Được đăng ngày Thứ sáu, 10
Tháng 1 2014 22:02
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1492 – 1585)
Đất Việt muôn năm vững trị bình
(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1492 – 1585)
Từ Hoàng Sa máu đổ
1/1974…
…Khi chưa có Mác – Lê, khi chưa
có thành trì của vô sản quốc tế Liên Xô – Trung Quốc…thì việc bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ, biển đảo của tổ quốc vẫn luôn luôn là ý thức thường trực của mọi
người dân Việt Namkhông phân biệt tuổi tác, thành phần chính trị, nghề nghiệp,
đảng phái, tôn giáo, thuộc mọi triều đại. Đó là một trong những phẩm chất
truyền thống, giá trị vĩnh hằng đó được hun đúc và truyền dẫn từ đời này qua
đời khác trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước nhiều nghìn năm của
dân tộc.
Ảnh: bia chủ quyền của VN ở
Hoàng Sa trước 1974
Việt Nam là quốc gia sở hữu một
đường bờ biển dài…việc xây dựng một lực lượng hải quân mạnh, đủ sức làm tròn
nhiệm vụ nòng cốt, giữ vững chủ quyền biển đảo, được đặt ra khá sớm, ngay từ
giai đoạn mở rộng bờ cõi ra hướng biển. Đặc biệt khi chúa Trịnh ở Đàng Ngoài,
chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau này đến thời các vua Nguyễn cho lập các Đội
Hoàng Sa, Đội Bắc Hải ra khai thác, dựng bia, cắm mốc, làm nhà, xây miếu, trồng
cây, thực hiện nhiều việc xác định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các
đảo trong vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc. Việc tổ chức lực lượng biển đảo
như vậy, được tiến hành thường xuyên, liên tục, thành quy định luân phiên nhau
thực hiện từ năm này qua năm khác. Những người được giao trọng trách luôn có ý
thức, trách nhiệm làm tròn nhiệm vụ trong mỗi chuyến đi.
Kế tục sự nghiệp của các đội
Hoàng Sa, Bắc Hải thời các Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn, ngay sau khi Pháp rút
quân theo Hiệp Định Giơ Ne Vơ tháng 7 năm 1954, năm 1956 chính quyền Sài Gòn
cho các đơn vị hải quân ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ các đơn
vị quân đội Pháp. Đối với quần đảo Hoàng Sa, do hạn chế về nhiều mặt nhất
là tàu thuyền cả về số lượng, chất lượng nên hải quân Việt Nam Cộng Hòa chỉ kịp
triển khai đóng giữ phần phía Tây, chưa kịp ra phía Đông nên phần này bị Trung
Quốc chiếm mất. Trên các đảo mới tiếp quản, tuy lúc này còn nhiều khó khăn,
nhưng các đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng dựng bia, chòi canh, xây
dựng, củng cố trận địa, bố trí các đơn vị chiến đấu, tổ chức tuần tra, canh
gác, quan sát, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống nên chủ quyền lãnh thổ phần
phía Tây Hoàng Sa được giữ vững liên tục 18 năm từ 1956 đến 1974.
Đối với quần đảo Trường Sa, đề
phòng Trung Quốc nhân cơ hội chiếm Hoàng Sa sẽ liều lĩnh đưa quân xuống, chiếm
đóng xen kẽ, gây nên tình hình phức tạp trong khu vực, ngày 22 – 8 – 1956,
chính quyền Sài Gòn cho một đơn vị hải quân ra cắm cờ, dựng bia tại đảo Trường
Sa Lớn.
Năm 1958, trong bối cảnh Mỹ bắt
đầu can thiệp vào Việt Nam, coi Trung Quốc, Liên Xô là kẻ thù, tăng cường lực
lượng quân sự trong khu vực Thái Bình Dương, tàu hải quân Mỹ đi lại, tuần tra
dọc eo biển Đài Loan; Trung Quốc đơn phương tuyên bố lãnh hải 12 hải lý, nhằm
đối phó với tình hình có thể xẩy ra tranh chấp từ nhiều phía. Thủ Tướng VNDCCH
Phạm Văn Đồng nhanh chóng ra công hàm công nhận Tuyên Bố này của Trung Quốc.
Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là chủ sở hữu hợp pháp phần biển đảo Nam vĩ tuyến 17
đã tăng cường quân số, bổ sung vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, cơ sở
vật chất nhằm bảo đảm khả năng chiến đấu lâu dài cho các căn cứ đồn trú trên
Hoàng Sa và Trường Sa.
Công hàm Phạm Văn Đồng
Năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào
miền Nam, thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, leo thang đánh phá miền Bắc,
phân chia các vùng chiến thuật trên toàn miền Nam, các đơn vị hải quân Sài Gòn
trên mỗi đảo được tổ chức biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; bố
trí quân số, trang bị vũ khí, cơ số đạn theo phương án tác chiến phù hợp với quy
mô, vị trí từng đảo. Viên chỉ huy trung đội, đại đội được chỉ định làm đảo
trưởng để quản lý cả nhân viên khí tượng, thuỷ văn làm việc trên đảo.
Đầu năm 1974, tình hình khu vực
Hoàng Sa diễn biến rất nhanh chóng, căng thẳng khi ngày 11/1/1974 Trung Quốc
ngang nhiên tuyên bố các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do chính quyền
Sài Gòn quản lý là một phần lãnh thổ của CHND Trung Hoa. Ngay sau khi tuyên bố,
Trung Quốc cho nhiều chiến hạm và tàu cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Bốn ngày sau 15-1-1974 Trung Quốc bất ngờ cho máy bay ném bom và đưa quân đổ bộ
chiếm các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Duy Mộng, Quang Hoà thuộc phần phía Tây quần
đảo Hoàng Sa do lực lương hải quân VNCH đóng giữ. Sau khi đổ bộ Trung Quốc cho
quân dựng trại, cắm cờ và rút lên tàu nghe ngóng, xem phản ứng của chính quyền
Việt Nam Cộng Hòa.
Trước hành động ngang ngược của
Trung Quốc, Bộ Tư Lệnh hải quân chính quyền Sài Gòn cho chiến hạm Trần Khánh Dư
mang ký hiệu HQ-4, khu trục hạm tối tân nhất của hải quân VNCH và cả khu vực
Đông Nam Á lúc bấy giờ, do Trung Tá hải quân Vũ Hữu San làm Hạm Trưởng ra giữ
Hoàng Sa (sau ngày 30 - 4 -1975 chiến hạm Trần Khánh Dư thuộc biên chế của hải
quân nhân dân Việt Nam với ký hiệu HQ- 01 do Đỗ Xuân Công làm Thuyền Trưởng).
Đi theo HQ- 4 lúc đó là một trung đội biệt hải để sẵn sàng đổ bộ tái chiếm đảo.
Để tăng cường khả năng tái chiếm đảo, cùng ngày, Bộ Tư Lệnh hải quân VNCH cho
tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, do Trung Tá hải quân Lê Văn Thư làm Hạm Trưởng
ra phối hợp với chiến hạm Trần Khánh Dư.
Rạng sáng ngày 18/1, hai tàu cá vũ trang Trung Quốc tiến vào Hoàng
Sa. Khu trục hạm Trần Khánh Dư và tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đồng loạt dùng
tín hiệu cảnh báo: Đây là lãnh hải Việt Nam, các ông phải rời khỏi ngay. Nhưng
tàu cá Trung Quốc vẫn ngoan cố tiến vào. Trước thái độ ngang ngược của đối
phương, khu trục hạm Trần Khánh Dư dùng mũi tàu đâm thẳng vào tàu địch, làm gẫy
lan can phía trước và cong cửa buồng lái, buộc địch phải lui, nhưng vẫn lởn vởn
xung quanh Hoàng Sa, không chịu quay về.
