Ngành
Mai
Friday, January 10, 2014 4:12:02 PM
Friday, January 10, 2014 4:12:02 PM
Khi
cầm cuốn báo Xuân Người Việt trên tay, người đọc ít nhiều gì cũng nắm được cơ
bản việc thành lập trường Quốc Gia Âm Nhạc cùng một số hoạt động của trường từ
những năm đầu Ðệ Nhứt Cộng Hòa (1957) cho đến 1975. Kể cả bức hình chụp năm
1961 trong ngày tuyển sinh, mà mấy ngày qua khá nhiều người thắc mắc về sự xuất
hiện tấm hình lịch sử này.
Và tựa đề bài viết hôm nay là lời của một nữ độc giả
tiếp xúc với chúng tôi trên điện thoại, nói rằng rất hoan nghinh bài nói về
Trường Quốc Gia Âm Nhạc, đồng thời đề nghị giới thiệu trên nhựt báo, để thiên
hạ được biết mà tìm đọc.
Bà cũng nói từ lâu nay rất muốn biết về trường Quốc
Gia Âm Nhạc, nhưng không thấy tờ báo nào, cuốn sách nào nói về ngôi trường nói
trên được in ấn. Rồi hôm nay từ Arizona có dịp về Little Saigon vào tiệm sách
báo cầm cuốn báo Xuân Người Việt, lật xem vội vàng, vô tình bắt gặp bức hình
Trường Quốc Gia Âm Nhạc đăng kèm cùng bài viết. Mừng quá! Mua ngay và đọc đi
đọc lại nhiều lần (có lẽ có kỷ niệm gì đó chăng)? Rồi thì cũng vô tình được
người nào đó cho số điện thoại tác giả bài viết.
Theo như bà thì hầu như tất cả ca nhạc sĩ dù tân
nhạc hay cổ nhạc, chẳng một ai mà không muốn biết về Trường Quốc Gia Âm Nhạc,
về lịch sử thành lập, cũng như về hoạt động của trường này. Ðây là ngôi trường
mà những người trẻ có “máu văn nghệ” đều ao ước được vào học, để sau khóa học
nhận lãnh văn bằng tốt nghiệp, chứng minh cho nghề nghiệp, cho cuộc đời ca nhạc
sĩ của họ. Dĩ nhiên là tư cách vẫn khác hơn những ai không qua trường lớp, mà
phần đông thiên hạ đã có cái nhìn như vậy. Lại nữa các nghệ sĩ từng xuất thân ở
trường này họ rất hãnh diện, rất tự hào nếu có ai hỏi về quá khứ.
Thế nhưng, rất hiếm người biết rõ do đâu mà có ngôi
trường dạy nhạc này, và từ lúc mới thành lập cho đến 1975, trường đã làm được
những gì cho nền âm nhạc kịch nghệ nước nhà. Do vậy mà trong cuốn báo Xuân
Người Việt năm nay, tôi đã đóng góp bài “Ai nghĩ ra việc thành lập Trường Quốc
Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ”? Nội dung bài viết là cả một công trình sưu tập,
tìm hiểu suốt thời gian dài, cũng như may mắn lắm mới có được bức hình ngày
tuyển sinh (1961) của trường Quốc Gia Âm Nhạc. Hình ảnh của vị giám đốc trường
là Giáo Sư Nguyễn Phụng, tốt nghiệp trường âm nhạc bên Pháp. Bức hình cho thấy
các vị giáo sư của trường vào thời ấy chưa già, Má Bảy Phùng Há khoảng 40 cũng
còn trẻ đẹp.
Thời gian qua rất nhiều người đã nói với tôi, do đâu
nhà văn Ngành Mai hiểu biết rất nhiều về cổ nhạc, về hoạt động cải lương, mà
lại còn có luôn rất nhiều bức hình của hoạt động sân khấu từ thời xa xưa. Anh
không phải là nghệ sĩ, anh là nhà văn, nhà báo mà có thể giữ được nhiều hình
ảnh như thế chứ? Và câu trả lời chung là phần đông nghệ sĩ họ chỉ lo hát mà
thôi, ngay cả hình ảnh hoạt động nghệ thuật của bản thân, họ cũng chẳng giữ
được bao nhiêu. Còn vấn đề do đâu mà nhà văn Ngành Mai am tường về hoạt động cổ
nhạc cải lương, giữ được nhiều hình ảnh, thì cái đó thuộc về... “bí mật nghề
nghiệp.” Nếu “bật mí” thì khá dài dòng, chứng minh rắc rối...
Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ là ngôi trường
duy nhứt ở Việt Nam, thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ trước 1975 (không
rõ miền Bắc có loại trường này không). Quí độc giả nếu nhận thấy mình, con em
mình, thân hữu gần xa có liên hệ đến văn nghệ, muốn biết về Trường Quốc Gia Âm
Nhạc và Kịch Nghệ. Ngành Mai xin giới thiệu bài viết nói về ngôi trường này
đăng ở trang 166-168 trong cuốn báo Xuân Người Việt năm Giáp Ngọ 2014 đã phát
hành.
---------------------------------
Thiên
An/Người Việt
Thursday, January 03, 2013 8:03:35 PM
WESTMINSTER
(NV) - Giai phẩm Xuân Người Việt 2013 chính thức được
phát hành hôm nay, 4 Tháng Giêng, chú trọng vào các chủ đề chính, bao gồm chính
trị, xã hội và nghệ thuật, bên cạnh các chủ đề Xuân truyền thống khác.
Giai phẩm Xuân Người Việt 2013, hòa quyện hơn 60 tác
phẩm, được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng trước khi ra mắt độc giả. (Hình:
Dân Huỳnh/Người Việt)
Mua
Giai Phẩm Xuân Người Việt tại
đây
Xuân Người Việt 2013 hòa quyện hơn 60 tác phẩm văn,
thơ, hội họa, biên khảo, phóng sự, bình luận, nhiếp ảnh, được chuẩn bị kỹ lưỡng
trong nhiều tháng trước khi ra mắt độc giả.
“Người Việt - Giai Phẩm Xuân Quý Tỵ
2013” bắt mắt ngay từ trang bìa. Nét vẽ hiền hòa trong
tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, qua thiết kế của Khoa Vũ, một designer mới
ngoài 20 tuổi của tờ báo, bìa Xuân Người Việt năm nay ánh lên sự bình an, hạnh
phúc, được đặt trong cái nền nã, sang trọng, xen lẫn một ít phá cách.
Chủ bút Nhật Báo Người Việt, Phạm Phú Thiện Giao,
cũng là chủ biên của giai phẩm Xuân năm nay, cho biết: “Ấn phẩm có nhiều bài
biên khảo, phân tích, bình luận có giá trị. Chẳng hạn, bài biên khảo ‘Con Ðường
Cái Quan Từ Huế Ðến Ðà Nẵng’ (Triệu Phong), ‘Tính Thời Sự Trong Thơ Nguyễn Chí
Thiện’ (Trần Phong Vũ), ‘Một Góc Kỷ Niệm Về Thời Bình Minh Dân Chủ’ (Phan
Chánh), ‘Ði Thăm Hậu Duệ Học Giả Trương Vĩnh Ký Tại Sài Gòn’ (Văn Lang), v.v.”
Từ những bài nghiên cứu văn hóa, lịch sử dân tộc,
đến những bài phóng sự đời thường của người Việt tại Little Saigon, giai phẩm
Xuân 2013 đưa người đọc dạo chơi trên chuyến du hành thời gian đa chiều, có
những mảng trở về quá khứ, có những mảng hướng tới tương lai.
Ðộc giả sẽ được trở về vùng quê sông nước miền Nam
qua bài viết “Nam Kỳ Lục Tỉnh” của Nam Sơn Trần Văn Chi; độc giả sẽ được “đi
bộ” dọc trên “Con Ðường Cái Quan từ Huế đến Ðà Nẵng” trong bài nghiên cứu tổng
hợp của Triệu Phong; hay thưởng thức vị trà quyện với mùi gió núi trong bài
“Hương Núi Từ Bình Trà Quê” của tác giả Trần Tiến Dũng.
Bên cạnh dịp dạo chơi từ Bắc chí Nam qua những bài
viết mang hương vị đồng nội, như “Còng Gió,” “Chiều Thổ Cẩm,” hay “Ông Thầy Rắn
Ở Gò Công,” người Việt tỵ nạn từng trải qua những tháng ngày sống tại Sài Gòn
sẽ được ghé về thăm quê qua ký sự “Một Ngày Ngao Du Sài Gòn” của Nguyễn Ðạt,
hay “Ði Thăm Hậu Duệ Học Giả Trương Vĩnh Ký,” của Văn Lang.
