Friday 10 January 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 10-1-2014 (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 10.01.2014

VRNs (10.01.2014) – Sài Gòn -

1. Nhiều CSGT phải điều trị vì áp lực tâm lý
Lý giải cho nhều vụ việc gây bất bình trong dư luận năm 2013 từ các lực lượng CSGT như, vụ một CSGT bắn chết cấp trên của mình cùng nhiều cán bộ khác bị thương ngày 22.9.2013 ở trạm tuần tra giao thông Suối Tre, tỉnh Đồng Nai; hay vụ CSGT tỉnh Thanh Hóa rút súng bắn nhiều phát vào người điều khiển xe máy vào tháng 9, tờ Lao Động dẫn lời bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Thời gian gần đây có khá nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) đến bệnh viện lấy thuốc tâm thần và mời các bác sĩ của bệnh viện về nhà khám liên quan đến áp lực về tâm lý, đau đầu, mất ngủ…”
Bác sĩ Lý Trần Tình cũng cho biết thêm, một số nghề mà đặc biệt là nghề phải tiếp xúc với cộng đồng dân cư, xã hội, tiếp xúc với công chúng như CSGT thì chịu rất nhiều áp lực, bởi vì người ta soi vào từ hành động, suy nghĩ, trang phục, thái độ của người đó. Chưa kể đến tai nạn giao thông luôn cận kề với họ.
Vị bác sĩ cũng nhấn mạnh: cần có một hệ thống trị liệu tâm lý riêng cho CSGT, bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp đồng bộ từ hướng dẫn luật cho người dân, thiết kế, đặt các biển báo, đèn tín hiệu… hợp lý nhằm giúp đỡ, tạo thuận lợi, tránh quá tải, áp lực, xung đột đối với CSGT khi thực thi công vụ.
Trong khi đó, trao đổi với PetroTimes, Trung úy Phùng Ngọc Hiệp chia sẻ: Ngành nào cũng có những áp lực riêng, tuy nhiên CSGT nó có những đặc thù riêng biệt. Theo tâm lý chung, người dân đi đường hễ gặp CSGT trong đầu luôn nghĩ bản thân sẽ có thiệt hại nên trong họ có sự phẫn nộ sẵn.
Bạn đọc Mai Mai của tờ Dân trí có vẻ bất bình, bạn nói: “Người ta nói: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Cảnh sát giao thông cứ hành xử tốt theo điều lệnh và thật sự là người hướng dẫn giao thông xem thì dân ai mà chả tin yêu. Đừng chỉ vì mục tiêu xử phạt mà trở thành anh hùng “Núp” thì dân nào có thương và tránh sao được quả báo.” Facebook Nguyen Thao nghi ngờ: “Cũng có thể do làm bậy mà người ta nghĩ ra chiêu giả tâm thần để thoát tội.”
Một bạn đọc khác nhận định: “không nên gì cũng đổ tại dân. Áp lực từ việc đưa ra chỉ tiêu hàng tháng phải nộp số tiền lớn cũng là áp lực không hề nhỏ dễ nảy sinh tiêu cực cho nghành.” Bạn đọc huy cũng chia sẻ: “các ông CSGT cứ công tâm, không bắt chẹt, bỏ ý nghĩ ” làm giàu không khó ” trong ngành giao thông đi thì chả người dân nào gặp mà ức chế, phẫn nộ cả.”