Trước tình hình tranh chấp
quyết liệt, để tăng cường khả năng tái chiếm đảo, trưa ngày 18/1, Bộ Tư Lệnh
hải quân Sài Gòn cho thêm tuần dương hạm Trần Bình Trọng, ký hiệu HQ-5, do
Trung Tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm Hạm Trưởng xuất phát đi Hoàng Sa. Cùng
đi có Đại Tá hải quân Hà Văn Ngạc được cử làm chỉ huy trưởng lực lượng chiến
đấu bảo vệ Hoàng Sa. Trên tuần dương hạm Trần Bình Trọng ngoài sỹ quan, thuỷ
thủ của tầu, có thêm một trung đội người nhái, có nhiệm vụ sẵn sàng đổ bộ tái
chiếm đảo khi thời cơ đến. Với quyết tâm chiếm lại đảo, nửa đêm 18 – 1, Bộ Tư
Lệnh hải quân VNCH lại cho hộ tống hạm Nhật Tảo, ký hiệu HQ – 10 do Trung Tá
hải quân Nguỵ Văn Thà làm Hạm Trưởng ra chi viện cho lực lượng đang có mặt tại
khu vực đảo. Như vậy lúc này, tại khu vực Hoàng Sa có 4 tàu lớn của Hải Quân
VNCH gồm 1 khu trục hạm, 2 tuần dương hạm, 1 hộ tống hạm đều sẵn sàng cho trận
tái chiếm, bảo vệ biển đảo.
Rạng sáng ngày 19/1, Trung Quốc cho tàu chiến và tàu cá vũ
trang tiếp tục khiêu khích, tiến sát vào Hoàng Sa. Trước sự ngoan cố, liều lĩnh
của Trung Quốc, 6 h 30’ khu trục hạm Trần Khánh Dư tiến sát vào phía Tây Bắc
đảo Quang Hoà và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ. Đến gần đảo, phát hiện một
doanh trại mới và cột cờ Trung Quốc, trung đội biệt hải đổ bộ lên phần phía
Đông Nam của đảo và cắm cờ VNCH lên bờ cát và hốc đá, không thể đổ bộ lên toàn
đảo. Trong khi đó, do tàu đối phương còn lởn vởn quanh đảo nên tuần dương
hạm Trần Bình Trọng cũng không thể đến gần, buộc phải dừng từ xa, thả xuồng cao
su để đưa lực lượng người nhái lên đảo, song ngay việc đổ bộ bằng xuồng cũng
gặp khó khăn, do ngược chiều gió, xuồng đi rất chậm, nên không chi viện kịp.
Trong lúc lực lượng hải quân VNCH chưa kịp triển khai, tận dụng lợi thế xuôi
gió, Trung Quốc cho quân đổ bộ ở phía Bắc, từ đó tiến sâu vào bên trong, chiếm
đảo Quang Hoà, rồi lần lượt chiếm đóng các đảo khác.
Việc 2 trung đội biệt hải và
người nhái đổ bộ tái chiếm đảo không thể thực hiện, Đại Tá Ngạc ra lệnh cho 4
chiến hạm đi theo đội hình một hàng dọc và đồng loạt khai hoả nghênh chiến với
tàu Trung quốc đông gấp 2 lần. Tuy nhiên do chênh lệch về lực lượng, các tàu
của hải quân VNCH lại cũ, máy yếu nên không thắng được tàu hải quân Trung Quốc
đông hơn, nhiều hơn về lực lượng, vũ khí, trang bị. Phía VNCH… cái bị chìm, cái
bị thương, một số binh sĩ bị thương và hy sinh.
8h 30’ tuần dương hạm Trần Bình Trọng bị đại liên và cối 82 bắn vào đội hình
người nhái, trúng vào bệ pháo 127 ly làm 3 quân nhân hy sinh, 2 bị thương. Tình
hình chiến sự diễn ra mỗi lúc một căng thẳng, quyết liệt. Anh em rất muốn nổ
súng trả thù cho đồng đội, nhưng Hạm Trưởng Quỳnh không thể ra lệnh điểm hoả vì
lực lượng người nhái đang rơi vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, nếu nổ súng, khả
năng thương vong sẽ rất lớn. Tình thế không cho phép, binh sĩ trên tàu đành
nuốt hận, nén đau thương, băng bó, cấp cứu cho người bị thương, bó thi hài cho
người hy sinh, đưa vào khoang thuỷ thủ, đồng thời vừa sửa chữa, khắc phục hỏng
hóc, vừa cho tàu lết theo đội hình chiến đấu.
