Thursday, 9 January 2014

TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2014-01-09

Trận hải chiến để giữ quần đảo Hoàng Sa trước sự tấn công xâm lược của Trung Quốc đã xảy ra 40 năm qua. Có 74 sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt nam Cộng hòa đã bỏ mình trong trận hải chiến đó.
Thân nhân và đồng sự của những liệt sĩ hiện còn trong nước nói gì về biến cố đó sau 40 năm trời đằng đẵng với bao thay đổi của thế sự.

Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.   RFA files


Hồi tưởng

Một người được nhắc đến nhiều trong số những liệt sĩ hy sinh tại trận hải chiến sinh tử suốt ba ngày từ 17 đến 19 tháng giêng năm 1974 là thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm HQ10 của hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Bà quả phụ của thiếu tá Ngụy Văn Thà kể lại việc được tin chồng tử trận trong cuộc hải chiến năm đó:
Lúc đó báo chí đăng nhiều lắm, tôi thấy chiến hạm HQ10- Nhật Tảo bị Trung Quốc bắn chìm, trong khi đó tôi cũng nghe các anh ở Bộ Tư lệnh Hải quân nói tôi trong ngày đó cứ chờ đến 6 giờ chiều chiến hạm 16 về để biết tin tức thế nào. Đó là lời của ông đề đốc Hải quân nói. Chờ đến khi chiều HQ16 về thì biết chiếc HQ10 đã bị bắn chìm rồi, và ông Thà bị bắn chết khi ở trên đài chỉ huy. Tôi chỉ nghe nói lại như vậy thôi. Khi được báo tin như vậy, tôi có ra Bộ Tư lệnh Hải quân cùng với vợ của ông Nguyễn Thành Trí, và qua ngày sau Bộ Tư Lệnh Hải quân có đến nhà tôi làm lễ truy điệu. Đề đốc Tư lệnh có tới nữa.

Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà hôm Thứ Tư 27-7-2011 được mời dự lễ vinh danh tử sĩ VNCH trận Hoàng Sa 1974 tại Sài Gòn ở câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình

Một thủy thủ phụ trách kỹ thuật trên chiến hạm HQ10, ông Trần Văn Hà hiện ngụ tại ấp 2, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, may mắn không bỏ mình trong cuộc hải chiến và trở về cùng 21 đồng đội khác cho biết một số suy nghĩ sau 40 năm được chứng kiến những người chỉ huy sẵn sàng tử thủ chết với tàu và để cho những thuộc cấp như ông được rời tàu trở về bờ:
Ngày nhận được lệnh là tối 18, anh em đi ra Hoàng Sa rất phấn khởi, rất hăng say vì đi đánh Trung Quốc mà, hồi đó gọi là Trung Cộng. Tinh thần rất cao, tôi nghĩ thế. Lúc nào cũng thấy đó là việc làm mà mình không thấy uổng tiếc. Hôm nay hình dung lại bốn ngày trôi lênh đênh trên biển, tôi thấy mình rất sung sướng, hãnh diện; mặc dù thế nào đi nữa, mình cũng thấy có một phần nào đó.

Sau khi trở về từ cuộc hải chiến Hoàng Sa, người thủy thủ Trần Văn Hà được trao Hải Dũng bội tinh và phong lên cấp hạ sĩ.

Một hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm hạ sĩ quan trưởng khối hành quân trên chiến hạm Trần Khánh Giư, ông Lữ Công Bảy, hiện sống tại Thủ Đức bày tỏ cảm xúc vào thời điểm kỷ niệm 40 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa:
Nhớ lại tôi thấy đau lòng lắm, số anh em của chúng tôi đã hy sinh tại Hoàng Sa mà đến giờ này vẫn chưa được gì, mặc dù anh em của chúng tôi bảo vệ cho đất nước Việt nam, chứ không bảo vệ cho bất cứ chế độ nào hết. Bảo vệ lãnh thổ Việt Nam nhưng chẳng may lực lượng của ta quá yếu không thể bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Tôi nghĩ những người nằm xuống xứng đáng được vinh danh với Tổ quốc Việt Nam.

Sự lãng quên- ghi nhớ

Theo bà quả phụ thiếu tá Ngụy Văn Thà thì sau khi chồng tử trận bà nhận được các chế độ cô nhi tử sĩ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian ngắn đến khi miền nam thất thủ thì mọi nguồn trợ cấp đó đều không còn. Bà phải lo kế sinh nhai nuôi cho ba đứa con gái mất cha mà cháu lớn nhất khi ông Ngụy Văn Thà tử trận mới chín tuổi. Suốt gần bốn thập niên qua, gia đình bà dường như sống trong quên lãng.