2. Vì sao ô nhiễm môi trường không giảm?
Theo Tuổi Trẻ, tại hai ấp Tân Lập và Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, Sài Gòn, vụ lúa đông xuân của hơn chục hộ dân trồng lúa đang lo lắng vì hơn chục hecta lúa mới gieo khoảng 20 ngày bị héo quắt, chết dần chết mòn. Nguyên nhân chính là do nguồn nước ô nhiễm đen kịt, bốc mùi hôi thối chảy từ kênh An Hạ tràn về các cánh đồng của bà con.
Báo Tuổi Trẻ viết, ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thới Nhì, cho biết trên xã có 350-400ha đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Hầu hết diện tích canh tác này dựa vào nguồn nước từ kênh An Hạ, nhưng dòng kênh này không chỉ là nơi chứa các nguồn xả thải từ các khu công nghiệp trên khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi mà còn cả các khu công nghiệp ở tỉnh Long An, Tây Ninh.
Hiện nay, nước kênh An Hạ đang bị ô nhiễm nặng nề. Mùi hôi thối vào lúc cao điểm bốc lên nồng nặc đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh và sinh hoạt của người dân.
Theo wikipedia, kênh Xáng Lớn, còn gọi là Kênh An Hạ, là một con kênh đổ ra Sông Vàm Cỏ. Kênh có chiều dài 27 km. Kênh Xáng Lớn chảy qua tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng liên quan đến ô nhiễm môi trường, bà con tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang sống gần khu công nghiệp thuộc cảng cá Tắc Cậu đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nặng nề do các nhà máy chế biến bột cá gây ra.
Báo Người Lao Động cho hay, hầu hết các nhà máy chế biến bột cá tại cụm công nghiệp này không lập đề án chi tiết hoặc không xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Báo cho biết thêm, hiện các dòng kênh và cả con sông Cái Bè đã bị nhuộm đen, bốc mùi khi phải hứng chịu nước thải và chất thải suốt ngày đêm từ các nhà máy. Điều này, đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như vườn cây ăn trái của người dân.
Còn theo báo Thanh Niên cho biết, tại Sài Gòn, tại giao lộ Bình Thới – Lạc Long Quân phường 10, quận 11, Sài Gòn xuất hiện bọt lạ màu trắng phun lên từ nắp hố ga tràn ra mặt đường.
Trong khi đó, cuối năm 2013, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường công bố, có gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có biện pháp xử lý ô nhiễm, đạt 86,1%. Việc kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và cải thiện môi trường làng nghề, các lưu vực sông, khu-cụm công nghiệp đã có những bước thay đổi lớn.
Nhưng nhìn lại tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Và chưa thấy một báo cáo nào của nhà cầm quyền cho biết rõ, những thiệt hại của các chất thải công nghiệp đổ ra môi trường ảnh hưởng như thế nào đến đời sống và sức khỏe của người dân. Nhưng ở VN càng ngày càng gia tăng số người bị mắc bệnh ung thư, cũng như là người dân phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế do môi trường gây ra như chuyện nuôi cá, tôm, cây ăn trái bị chết hàng loạt.
Theo báo Thanh Tra, vào cuối năm 2013, tại Việt Nam, theo số liệu được đưa ra tại hội nghị phòng, chống ung thư do Hội Ung thư Việt Nam tổ chức vào ngày 5 – 6/12 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, có hơn 110.000 trường hợp ca ung thư mới được phát hiện tại Việt Nam.  Theo đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang gia tăng ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ….
Trích dẫn từ báo Thanh Tra, BS Lê Hoàng Minh – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ung thư sẽ là một trong những loại bệnh lý thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp tới. Số lượng tử vong do ung thư tại Việt Nam hiện nay là hơn 82.000 ca mỗi năm”.
Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, Giáo sư Lê Huy Bá đưa ra nhận định về lý do khiến cho tình trạng vi phạm trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam vẫn tiếp diễn: “Tình trạng như vậy không được cải thiện trước hết phải qui trách nhiệm cho những người quản lý, hệ thống quản lý không được chặt chẽ, luật pháp không nghiêm minh, thực thi luật pháp không được nghiêm minh và xử phạt không đủ mức để răn đe. Thứ nữa pháp luật của Việt nam chỉ phạt cơ quan mà không phạt bỏ tù người đứng đầu được, chỉ phạt tiền thôi, không giải quyết vấn đề hình sự được. Nên người ta làm cùng lắm chỉ bồi thường về mặt tiền bạc, kinh tế thôi chứ không có tính răn đe để cho đối tượng cầm đầu, người đứng đầu phải chịu tù. Từ trước đến nay chưa bỏ tù ai được về gây ô nhiễm môi trường cả.”

3. “Bộ GD-ĐT vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ thi chung…”
Tờ Dân trí cho biết, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết: với đề án tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 – 2016, “chúng tôi có cảm nhận dường như Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự chủ tuyển sinh để vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ tuyển sinh chung của Bộ lâu nay”.
Tờ Tiền Phong cũng thông tin, kết thúc cuộc họp, hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện “5 bỏ”: bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ v.v…
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết thêm, khái niệm “tự chủ tuyển sinh” lâu nay đã bị hiểu lầm. “Tự chủ tuyển sinh” là quyền của trường ĐH, nhưng các trường không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh.
Vì thế, tờ Dân Trí cho biết thêm, Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở GDĐH để giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình.
Do đó, tất cả các cơ sở GDĐH phải được quyền hưởng dịch vụ công ích này. Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ.
Ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm ý kiến: “Với đề thi ĐH, chẳng có một căn cứ nào để chứng tỏ phải đạt mức điểm này mức điểm kia thì thí sinh mới đủ khả năng về học lực vào ĐH… Do đó định ra điểm sàn là rất vô lý.”
Ông Lê Viết Khuyến cũng đồng tình: “Ở các nước tiên tiến, hầu hết học sinh học xong THPT vào ĐH là bình thường. Về mặt nguyên tắc, hễ tốt nghiệp THPT là đủ năng lực học ĐH. Chúng ta cần phải tư duy theo cách ấy.”