Cùng thời điểm này, tàu Nhật
Tảo bị 2 quả 100 ly bắn trọng thương, Hạm Trưởng Nguỵ Văn Thà hy sinh tại chỗ,
Hạm Phó Nguyễn Thanh Trí bị thương nặng, tàu chìm, 28 quân nhân dìu nhau xuống
bè, sau nhiều ngày trôi dạt đã được một tàu dầu của hãng Sell mang quốc tịch Hà
Lan là Konionella cứu, đưa về Đà Nẵng. Hộ tống hạm Nhật Tảo bị loại ra khỏi
trận chiến. Lúc này tuần dương hạm Lý Thường Kiệt trúng đạn, bị thương rớt lại
phía sau, tuần dương hạm Trần Bình Trọng bị hư hỏng nặng, chỉ còn khu trục hạm
Trần Khánh Dư một mình đơn độc chiến đấu.
Thiếu tá Nguỵ Văn Thà, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10.
Đại úy Nguyễn Thành Trí, Hạm phó
16h 30’ chiến hạm Trần Khánh Dư được lệnh ủi thẳng lên đảo Quang Hoà, 130 thuỷ
thủ bám sát vị trí sẵn sàng chiến đấu chiếm lại đảo, song các khẩu đại bác đều
trục trặc, không khắc phục kịp sự cố kỹ thuật, cơ số đạn không đủ để tác chiến
trong thời gian dài, lúc mà quân Trung Quốc đã đổ bộ chiếm đảo từ sáng sớm.
Biết khả năng tái chiếm đảo là khó thực hiện, Hạm Trưởng San báo cáo trực tiếp
với Tư Lệnh hải quân VNCH là HQ – 4 không còn khả năng đánh chiếm đảo. Trước
tình hình đó, lệnh từ đất liền: Các tàu quay về, huỷ lệnh tái chiếm Hoàng Sa.
17h chiều 19/1/1974, trận hải chiến giữa hải quân VNCH và hải quân
Trung Quốc kết thúc với phần thắng thuộc về đối phương. Hải quân Trung Quốc đã
chiếm đảo Quang Hoà và các đảo còn lại thuộc phần phía Tây của quần đảo Hoàng
Sa do Việt Nam chiếm giữ từ trước. 5h 30’ ngày 20-1-1974 (Tức ngày 30 tháng
chạp năm Quý Sửu, tức ngày 30 tết) khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) về đến
cảng Tiên Sa – Đà Nẵng; 9 giờ tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ- 5) vào cảng.
12 giờ cùng ngày, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt từ từ tiến vào vịnh Đà Nẵng với
sự hộ tống của 2 tàu lai dắt.
Bị mất Hoàng Sa, đề phòng Trung
Quốc lợi thế đánh chiếm Trường Sa, ngày 1/2/1974, Bộ Tư Lệnh hải quân Sài Gòn
cho quân đồn trú đồng loạt trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây,
Sơn Ca, Sinh Tồn, tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đảo. Tháng 4 – 1975, Hải
Quân ND VN thu hồi các đảo trên từ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Nhờ hải quân
VNCH đã bảo vệ thành công 5 đảo quan trọng kể trên mà hải quân NDVN có điều
kiện mở rộng quyền kiểm soát trên 21 hòn đảo khác trong vùng biển Trường Sa.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia
kiểm soát nhiều đảo nhất trong vùng biển này, kế đến Trung Quốc 7, Đài Loan 1,
Philippine 9, Malaisia 5 đảo.
Bản đồ “Lưỡi Bò” của Trung Quốc
quét gần hết Biển Đông
Biển đảo của tổ tiên dù trong
tay các vua chúa phong kiến ngày xưa, trong tay những người thuộc thời đệ nhất
hay đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa hay đang trong tay nhà nước CHXHCN Việt Nam… đều
thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao người con đất
Việt đã đổ ra vì sự toàn vẹn và trường tồn của những vùng biển đảo thiêng liêng
đó.
