Thursday 23 January 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 23-1-2014 (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 23.01.2014

VRNs (22.01.2014) - Sài Gòn -

1. Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội
Bà Lê Thị Bích Hồng, phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ – Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: “Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy một bức tranh cực kỳ nguy hiểm. Nói dối ngày càng tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn càng nói dối nhiều hơn”.
Bà Hồng nói trong buổi tọa đàm “Giáo dục với việc hình thành nhân cách, đạo đức con người, văn hóa VN trong bối cảnh toàn cầu hóa”, do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 22.01, tại Hà Nội.
Trong buổi tọa đàm này, nhà giáo Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho rằng nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn của xã hội VN. Ông Kính nhấn mạnh: “Văn hóa xuống cấp, tâm lý bất an ngày càng lan rộng trong xã hội. Ngay giữa đời sống được coi là văn minh này thì có nhiều biểu hiện thô lậu, hoang dã, bạo lực tràn lan.”
Tuổi Trẻ cho hay, một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng nếu người lớn vẫn tiếp tục nói dối thì trẻ em tất yếu sẽ theo gương.
Bạn đọc Thiên cho ý kiến: “Nói dối có mặt ở mọi nơi mọi chốn từ gia đình, tới nhà trường, thương trường… Có những thủ tục hành chánh bất hợp lý khiến người ta phải khai gian, làm giấy tờ giả; cán bộ thì không ít người bị hủ hóa, thậm có những bác sĩ, điều dưỡng hay y tá chỉ khi được đút lót, tặng quà thì mới chăm sóc bệnh nhân như “từ mẫu”. Bộ máy thì cửa quyền khiến cho người dân phải đút lót và cán bộ ăn hối lộ. Ôi cái xã hội VN!”.

2. Đào mồ mả để chiếm đất, xây nhà trái phép
Theo thông tin từ tờ Người Lao Động biết, khi người dân đến nghĩa trang (cũ) phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để tảo mộ theo thông lệ hằng năm vào ngày 20-12 (âm lịch) thì phát hiện, nhiều ngôi mộ đã bị san bằng, thậm chí có ngôi mộ còn bị đào lên, hài cốt đã bị đưa đi đâu không rõ.
Theo bài báo nhận định, màu đất còn khá mới chứng tỏ mộ bị đào cách đây không lâu. Hàng chục hộ dân có mộ của người thân bị đào bới tập trung ở đây khóc thảm thiết.
Phóng viên cũng phát hiện, trên phần đất nghĩa trang phường Đức Long có một ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố và một con đường dẫn vào nhà rộng gần 2m. Để mở con đường này, 3 ngôi mộ đã bị vùi lấp.
Giải thích về vụ việc trên, Ông Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Long cho biết: nghĩa trang này đã không còn sử dụng, nên tổ quản trang đã được điều ra nghĩa trang khác nên mới xảy ra tình trạng này. Ông cũng cho biết thêm, UBND phường Đức Long đã cho cán bộ xuống ghi nhận hiện trường lập biên bản vụ việc. UBND phường cũng đang truy tìm xem ai là chủ ngôi nhà trên nhưng vẫn chưa tìm ra. Chúng tôi sẽ đề nghị Chủ tịch UBND phường ra quyết định cưỡng chế công trình vi phạm này.
Bạn đọc Tài tỏ vẻ nghi ngờ: “nói thế thôi chứ xây căn nhà to thế sao nhà cầm quyền không biết. Bên cạnh nhà tôi sửa cái bếp có tí gạch cát mà cũng đã có người xuống rồi.”
Bạn đọc Hạnh Xuân cũng bất bình: “Một chính quyền phường có đầy đủ ban bệ và quyền lực mà bảo không biết gì về chuyện này, kể cả việc xây dựng và chủ nhân của nó… Nếu việc này không xử lí đến nơi đến chốn và trách nhiệm của chính quyền sở tại lại khỏa lấp bằng biện pháp phê bình kiểm điểm…. thì việc dân không còn tin vào chính quyền là lẽ tất nhiên.”

3.  Vũ trường chỉ cách chùa 30 m !
Tờ Pháp Luật Thành Phố cho biết, hơn nửa tháng nay, người dân ở gần vũ trường Club V18 (18 Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) yêu cầu cơ quan chức năng xem lại việc cấp phép cho vũ trường vì gây ồn ào và chỉ cách chùa Ông, di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia, chưa đầy 30 m…
Bài báo cũng cho biết thêm, theo qui định, phòng khiêu vũ của vũ trường phải cách từ 200 m trở lên đối với trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước.
Ông Đặng Hoàng Kim – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ cho biết thêm, Sở đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra lại quy trình cấp giấy phép cho vũ trường Club V18, xác định tiếng ồn và làm rõ thêm một số nội dung khác.
Cũng liên quan đến việc xây dựng các tụ điểm giải trí gây ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo, vào năm 2008, phía Giáo Hội Công Giáo còn cáo buộc phía nhà cầm quyền đã sử dụng sai mục đích trên phần đất thuộc sở hữu của tôn giáo.
Theo đó, tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn tố cáo nhà cầm quyền đã biến phần đất số 32bis Nguyễn Thị Diệu, Sài Gòn thành một vũ trường mang tên VIP CLUB, ‘nhằm mục đích kinh doanh’ thay vì ‘sử dụng vào mục đích giáo dục’.
Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn khẳng định có đầy đủ tài liệu chứng minh quyền sở hữu của Tu hội đối với căn nhà nói trên và đã gửi đơn yêu cầu trả lại tài sản đến các cấp chính quyền thành phố từ năm 2005. Được biết, tu hội đã để Sở Giáo dục thành phố dục sử dụng cơ sở này làm trường Mẫu giáo Măng Non vào năm 1975, để chấp hành văn thư số 576/VP/75 của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn.
Theo đó, Giáo phận đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo Phận để phục vụ cho mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên thông cáo cũng nhấn mạnh, quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo.

4. Tủi phận ông đồ “lén lút” cho chữ ở vỉa hè
Trước quyết định của Sở VHTT&DL Hà Nội, theo đó vào dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, “Phố ông đồ” sẽ được chuyển vào khu vực hồ Văn trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thay vì diễn ra trên vỉa hè áp sát khu di tích như mọi năm. Đài tiếng nói Việt Nam bình luận: những ông đồ đã làm tái hiện lại một nét văn hóa, làm sống dậy một biểu tượng thẩm mỹ của dân tộc từ ngàn đời nhưng nay phải nộp tiền ngồi ki-ốt nếu còn muốn cho chữ mà không bị cưỡng chế.
Trần Kiên thất vọng: “đang phá bỏ nét cổ truyền của tết Việt.” Nhàvăn Nguyễn Quang Vinh nhận xét: “Đến như ông đồ cho chữ mà cũng cấm cũng đoán, cũng đuổi thì còn ra cái thể thống gì của văn hóa Hà Nội. Thiếu gì cách để giữ trật tự, sao phải xua đuổi những ông đồ? Sao cứ ép họ vào dãy kiot ở cái hồ gần đó mà chắc chắn chẳng ma nào vào đó xin chữ, sao cứ phải ép ông đồ phải nộp tiền phí, rồi chắc chắn nếu tới vị trí mới thì khách du xuân xin chữ còn phải mất tiền gửi xe. Tết nhất chỉ có 1 tuần cho thầy đồ bán chữ, là thời gian vui chơi văn hóa, sao cứ hăm hăm nhìn vào thu thu, phí phí mà vấy bẩn nét văn hóa độc đáo như thế của Hà Nội……. Sở văn hóa Hà Nội đang định phá Hà Nội sao?”.
VOV cho biết thêm: “Sở VHTT&DL qui hoạch một “phố ông đồ” bên trong hồ Văn chật chội với chỉ 36 ki-ốt khung sắt, mỗi ki-ốt phải thuê giá 5 triệu và sẽ chỉ có 72 ông đồ được cấp thẻ “hành nghề”.
Trước đó, bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã cho rằng: phố ông đồ tự phát bên khu di tích Văn Miếu trong vài năm gần đây đã “gây mất mỹ quan. Các thầy đồ thường đóng đinh, treo các bức thư pháp lên tường của di tích, căng lều bạt và gây lộn xộn ở phía bên ngoài khu di tích, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của du khách, của nhân dân Thủ đô cũng như khách tham quan di tích.”
Anh Chí gợi ý: “Nếu được góp ý thì xin các ông ở Hà Nội cứ để các ông đồ nồi cạnh tường Văn Miếu. Chỉ cần quản lý trật tự, theo hàng lối sát chân tường và dành chỗ vỉa hè bên ngoài cho người dân đi ngắm và xin chữ. Xe nên cho gửi phía đằng vườn hoa bên phía đối diện của Văn Miếu, còn hàng quán bán đồ ăn thì đừng để ai bán chỗ phố ông đồ là được. Chứ làm như năm nay e không ổn. Nhất là mục đích đưa vào hồ Văn để thu mỗi chỗ 5 triệu đồng thì rất khó cho các ông đồ.”
Còn bạn đọc Nguyễn Hải Minh trăn trở : “Nhìn mà đau đớn thay. Nét văn hóa dân tộc như đang bị xua đuổi vậy. Chẳng qua đưa phố [ông đồ] vào trong chắc cũng chỉ vì chút lợi ích thôi. Mấy ông đưa ra chính sách đã bao giờ tham khảo ý kiến những ông đồ, những người dân đâu. Thử hỏi sao. Phố ông đồ ngoài vỉa hè thì tấp nập mà trong thì đìu hiu vắng lạnh thế?”.
Theo “ông đồ” Vũ Thùy, xin chữ không chỉ là thú chơi của những người hiểu về chữ mà còn là sự gửi gắm những tâm tư, những điều mong muốn về sự tốt đẹp cho một năm mới của những người xin chữ. Và là nét đặc trưng của đất Hà thành ngàn năm văn hiến.

