Friday, 17 January 2014

THÚC ĐẨY DÂN CHỦ TRONG VAI TRÒ MỘT GIÁ TRỊ TOÀN CẦU (Michael McFaul - The Washington Quarterly)




Michael McFaul   -   The Washington Quarterly

Biên dịch: Trần Thạch Thương Thương | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Posted on 12/01/2014 by Nghiên cứu quốc tế

Nguồn: Michael McFaul (2004). “Democracy Promotion as a World Value”, The Washington Quarterly, Vol. 28, No. 1, pp. 147-163.

Sau vụ khủng bố ngày 11/09, Tổng thống George W. Bush đã hùng hồn cam kết sẽ đưa công cuộc thúc đẩy dân chủ trên thế giới trở thành một mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mỹ, nhấn mạnh những động cơ đạo đức và chiến lược khi mở rộng tự do khắp toàn cầu. Cùng thời điểm đó, nước Mỹ trong mắt chính phủ các nước và các cộng đồng trên khắp thế giới cũng không còn được ưa chuộng và ngưỡng mộ như trước.  Mặc dù gốc rễ của vấn đề này rất sâu xa, nhưng sự trỗi dậy gần đây nhất của chủ nghĩa bài Mỹ chủ yếu xuất phát từ sáng kiến chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Bush, đó là việc xâm lược Iraq, vốn gây bất bình ở khắp các nước dân chủ lẫn phi dân chủ. Trong lịch sử đất nước, vị thế quốc tế của Mỹ có lẽ chưa bao giờ rơi xuống mức thấp như vậy.

Mối tương quan giữa cam kết thúc đẩy dân chủ có phần khoa trương của Bush và sự suy giảm danh thế của Mỹ trong cộng đồng quốc tế đã gây ra suy nghĩ sai lệch rằng chính phủ và người dân các nước khác không ủng hộ những tư tưởng dân chủ hoặc những chính sách đối ngoại có mục tiêu thúc đẩy dân chủ. Giới hoạch định chính sách đối ngoại của châu Âu đã xem những phát biểu của Tổng thống Bush về dân chủ và nhân quyền là bằng chứng của một hình thức nguy hiểm mới của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Chính phủ Iran cho rằng luận điệu về dân chủ của Bush là vỏ bọc ngụy trang cho một động cơ sâu xa của Mỹ, đó là chiếm đoạt dầu mỏ của Iraq. Lãnh đạo chính phủ Trung Quốc lấy những hành vi đơn phương và cố ý bỏ qua dư luận thế giới làm bằng chứng cho thấy Mỹ không thực sự nghiêm túc khi cam kết thúc đẩy thực hiện dân chủ.1

Từ mối liên hệ này giữa luận điệu thúc đẩy dân chủ và sự suy giảm vị thế của Mỹ, nhiều nhà bình luận Hoa Kì cũng đã có một kết luận tương tự về hiểm họa của việc thúc đẩy dân chủ đối với Mỹ và cả thế giới. Những nhà phê bình này cho rằng Mỹ cần phải từ bỏ sứ mệnh thúc đẩy tư tưởng dân chủ, ở Iraq cũng như trên toàn thế giới, và thay vào đó nên theo đuổi một chính sách đối ngoại thực tế và thực dụng hơn nếu muốn lấy lại uy tín quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia hiệu quả hơn. Như chủ tịch của Trung tâm Nixon, Dimitri Simens từng nói: “Theo đuổi một xã hội hoàn mỹ không tưởng dành cho tất cả mọi người đang hủy hoại những lợi ích của nước Mỹ.”2

Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận trên, mối quan hệ giữa một bên là chính sách đối ngoại Mỹ và sự yêu thích nước Mỹ với một bên là vị thế của những giá trị dân chủ trong cộng đồng quốc tế là một cách nhìn nhận sai lệch. Thứ nhất, dân chủ ngày nay, với vai trò một quy chuẩn (norm) quốc tế, đang mạnh hơn bao giờ hết, và chính dân chủ cũng được khắp nơi xem như mô hình nhà nước lí tưởng. Dân chủ cũng có sức lôi cuốn đối với gần như hầu hết mọi người ở các dân tộc, các tôn giáo, và các vùng miền trên thế giới.