Phủ nhận những hy sinh to lớn
của những người này, những người nọ là có tội với tiền nhân, có tội với lịch
sử, là trái với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Rẻ rúng những gì mà những người
đồng bào của mình đã dâng hiến, chúng ta không hề đẹp thêm trong con mắt của
những dân tộc văn minh và giàu lòng tự trọng, không hề mạnh thêm trong con mắt
của những thế lực đang muốn thôn tính vùng biển đảo thiêng liêng này.
Thái độ đúng đắn, hợp đạo lý,
hợp lòng người nhất là hãy cùng nhau xoá bỏ hận thù, cùng đốt lên nén hương tôn
vinh bất cứ ai đã không tiếc thân mình cho sự toàn vẹn và trường tồn của những
vùng biển đảo thiêng liêng đó, dù họ là ai. Dòng máu của Nguỵ Văn Thà - Hạm
Trưởng, Nguyễn Thành Trí Hạm Phó hộ tống hạm Nhật Tảo cùng các chiến hữu trong
hải quân VNCH khác đã ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, có khác gì
đâu dòng máu của các liệt sĩ hải quân quân đội NDVN 14 năm sau đã đổ ra trên
đảo Gạc Ma 1988. Nước mắt và nỗi đau của người vợ, người mẹ ông Nguỵ Văn Thà và
các chiến hữu của ông, có khác gì đâu nước mắt và nỗi đau của những người vợ
liệt sĩ, những mẹ Việt Nam anh hùng có người thân đã bỏ mình vì đất nước.
Bà quả phụ Nguỵ Văn Thà trong
một hội thảo về Biển Đông tại Sài Gòn 2011
…Đêm trước của thông
điệp 2014:
Những điều giản dị như vậy mà
nhiều năm qua người đời mỗi khi nhắc đến là một lần phải lấm lét vì chế độ này
coi đó là những điều nằm trong vùng cấm kị và người ta đã coi người biểu tình
yêu nước khẳng định Biển Đông – Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam… là đám
gây rối, là lực lượng thù địch, là bọn suy thoái cần phải xử lý và nhiều người
đã bị theo dõi, ngăn cản, bị đánh đập, thậm chí có người đã phải đi tù. Vậy… vì
lý do gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng, chiều 30/12/2013 vào thăm Hội khoa học Lịch Sử
Hà Nội đã đưa ra những thông điệp rất lạ về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Những
thông điệp này nhanh chóng được VTV và Website chính phủ phát đi mạnh mẽ đến
không ngờ, sau đó vì thế lực nào mà các thông điệp đó lại bất ngờ bị tháo gỡ!
Xin trích :
· Vietnamnet trích lời Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa vào sách giáo
khoa rằng: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp
hoà bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”.
· Thanhnien online thì chạy tít
lớn: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại Giao đang lên kế
hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 – 1979 chiến tranh bảo vệ biên giới phía
Bắc”.
Đã có rất nhiều cách lý giải hiện
tượng này. Xin lược trích:
Tác giả Tô Văn Trường lớn tiếng
kêu gọi:
“Toàn dân và toàn Đảng phải nắm
lấy thời điểm quan trọng này để đòi thực hiện, cùng chung tay thực hiện và
quyết tâm thực hiện. Không có dân chủ cho không đâu, lại càng không có những thành
tựu đáng mong muốn nào tự trên trời rơi xuống. Còn như chỉ nghi ngờ hoặc khoanh
tay chờ đợi, cây sung của đất nước hầu như chẳng còn quả nào đâu để mà chúng ta
có thể há miệng chờ nó rụng vào cổ họng” (Đừng để dân nghĩ chính trị phần lớn
là dối trá)
Từ TP Hồ Chí Minh, nhà báo
Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp hào hứng lên tiếng:
“Kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa thất
thủ là việc rất nên làm và rất tốt vì đấy là một sự kiện lịch sử và người dân
Việt Nam phải ghi nhớ…lãng quên những sự kiên ấy là có tội đối với dân tộc”và “Thủ Tướng tuyên bố “Sự thật là sự thật,
lịch sử là lịch sử”, một công dân của một quốc gia có lòng tự trọng nói về
hoàn cảnh của quốc gia mình đó là điều đáng quý trọng”.(NQT)
Từ Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Tiến
sĩ Nguyễn Quang A bâng khuâng trước 2 khả năng xảy ra:
- Một là: “Ông Thủ Tướng
thực lòng nói như thế và muốn làm như thế. Nhưng ở trong nội bộ lãnh đạo, thí
dụ TBT hay lực lượng khác lại cản trở ông ấy. Giả thiết này phản ánh mâu thuẫn
nội bộ, nếu mà nó đúng như thế thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường và qua
mấy hội nghị của Trung Ương ĐCS Việt Nam về vấn đề kiểm điểm, kỷ luật người này
người khác thì chúng ta thấy sự mâu thuẫn nội bộ đã bộc lộ không cần phải che
dấu nữa. Nếu giả thuyết này đúng thì tôi nghĩ người dân nên ủng hộ những người
có tư tưởng tiến bộ cải cách, thí dụ trong trường hợp này là ông Thủ Tướng.