“Nếu không được giới thiệu, có lẽ ít ai ngờ người
đàn ông bình dị, ở tuổi 68, ngày ngày phụ vợ bán nước giải khát bình dân bên
ngoài bờ tường số nhà 520 đường Trần Hưng Ðạo lại là cháu đời thứ tư của ông
Trương Vĩnh Ký,” nhà báo Văn Lang viết.
Những cộng tác viên ở Sài Gòn của nhật báo Người
Việt cố gắng miêu tả từng chi tiết nhỏ nhất, thi vị nhất, để làm quà cho bà con
tha hương nhân mùa lễ Tết.
Về nỗi nhớ Sài Gòn, độc giả không nên bỏ qua bộ sưu
tập ảnh “Hớt Tóc... Lề Ðường” của nhiếp ảnh gia Dân Huỳnh. Hai trang báo với
những hình ảnh của người cắt tóc dạo, một tay cầm lưỡi dao cạo, một tay ấn lên
góc thái dương của khách, mặc kệ người qua lại mà chăm chú múa nghề, quả thật
mang lại những hình ảnh quen thuộc cho bất cứ ai từng là... “người Sài Gòn”.
Chuyến hành trình trên mọi miền đất nước cũng đưa
người đọc vượt qua nhiều ô cửa thời gian của hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm,
về với văn hóa Việt Nam. Tác giả Võ Hương An tổng hợp từ hơn sáu công trình
nghiên cứu sử học trong và ngoài nước để kể chuyện nuôi dạy hoàng tử khi xưa
trong hoàng cung, qua bài “Sướng Như Ông Hoàng?”
Xuôi dòng thời gian, giai phẩm chứa đựng rất nhiều
bài viết về Sài Gòn những tháng ngày trước 1975.
Vẫn theo người chủ biên của ấn phẩm: “Bài biên khảo
công phu của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng, ‘Ngược Giòng Lịch Sử: Cuộc Chiến Quốc Cộng
Tại Miền Bắc 1945-1946’, có giá trị trả lại sự thật cho một giai đoạn lịch sử
quan trọng của Việt Nam. Ðiều này được tác giả ghi rõ ngay trong lời đầu của
bài viết.”
“Chúng tôi tìm cách vẽ lại vai trò của những người
quốc gia Việt Nam trong giai đoạn sinh tử này và những mưu toan của Pháp cũng
như của Trung Quốc dẫn đến việc tàn sát những người Quốc Gia chống Cộng và cũng
là để nhắc lại một bài học cho những ai còn nghĩ đến một giải pháp liên hiệp
với Cộng Sản.” Trích dẫn từ bài viết của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng.
Ông Hiếu Phạm (trái), cư dân Garden Grove, độc giả
báo Người Việt trên 20 năm, là người đầu tiên mua báo Xuân 2013 đúng vào lúc
báo Xuân Người Việt được mang về tòa soạn. Bên cạnh, nhà báo Ðinh Quang Anh
Thái giới thiệu các mục trong ấn phẩm này. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Ngoài ra, độc giả có cơ hội được ôn lại kỷ niệm với
Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, cũng như nhìn ngắm những tác phẩm hội họa vượt thời
gian của họ trên mặt báo Xuân Quý Tỵ 2013. Giai phẩm Xuân năm nay dành nhiều
tranh cho chủ đề này, với lời mong muốn “Tái hiện một nền tảng dân chủ từng
hiện hữu tại miền Nam trong giai đoạn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Một trong những nét dân chủ rõ rệt ấy được thể hiện trong tính tự do sáng tạo
nghệ thuật, mà cụ thể là Hội Họa Sĩ Trẻ.”
“Tôi chọn chủ đề Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam cho số báo
Xuân năm nay vì từ năm 1966, họ đã là một tập thể họa sĩ, điêu khắc gia tài
hoa, mà tác phẩm của họ đã khắc họa rõ nét một diện mạo nghệ thuật của miền Nam
trong giai đoạn trước 1975.” Nhà báo Thiện Giao cho biết.
Ðộc giả có thể sẽ phải ngậm ngùi giây lát trong ngày
đầu năm khi được kể lại một số câu chuyện “hậu 75” chan chứa tình người, như
bài “Ann Maria Cusack - Một Tiền Kiếp Việt Nam” của nhà báo Ðinh Quang Anh
Thái, hay bài thơ da diết “Thời Của Chúng Tôi” của thi sĩ Phùng Quân, cũng như
trong bài viết “Nhớ Tết Ðầu Tiên Ở Trong Tù” của Trần Ðức Thạch.