Thứ hai, hầu hết các nước trong cộng đồng thế giới dần tán thành thúc đẩy dân chủ trở thành một mục tiêu của chính sách đối ngoại. Những nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn còn lấn át những nguyên tắc bảo vệ nhân quyền, nhưng cán cân đang thay đổi. Nước Mỹ, đặc biệt từ thế kỉ 20, đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy những giá trị dân chủ trở thành một mục tiêu chính sách đối ngoại hợp pháp. Tuy nhiên nước Mỹ ngày nay không còn giữ thế độc quyền trong lĩnh vực thúc đẩy dân chủ. Sự phát triển đó là một dấu hiệu cho thấy chính sách này không còn đơn thuần là một lợi ích quốc gia của riêng Mỹ (hay vỏ bọc ngụy trang cho những lợi ích quốc gia khác của Mỹ), mà còn là một quy chuẩn quốc tế được các quốc gia khác, những tổ chức liên quốc gia, và những mạng lưới toàn cầu chấp nhận.

Các quy chuẩn tồn tại không có nghĩa là chúng luôn được tuân thủ. Tuy nhiên, sự vi phạm quy chuẩn không chứng minh rằng những khuôn khổ quy chuẩn là vô nghĩa hay không có sức ảnh hưởng. Hơn nữa, mặc dù nhiều nước trên thế giới chỉ bằng mặt mà không bằng lòng trước quyền lực và những lời thuyết giáo của Mỹ, nhưng nguyên tắc về dân chủ vẫn trở nên phổ biến đến mức đáng kinh ngạc trong hệ thống quốc tế hiện nay. Ngay cả khi được quốc gia quyền lực nhất trên thế giới theo đuổi hay, theo như nhiều ý kiến, là cả hủy hoại, thì thúc đẩy dân chủ vẫn đã trở thành một quy chuẩn quốc tế.

Con đường đưa dân chủ trở thành một xu thế nổi bật

Trong tác phẩm “On Democracy” (“Bàn về Dân chủ”), Robert Dahl đã tóm tắt ngắn gọn những lợi ích của mô hình nhà nước dân chủ.3 Theo Dahl, nền dân chủ sẽ giúp ngăn chặn quyền lực thống trị của những nhà độc tài tàn bạo và độc ác, đảm bảo cho người dân những quyền cơ bản, mang lại phạm vi tự do cá nhân rộng lớn hơn, giúp người dân bảo vệ những lợi ích cơ bản của mình, đem lại cơ hội tối đa cho quyền tự quyết – quyền tự do sống dưới sự bảo hộ của pháp luật do chính mình lựa chọn. Dân chủ cũng đem lại cơ hội tối đa cho mọi người thực hiện trách nhiệm đạo đức, khuyến khích phát triển con người, đẩy mạnh công bằng chính trị, thúc đẩy hòa bình (vì sẽ không có chiến tranh giữa những nền dân chủ tiêu biểu hiện đại), và tạo nên sự thịnh vượng. Xuyên suốt phần lớn lịch sự hiện đại, quan điểm của Dahl hẳn đã khơi lên các tranh cãi nóng bỏng. Trong hàng thiên niên kỷ, các quốc vương, các hoàng đế, các giáo sĩ Hồi giáo, và các vị vua đã dựa vào Chúa trời để cai trị và xác lập tính chính đáng của quyền lực. Ở một vài khu vực trên thế giới, những kiểu độc tài như vậy vẫn còn duy trì, nhưng ngày nay quyền lực chỉ nhân danh thánh thần thì không còn đủ sức thuyết phục. Những người cầm quyền giờ đây còn phải đưa ra được những lí lẽ khác về văn hóa hay phát triển để giải thích tại sao việc thực hiện dân chủ là không phù hợp hoặc chưa phải lúc đối với đất nước của mình.