4. Hang Sơn Đoòng được tạp chí Business Insider bình chọn là một trong 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới
Tờ Thanh Niên Online cho biết, hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới.
Khảo sát được tạp chí này công bố hôm nay 9.1 cho biết hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, được kiến tạo từ khoảng 2 – 5 triệu năm trước bởi dòng sông ngầm dưới dãy núi đá vôi. Hang có chiều rộng 150 mét, cao hơn 200 mét, dài ít nhất 5 km.
Trong một cuộc trao đổi với tờ Tuổi Trẻ về vấn đề bảo tồn các di sản phi vật thể nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Mục đích trao danh hiệu [cho một di sản là] nhằm đánh thức, khuyến khích cộng đồng khu vực có ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản văn hóa nghệ thuật của quá khứ.”
Thiết nghĩ, lời khuyên trên của nhà nghiên cứu cũng có thể áp dụng cho việc bảo tồn các di tích, danh lam thắng cảnh.
Tờ Thanh Niên cho biết thêm, vào tháng 12 năm 2012, Một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị có những kỳ nghỉ để động Phong Nha – Kẻ Bàng (trong đó có hang Sơn Đoòng) tái tạo thạch nhũ sau khi khai thác du lịch làm di sản này xuống cấp.

5. Trồng dưa gang ra… dưa “lạ”
Tuổi Trẻ loan tin, vợ chồng ông Võ Văn Sơn trú tại xã Hậu Mỹ Phú, Cái Bè, Tiền Giang, sau nhiều tháng đầu tư và chăm bón hơn 2,1 ha dưa gang thì cuối cùng gia đình ông thu hoạch được không phải dưa gang mà thay vào đó là một giống dưa không biết loại dưa gì.
Vợ chồng ông rất lo lắng bởi vì không có một thương lái nào mua dưa của gia đình ông với lý do “dưa lạ nên không ai mua”.
Vợ chồng ông Sơn đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để mua hạt giống dưa gang OP TN 355 của Công ty TNHH TM Trang Nông về trồng.
Báo cho hay, bà Huỳnh Thị Nga, chủ cửa hàng hạt giống Cô Nga, xác nhận đã bán cho ông Sơn 46 bịch hạt giống dưa gang OP TN 355 của Công ty Trang Nông.
Báo cho biết, ông Sơn đã gọi điện thoại cho công tu Trang Nông nhưng họ trả lời rằng “không chịu trách nhiệm”. Ông Nguyễn Phương Tuấn, trưởng phòng kinh doanh Công ty Trang Nông trả lời với phóng viên Tuổi Trẻ rằng, “nếu hạt dưa không nảy mầm hay không đúng giống thì công ty mới có trách nhiệm hỗ trợ.”
Bạn đọc Loan phản ánh: “Công ty Trang Nông bán dưa mà giờ không biết giống dưa thì quá vô trách nhiệm. Nguồn hạt giống công ty bán cho bà con nông dân lấy từ đâu? Bởi giống cây trồng quyết định chất lượng sản phẩm của bà con nông dân. Cứ làm ăn kiểu công ty Trang nông thì bà con nông dân lấy gì mà ăn.”
Ông Sơn lo lắng: “Dưa bị thương lái chê không mua, vợ chồng tui có nguy cơ mất trắng, chưa kể công cán chăm sóc, tiền vay đầu tư cho ruộng dưa chưa biết lấy gì để trả đây”.
Một bạn đọc khác VIEN nói rằng: “Cả một gia tài của người nông dân đó. Nếu nói như đổ lỗi cho nhau không ai nhận sai vây thì nông dân bỏ ruộng là phải rồi, cảnh làm nông nghệp ngày còn khó, trông, chăm sóc, đến khi thu hoạch thì không ai mua.”
Hiện tượng người dân bỏ ruộng, trả ruộng không canh tác… để đi phương xa kiếm sống đã xảy ra nhiều ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Thanh Hóa do làm việc quần quậy cả ngày nhưng thu nhập vẫn thấp, người nông dân sống trong cảnh lo lắng nợ nần nếu như bị thất thu.

PV.VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats