Thursday, 2 January 2014

THƯ NGỎ GỬI ÔNG LÊ THĂNG LONG (Đàm Mai Đạo - Dân Luận)




Đàm Mai Đạo
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Năm, 02/01/2014

Thưa ông!

Sự việc của ông trong mấy hôm nay gây làn sóng tranh cãi lớn, rất tiếc trong đó chiếm số đông là đả kích và phê phán ông rất nhiều. Tôi cảm thông với ông và muốn có đôi lời cùng ông qua sự việc ông làm đơn xin gia nhập ĐCSVN. Tôi xin phép không bàn đến việc ông kêu gọi mọi người ủng hộ ông trở thành Lý Quang Diệu của Việt Nam, vì đó là một đề tài khác.

Tôi viết thư này trên tư cách của một người từng là đảng viên, với góc nhìn khách quan và nội dung thư cũng tách rời khỏi Phong Trào Con Đường Việt Nam mà trước đây ông là một trong những người khởi xướng thành lập với một số thành công ban đầu.

Tuy thế, sự việc ông rời bỏ Con Đường Việt Nam cũng đã giúp ích để giải tỏa một phần nào đó cho những ai có quan điểm còn nghi ngại về Con Đường Việt Nam trước đây. Nếu quả thật, sự ra đi của ông được coi là như thế, tôi nghĩ đó cũng là một sự hy sinh tốt đẹp cho CĐVN càng củng cố thêm niềm tin của quần chúng đối với hoạt động mà họ đang làm.

Thưa ông Long,

Với tư cách đã hơn 30 năm trong lớp áo đảng viên, như tôi đã viết trong một phản hồi mà Dân Luận tâm đắc để đưa lên thành bài chính [1]:

Đàm Mai Đạo viết:
Con người đã suy thoái trong lớp áo đảng viên. Từ con người -> công dân -> đảng viên và từ đảng viên -> thần dân -> nô lệ.
Chúng tôi - những đảng viên cấp thấp lại là số đông nhất. Quá trình biến chúng tôi thành nô lệ diễn ra hoàn toàn logic như nó đã và đang diễn ra. Đảng là thủ phạm chính.
Đảng đừng trông mong gì ở các nô lệ mà chính đảng đã "sản xuất" ra. Chúng tôi đã trở thành "phế nhân" như thế.

Có lẽ ông tạm đồng ý với cách diễn đạt tuy thô thiển, nhưng thật tâm của một người đã từng là đảng viên?

Tôi mạo muội để phán đoán, khá nhiều người mà tôi từng gọi là "đồng chí", họ khó phản bác diễn đạt này, của tôi - một "người ở trong chăn" của ĐCSVN.

Hình ảnh "nô lệ" phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của một thân phận, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần. Cả hai mặt đời sống này, "nô lệ" đều phụ thuộc vào chủ nhân. "Nô lệ" thì không biết đúng sai, không có chính kiến, nhất nhất đều tuân theo mọi mệnh lệnh của chủ nhân. Thậm chí, nếu lương tri bất chợt tỉnh giấc nhất thời, cũng chỉ biết khẩn cầu hay hơn một chút là phàn nàn chủ nhân. Tuy nhiên, chủ nhân có nghe và đáp ứng hay trừng phạt dưới mọi hình thức đều chỉ biết chấp nhận.

Nhiều người ví xã hội hôm nay như xã hội phong kiến biến dạng với "vua tập thể". Riêng tôi, nó không phải thế, nói công bằng hơn, nó gần giống với xã hội "chiếm hữu nô lệ", với mỗi tỉnh thành là một "lãnh chúa" cát cứ gần như hoàn toàn độc lập và mỗi lãnh chúa sẵn sàng "hợp tác" với nhau khi cần, để cùng đàn áp "nông nô". Ngoài ra, các lãnh chúa cũng sẵn sàng liên kết nhau để đấu đá và tranh giành "lãnh địa", nếu có cơ hội. "Lãnh địa" ở đây, không chỉ nghĩa đen mà còn là nghĩa bóng, ví như trên "mặt trận kinh tế". Ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ tịch HĐQT ngân hàng Argribank vừa được bổ nhiệm là Phó trưởng ban kinh tế trung ương [2] đó là chỉ dấu các "lãnh chúa" đang củng cố phe phái để tiếp tục quá trình tranh giành, phân chia "lãnh địa" với các "lãnh chúa" khác. Cũng có thể ví, mỗi bộ trưởng cũng là một "lãnh chúa" theo nghĩa bóng như thế. Ý nghĩa xã hội "chiếm hữu nô lệ" ngày nay, nó đa dạng hóa hơn, mang màu sắc trừu tượng và đan xen chằng chịt, phức tạp hơn so với định nghĩa về mặt "lãnh thổ", ở góc độ địa lý (như ngày xưa).

Ngay cả ông Phan Văn Khải từng thốt lên: "Trên bảo dưới không nghe". Một xã hội phong kiến có các thang bậc chuẩn mực tối thiểu, không đến nỗi như thế, dù ngay cả khi ông vua chỉ còn là bù nhìn thì ngạn ngữ "vuốt mặt nể mũi" cũng còn đó, cho tới khi ông vua bù nhìn đó bị hạ bệ.