Những sinh hoạt trước năm 1975 cũng được tái hiện
trong năm 2013, qua bài viết “Bóng Bàn Việt Nam Một Thời Vang Bóng” của Thanh
Diễm, hay “Từ Bao Giờ, Ðiện Ảnh Lên Sân Khấu Cải Lương,” của Ngành Mai.
Ðặc biệt, bài viết mở đầu tờ báo Xuân, “Xã Hội Tình
Nghĩa,” của nhà báo Ngô Nhân Dụng, nhấn mạnh đến tinh thần “xã hội công dân”.
Trong bài viết, tác giả điểm qua các thể chế chính trị, xã hội, những biến động
tại các quốc gia Cộng Sản Ðông Âu trước đây, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng
của “xã hội công dân”.
“Khi xã hội công dân hoạt động, chúng ta sống đầy đủ
cả tình lẫn nghĩa. Ðó là một cách thể hiện điều mà tổ tiên người Việt Nam vẫn
dạy con cháu: Ăn ở sao cho có tình, có nghĩa,” nhà báo Ngô Nhân Dụng viết trong
bài.
Cộng đồng Việt Nam ngay chính tại Little Saigon,
trong những ngày giáp Tết 2013, cũng là một phần quan trọng trong chuyến du
ngoạn trên giai phẩm Xuân Người Việt. Những bài phóng sự của phóng viên nhật
báo Người Việt sẽ giới thiệu cho độc giả những góc cạnh trong đời sống cộng
đồng.
Bài viết “Ka Ra Là & Ô Kê” kể lại chuyện thời
của ông Lê Quý An, người được cho là đã mở đầu cho ngành kinh doanh và sản xuất
thiết bị karaoke. Ðộc giả yêu thích phim bộ sẽ được nghe chính những nghệ sĩ
lồng âm tâm sự về công việc của họ trong bài “Nghề Lồng Tiếng Phim, Khóc Cười
Theo... Người Ta”.
Bên cạnh đó, phóng viên Ðức Tuấn của mảng ca nhạc
nghệ thuật sẽ đưa độc giả đến các trung tâm dạy nhạc cho trẻ em trong cộng
đồng.
Một giai phẩm không thể được gọi là Xuân nếu thiếu
đi những câu chuyện xoay quanh ngày Tết. Chỉ cần đọc phóng sự “Thưởng Ngoạn Hoa
Mai Ngày Tết,” một ví dụ nhỏ, là độc giả sẽ cảm nhận được sự ấm áp ngày Tết đã
đến. Nhiều bài văn thơ về Xuân, về Tết, và cả về loài rắn, mang lại hương vị
Tết Quý Tỵ sống động cho giai phẩm năm nay.
“Và người cao niên lại mời nhau ngồi uống trà,
thưởng thức hương trầm, hoa mai, ngắm dòng thế sự trôi...” Nhà báo Phương Minh
viết trong bài viết trên báo Xuân năm nay.
Bên cạnh những bài viết về Tết, về văn hóa, lịch sử
và cuộc sống, giai phẩm Xuân 2013 dành nhiều trang viết về cố thi sĩ Nguyễn Chí
Thiện, như một nén hương gửi đến người đã trọn đời tranh đấu cho quyền của
người Việt Nam.
Ở những trang cuối cuốn báo Xuân, nhiều bài văn,
truyện được đăng để độc giả có thể thưởng thức những tác phẩm đặc sắc này trong
ngày đầu năm, cũng như cảm nghiệm về những nhắn gửi thâm sâu của tác giả.
Một tác phẩm trong bộ sưu tập ảnh “Hớt Tóc... Lề
Ðường” của nhiếp ảnh gia Dân Huỳnh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng cho độc giả khắp nơi,
là mục “Tử Vi Ðông Phương,” giúp mọi người “xem trước” tình hình sức khỏe, tài
lộc trong năm 2013. Tài liệu do Thiên Cơ Phạm Ðình Mai biên soạn.
Giai phẩm Xuân Quý Tỵ năm 2013 hứa hẹn mang lại
những giây phút ấm áp, chứa chan tình quê, hương Tết cho đồng hương, như lời
nhắn nhủ của thi sĩ Trần Mộng Tú:
“Những
trang giấy mỏng có ấm áp tình nhà,
có
trùng trùng bão nổi quê xa, có tiếng pháo rồn rã nổ,
có
tiếng cười trẻ thơ, có tiếng la thảng thốt,
có
tiếng thét vô vọng.
Em
bước đi trên những thành phố,
làng
mạc quê hương mình
qua
từng con chữ.”
No comments:
Post a Comment