Những binh lính dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Ngụy Văn Thà cũng trôi nổi như cuộc đời của người thủy thủ Trần Văn Hà qua lời kể của ông sau đây:
Có đi cải tạo rồi cuộc sống cũng vất vả dữ lắm. Quê tôi ở quận Châu Thành, tỉnh Long An. Vợ chồng ‘đùm túm’ về Bạc Liêu để kiếm đường đi nhưng cuối cùng đi không được và tá túc đến nay luôn.

Hồi tháng 7 năm 2011, một số nhân sĩ trí thức tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm các cuộc chiến tranh biên giới phía nam, phía bắc và hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa đã mời bà quả phụ Ngụy Văn Thà đến tham dự. Đó là lần được nhắc đến công trạng của người chồng tử trận lần đầu tiên gần mấy chục năm qua. Bà kể lại:
Lúc đó năm 2011 mới được nhắc nhở đến, và từ đó đến nay luôn được nhắc nhở đến Hoàng Sa- Trường Sa. Người ta nói ông Thà là một anh hùng đánh nhau với một cường quốc.

Tờ Đại đoàn kết trong nước, cơ quan ngôn luận của trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam gần đây cũng có vinh danh những người bảo vệ biển đảo của Việt Nam, và người thủy thủ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên chiến hạm HQ10, ông Trần văn Hà cũng được mời đến tham dự. Ông cho biết:
Tình cờ Báo Đại Đoàn Kết có phát hiện ra, họ hỏi và tôi cũng kể lại rành rẽ vụ việc. Ngày 22 tháng 12 vừa qua, báo đó có tôn vinh những người thuộc các thế hệ người Việt bảo vệ Biển đảo, lúc đó tôi cũng gặp được vợ hạm trưởng và hạm phó. Họ cũng được bên chính phủ Việt nam này tôn vinh trong ngày 22 tháng 12 vừa rồi.

Mong ước

Những người từng liên hệ đến cuộc hải chiến cách đây 40 năm cũng bày tỏ những mong muốn như nhiều người Việt hiện nay là thấy phần đất của tổ quốc được thu hồi trở về dù thế hệ này không thực hiện được thì các thế hệ mai sau phải làm được điều đó.

Bà quả phụ Ngụy Văn Thà bày tỏ:
Bây giờ đảo Hoàng Sa do Trung Quốc nắm giữ rồi, ước muốn của mình là giới trẻ cũng nhớ đến ông cha trước kia đã hy sinh bảo vệ đất nước, tổ quốc thì mong tuổi trẻ bây giờ cũng giống vậy thôi.

Ông Lữ Công Bảy cũng có cùng tâm trạng:
Mong muốn lớn nhất của tôi là bây giờ cho đến ngàn năm sau lúc nào Hoàng Sa và Trường Sa cũng là của Việt Nam. Thế hệ của chúng tôi không giữ được thì thế hệ sau này cũng tìm cách thu hồi lãnh thổ đã bị vào tay Trung Quốc.

Trong cuộc làm việc với Hội lịch sử hồi cuối năm 2013, thủ tướng Việt Nam có nói đến việc tưởng niệm 40 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa và 35 năm cuộc chiến tranh biên giới phía bắc; tuy nhiên sau đó thông tin liên quan trên các báo trong nước đều bị gỡ bỏ.

Nhiều người trong và ngoài nước vẫn thắc mắc về thái độ của chính phủ Hà Nội hiện nay khi tỏ ra dè dặt đối với những cuộc chiến bảo vệ đất nước trước đây như cuộc hải chiến Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 và chiến tranh biên giới phía bắc tháng 2 năm 1979.

Trung Quốc là lực lượng tấn công xâm lăng trong hai cuộc chiến đó và nhiều binh sĩ Việt Nam phải bỏ mình để bảo vệ tổ quốc. Theo lẽ thường bản thân họ phải được ghi công là liệt sĩ và thân nhân họ cần được đền đáp xứng đáng về những hy sinh phải chịu khi mất người thân. Tuy nhiên người chết vẫn chưa được chính quyền hiện nay vinh danh và người sống vẫn phải âm thầm tưởng nhớ dù biết rằng sự hi sinh của người thân họ là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.