Trong thế kỉ 20, những nhà tư tưởng phát xít và Cộng sản đã tự tạo ra những mô hình chính trị mới lạ và có khả năng thay thế cho nền dân chủ. Khi họ giành được quyền kiểm soát những quốc gia lớn mạnh, như Đức và Nga, một cuộc tranh luận mang tính quy phạm về dân chủ và những hình thức thay thế khác của nó đã đi kèm với cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu diễn ra sau đó. Cuộc đua về tư tưởng giữa dân chủ và cộng sản vô cùng căng thẳng do mô hình kinh tế quốc hữu hóa và dùng giá cố định của Liên Xô đã tạo ra tỉ lệ tăng trưởng ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn nền kinh tế tư bản trong vài thập kỉ. Tuy nhiên, cuối cùng thì nền kinh tế bao cấp đã suy yếu đi, những đối thủ chống lại các nhà độc tài cộng sản mạnh lên, và đế chế Xô Viết sụp đổ. Kể từ đó đến nay, những biến thể mới của chế độ chuyên chế dần ăn sâu ở một vài quốc gia ra đời từ sự tan rã của Liên Xô, trong khi các nhà độc tài vẫn tự gọi chế độ của mình là Cộng sản hiện vẫn tiếp tục cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong tất cả những nền độc tài này, các nhà cầm quyền không còn ủng hộ một hình thức chính phủ thay thế cho nền dân chủ nữa. Mà thay vào đó, họ chọn cách khẳng định rằng chế độ của họ chính là dân chủ dù thực tế vẫn chưa (Nga) hoặc những nhà lãnh đạo của họ đang đưa đất nước của họ “từng bước một” tiến đến dân chủ (Trung Quốc). Do đó, phần lớn các nước trên thế giới, chế độ dân chủ hoặc đã trở thành thực tế trong quốc gia đó, hoặc là mục tiêu mà họ xác định hướng tới.

Một đối thủ khác trong thế kỉ 21 của dân chủ với tư cách là mô hình chính phủ hiệu quả nhất chính là các nhà độc tài hiện đại hóa, khi họ đã đem lại tỉ lệ tăng trưởng hiếm có cho các nền kinh tế công nghiệp hóa mới nổi. Trong những năm 1960 và 1970, tất cả các chế độ chuyên chế của những con hổ châu Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, và Hàn Quốc đều duy trì mức tăng trưởng hằng năm là 9%. Có thời kì mô hình biệt lệ Đông Á đã thách thức mô hình dân chủ với tư cách là lựa chọn ưu việt hơn tại các nước đang phát triển. Các nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế đã thừa nhận có một sự đánh đổi giữa dân chủ và phát triển đất nước, và từ đó tán thành cách thức quản trị với trình tự: phát triển đi trước, dân chủ theo sau.

Ngày nay, những nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đấu tranh cho một biến thể của mô hình này. Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất một quốc gia trong số những “con hổ” đầu tiên là Singapore vẫn trung thành với mô hình nhà nước này, nhưng thậm chí tại đây tranh luận mang tính quy phạm về kiểu chế độ cũng thay đổi đáng kể: nền dân chủ hiện nay chính là mục tiêu, cho dù mục tiêu đó còn xa vời đến mấy. Thực tiễn dân chủ ở Đông Á cũng chưa lan tỏa hiệu quả đến các khu vực khác. Tồn tại một Trung Quốc thì ngược lại vẫn tồn tại Angola, có Singapore thì vẫn còn Myanmar, có Hàn Quốc thì ngược lại vẫn còn Bắc Triều Tiên. Mặc dù dữ liệu tổng hợp toàn cầu gần đây cho thấy chế độ độc tài và chế độ dân chủ đều có tốc độ phát triển tương đương nhau, nhưng ở một số vùng như các nước châu Âu hậu Cộng sản, mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển kinh tế rất tích cực: những nước thực hiện dân chủ hóa nhanh nhất chính là những nước tái tăng trưởng kinh tế đầu tiên sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.5 Thêm vào đó, những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới cũng chính là những quốc gia giàu có nhất trên thế giới.

