Saturday, 4 January 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 3-1-2014 (HT.ĐT.VRNs)




HT.ĐT.VRNs
Đăng ngày: 03.01.2014

VRNs (03.01.2014) – Sài Gòn -

1. Khánh Hòa: Người dân phản đối nhà máy đường gây ô nhiễm
Theo VOV đưa tin, ngày 01.01.2014, gần 1000 người dân ở 2 thôn Phước Lâm, Ngũ Mỹ tập trung trước cổng Công ty Cổ phần đường Ninh Hòa ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phản đối về việc công ty này đã gây ô nhiễm môi trường dân cư.
Báo cho biết, công ty này đã xả nước ra sông Dinh gây bốc mùi hôi thối và làm cá ở sông này bị chết. Bụi đen, tiếng ồn từ nhà máy phát tán ra khu dân cư, len lỏi vào các nhà dân, gây xáo trộn cuộc sống của bà con.
Báo cho biết thêm, công ty Cổ phần đường Ninh Hòa có công suất hơn 4.000 tấn mía cây/ngày, tiêu thụ phần lớn mía của địa phương.
Theo báo Người Lao Động, anh Quốc ở thôn Phước Lâm than thở: “Chúng tôi phải dùng vải màn để lọc nước sinh hoạt. Khi ăn cơm thì chui vô mùng để tránh bụi. Tiếng ồn của nhà máy khiến trâu, bò còn hoảng hốt nói gì đến chuyện trẻ em học hành”.
Trước đó mấy ngày, theo Dân Trí đưa tin, hàng trăm người dân ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã biểu tình, dựng lều, đem quan tài, trống kèn đặt trước cổng nhà máy xi măng Xuân Thành để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy này gây ra.
Theo trang blog Dân oan Hà Nam cho biết lý do bà con mang quan tài bởi vì ông Mỹ giám đốc điều hành của công ty xi măng Xuân Thành đã  dùng ô tô của công ty chở côn đồ đến đánh người dân ở thôn làm ông Lê Minh Đoan hơn 60 tuổi bị trọng thương. Nên Người dân ở đây tuyên bố rằng “nếu dân trong thôn mà chết một người thì phía nhà cầm quyền và công ty Xuân Thành cũng phải có người chết theo, vì thế dân làng đã chuẩn bị 2 cỗ quan tài.”
Dân oan Thúy Nga có mặt ở đây và bà đã phát cuốn cẩm nang thực thi quyền làm người cho bà con nơi đây.
Qua hai sự kiện trên bạn đọc Tâm Lâm nói: “Dân bắt đầu đấu tranh quyết liệt và đã sẵn sàng đứng lên đòi quyền căn bản…”. Bạn Yến Thảo nhận xét: “Khi người dân bị dồn vào thế đường cùng thì lúc đó họ sẽ liên kết lại với nhau để đòi lại quyền lợi cho họ.” Nguyễn Văn Quyến cho rằng: “Ít ra cũng phải đoàn kết như vậy nhà cầm quyền cs mới bớt lộng hành.”