3 comments:

  1. Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam.
    Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền của Việt Nam và nằm trong biên giới của lãnh thổ Việt Nam.Năm 1075, vua Lý Nhân Tông có sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông của 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chính. Những năm 1172-1173, nhân một cuộc đi tuần để quan sát núi sông và đời sống nhân dân, vua Lý Anh Tông có ra lệnh cho các quan soạn ra bản địa đồ nước ta. Đời Trần, ngoài cuốn An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong đó có phần dành cho địa chí, theo các nhà nghiên cứu có khả năng còn có cuốn sử Việt ghi chép về địa lý nước ta như Việt sử Cương mục, Đại Việt Sử ký… Ngoài ra còn nhiều cuốn sử ký và địa lý nước ta cũng như nhiều cuốn sách quý khác từ đầu thế kỷ XV trở về trước bị quân Minh tiêu hủy hoặc mang về Kim Lăng.
    Đời nhà Lê có quyển sách địa lý đầu tiên của người Việt Nam là cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi. Kế đến, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Lê Thánh Tông có ra lệnh cho các quan thân trấn thủ xem xét địa hình núi sông hiểm trở thuộc địa phương mình vẽ thành bản đồ giao cho Bộ Hộ để lập thành bản đồ của lãnh thổ Đại Việt. Cuốn Thiên Nam Từ Chí Lộ Đồ Thư (hay Toàn Tập An Nam Lộ) của Đỗ Bá tự Công Đạo được soạn vẽ theo lệnh Chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), căn cứ vào những chi tiết thu thập được từ thế kỷ XV. Có thể xem đây là một trong những tài liệu xưa nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam còn tồn tại đã ghi phần chú thích bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam với nội dung: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hoá thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn (Chúa Nguyễn) mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu hồi hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”. Tháng cuối mùa đông Âm lịch thường rơi vào tháng 2, tháng 3 Dương lịch, khí hậu vùng Hoàng Sa đang vào mùa khô và quan trọng là không còn bão nữa. Đây là thời gian thuận lợi nhất để các Chúa Nguyễn sai người ra thu hồi hàng hoá của những chiếc tàu bị chìm trong khu vực Hoàng Sa. Chi tiết lịch sử này đã chứng tỏ một cách hùng hồn các hoạt động xác lập chủ quyền của người Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Vì nếu quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước khác thì không thể có chuyện hàng năm, theo từng thời kỳ nhất định, hàng đoàn thuyền của người Việt cứ đều đặn ra Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) để chở hàng hoá quý giá về một cách ngang nhiên không bị ai phản ứng. Trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được ghi nhận là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, những tư liệu lịch sử còn sót lại cho thấy muộn nhất là vào thế kỷ XV đến thế kỷ XVII người Việt Nam đã từng ra vào Bãi Cát Vàng. Trong cuốn sách “Univers, histoire et decription de tous les peuples, de leurs religions moeurs et coutumes” viết năm 1833, Đức Giám mục Taberd cũng cho biết: “Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lỏm chỏm những đá nhô lên giữa những bãi cát đã được người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ”. Đáng lưu ý là trong nguyên văn của vị giám mục này tên Cát Vàng được viết theo âm tiếng Việt (Paracels nommé par les Annamites Cát Vàng ou Hoang Sa).

    ReplyDelete
  2. Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, có một số nước và vùng lãnh thổ cũng có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

    Xét về góc độ vị trí địa lý: quần đảo Trường Sa nằm ở Đông - Đông Nam bờ biển Việt Nam, trong khoảng vĩ độ 6050' đến 12000' Bắc, kinh độ 111030' đến 117020' Đông, gồm hơn 100 đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000 km2. Trong quần đảo, hòn đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 460 km; hòn đảo gần Trung Quốc nhất cũng cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 1.150 km.

    Xét về chứng cứ lịch sử và pháp lý: Theo các chứng cứ lịch sử của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam là người đầu tiên chiếm hữu (ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII) và đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    ReplyDelete
  3. - Thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), trong "Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư", đã lập bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó gọi là "Bãi cát vàng" và "Vạn lý Trường Sa" (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tô-ki-ô, Nhật Bản).
    - Thế kỷ thứ XVIII, trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ" đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là những đảo của Việt Nam.
    - Lê Quý Đôn (1726 - 1786) trong cuốn "Phủ biên tạp lục" đã mô tả khá kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
    - Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" và "Hoàng Việt địa dư chí", đã mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
    Rất nhiều sử liệu quý khác, như "Việt sử cương giám khảo lược" của Nguyễn Thông cũng đề cập khá cụ thể về những hoạt động của binh lính Triều đình trong việc tuần tra, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, lập bia, dựng miếu, trồng cây làm dấu, đánh bắt thủy hải sản, lập trạm hải đăng,... ở trên hai quần đảo này. Hiện nay, viện bảo tàng của các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa cũng còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị củng cố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là Sắc chỉ (còn nguyên vẹn bản gốc) của Triều đình nhà Nguyễn liên quan tới việc canh phòng quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 147 năm qua.

    ReplyDelete

View My Stats