Những khu vực có những tín ngưỡng bảo thủ, những qui chuẩn phân biệt chủng tộc, những lễ nghi gia trưởng, và những hệ tư tưởng chống dân chủ tuy vẫn đang tồn tại khắp nơi trên thế giới, nhưng ngày nay chỉ có hệ thống của Osama bin Laden và những biến thể của nó là có thể thiết lập được một chế độ đối trọng hoàn chỉnh xuyên quốc gia chống lại dân chủ tự do. Bin Laden là người truyền bá thành công nhất một hệ tư tưởng bảo thủ, bài hiện đại, bài dân chủ, bán tôn giáo, thường được gọi là trào lưu Hồi giáo chính thống. Tuy nhiên, đây là một cách gọi sai lệch; nhiều tín đồ Hồi giáo trên thế giới đi theo trào lưu Hồi giáo chính thống nhưng không hề chấp nhận, chứ không nói đến việc đến việc theo đuổi, những mục tiêu chống đối hệ thống (quốc tế) và những kế hoạch bạo lực của bin Laden. Bin Laden và những tiền bối tư tưởng nghiêm túc hơn trước hắn đã phát triển một hệ thống quan điểm toàn diện Trong  thế giới quan của họ, mâu thuẫn chính trong quan hệ quốc tế không phải xảy ra giữa các quốc gia tìm cách tối đa hóa quyền lực. Thay vào đó, nó là một cuộc đấu tranh mang tính quy phạm giữa hai nguyên bản đối lập, một bên là phe thiện và một bên là phe ác. Trào lưu học thuyết này do bin Laden lãnh đạo hiện nay không chỉ phản đối chế độ dân chủ cũng như quan điểm coi đây là mô hình nhà nước tối ưu nhất mà còn đề xuất một chính thể khác lấy giá trị làm nền tảng, vừa hoàn thiện hơn bất kì mô hình nhà nước phương Tây nào, vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản của đời sống tín ngưỡng Hồi giáo.

Sau nhiều thập kỉ suy yếu, chủ nghĩa của bin Laden và những nhánh tư tưởng đồng đạo khác được tiếp sức sau vụ khủng bố ngày 11/09 và cuộc chiến ở Iraq do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, thậm chí trong những thời khắc nguy hiểm như vậy, hệ tư tưởng này cũng không thể thách thức vị thế hệ thống chính trị hiệu quả nhất thế giới của chế độ dân chủ. Những tổ chức khủng bố có thể tấn công những chế độ dân chủ, nhưng chúng vẫn chưa thực sự đe dọa được quyền lực của chế độ dân chủ hay sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia dân chủ nào. Chế độ Taliban ở Afganistan hiện không còn quyền lực trong tay. Sức mạnh tư tưởng của Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng bị tiêu diệt (mặc dù nền độc tài của các giáo sĩ Hồi giáo đang tiếp tục tồn tại lay lắt), và lãnh đạo chính phủ Iran cũng đã tuyên bố họ đang triển khai chế độ dân chủ hoặc ít nhất cũng đang đề ra những thay đổi để chế độ nhà nước dân chủ hơn.6 Bin Laden và những nhà cố vấn tư tưởng của y hẳn sẽ không bao giờ đưa ra những tuyên bố như vậy.
Nhưng ngược lại, sự hồi sinh của chủ nghĩa bin Laden sau vụ khủng bố ngày 11/09 phần nào đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận lớn hơn về vấn đề dân chủ trên phạm vi toàn Trung Đông. Giới trí thức Ả Rập, những người đã thực hiện Báo cáo của Liên Hợp Quốc về Phát triển Con người Ả Rập đã đẩy vấn đề dân chủ trở thành tâm điểm khi táo bạo chỉ ra rằng “tình trạng thiếu tự do (ở khu vực Ả Rập) đang dần hủy hoại quá trình phát triển con người và là một trong những hậu quả đau lòng nhất của việc trì hoãn phát triển chính trị”.7 Trong ba năm gần đây, lãnh đạo trong nước và tầng lớp trí thức Ả Rập đã triệu tập nhiều hội nghị quốc tế nhằm thảo luận và thúc đẩy phát triển dân chủ. Vào ngày 03 và 04/06/2004 ở Doha, giới trí thức Ả Rập đã thẳng thắn đưa ra quan điểm cho rằng công cuộc cải cách chính trị vẫn phải được tiến hành bất chấp quá trình giải quyết những vấn đề khu vực khác, ví dụ như xung đột giữa Ả Rập và Israel, diễn ra thế nào đi chăng nữa. Những người ủng hộ dân chủ này chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhưng họ đã thay đổi được ngôn ngữ của các cuộc tranh luận về tình hình chính trị trong khu vực. Do đó, dù thái độ khinh thị quyền lực Mỹ trong khu vực tăng cao, nhưng những giá trị dân chủ và những cải cách dân chủ vẫn được thảo luận và xem xét nghiêm túc nhất từ trước đến nay .

