Sunday, 26 January 2014

TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆT NAM, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC i(Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-01-26

Một liên minh các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, phối hợp cùng các nhóm đấu tranh của người Việt hải ngoại, sẽ hiện diện tại Geneva nhằm lên tiếng và tạo áp lực buộc Hà Nội cải thiện quyền con người qua đợt kiểm điểm định kỳ và phổ quát vể nhân quyền  mà Việt Nam sẽ trải qua ở Liên Hiệp Quốc ngày 5 tháng Hai tới đây.

Áp lực buộc Việt Nam cải thiện quyền

Trong tư cách một quốc gia thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ ra trước tổ chức quốc tế này ở Geneve ngày 5 tháng Hai trong đợt kiểm điểm định kỳ và phổ quát về nhân quyền UPR, diễn ra bốn năm một lần trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,

Nhằm mục đích nghiêm khắc kêu gọi Việt Nam cải thiện và tôn trọng quyền con người ngày càng xuống dốc trong nước, lần đầu tiên một chương trình vận động gồm liên minh các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như Article 19, Pen International Văn Bút Quốc Tế, Khởi Xướng Bảo Vệ Truyền Thông Hợp Pháp Media Legal Defence Initiative, UN Watch, hợp cùng các tổ chức tranh đấu người Việt như đảng Việt Tân, COSUNAM Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam, Nhân Quyền Cho Việt Nam PAC vân vân…

Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 28 tháng này đến ngày 3 tháng Hai là những cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các giới chức thẩm quyền tại Liên Hiệp Quốc cũng như những quốc gia thành viên hầu đề nghị một tiến trình khảo sát nhân quyền sao cho có hiệu quả hơn tại Việt Nam.

Bước sang 4 tháng Hai, một ngày trước buổi điều trần UPR của Việt Nam, buổi hội thảo với chủ đề “Trách Nhiệm Của Việt Nam Trong Vai Trò Thành Viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” với diển giả là đại diện các NGO quốc tế đã nêu tên, cùng các nhà dân chủ và thân nhân các tù nhân lương tâm trong nước.

Ông Hoàng Tứ Duy thuộc Việt tân, một trong những đảng phái người Việt sẽ tham dự chương trình vận động nhân quyền cho Việt Nam ở Geneve:
Hội thảo UPR ngay tại Liên Hiệp Quốc, nhân phiên họp kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền UPR của Việt Nam ngày 5 tháng Hai này, có một số yếu tố quan trọng so với UPR cách đây 4 năm. Trước tiên, ngày nay Việt Nam là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, vì vậy phải có thêm một số trách nhiệm trong việc tôn trọng nhân quyền.
Thứ nhì, tình hình hôm nay nói chung là cộng đồng quốc tế quan tâm rất nhiều đến vấn đề nhân quyền . Năm 2009, 2010 có những tổ chức NGO lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam nhưng không phải như ngày hôm nay. Ngày hôm nay phải nói là hàng loạt các tổ chức về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do Internet, tình hình trong nước… cho nên đã có sự chú ý và hỗ trợ của nhiều tổ chức nước ngoài.
Thứ ba, vận động quốc tế ngày nay không còn thuần túy là của người Việt Nam ở hải ngoại mà chính những người trong nước, các bloggers các nhà đấu tranh trong nước, cũng đang tham gia tích cực . Trong dịp UPR lần này chắc chắn sẽ có nhiều tiếng nói từ quốc nội hiện diện tại Liên Hiệp Quốc.

Ông Hoàng Tứ Duy trong lần trả lời phỏng vấn tại RFA hôm 09/09/2010. RFA Photo.

Tại buổi điều trần UPR của Việt Nam ngày 5 tháng Hai, các tổ chức tranh đấu và bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam sẽ nêu những câu hỏi trong mục đích áp lực nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện những cam kết đã nêu ra trước khi bước vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đồng thời phải nghiêm túc bảo vệ và coi trọng những quyền căn bản của người dân.

Việt Nam hứa hẹn và thực hiện đến đâu?

Sẽ có mặt tại Geneve trong đợt kiểm điểm định kỳ và phổ quát về nhân quyền UPR của Việt Nam, bà Sarah Clarke trong Pen International, Văn Bút Quốc Tế, tổ chức thường mạnh mẽ bênh vực những cây viết bị chính phủ của họ sách nhiễu hoặc xử tội như trường hợp blogger Điều Cày hoặc nhà báo tự do Tạ Phong Tần ở Việt Nam:
Cùng với các NGO khác như Văn Bút Anh Quốc, Article 19, Access Now … một liên minh các tổ chức chuyên tranh đấu cho quyền tự do phát biểu, Pen International đã đệ nạp bản báo cáo chi tiết về tình trạng nhân quyền bị chà đạp ở Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh nhà nước Việt Nam nên tuân thủ và tôn trọng quyền đương nhiên của con người, cần bãi bỏ chính sách kiểm soát toàn bộ ngành truyền thông trong nước, tạo điều kiện để báo chí và ký giả được tự do tác nghiệp cũng như lập những cơ quan báo chí độc lập. Tóm lại, người dân Việt Nam cần được tự do thông tin, tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Những  điều này sẽ được chúng tôi nhắc lại ngay trong buổi họp báo sau đó, tức là tiếp sau buổi điều trần UPR của Việt Nam ngày 5 tháng Hai tới.

