PV.VRNs
Đăng ngày: 06.01.2014
VRNs (06.01.2014) - Sài Gòn -
1. TQ chiếu cảnh tàu TQ đâm tàu Việt Nam
Theo BBC
loan tin, Đài Truyền hình Trung Quốc vừa chiếu cảnh tàu Hải giám Trung Quốc đâm
vào tàu của Việt Nam trên Biển Đông dù không nói rõ ở đâu.
Theo RFI, “tài liệu dài gần năm
phút (4.46), rất đáng chú ý ở những đoạn video quay ngay tại hiện trường cho
thấy rõ diễn tiến cuộc chạm trán giữa một đội tàu hải giám Trung Quốc rất hùng
hậu, với ít nhất là hai tàu hải quân Việt Nam vào ngày 29/06/2007 tại một khu
vực phía tây quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa (Xisha).”
Trích nguồn từ BBC cho biết:
“Sự cố được nói là xảy ra hôm 30/6/2007, một ngày sau khi hai tàu Hải giám của
Trung Quốc nhận lệnh ra giải cứu tàu nghiên cứu hải dương của họ đang bị tàu
của Việt Nam áp sát.”
BBC cho hay, “Video clip, vốn
cũng xuất hiện trên YouTube, cho thấy tàu Hải giám mang số hiệu 83 và 51 với sự
hộ tống của máy bay trực thăng đã gọi loa yêu cầu các tàu Việt Nam rời khỏi
vùng biển mà họ nói là thuộc “quyền tài phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.”
RFI nói rằng, “Đây không phải là lần đầu tiên mà
Trung Quốc cho công bố những đoạn video phô trương thành tích của lực lượng hải
giám của họ. Gần đây nhất là vào tháng 7/2012, chương trình Anh ngữ của đài
Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng cho thấy cảnh một đoàn tàu Hải giám
Trung quốc chặn đuổi một tàu Hải quân Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa.”
Facebooker Uyên Vũ bình phẩm: “Trung Quốc cố tình khiêu khích và khoét sâu
thù hận khi cho chiếu cảnh tấn công Hoàng Sa, nhân 40 năm trận hải chiến khốc
liệt này.”
Facebooker Bắc Truyển Nguyễn
nói rằng, “Tinh thần chiến đấu của Hải
quân VNCH vào tháng 1/1974 là một bài học về giữ nước, một tấm gương sáng cho
con cháu Việt Nam noi theo. 40 năm hải chiến Hoàng Sa, giá trị lịch sử đã được
trả về đúng với sự thật. Các báo trong nước đồng loạt đưa tin với sự tôn trọng
sự thật và kính trọng, những chiến sỹ Hải quân VNCH đã hy sinh cho một ý chí
bảo vệ đất nước trước kẻ ngoại xâm. Thắp một nén hương, cúi đầu tưởng niệm cho
những tử sỹ đã hy sinh.”
2. Thực phẩm bẩn trước dịp Tết
Tờ VnExpress
cho biết, lực lượng chức năng trong khi kiểm tra hai xe tải trên quốc lộ 1B
đoạn thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện trên
thùng hai chiếc xe tải này chở 14,5 tấn mỳ chính, 4,5 tấn ômai và hàng nghìn
chiếc bản lề.
Số mỳ chính và ô mai được đóng
vào bao tải màu trắng, mỗi bao có trọng lượng 25 kg. Trên vỏ bao in nhãn mác
chữ Trung Quốc. Hai lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh
nguồn gốc xuất xứ của lô hàng nên nhà chức trách đã tạm giữ số hàng trên.
Trước đó, trong hai ngày, 25 và
26/12, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã thu giữ hơn 50 tấn kẹo, ô mai và tịch
thu 7 tấn sữa, mứt đóng hộp.
Bên cạnh đó, tờ Lao
Động cũng cảnh báo về tình trạng tràn ngập khoai tây Trung Quốc giả khoai
Đà Lạt.
Bài báo cho biết, nạn khoai tây
Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt đã đánh lừa khách hàng một cách trắng trợn,
nhưng cơ quan chức năng đành… bó tay bởi “tính hợp pháp” của nó.
Khoai tây Trung Quốc sau khi
nhập về Đà Lạt, sẽ được rửa sạch, bôi đất đỏ Đà Lạt, rồi được tuồn ra thị
trường ngoài tỉnh Lâm Đồng dưới nhãn mác lập lờ “khoai tây Đà Lạt”
Một tiểu thương còn nói: “Khoai
Trung Quốc được chúng tôi nhập về có giấy tờ đầy đủ. Khi xuất đi, chúng tôi
cũng chỉ là bán… khoai tây mà thôi! Còn ai bảo đó là khoai tây Đà Lạt thì người
đó… chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng!””
Cũng theo một lực lượng chức
năng, hầu hết lượng khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt đều có đầy đủ các thứ
giấy tờ hợp pháp nên thật khó xử lý.
Ngoài ra, tờ Lao
Động cũng đưa tin về những chiêu trò kích thích lợn tăng cân, siêu nạc bằng
hóa chất độc hại tại Hưng Yên. Đây là một trong những điểm cung cấp thịt lợn
lớn nhất cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo tìm hiểu của phóng viên,
người nuôi lợn ở đây sẽ trộn thuốc tăng trọng trước khi cho lợn xuất chuồng.
Một người dân còn cho biết: “ăn cái này vào lợn lớn nhanh như thổi, tính ra
ngày cũng béo thêm được từ 1,5 – 2kg.” Một người dân khác cho biết: nhờ nuôi
bằng thuốc hóa chất nên mỗi lứa trang trại chỉ cần nuôi 4 – 5 tháng là có thể
xuất chuồng, có con nặng tới 110kg.
Tờ Thanh
Niên cho biết thêm, lúc 23 giờ 30 ngày 4.1, lực lượng chức năng TP. Biên
Hòa kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Ngô Văn Thành, ngụ xã Tam Phước thì
phát hiện và tịch thu hàng trăm ống tuýp nước không rõ nguồn gốc dùng để kích
thích giá đỗ.
Mỗi ngày cơ sở của ông sản suất
từ 0,8 – 1,2 tấn giá đỗ, để tiêu thụ tại Biên Hòa và các địa phương lân cận.
3. Người dân “trả” quà của Chủ tịch nước vì
phải nộp lại 200.000 đồng
Theo Dân
Trí đưa tin, vào ngày 15.12.2013, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến
tặng bà con vùng rốn lũ xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam 100 suất quà. Các hộ
trong danh sách nhận quà này chủ yếu là người nghèo, gia đình chính sách và hộ
bị thiệt hại nặng trong đợt lũ tháng 11.
Sau đó, lãnh đạo thôn Đại Mỹ
yêu cầu những gia đình nhận quà nộp 200 ngàn đồng với lý do để bắt điện, chi
trả tiền điện đường đón tết và làm quỹ thôn… Ngay sau đó, bà con đã trả lại
những món quà này.
Bí thư xã Đại Hưng – ông Nguyễn
Khắc Xuyên – khẳng định với PV Dân trí: “Chúng tôi buộc thôn kiên quyết trả lại
cho dân những gì mà Chủ tịch nước tặng bà con”.
Nguyễn Tiến Tuân phản hồi: “Ngay cả quà của chủ tịch nước dành cho hộ
nghèo mấy ông cũng không tha. Tôi giờ hiểu vì sao các nhà hảo tâm giờ không
thông qua chính quyền địa phương hỗ trợ những người khó khăn, mà trực tiếp đến
tận nơi phát quà hỗ trợ.”
Như VRNs
loan tin, ông Kpuih Bơp, dân tộc J’Rai, thuộc xã Ayun, tỉnh Gia Lai đã bị ông
Bí Thư xã Ayun Nguyễn Văn Đạt đánh đập dã man và chấn thương khiến ông phải
nhập viện, khi ông Kpuih Bơp làm từ thiện mang chăn mền đến giúp trẻ mồ côi và
người nghèo vùng sâu vùng xa để tránh cái rét mùa đông tại Tây Nguyên, vào ngày
17.12.2013 vừa qua.
Sự việc này đã được cha Trần
Sĩ Tín tố cáo hành vi lạm quyền của ông Bí Thư xã Ayun Nguyễn Văn Đạt. Và
trong đơn thư tố cáo cha Trần Sĩ Tín nhấn mạnh: “Ông Nguyễn Văn Đạt, Bí Thư xã Ayun không muốn xã hội hóa xóa đói giảm
nghèo chăng? Xin cũng nên biết cho rằng số chăn mền đó là do người lương muốn
chia sẻ cho người dân tộc nghèo. Tôi chỉ là trung gian được tin tưởng. Người ta
không tin tưởng vào những người như Ông Nguyễn Văn Đạt, Bí Thư xã Ayun”.
Chính anh Kpuih Bơp khẳng định rằng,
nhà cầm quyền xã răn đe ông không được làm công việc từ thiện này nữa. Nếu lần
sau bắt được họ sẽ bắt và quy kết tội chống đối chính quyền. Và nhà cầm quyền
đã bắt ông Kpuih Bơp viết giấy cam kết “không được tự tiện phát mền cho bà con,
nếu không có phép”.
4. Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những
người hy sinh bảo vệ Hoàng Sa
Trước câu hỏi về “vấn đề vinh
danh những người Việt Nam [- các binh sĩ của quân lực VNCH] ngã xuống trong
trận hải chiến Hoàng Sa 1974” của phóng viên tờ Thanh
Niên, tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết: “Nếu
nhà nước chính thức công nhận sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì sẽ kết nối được tinh thần dân tộc Việt
Nam. Con người Việt Nam dù có chính kiến khác nhau nhưng tựu trung đều có tinh
thần yêu nước.
Vị tiến sĩ nói tiếp: “Chính kiến chỉ là nhất thời, lúc thế này lúc
thế kia còn tình yêu Đất nước, Tổ quốc, Quê hương mình mới là mãi mãi. Tôi đã
từng đề nghị cần phải vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng
Sa, Trường Sa. Bản thân tôi sẽ mãi mãi dõi theo Hoàng Sa. Hoàng Sa là một yết
hầu, hệ trọng rất lớn đối với Việt Nam. Hoàng Sa giống như chất men khơi lên
lòng yêu nước.”
Tờ Thanh Niên cho biết thêm,
tiến sĩ Nguyễn Nhã là tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch
sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuối bài phỏng vấn với câu hỏi
“liệu chúng ta có đòi lại được chủ quyền Hoàng Sa hay không?”, vị tiến sĩ đã
trả lời một cách rất lạc quan: “Lịch sử
cho thấy đã có lúc chúng ta bị ngàn năm bắc thuộc nhưng rồi cũng đã giành được
quyền tự chủ đó thôi. Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta
vẫn sẵn sàng.”
Cảm động trước bài báo, bạn đọc
Trung Thuận nói: “khi bài báo này được
đăng lên thanhnienonline tôi nghĩ đất nước sẽ đi vào một vận hội mới, vận hội
của hòa bình và hòa giải, người Việt trên khắp năm châu đều chung sức chung
lòng bảo vệ chủ quyền đất nước, những người đã nằm sâu trong lòng đất lạnh cũng
được ấm lòng trong đó có ba tôi.”
Một bạn đọc còn cho rằng, bài
viết này là một sự vinh danh thầm lặng những chiến sĩ VNCH Bạn đọc Lạc An nói:
“những bức ảnh tư liệu thật tuyệt. Cám ơn báo Thanh niên đã vinh danh những
người anh hùng thầm lặng này.”
Tờ Đại
Đoàn Kết cũng từng có bài viết vào năm 2011 với tựa đề “Ký ức Hoàng Sa
trong nhiều thế hệ người Việt Nam”. Bài báo nhận định: “Vinh danh những người
con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cũng là một cách để khắc
ghi ký ức Hoàng Sa vào tâm thức dân tộc mãi mãi không phai mờ.”
Được biết, năm 1974, Trung Quốc
dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính
quyền VNCH đã kịch liệt phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc.
Wikipedia cho biết thêm, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa của Hải
quân Việt Nam Cộng hòa trước sự xâm phạm lãnh thổ của Hải quân Trung Quốc diễn
ra từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Việt Nam Cộng hoà có
74 binh sĩ tử vong trong cuộc chiến, trong đó có hạm trưởng Ngụy Văn Thà.
Trong nền giáo dục dưới thời
cộng sản, chính phủ VNCH thường được nhắc tới với những danh từ như “chế độ
thối nát” “ngụy quân, ngụy quyền” hay “chính quyền tay sai của Mỹ.
5. 6 giờ gào khóc của người mẹ và câu trả
lời ‘tìm rất kỹ rồi’
Báo Lao
Động đưa tin, vụ cháy khu nhà tạm gần khách La Thành, Liễu Giai, Ba Đình,
Hà Nội hồi tối ngày 02.01.2014, đã khiến cô nữ sinh Nguyễn Thị Huế, 21 tuổi, ở
Hà Nam tử vong.
Báo cho hay, khu nhà tạm chỉ
rộng hơn 20 mét vuông, xác nạn nhân nằm cách cửa ra vào chỉ 1,5 mét.
Vào thời điểm xảy ra cháy nhà,
bà Nguyễn Thị Tuyết, 51 tuổi, mẹ của Huế chạy được ra ngoài gào khóc, thét lên
“con tôi ở trong nhà” và xin lực lượng cứu hộ tìm con gái, nhưng các chiến sĩ
PCCC khẳng định rằng đã “tìm rất kỹ rồi, không có ai cả”.
Bà Tuyết và chồng bà chạy tới
gian nhà cháy đen để tìm con nhưng đã bị lực lượng PCCC ngăn cản và liên tục
nhận được câu trả lời “tìm rất kỹ rồi nhưng không thấy gì”.
Báo Lao Động viết, gia đình bà
Tuyết và những người thân đã phải cầu cứu lực lượng cứu hộ quay lại và lần này,
đội cứu hộ tìm thấy thi thể của nữ sinh Huế, nhưng cô đã tử vong.
Nhiều người rất đau lòng cho
gia đình bà và gửi lời an ủi đến gia đình bà Tuyết như bạn đọc Bình Tĩnh Lê
chia sẻ: “Xin gửi lời chia buồn cùng gia đình,cầu mong linh hồn em được siêu
thoát, mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau này.”
Theo VTC,
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc sở PCCC, công an TP Hà Nội cho rằng: “Sự
việc cháy khu nhà tạm gây chết người là rất đáng tiếc. Việc không tìm thấy nữ
sinh là do nguyên nhân khách quan, lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường đã cố
gắng hết sức có thể”.
Nhiều bạn đọc tỏ ra phẫn nộ khi
nghe những lời nguỵ biện trên của ông Thiều. duy khẳng khái nói: “Mấy ông quan
chức VN hay có thói quen là khi có sự cố xảy ra ở cơ quan mình việc trước tiên
đúng lên bao biện bằng nhưng câu như thế này “đúng quy trình”, ” đã làm hết
trách nhiệm” … Thay vì nhưng lời phát biểu nhận trách nhiệm và xin lỗi gia đình
nạn nhân.” Còn bạn đọc hành Tâm buồn bã: “Nguyễn Bá Thành phàn nàn: “Lực lượng
PCCC ở đậy vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, sợ nguy hiểm… Lời phát biểu của
ông Thiều chúng tỏ ông này rất vô cảm.”
Ngô trí Đức đặt câu hỏi cho các lực lượng công bộc của dân: “cho đến bao
giờ các cơ quan chức năng mới dũng cảm nhận sai về mình? do khách quan, đó là
kết qủa ngòai ý muốn… câu trả lời hết sức chung chung,vô cảm và hèn nhát.” Tri
Pham thương tâm nói: “Xin gửi lời chia buồn cùng gia đình. Và cũng buồn thay
cho những ai có trách nhiệm cứu người, Xin có đôi lời rằng: Một khi
đảm trách việc chữa cháy, cứu người hãy xem nạn nhân trong biển lửa
kia là những người thân của mình thì mới hết lòng với công việc
mình đang làm…”.
Theo Báo
Đời Sống Pháp Luật cho biết thêm, nữ sinh Trần Thị Huế, hiện đang là sinh
viên năm 3 của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Gia đình khó khăn, cô cùng mẹ và một
người khác phải thuê một phòng trên tầng 2 căn nhà tạm bợ này để ở và học hành.
PV.VRNs
No comments:
Post a Comment