Kể từ sự sụp đổ của nền độc tài Bồ Đào Nha năm 1974, các chế độ dân chủ đã dần củng cố nhiều hơn đáng kể. Năm 1972, tổ chức Freedom House đã phân loại 43 quốc gia trên thế giới là tự do (nghĩa là “dân chủ hoàn toàn”), 38 quốc gia tự do một phần, và 69 quốc gia chưa tự do. Ba mươi năm sau, tổ chức này phân loại với kết quả 89 quốc gia tự do – số lượng tăng gấp đôi, 56 quốc gia tự do một phần, và 47 quốc gia chưa tự do.8 Dù kết quả ấn tượng như vậy, nhưng những ước đoán sơ lược của tiến bộ dân chủ này cho thấy nhiều dân tộc trên thế giới vẫn đang sống dưới chế độ độc tài. Tình trạng thiếu dân chủ tồn tại chủ yếu ở Trung Đông. Gần đây, những nhà độc tài ở Ma-rốc, Jordan, và Bahrain bước đầu đã thực hiện những cải cách chính trị nhỏ, nhưng xét về dài hạn, những cải cách chính trị này có nguy cơ bị hoãn lại thay vì được thúc đẩy thành dân chủ hóa đích thực.9

Tương tự, vấn đề đáng lo ngại chính là khoảng cách ngày càng lớn giữa những nền dân chủ tự do và những nền dân chủ tuyển cử (electoral democracy – tức dân chủ còn mang hình thức, chỉ thể hiện ở việc bầu cử có sự tham gia của nhiều đảng – NBT), cũng như sự củng cố của những nền dân chủ bề ngoài trong nhiều cuộc chuyển đổi dân chủ từ chế độ độc tài gần đây.10 Dù hiện nay trên thế giới gần như không có lãnh đạo quốc gia nào công khai theo đuổi kiểu chế độ bài dân chủ, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả hay hầu hết các nhà lãnh đạo đều thực sự thực hành dân chủ trong nước. Quả thực, hầu hết những lãnh đạo độc tài và dân chủ giả mạo sẽ khẳng định họ thực sự có tiến hành dân chủ hoặc đang cố gắng vạch ra một công cuộc chuyển đổi cách mạng tiến lên dân chủ, chứ không ai tuyên bố họ đang ủng hộ một hình thức thay thế dân chủ. Thực tế, bầu cử cũng đã diễn ra ở hầu hết các quốc gia độc tài trên thế giới, và đôi lúc, như ở Serbia năm 2000, ở Kenya 2002, hay ở Gruzia năm 2003, chúng còn đóng vai trò quyết định trong việc lật đổ các nhà độc tài tại vị lâu năm.11 Các lãnh đạo độc tài chắc chắn sẽ không sẵn sàng thực hiện những bước đi nguy hiểm như vậy trừ khi họ cảm thấy có những sức ép mang tính quy phạm từ bên ngoài buộc họ phải tiến hành bầu cử. Theo thời gian, cuộc tranh luận quan trọng về mô hình nhà nước tốt nhất trên thế giới cũng dần đi đến hồi kết.
Dĩ nhiên, câu nói “nền dân chủ Mỹ là hệ thống chính phủ tốt nhất” vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi (nếu như không muốn nói là thổi bùng làn sóng giân dữ và bất bình). Thực sự, quá trình tiến hành dân chủ của bản thân Mỹ còn nhiều sai sót, bị hạn chế bởi việc áp dụng những thực tiễn lỗi thời như sử dụng cử tri đoàn, những cáo buộc nghiêm trọng về việc tước quyền bầu cử của công dân trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, và những chính sách mang hơi hướng phi tự do bao gồm việc tiếp tục sử dụng án tử hình. Ở nhiều nước trên thế giới, một số nền dân chủ đã phát triển trở thành những mô hình mạnh hơn và thuyết phục hơn so với phương thức thực hành dân chủ của Mỹ. Tuy nhiên, những mô hình khác nhau này thể hiện một bước tiến tích cực của quá trình phát triển dân chủ trên phạm vi thế giới. Điều nghịch lý là, thái độ phẫn nộ của thế giới đối với những chính sách và quyền lực của Mỹ có lẽ thực chất đã tách quy chuẩn dân chủ ra khỏi mối liên hệ chặt chẽ với nước Mỹ, đặc biệt trong Chiến tranh Lạnh. Như vậy việc vừa ủng hộ nền dân chủ vừa bài Mỹ không còn là một mâu thuẫn.

Khắp nơi trên thế giới, người dân theo đuổi dân chủ không chỉ coi đó một chế độ nhà nước, mà còn là một giá trị.12 Cố gắng biện hộ cho cách tiếp cận chậm rãi từng bước tiến lên tự do hóa chính trị của mình, các nhà lãnh đạo của một số thể chế độc tài đã lập luận rằng công dân nước họ chưa sẵn sàng cho dân chủ. Bởi lẽ người dân đất nước họ hoặc không đủ giàu có để gánh nổi nền dân chủ xa xỉ, hoặc không ngưỡng mộ các nước phương Tây đến mức phải tiến hành dân chủ theo.

Những nước sung túc hơn quả thực có khả năng duy trì chế độ dân chủ hơn so với những nước nghèo.13 Tuy nhiên, gần như không có bằng chứng cho thấy rằng chỉ có những người giàu có mới mong muốn dân chủ, cũng như khác biệt văn hóa và tôn giáo cũng không làm thay đổi sự ủng hộ dân chủ như một giá trị.14 Thay vào đó, kết quả điều tra cho thấy rằng làn sóng ủng hộ dân chủ vô cùng mạnh mẽ, với mức độ tương đương nhau ở mỗi khu vực trên thế giới.15 Hơn nữa, ở các nước Ả rập, khảo sát cho thấy những cam kết mạnh mẽ đối với các tư tưởng Hồi giáo không cản trở con đường theo đuổi những nguyên tắc dân chủ.16 Những khác biệt giá trị giữa thế giới Ả Rập và phương Tây không liên quan đến quan niệm nói chung về dân chủ xét ở góc độ một hệ thống cầm quyền, mà thực chất vấn đề nằm ở thái độ của nam giới về nữ quyền.17 Các cuộc thăm dò được thực hiện bởi nhóm Khảo sát các giá trị thế giới (World Values Survey) cho thấy bản thân quan điểm ủng hộ những hệ tư tưởng bài dân chủ cũng không đồng nhất ở các nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có những người được hỏi ở một số quốc gia trả lời rằng họ sẵn sàng đánh đổi một phần dân chủ để đất nước trật tự hơn. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong khảo sát cho thấy mức độ ủng hộ chế độ độc tài nhiều hơn ủng hộ chế độ dân chủ.18

Sự xói mòn của nguyên tắc chủ quyền quốc gia

Từ sau Hòa ước Westphalia năm 1648, lãnh đạo các nước từ lâu đã công nhận tính pháp lí của chủ quyền quốc gia như là một trong những nguyên tắc quốc tế quan trọng nhất. Mặc dù các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, đã vi phạm nguyên tắc này hàng trăm năm qua,19 nhưng nguyên tắc vẫn tồn tại và tiếp tục ảnh hưởng đến quy cách ứng xử trong quan hệ quốc tế.20

Sau Thế chiến thứ II, sự ra đời của Liên Hiệp Quốc đã mang lại cho nguyên tắc chủ quyền quốc gia một đồng minh thể chế mới, và giúp nguyên tắc này phát triển trở thành một vũ khí đầy sức mạnh để phá hủy mô hình đế chế và làm suy yếu tính hợp pháp của chế độ thực dân. Cuối cùng, đế quốc đã trở thành một mô hình nhà nước bất hợp pháp và gần như không còn tồn tại. Trong suốt thời kì này, nhiều người tin tưởng rằng giành được chủ quyền quốc gia sẽ là bước đi đầu tiên để đến với nền dân chủ. Những người dân sống ở các nước thuộc địa chỉ có thể tự chọn lựa các nhà lãnh đạo của họ sau khi lật đổ được ách thực dân. Giải phóng thuộc địa, quyền tự quyết, và dân chủ chắc hẳn luôn đi liền với nhau. Nhưng không. Thay vào đó, những nhà lãnh đạo mới ở nhiều nước thuộc địa sau khi được giải phóng đã khua chiêng múa trống ca ngợi tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia như một quy chuẩn quốc tế để lấy cớ che đậy cho hành động phủ nhận chủ quyền nhân dân của người dân nước họ. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, các nhà độc tài này đã lợi dụng nỗi ám ảnh về Liên Xô và chủ nghĩa đế quốc mới của Mỹ, cả cáo buộc lẫn thực tế, để viện thêm những lí lẽ ủng hộ việc công nhận và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong quỹ đạo quyền lực của mình, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng đều viện dẫn chủ quyền quốc gia để hợp pháp hóa những vụ đàn áp nội bộ mỗi khi có đòi hỏi thay đổi chế độ (dù đó là “những kẻ theo chủ nghĩa xã hội” ở Chile hay “những thế lực chống Cộng sản” ở Tiệp Khắc, cùng các đồng minh bên ngoài của họ).

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, do các quy chuẩn quốc tế mới về bảo vệ quyền con người dần có sức ảnh hưởng, vai trò nguyên tắc quốc tế của chủ quyền quốc gia dần bị xói mòn. Khi mới được kí kết, các điều ước quốc tế về quyền con người, như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948, Định ước Helsinki năm 1975, hoặc Hội nghị Thế giới về Quyền con người năm 1993, dường như không có chút trọng lượng nào; những thỏa thuận này nghe thật cao cả, nhưng chúng có thể mang lại kết quả thực chất gì? Tuy nhiên, chính những người sống dưới chế độ độc tài tạo ra ý nghĩa thực sự cho những tuyên bố mang tính quy phạm đó. Có lẽ nổi tiếng nhất là trường hợp những người bất đồng chính kiến ở ​​Đông Âu đã vin dn Định ước Helsinki khi lên tiếng yêu sách chính ph công nhn quyền con người của họ, và cuối cùng họ đã thành công.21

Sau khi chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu sụp đổ, những nguyên tắc bảo vệ nhân quyền vẫn không ngừng mạnh lên trong khi những nguyên tắc bảo vệ nhà nước ngày càng suy yếu. Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Kofi Annan trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình của mình năm 2001 đã nhấn mạnh sự thay đổi này: “Biên giới thật sự ngày nay không phải giữa các quốc gia, mà là biên giới giữa những người có quyền lực và những người không quyền lực, giữa những người tự do và những người bị ràng buộc, giữa những người có đặc quyền và những người bị bỏ mặc.” Đây là một tuyên bố đặc biệt và đầy ý nghĩa đến từ nhân vật đứng đầu Liên Hiệp Quốc, cơ quan quốc tế đã thiết lập hệ thống bảo vệ và thúc đẩy nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Annan còn cho rằng: “Trong thế kỉ 21, tôi tin rằng sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc sẽ được xác định dựa trên một nhận thức mới và sâu sắc hơn về tính chất thiêng liêng bất khả xâm phạm và giá trị cao quý của mỗi con người, không phân biệt chủng tộc nào hay tôn giáo nào. Để làm được như vậy, chúng ta cần có tầm nhìn vượt khỏi khuôn khổ Nhà nước và đi sâu xuống dưới bề mặt của các quốc gia và cộng đồng.”22

Thực tế, luật pháp và điều ước quốc tế được xây dựng với mục tiêu bảo vệ nhân quyền đã mở rộng đáng kể cả về phạm vi lẫn chiều sâu. Chủ quyền gắn với nhiệm vụ bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Thậm chí, khi một nhà cầm quyền không thực hiện được nghĩa vụ này, các chủ thể bên ngoài giờ đây có quyền bước vào đảm nhận, và thậm chí có trách nhiệm phải can dự dựa theo những nguyên tắc mới hiện hành trong hệ thống thế giới hiện đại.23 Theo học thuyết về quyền tài phán toàn cầu, các tòa án quốc gia có thể xét xử những bị cáo nước ngoài bị cáo buộc phạm tội chiếm hữu nô lệ, diệt chủng, tra tấn, và các tội ác chiến tranh. Nỗ lực gần đây của Tây Ban Nha để dẫn độ và xét xử độc ​​tài người Chile Augusto Pinochet vì nhng ti ác vi phm nhân quyn trong thi gian cai tr 17 năm trước đó ca ông ta có l là trường hp gt b nguyên tc ch quyn quc gia n tượng nht, và đó chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Thực tế này hiện đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.24

Các tòa án và những cơ quan luật pháp khác khi tham gia thi hành thẩm quyền tài phán toàn cầu không tuyên bố là họ đang vi phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia, mà thực chất, họ đang thách thức tính pháp lí của nguyên tắc đó. Tòa án Công lí quốc tế, Tòa Hình sự Quốc tế (ICT), và đặc biệt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) mới thành lập là những cơ chế tiêu biểu ra đời nhằm tập trung hóa và hợp pháp hóa việc thực thi quyền tài phán toàn cầu. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs) như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá quốc tế, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nhân quyền địa phương, đã thu thập đáng kể những dữ liệu bằng chứng về vi phạm nhân quyền. Đây là một chiến lược nhằm buộc các chế độ lạm dụng nhân quyền phải tiến hành cải cách. Những phe ủng hộ dân chủ trong nước cũng đã viện dẫn các điều ước và các nguyên tắc quốc tế để gây áp lực đòi chính phủ thay đổi.

Rõ nét nhất, đa số các quốc gia và người dân trên thế giới xem việc can thiệp quân sự để bảo vệ nhân quyền cá nhân là hợp pháp. Các quốc gia vẫn hành động theo quan điểm này ngay cả khi cuộc tranh cãi về vấn đề ai là người có quyền cho phép tiến hành những sứ mệnh nhân đạo đó đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Dù Mỹ là nước đã khởi động hoặc dẫn đầu hầu hết các cuộc can thiệp này, nhưng nhiều cuộc can thiệp nhân đạo vẫn được thực hiện mà không cần sự tham gia của Mỹ, mà thay vào đó là chính phủ các nước khác cùng lực lượng vũ trang của họ, như Úc ở Đông Timor, nhóm Quan sát viên Quân sự của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi và đoàn đại diện cho Liên Hiệp Quốc của nhóm này ở Sieera Leone, hoặc Liên minh châu Âu ở phía đông Congo. Những thành viên dân chủ của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS) thậm chí còn góp phần thúc giục Mỹ can thiệp vào Haiti vào năm 1994.25 Những sự kiện trên cho thấy việc thúc đẩy dân chủ và bảo vệ nhân quyền là những lý do quan trọng để biện minh cho hành động quân sự. Cách đây 200 năm, dân chủ không hề có trong từ điển của can thiệp quyền lực.

Quyền lực, như mọi khi, vẫn có thể đánh bại các tư tưởng. Những quốc gia hùng mạnh, phải kể đến trước tiên là Hoa Kỳ, chưa từng gặp khó khăn trước thách thức ngày càng lớn về nguyên tắc chủ quyền. Hơn nữa, các phương pháp triển khai hoạt động bảo vệ quyền con người vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Đôi khi chúng còn mâu thuẫn với những mục tiêu mang tính quy phạm khác được những chủ thể khác trong cộng đồng quốc tế đánh giá cao hơn.  Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq là một ví dụ rõ nét và Annan đã gọi cuộc chiến này là “bất hợp pháp.” Tương tự là cuộc chiến tranh của NATO với Serbia bởi chiến dịch này không có sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc và vi phạm nguyên tắc không can thiệp. Xét rộng hơn, quyền tài phán toàn cầu không phải lúc nào cũng được các tòa án quốc gia khác nhau áp dụng một cách phù hợp hoặc nhất quán với các mục tiêu mang tính quy phạm khác như hòa giải dân tộc ở các nước bị chiến tranh tàn phá.26 Ngoài ra, thái độ miễn cưỡng công nhận ICC của Mỹ không chỉ thể hiện sức mạnh Mỹ, mà còn phản ánh các lỗ hổng tồn tại trong thể chế quốc tế này mà các quốc gia cần giải quyết để tòa án hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tư tưởng cấp tiến cho rằng mỗi cá nhân đều có những quyền riêng dù họ đang sống bất cứ nơi đâu, và rằng những nhà cầm quyền phải đối mặt với những ràng buộc, dù thách thức đó là gì, đang ngày càng phát triển.

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Thuc day dan chu trong vai tro gia tri toan cau.pdf

Bài liên quan:



No comments:

Post a Comment

View My Stats