2. Đưa hóa chất vào thực phẩm là tội ác
Tờ Thanh Niên đưa tin, ngày 2.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh thành cả nước về các vấn đề phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Trong buổi hội nghị trên, nhiều bộ trưởng đã đưa ra những vấn nạn còn tồn tại trong vấn đề VSATTP.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Ngộ độc [thực phẩm] chỉ là một phần bề nổi. Cái chính là nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe lâu dài và giống nòi”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng tiếp lời: “Việc đưa hóa chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác. Chúng ta phải xử lý như tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường.”
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP, trong năm 2013, trên cả nước có 5.116 cơ sở có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm. Trong đó, hai địa phương có số lượng hàng hóa không đạt bị phát hiện và xử lý nhiều là Sài Gòn và Hà Nội.
Dẫn lời ông Vũ Đức Đam, tờ Người Lao Động cho biết: “Vệ sinh ATTP không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe từng người mà cả giống nòi. Giải bài toán ATTP không phải điều gì cao siêu mà từ chính chúng ta chưa quyết liệt, thiếu hành động.”
Trước ý kiến về quy định xử phạt còn chưa đủ sức răn đe, ông Vũ Đức Đam cho rằng không thể “hình sự hóa” mọi lĩnh vực của đời sống.
“Quan điểm là phải xử lý nghiêm, kịch khung theo quy định pháp luật. Quan trọng hơn là tuyên truyền để người dân hiểu và tẩy chay những sản phẩm, cách làm xấu.” – Ông khẳng định.
Một bạn đọc cho ý kiến: “nếu chỉ tuyên truyền mà không có biện pháp mạnh hơn như ‘rút giấy phép kinh doanh’ thì làm sao người dân có thể tránh được những thực phẩm chế biến sẵn có dùng hóa chất được bày bán.”
Còn bạn đọc Lê Văn lâm nhận định: “đây không phải chỉ là tội ác mà là trực tiếp đầu đầu độc giống nòi,cần có một chính sách chế tài đủ mạnh và xem đây là tội phạm cần truy cứu trách nhiệm hình sự, không thể xem nhẹ chỉ phạt vi phạm hành chính.”
Bạn đọc Sáu tào lao cũng tự hỏi: “Những căn bệnh quái ác mà người dân thành phố mắc phải đều xuất phát nguồn gốc từ cái chợ thuốc độc [Kim Biên, một chợ tại Sài Gòn chuyên bán hóa chất, phụ gia thực phẩm]. Thế mà không hiểu vì sao nó cứ nghiễm nhiên tồn tại … Không lẽ chính quyền các cấp bó tay?”
Trước đó, bà Tiến đã đề nghị các cơ quan quản lý y tế về VSATTP kiểm tra, xử lý, phạt thật nặng các đơn vị vi phạm trong vấn đề thực phẩm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh và nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dẫn lời bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế TP HCM, tờ Người Lao Động cho biết thêm: hiện có một sự nhập nhằng giữa chất phụ gia và hóa chất.
Việc chưa có quy định cụ thể tách ra giữa phụ gia và hóa chất đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh đưa hóa chất công nghiệp vào phụ gia thực phẩm. Trước thực trạng trên, các sở – ngành kiến nghị nên cấp phép riêng phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp. Về lâu dài, cần quy hoạch cụ thể khu vực nào, điều kiện nào được phép kinh doanh hóa chất, hương liệu phụ gia thực phẩm để việc quản lý thuận tiện hơn.

3. Anh, Pháp và Việt Nam thu hồi búp bê đầu trái cây
Tờ Người Lao Động đưa tin, Anh, Pháp đã cấm, tịch thu và hủy hàng loạt đồ chơi búp bê đầu trái cây do Trung Quốc sản xuất vì chứa chất phtalat độc hại. Tại thị trường Việt Nam, loại đồ chơi vừa kể trên cũng đã được bày bán trước đó.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, ông Phan Hoàn Kiếm – chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM – vừa chỉ đạo các đội QLTT quận huyện rà soát kiểm tra, thu hồi các sản phẩm đồ chơi búp bê đầu trái cây chứa chất độc.
Tờ Người Lao Động cho biết thêm, các dẫn chất phtalat có khả năng gây ung thư, vô sinh ở nam giới, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ mang thai.
Tác hại của các dẫn chất phtalat được ghi trong y văn là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết (endocrine disruptors). Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi.
Bài báo cho biết thêm, do tác hại của dẫn chất phtalat, Nghị viện Châu Âu tuyệt đối không cho phép dùng các phtalat trong đồ chơi trẻ em và cả mỹ phẩm.
Bạn đọc vuaviet nhận xét: “Ở Châu Âu người ta kiểm tra trước khi nhập vào, còn ở VN nhập vào tràn lan, nghe thông tin người ta cấm. Lúc đó mới lo đi kiểm tra.”
Tờ Thanh Niên cho biết thêm, theo khảo sát thực tế thì nhiều chủ hàng đã cất giấu búp bê đầu trái cây, chỉ còn số ít bày bán ở thị trường
Ngoài ra, ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho biết kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 về mẫu đồ chơi trẻ em bóng bơm hơi xuất xứ Trung Quốc đã phát hiện độc chất phthalate (DEHP) cao hơn 400 lần mức cho phép. Chất độc này ảnh hưởng đến gan, thận, có thể gây ung thư cho người dùng.