5. Những ý kiến trái ngược xung quanh việc nhà ga không chấp nhận việc sai tên, CMND
Tờ VnExpress cho biết, sáng 22/1, hàng trăm hành khách đến ga Sài Gòn đòi trả vé vì tên, số giấy CMND không trùng khớp với thông tin in trên vé.
Từ ngày 20 – 29/1, ga Sài Gòn thực hiện kiểm tra tên, số CMND với hành khách đi tàu có ga đến từ Nha Trang trở ra. Vì thế, nhiều hành khách đã không được lên tàu vì tên, số CMND không trùng khớp với thông tin in trên vé.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, sở dĩ nhà ga siết chặt quy định là nhằm hạn chế tình trạng “cò” đầu cơ mua vé trước rồi bán lại cho hành khách hưởng chênh lệch.
Bạn đọc Kiên thể hiện sự đồng tình: “Ủng hộ cách làm của nhà tàu. Siết chặt một lần thà đau còn hơn cứ để thị trường nhộn nhạo. Đã đến lúc giao thông Việt Nam phải đi vào quy củ.” Bạn đọc Giết Cò tiếp lời: “Hoan hô những người thực hiện chủ trương này.” Bạn đọc Tri Map Dang cũng bày tỏ: “Ủng hộ chủ trương của ga Sài Gòn. như thế này mới dẹp yên được tình trạng cò vé.”
Trong khi đó, bạn đọc Ngoc Khoi phản bác: “bạn đã về quê ăn tết bao giờ chưa, mỗi lần bán vé tết thì chỉ có vài đợt, mỗi đợt chỉ duy nhất 1 ngày. Đăng ký kiếm số thứ tự tới lượt mình mua thì kêu hết vé, mà đâu phải người nào cũng rảnh mà bỏ thời gian làm việc của mình để lên mua vé như vậy.”
Bạn đọc thuy cũng chia sẻ: “Mấy bác linh động giải quyết cho dân đi, tội những người dân nghèo! Năm nay cảnh cáo năm sau áp dụng cũng chưa muộn. Tôi là người thường mua vế tàu từ cò, vì hoàn cảnh xa và đến cận ngày không có vé nên mới qua cò thôi. Dại gì phải mua của cò nếu có đủ vé.”
Cho rằng giải pháp trên vẫn chưa thực sự hiệu quả, bạn đọc Huyền than phiền: “Chỉ khổ những người đã mua vé. ” Cò” thì vẫn chả sao, dù sao tiền cũng đã cầm trong tay”. Bạn đọc ngoc cũng đặt vấn đề: “tại sao mấy người cò lại có vé để bán cho khách trong khi đó hành khách mua trên mạng, trên ga lúc nào cũng bảo hết vé bắt buộc người ta phải tới đại lý mua chứ, giờ thì kiểm tra CMND thì chỉ có hành khách bị mất tiền thôi.”
Một bạn đọc khác còn chia sẻ: “mình đã đi mua vé, đăng ký qua tin nhắn 2 số thứ tự, đến lượt mình thì hết, mất 1 ngày. Đi ra khỏi ga sài gòn thì bị cò bao vây, bạn thích vé chính chủ, đúng số CMND của mình cò có luôn. Nói chung không giải quyết được gì.”

PV. VRNs



2 comments:

  1. Nói chung là còn nhiều vấn đề bất cập nhưng đừng nhìn bằng con mắt tiêu cực như thế. Sao bạn không nghĩ răng Việt Nam mấy chục năm trước dân cơm không có mà ăn, chiếc điện thoại như vật thể lạ thế mà bây giờ đời sống được nâng cao, không những được cơm no áo ấm mà nhân dân có điều kiện để phát triển toàn diện hơn, được chăm lo trên nhiều mặt hơn như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội…

    ReplyDelete
  2. Trong nền kinh tế thị trường có nhiều khi con người trở nên biến chất tha hóa nhiều hơn. Cái này chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Bênh cạnh đó thì cũng có nhiều ưu điểm mà, giờ kinh tế so với trước đây phát triển hơn nhiều. Nhiều công trình xây dựng mọc lên, điện đường trường trạm khang trang hơn. Người người nhà nhà có cuộc sống tốt hơn mà. Tôi nghe ông bà tôi kể về những ngày cơ cực trước đây mà thấy mình thật may mắn được sống trong thời đại này.

    ReplyDelete

View My Stats