(NQA)
- Hai là: “Ông ấy chỉ nói
như vậy thôi, nói để lấy lòng dân, để củng cố uy tín của mình trong hàng ngũ
lãnh đạo. Ở trường hợp này, tôi nghĩ, đó là một điều rất tồi tệ …không thể bình
luận và không thể biết sự thật thế nào.” (NQA)
Từ Hà Nội, Đại Tá Công An Lê
Hồng Hà nguyên chánh Văn Phòng Bộ Công An, nguyên Uỷ viên đảng đoàn Bộ Công An,
nhà hoạt động chính trị xã hội lão thành bày tỏ chính kiến của mình: “Hiến
Pháp 2013 vừa được Quốc Hội 13 thông qua tự hào là có hẳn một chương về quyền
con người. Ông Dũng hay bất cứ ai khác đều có quyền bầy tỏ chính kiến của mình.
Vấn đề là một nguyên thủ thì không thể có chuyện nói đâu bỏ đấy được. Chúng ta
hãy chờ xem ông Dũng sẽ làm gì sau những phát biểu vang dội đó?”
Trang mạng Bauxite đưa ra nhiều
băn khoăn trong đó…: “Ông Dũng đã từng mạnh mẽ đề xuất Luật Biểu Tình trước
quốc hội. Thì kết quả là hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đều bị đàn áp khốc liệt, những cuộc tập hợp vì
nhân quyền và dân quyền bị hành hung”.
Nhà văn Võ Thị Hảo nhắc nhở : “Nhân
cách của một vị Thủ Tướng là lời nói phải đi đôi với việc làm”.
Nhà văn Phạm Thị Hoài phàn nàn:
…vẫn là: “Văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, Nghị Quyết và báo cáo, dùng tốt
cho bất cứ thời điểm nào trong năm.”
Từ Châu Âu, nhà bình luận Âu
Dương Thệ thẳng thừng chê bai Thông Điệp đầu năm của ông Dũng là: “Treo đầu
dê bán thịt chó”.
Từ Paris, Nhà Báo nổi tiếng Bùi
Tín mách nước: “Muốn phục thiện, vượt qua chính mình, thành tâm đi với nhân
dân, đi với dân tộc thì không có gì là khó. Ngay tết Giáp Ngọ này hãy trả tự do
cho không phải vài ba hay dăm bẩy chiến sĩ dân chủ nhân quyền mà phải là hàng
trăm tù nhân chính trị thật sự như chính quyền Miến Điện đã làm với hàng ngàn
người. Đó mới là bước đột phá hoành tráng cho những bước tiếp theo vì dân vì
nước.”
Từ Paris, Học giả Nguyễn Gia
Kiểng, nhà lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bày tỏ sự lo lắng sâu sắc của
mình khi đất nước đang đối diện với những bế tắc nan giải ngay ngưỡng cửa của
năm 2014 mà theo ông Kiểng là sẽ đầy bão táp:
“Với thế lực hiện có, ông
Dũng có thể đảo chính và cũng không sợ bị buộc tội đã không tôn trọng một chế
độ tự nó đã mất hết tính chính đáng hay một bản hiến pháp tự nó đã là một sự
xúc phạm đối với dân tộc; nhưng ông sẽ chỉ tạo ra một tình trạng không kiểm
soát được, tài đức của ông đã được phơi bày quá rõ ràng. Có nhiều triển vọng là
ông Dũng không làm gì cả và vẫn cứ tiếp tục cầm quyền như trước, coi như không
có gì thay đổi. Trong trường hợp này ông sẽ lố bịch hóa chế độ và tự đặt vào
thế vừa không chính đáng vừa không chính danh.” (NGK)
Lời cuối:
Tôi nghĩ rằng ở ngưỡng cửa 2014
của thế kỷ XXI đầy bão táp này rồi mà 97.59% Đại Biểu Quốc Hội CHXHCN Việt Nam
vẫn nhắm mắt thông qua Hiến Pháp 2013để dân tộc chúng ta người nọ níu vai người
kia lê bước vô vọng đi tìm cái “Thiên Đường” mà theo lời ông
Nguyễn Phú Trọng thì “…không biết chắc chắn là đến cuối thế kỷ này có …hoàn
thiện được ở Việt Nam hay chưa!”…Với một QH như thế, một dân tộc cam
chịu như thế thì những “Nước Cờ” mang tính ngẫu hứng của ông Dũng
như sẽ kỷ niệm “40 năm Hoàng Sa - Trường Sa và 35 năm chiến tranh biên
giới” và sau đó là Thông Điệp đầu năm 2014 …có thể vẫn giúp ông Dũng
ghi bộn “ĐIỂM !”. Nhưng không biết có bao giờ ông Dũng và cả êkip của
ông nghĩ rằng đó cũng chỉ là “Điểm Ảo”, có khác gì đâu con số 486/488
quý vị ĐBQH đã bấm nút …ở Quốc Hội trong phiên họp vừa qua?
Hiện tượng đó không biết là nên
vui hay nên buồn! Một đất nước với những nhà lãnh đạo quốc gia vô tư yên tâm
với tín điều “Hiến Pháp là văn bản quan trọng đứng sau Cương Lĩnh của
Đảng!”, một Quốc Hội với những ĐBQH không thực sự là đại biểu của nhân
dân cùng với một dân tộc mà căn cốt là cam chịu và cả tin như thế, đương nhiên
thực đơn của người dân …sẽ chỉ là bánh vẽ mà thôi và sẽ không có gì là
lạ, nội vụ đất nước sẽ trùng trùng là những Dương Chí Dũng – Dương Tự Trọng,
Nguyễn Đức Kiên, Nữ Quái Huyền Như… và cũng điệp điệp là những “Ông
Anh ở trên” trong đại án Vinaline đang làm rung rinh cả chế độ và khi
đối diện trước hiểm hoạ Trung Hoa …thì nguyên khí của dân tộc đang ngày càng
mỏi mòn, thế nước, vận nước là ngày càng tồi tệ và không có gì là bất ngờ
khi Việt Nam đã nhiều lần “Lỡ Chuyến Tàu” đi về phía “Dân
Sinh - Dân Chủ - Dân Quyền” cùng với các dân tộc văn minh.
Nay mai ông bà nào nữa lại vẫn
nói về Hoàng Sa - Trường Sa, nói về Dân Chủ, Nhân Quyền …những điều tương tự,
thậm chí có thể còn hay hơn cả những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng mới nói trước
các sử gia của Hà Nội chiều 30/12/2013 sau đó là Thông Điệp đầu năm 2014… nhưng
nếu lại vẫn chỉ là “Nói một đàng, làm một nẻo”, xin các quý vị
nhớ cho, điều đó không chỉ là có tội với 90 triệu con dân Đại Việt ở trong và
ngoài nước mà còn là sự xúc phạm không thể tha thứ với vong linh của 74 Liệt Sĩ
Hải Quân VNCH đã ngã xuống trên vùng biển Hoàng Sa 1974, hàng vạn quân dân đã
bỏ mạng trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 cùng 68 Liệt Sĩ Hải Quân QĐ ND
Việt Nam tay không mà tức tưởi ngã xuống ở Gạc Ma 1988 và cái thu hoạch được
chỉ là sự bất tín và không thể kính trọng.
Khai bút tháng 11/2011 hoàn
thành tháng 1/2014
Nguyễn Thượng Long
No comments:
Post a Comment