4. Trung Quốc ra mắt trang web chính phủ tại Hoàng Sa
Theo trang web Báo Mới loan tin, đầu năm 2014, Trung Quốc chính thức ra mắt trang web chính phủ tại đơn vị hành chính Tam Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN.
Báo cho biết thêm, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc, tờ báo giấy đầu tiên mang tên Sansha News cũng được phát hành ngay tại đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Báo Mới online viết tiếp, Nhân dân Nhật báo đưa tin rằng, trang web và tờ báo nói trên có nhiệm vụ giới thiệu lịch sử, những bước phát triển Tp.Tam Sa .
Báo Mới nhận định, “Trung Quốc đã có thêm một động thái “gặm sâu” vào chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa”.
Trong bài viết “Hoàng Sa-Trường Sa có còn của Việt Nam?” của Nhà báo Phạm Trần, ông bình luận Việt Nam đã bị ép nhượng đất cho Trung Cộng trong các cuộc đàm phán phân định ranh giới lãnh thổ hai nước.
Nhà báo Phạm Trần viết: “Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989 nói : “Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt….Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ( Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc….” (17-03-2010, Bauxite Viet Nam).”
Nhà báo Phạm Trần kết luận: “Như vậy rõ ràng Việt Nam đã mất một phần đất “không nhỏ” về tay Trung Cộng, rõ rệt  là phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc.”
Trên facebook HOÀNG SA FC nhận xét: “Ngay đầu năm 2014, Trung Quốc đã tiến một bước xa hơn trong mưu đồ xâm lược Việt Nam và giành quyền bá chủ trên Biển Đông. Cùng lúc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lên tiếng ủng hộ việc đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa, và tạo dáng chụp ảnh với tàu ngầm mới tậu. Cần, nhưng đã đủ chưa ?”.
Chủ trương đưa nội dung chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa năm 2015 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các báo đài trong nước loan tin hôm 30.12.2013, nhưng sau đó 1 ngày,  đồng loạt các website báo đảng đã gỡ bỏ nội dung này.
Theo Wikipedia, Tam Sa là một thành phố được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào ngày 24 tháng 7 năm 2012 để quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, bao gồm: Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh. Theo phân cấp hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tam Sa là một địa cấp thị thuộc tỉnh Hải Nam và có chính quyền nhân dân đặt tại đảo Phú Lâm, thuộc chủ quyền của VN.

5. Cướp tàn độc trở lại Sài Gòn dịp cuối năm
Tờ Vietnamnet đưa tin, hàng loạt vụ cướp với cách thức tàn độc quay trở lại Sài Gòn vào thời điểm cuối năm. Đa phần các vụ cướp đều có tính băng nhóm, có kẻ cướp thừa nhận gây án vì… đói.
Theo đó, công an Q.7, TP.HCM đã bắt giữ 1 băng cướp nguy hiểm vào cuối năm 2013. Băng cướp khai nhận đã thực hiện 26 vụ dùng dao Thái Lan kề cổ các cặp tình nhân, người đi đường nơi vắng vẻ để cướp xe, tài sản; trong đó có 2 vụ gây thương tích cho các nạn nhân.
Cùng thời điểm trên, công an Q.12 đã bắt 3/4 đối tượng thuộc băng nhóm khác. Băng cướp khai nhận thực hiện 3 vụ, dùng vũ lực đe dọa các cặp tình nhân đang ngồi tâm sự ở nơi vắng để cướp tài sản.
Ngoài ra, bài báo còn điểm thêm hai vụ cướp xảy ra vào đêm 29/12 tại khu đất trống ở tổ 4, P.An Khánh, Q.2 và vụ cướp tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Các đối tượng trên đã thực hiện những hành vi rất táo tợn như dùng dao uy hiếp anh và đâm thương nạn nhân để cướp tài sản.
Bạn đọc Duong Hung nhận xét: “thật nguy hiểm… Hơn 60 tuổi, tôi nghe xong thì rất sợ, nếu tinh trạng này kéo dài chắc không dám ra đường.”
Trước đó trong một bài viết đăng hôm 9.12.2013, tờ Lao Động cho biết, tại TP. Đà Nẵng đã xảy ra 531 vụ phạm pháp hình sự. Theo đại tá Lê Văn Tam, trong số vi phạm bị bắt thì số không có việc làm chiếm 53,7%.
Tờ báo nhận định: “Thiếu việc làm không chỉ bịt bùng bài toán sinh kế, mà còn là nguồn cơn gây phát sinh nhiều hệ lụy cho xã hội như trộm cắp, giết người, ma túy…” Sở LĐTBXH còn cho biết, có hai nhóm hiện nay khó tìm được việc làm là nhóm sinh viên ra trường và nhóm bị thu hồi đất trên 50 tuổi.
Bài báo của Vietnamnet cũng cho biết thêm, trong một cuộc họp về tình hình tội phạm diễn ra cuối tháng 12.2013 tại Sài Gòn, tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, lưu ý: tỷ lệ người mất việc làm tăng cao… cũng góp phần gia tăng tội phạm.
Bài báo dẫn chứng trường hợp của băng cướp Nguyễn Văn Cuộc. 5 thành viên trong nhóm làm công nhân may, thợ sửa xe không đủ sống, thậm chí phải ra công viên bán dâm cho người đồng tính
Thành viên nhỏ nhất sinh năm 1990 băng cướp nói: “Em thất nghiệp, cứ đói lên đói xuống, quay về quê gia đình cũng nghèo khó, tham gia đi cướp chỉ để kiếm sống qua ngày và mua sắm quần áo cho cái Tết này.”
Bạn đọc Trần Hùng thổ lộ sau khi đọc bài viết: “đọc xong thấy buồn và chỉ có một điều ước nhỏ nhoi: Làm sao để mọi miền quê Việt Nam phát huy được các làng nghề truyền thống ?… Làm sao khôi phục được truyền thống giáo dục của gia đình, họ hàng… và làm sao các vùng quê phải được đổi mới nhanh nhất để thu hút người dân trở về lập nghiêp…??? Ôi, cứ mải mê đô thị có khi lại tác dụng ngược???”.
Bạn đọc DavidPhan tiếp lời: “Bần cùng sinh đạo tặc! Ông bà xưa nói quả không sai. Đây là vấn đề đáng báo động với nhà nước ta, nếu ai cũng có công ăn việc làm ổn định có thể XH sẽ không như vậy.”
Trong khi đó, một số bạn đọc khác lại nhận xét: “Thanh niên sức dài vai rộng làm cái gì mà chả kiếm được miếng ăn, cái mặc. Đói, nghèo là lý do để biện hộ cửa miệng của những kẻ ăn cướp, ăn trộm, thực ra những kẻ này lười lao động mà thích hưởng thụ, thích ăn chơi. Có bọn trộm cướp nào sau khi có tiền là không ăn nhậu, hút chích, vũ trường.”
Bài báo cũng nhận định: “những vụ gây án cướp xuất phát từ….cái đói. Một sự thật xót xa ở thành phố lớn nhất Việt Nam.”

HT.ĐT.VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats