Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết cho BBCVietnamese.com từ
Canada
Cập nhật: 06:31 GMT -
thứ ba, 7 tháng 1, 2014
Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã có một bài viết khá dài với 3.995 chữ mà trong đó ông đã lập lại 20 lần cụm
từ “dân chủ”, 12 lần “Đảng” và 6 lần “xã hội chủ nghĩa”.
Bài viết này cũng được coi là
“lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và
nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm, giống như các nhà lãnh đạo
khác trên thế giới vẫn thường làm.”
Nội dung chính tựu trung vào 3
lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội mà theo ông Dũng “toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ta” cần tập trung “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm
phát...”
Ông Dũng còn “đòi hỏi cả hệ
thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng
lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014... Tập trung nỗ lực xây dựng
Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện
thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông
nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.”
Nói chung, chương trình của ông
Thủ tướng rất lớn, vĩ đại và rất quyết liệt, chẳng hạn như ông khảng khái lên
tiếng cổ võ cho “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân
dân” và cho đây là động lực để phát triển.
Tuy nhiên không biết ông có
thực hiện được không vì mới đây, hôm 28/11, cũng chính ông và các đồng chí cộng
sản của ông vừa ấn nút thông qua bản Hiến pháp 2013 mà nội dung dường như khác
với những gì ông viết hôm 1/1/2014.
Diễn giải về dân chủ
Nhưng có lẽ vì ông sợ người đọc
không hiểu khái niệm “Dân chủ” mà ông đang diễn giải nên ông viết thêm rằng
“Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát
triển của xã hội loài người".
"Từ chế độ nô lệ lên chế
độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài
về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn
về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân
dân.”
Và ông cũng không quên nhắc một
câu kinh điển có giá trị như một câu “thần chú” làm bùa hộ mạng ở nước CHXHCN
Việt Nam: “Dân chủ (cũng) là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”
Khái niệm “Dân chủ” mà ông Dũng
chuyển đến chúng ta trong thông điệp đầu năm 2014 là “Dân chủ dưới sự lãnh đạo
của Đảng (CSVN)”. Cái dân chủ này thì đâu có xa lạ gì với người dân Việt Nam vì
từ lúc khai sinh nước VNDCCH cho đến nay, cả hai miền Nam Bắc, đồng bào ta đã
phải trải qua biết bao kinh nghiệm đau thương mà không bút mực có thể tả hết
được.
“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, Nhân dân làm chủ” đã gần 70 năm nay rồi cớ chi nay ông Thủ tướng lại kêu
gọi “phát huy mạnh mẽ dân chủ” rồi còn đòi “đổi mới thể chế” nữa. Chẳng lẽ nước
ta không có dân chủ?
Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị
Doan chẳng từng tuyên bố “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
dân chủ cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” sao?
Nhân dân Việt Nam làm chủ đất
nước mình là một chân lý hiển nhiên của thời đại. Cho nên Nhân dân Việt Nam có
toàn quyền quyết định vận mạng của chính mình và của đất nước. Trong thực tế,
có ông/bà chủ nào muốn mình bị/được “lãnh đạo” không?
Lãnh đạo bằng bạo lực?
ĐCSVN đã cướp chính quyền và áp
đặt lên Nhân dân Việt Nam một ý thức hệ ngoại lai, phi nhân và tàn bạo.
Đảng đã dùng bạo lực cưỡng bức
Nhân dân theo tư tưởng “dân chủ phục tùng Đảng” điển hình qua hình thức “Đảng
cử, dân bầu”. Sự lãnh đạo của Đảng đã được thực hiện bằng bạo lực. Uy quyền của
Đảng là họng súng. Đảng cường quyền tước đoạt quyền con người và quyền công dân
của Nhân dân.
Dân chủ của Đảng, nếu không là
tư tưởng của Mao-Mác-Lê hay Hồ Chí Minh thì là phản động, là “thế lực thù
địch”.
Chẳng lẽ với 4.000 năm văn
hiến, Việt Nam không có một tư tưởng lớn nào sao? Chẳng lẽ tinh thần “Hội nghị
Diên Hồng” không dân chủ sao mà chỉ nói “Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh!”
Đã đến lúc cần phải nói không
với cái xấu, tội lỗi, cái ác. Chúng ta không thể ngồi yên làm ngơ để ngài Thủ
tướng và các đồng chí cộng sản của ngài muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì
viết.
Các ngài đã vẽ một cái “thiên
đường XHCN tưởng tượng” mà chính các ngài cũng không biết nó là cái gì thì cớ
gì các ngài cứ muốn áp đặt nó mãi lên đầu của Nhân dân.
Chúng ta cần phải nói rõ rằng
Nhân dân Việt Nam không cần cái “thiên đường” đó. Cái mà Nhân dân cần là cái
quyền làm người thật sự như đã được công bố trong Hiến chương Quốc Tế Nhân
quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký và là thành viên.
Chúng ta cũng cần dứt khoát
rằng chúng ta không cần cái “dân chủ ưu việt XHCN” của ngài Thủ tướng và nếu
Đảng của ngài Thủ tướng có muốn “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” đó thì các ngài cứ
nắm nhưng đừng dùng họng súng và bạo lực để ép buộc Nhân dân phải theo.
Đơn giản Nhân dân Việt Nam
không muốn lên “thiên đường xã hội chủ nghĩa”.
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác
giả, một luật sư sống tại Canada.
--------------------------------
Trần
Ngân - Theo
Viet-studies
Võ Văn Tạo
No comments:
Post a Comment