Cũng từ Anh Quốc và cũng sẽ tới Geneve dịp này để cùng các NGO khác tham dự buổi điều trần UPR của Việt Nam, bà Nani Jansen, cố vấn pháp lý của Media Legal Defence Initiative Khởi Xướng Bảo Vệ Truyền Thông Hợp Pháp, từng đưa trường hợp luật sư bất đồng chính kiến bị bắt trước đây ở Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Quân, ra trước Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế khác:
Vào ngày 4 tháng Hai sẽ có cuộc hội thảo bên lề của các NGOs, trong đó có Khởi Xướng Bảo Vệ Truyền Thông Hợp Pháp chúng tôi. Mục đích của cuộc hội thảo một ngày trước này là lôi kéo sự chú ý của dư luận trước những trường hợp người viết những bài tố cáo sự vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt nam mà đã bị sách nhiễu bị giam cầm. Đây là những chuyện phải được đề cập tới với viên chức Việt Nam, phải nêu câu hỏi rằng họ phải làm gì để giảm thiểu những hành động vi phạm đó.
Theo tôi, điều thực sự quan trọng là lần này các tổ chức bên ngoài cùng hợp lực và làm việc chung với nhau, bởi đây là cơ hội rất tốt để đưa ra ánh sáng toàn cảnh nhân quyền tồi tệ và càng ngày càng xuống cấp, mà Việt Nam không ngừng chối bỏ cũng như không ngừng ém nhẹm. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam không giữ đúng trách vụ của một thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, là nơi mà họ tha thiết muốn bước vào và tìm mọi cách để bước vào với một thành tích nhân quyền kém cỏi. Mong rằng phản ứng mạnh mẽ của liên minh các NGO lần này đối với đợt kiểm điểm định kỳ nhân quyền của Việt Nam sẽ là tiếng nói đích thực cho người Việt Nam đang bị tước đoạt nhân quyền trong đất nước của họ.

Bà Judy Taing – Article 19

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, bà Judy Taing, giám đốc phân bang Á Châu thuộc tổ chức Article 19 mà trụ sở chính ở London, nước Anh, cũng sẽ bay sang Geneve trong vài ngày tới:
Đã nhiều năm qua Article 19 không thấy sự tiến bộ trong lãnh vực quyền con người ở Việt Nam, đúng ra là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng tệ đi hơn. Tôi muốn nói sự có mặt của Article 19 bên cạnh các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác là một sự kiện vô cùng quan trọng vì từng tiếng nói từng quan điểm có thể là khác nhau nhưng tựu chung vẫn là tranh đấu cho quyền dân sự và quyền chính trị mà công dân Việt Nam tất nhiên được hưởng chứ không phải bị tước bỏ.
Chúng tôi theo dõi sát tình hình Việt Nam và thấy sự bắt bớ giam cầm người bất đồng chính kiến xảy ra gần như liên tục mà nạn nhân là những nhà hoạt động, những người bảo về nhân quyền, những người làm báo, những bloggers, nhân quyền, là nhà báo.
Câu hỏi cấp thiết chúng tôi muốn nêu ra rằng đâu là cam kết của Việt Nam, đang là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hứa hẹn và có thực hiện không. Nếu không, thì cùng với các tổ chức bạn khác hiện diện trong buổi điều trần, chúng tôi sẽ yêu cầu các giới chức thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc buộc phái đoàn Việt Nam thực thi những lời húa hẹn đó.

Vừa rồi là ý kiến và quan điểm của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng như của người Việt hải ngoại, cùng kêu gọi Việt Nam cải thiện quyền con người theo đúng nghĩa vụ một thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào khi đợt kiểm điểm định kỳ và phổ quát về nhân quyền Việt Nam UPR sẽ diễn ra tại Liên Hiệp Quốc ngày 5 tháng Hai.

RFA sẽ cập nhật tin tức đến quí thính giả từ Geneve, Thụy Sĩ.



3 comments:

  1. Không có lý gì buộc Việt Nam phải cải thiện quyền con người, vì quyền con người ở Việt Nam là quá tốt. Những gì thuộc về quyền tự do, dân chủ của con người đều được đáp ứng. Những tên phản động chỉ biết nói đến quyền mà quên đi cái trách nhiệm của người dân dành cho đất nước, chúng chỉ biết kêu gào đòi hỏi mà không bao giờ dâng hiến cho đất nước. Thật bỉ ổi. Cả thế giới đã công nhận những gì Việt Nam làm được về cái gọi là nhân quyền. Lời nói của những tên phản động sẽ chẳng có ai để ý tới.

    ReplyDelete
  2. Ai bảo ở Việt Nam vi phạm dân quyền. Ai cũng được học hành,có quyền chăm sóc sức khỏe, nước ta đang còn nghèo nhưng vẫn cố gắng để xây dựng những chế độ phúc lợi cho nhân dân. Ai vi phạm thì xử theo pháp luật chứ có làm bừa đâu mà bảo là không tôn trọng dân quyền. Chắc mấy người này suy nghĩ quá tiêu cực về nhà nước. Tôi nghĩ có thể là do suy nghĩ nông cạn hoặc là cố tình không hiểu.

    ReplyDelete
  3. Dân được quyền bầu ra những người có đủ phẩm chất để lãnh đạo đất nước, hiến pháp được thông qua nhân dân trước khi sửa đổi. Kể cả trong các tổ chức nhỏ như trường học thì tính dân chủ cũng được phát huy khi mọi ý kiến của các thành viên trong lớp luôn được đánh giá, xem xét. Một đất nước như thế mà bảo là vi phạm nhân quyền thì thật khó hiểu.

    ReplyDelete

View My Stats