnh màu này cho chúng ta thấy Trung Quốc cách đây 100 năm, dưới triều Mãn Thanh.”
Tuy nhiên, tờ Thanh Niên cho biết thêm, trong 10 bức ảnh màu đó có những bức ảnh của Việt Nam. Cụ thể là bức ảnh Móng tay của nhà Nho, hai bức khác về Hà Nội và một bức chụp vị quan phụ trách vùng Hà Nội năm 1915. Các tác phẩm này đều do Léon Busy chụp, thuộc dự án của Albert Kahn.
Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội đã xác nhận 3 tấm ảnh trên là của Việt Nam. Nhà sử học Emmanuel Poisson cũng xác nhận 3 tấm trên và cho biết, bức ảnh chụp các vị quan lại cũng là một tác phẩm của Léon Busy chụp tại Việt Nam.
TS Phạm Xuân Thạch cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần có phản hồi với Nhân Dân nhật báo để đính chính ngay.
Bạn đọc Nguyễn anh Tuấn nhận xét: “Chính xác như TS Thạch nói, TQ không hề có lầm lẫn, trong tư duy của họ nơi nào cũng là của họ đó ! Chúng ta cần họ đính chính ngay, không mập mờ gì cả.”
Bạn đọc Khê bình luận: “Tôi vừa xem bộ ảnh và thấy, Hai bức ảnh đầu chụp các vị quan: kiểu sắc phục ấy không thể là Trung Quốc vì không phải sắc phục nhà Thanh. Bức ảnh báo Thanh Niên đăng thì quá rõ ràng. Bức chụp cảnh phố với những cây phượng vĩ không khó để nhận ra đó là phố HN.”

3. Du học sinh tại Anh thiết lập quỹ xây cầu cho người Việt

TTXVN cho biết, Nam Phương (21 tuổi), một du học sinh tại Anh và em trai là Đinh Bá Khang, 16 tuổi, học sinh lớp 11, đã cùng nhau sáng lập ra quỹ Nam Phương với mục tiêu đầu tiên là xây dựng những cây cầu cho người dân tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Nam Phương cho biết, ý tưởng về việc xây dựng những cây cầu bắt đầu xuất hiện trong cô từ năm 2010, khi những tin tức đăng tải trên báo chí về những con đò cũ kỹ, chở những phụ nữ đi làm, đi chợ, chở những em học sinh cắp sách đến trường đã bị đắm khi qua sông, làm nhiều người đuối nước.
Nam Phương cho biết thêm, với số tiền dành dụm được cũng như ngỏ lời với bố mẹ và người thân trong dòng họ. Cô đã có thể xây dựng được chiếc cầu đầu tiên tại xã Mỹ Thuận, tỉnh Tiền Giang với chi phí gần 300 triệu đồng.
Nam Phương tin rằng quỹ này sẽ liên kết, tập hợp học sinh, sinh viên trên thế giới tham gia vào hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, đặc biệt hướng đến những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết.
Bên cạnh đó, dự án còn nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ của những nhân vật tên tuổi trong nước và quốc tế như đạo diễn Hollywood Phillip Noyce, ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Tổ hợp truyền thông Đất Việt (VAC) v.v…
Việc làm trên của các sinh viên, học sinh quả là rất đáng khích lệ. Một sự quan tâm đến người khác, một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với vụ hôi bia xảy ra tại Đồng Nai vừa qua.
Thiết nghĩ, những việc làm từ thiện như trên cần được nhân rộng trên khắp cả nước. Vậy mà đáng buồn thay, như VNRs đã đưa tin trong những ngày gần đây, anh Kpuih Bơp, một giáo dân Jrai cho biết, anh đã bị ông Nguyễn Văn Đạt, Bí Thư xã Ayun đánh khi anh này giúp cha Trần Sĩ Tín, DCCT, phát mền giúp trẻ mồ côi và người nghèo chống lạnh mùa đông tại Tây Nguyên.
Nhà cầm quyền xã sau đó cũng cấm anh không được tự tiện phát mền cho bà con nếu không có phép của họ. Một kiểu độc quyền từ thiện chăng?

4. Bà Hòa, dân oan phường Châu Sơn – Hà Nam: Công an ép người dân nhận tội gây rối trật tự công cộng

Trong đồn công an Tp. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bà Hòa, dân oan ở phường Châu sơn, tỉnh Hà Nam cho VRNs biết: “Sáng nay, có hơn 10 người dân chúng tôi ra khu đất chúng tôi bị cưỡng chế, để quay lại cảnh [nhà cầm quyền] lấy đất của chúng tôi và [để trống] như một cánh đồng hoang. Sau đó, ông công an ra giằng điện thoại và cướp điện thoại của tôi. Họ đưa chúng tôi về đồn công an Tp. Phủ Lý.”
Bà Hòa cho biết thái độ của công an khi làm việc với bà trong đồn công an: “Họ ép người dân [nhận] gây rối trật tự. Thế nhưng quyền của người dân đang bị mất nên người dân ra giữ đất, người dân không gây rối gì cả nhưng lại ép người dân chúng tôi nhận. Nói thật là người dân chúng tôi rất oan ức và khổ quá.”
Bà Hòa nói tiếp: “Trong điện thoại của tôi có lưu giữ cảnh công an đánh người dân chúng tôi [vào vụ cưỡng chế đất ngày hôm qua 07.01.2014] nhưng công an đã thu điện thoại của tôi và xóa hết các [dữ liệu] của tôi. Bây giờ, tài liệu của tôi mất hết rồi nhưng họ vẫn giữ điện thoại của tôi.”
Bà Hòa ấm ức kêu lên: “Chúng tôi là công dân [Việt Nam]. Chúng tôi có quyền lưu lại tang chứng công an đánh người dân nhưng tại sao họ lại xóa hết đi của chúng tôi.”
“Dân ở đây nghèo đói không có đất để canh tác còn đất bị bỏ hoang.” Bà Hòa buồn phiền nói.
Như VRNs đã loan tin, hôm qua, hơn 1000 lực lượng công quyền của nhà cầm quyền tỉnh Hà Nam đến cưỡng chế dân oan ở phường Châu Sơn, Tp. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, để giao đất cho chủ đầu tư đất bất chấp sự phản đối của bà con.

PV.VRNs


No comments:

Post a Comment

View My Stats