Hãy nhìn, ngay cả ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng treo trước nhà bà Bùi Thị Minh Hằng, còn bị vấy bẩn mắm tôm, ai dám nói ông Dũng là một trong các ông vua? Hãy nhìn sự lộng quyền của ông bí thư tỉnh Hải Dương (Bùi Văn Quyến), Ninh Bình (Đinh Văn Hùng), Hà Giang (Nguyễn Trường Tô), Đà Nẵng (Nguyễn Bá Thanh) v.v... để ngẫm suy về sự cát cứ của từng "lãnh chúa" trong từng địa hạt họ chiếm đóng, trong đó một phần lợi ích họ chiếm của "nô lệ" dùng để cống nạp, thông qua cái gọi là "nộp ngân sách trung ương", khi "lãnh chúa" này có phần yếu hơn "lãnh chúa" khác.

Cái gọi là "ngân sách quốc gia" chẳng qua là sự "hùn vốn" của các "lãnh chúa" nhằm duy trì một trật tự tạm thời và hòa hoãn tạm bợ của một xã hội "chiếm hữu nô lệ" trên phạm vi toàn quốc. Nó còn tồi tệ hơn cả khái niệm "chư hầu", bởi nó hỗn loạn hơn rất nhiều như ngày nay bất kỳ ai cũng thấy và người ta buộc phải kêu lên: "Ai là lãnh đạo Việt Nam ?" [3]

Nói dông dài như thế, để thưa với ông Long câu chuyện: tri thức và quan điểm; tư tưởng và tầm nhìn của "đôi bên" mà ông định làm "chiếc cầu nối" làm sao có thể xảy ra?!

Những "lãnh chúa" không thể nào "ngồi cùng mâm" (chữ của ông) với "khoa học gia", "bác sĩ", "kỹ sư", "luật sư", "nhà văn" v.v... Hình ảnh này không khác gì người của thế kỷ 21 đang buộc phải nói chuyện với người thời trung cổ (!). Xin đừng nhìn những bề ngoài hiện đại của các "lãnh chúa" hôm nay để đánh giá, thay vào đó hãy nghe những phát ngôn, nhìn những việc làm cụ thể của họ mới tỏ tường. Ví dụ, không thể nào tin nổi một ông gọi là "phó thủ tướng" có tên Hoàng Trung Hải, học hàm, học vị đầy mình, lại có thể phát ngôn về thủy điện xả lũ là "đúng quy trình" (!).

Ý kiến của ông Lê Thăng Long có thể xem là chân thành, nhưng không khả thi khi gắn với trình độ, tri thức và tư tưởng của "đôi bên" ngày hôm nay. Ông Long thiếu hẳn sự trải nghiệm và đúc kết riêng cho bản thân xuất phát từ thực tế Việt Nam hôm nay. Điều đáng tiếc, ông đang ở tại quốc nội.

Niềm tin nhận được từ đông đảo các tầng lớp nhân dân luôn cần có điều kiện và cả quá trình dài lâu cùng với sự hy sinh to lớn phải được công nhận rộng rãi, ví dụ như bà Aung San Suu Kyi (Myanmar) hay cố Tổng thống Nelson Mandela (Nam Phi).

Chúng ta cũng thấy nhiều người Việt Nam cho tới nay như: Hòa thượng Thích Quảng Độ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Nguyễn Văn Lý v.v... những người gần cả cuộc đời vẫn giữ trọn quan điểm và tấm lòng cho dân tộc trong đấu tranh ôn hòa, nhưng các vị này cũng chưa bao giờ dám bày tỏ trở thành "chiếc cầu nối" cho đôi bên "ngồi cùng bàn tiệc".

Một người Mỹ gốc Việt, ông Hoàng Duy Hùng [2], với tư tưởng "hòa giải hòa hợp", vừa thất bại trong cuộc bầu cử cách đây không lâu, như câu trả lời từ cộng đồng ngườ Mỹ gốc Việt cho vấn đề "hòa giải hòa hợp".

THDCĐN của ông Nguyễn Gia Kiểng cũng xem vấn đề này như là một trong các trọng tâm đường lối hoạt động, nhưng cho đến nay chưa có chỉ dấu nào cho thấy tạm coi là thành công và nhận được sự ủng hộ đủ lớn.

Vấn đề "hòa hợp hòa giải" cần nghiên cứu vô cùng cẩn trọng từ những lực lượng, những cá nhân đủ uy tín, trên hết những tổ chức, cá nhân này phải nhận được lòng tin mãnh liệt từ quần chúng trong và ngoài nước. Điều mà Việt Nam hiện nay thiếu, đó là một "liên minh" đủ mạnh từ nhiều tổ chức và những cá nhân nổi tiếng. Đó mới làm tiền đề để nói câu chuyện "hòa hợp hòa giải", song song phải nhận được động tác ép dần ĐCSVN "lui vào chân tường" từ nền kinh tế ảm đạm mang lại, việc này nhất định khởi phát từ ảnh hưởng của Hoa Kỳ và phương Tây. Có thể gọi là thế "nội công ngoại kích" nhịp nhàng và ăn ý mới buộc ĐCSVN ngồi vào "bàn hòa giải" ở thế nguy hiểm cận kề. Không thể nói chuyện theo cách ông Lê Thăng Long, chỉ xuất phát từ ý nguyện mang tính "đạo lý" dân tộc.

Tôi tin, ngay cả những tù nhân lương tâm nổi tiếng, ví dụ: blogger Điếu Cày, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, TS. Cù Huy Hà Vũ v.v... hay thậm chí luật gia Lê Hiếu Đằng, TS. Phạm Chí Dũng (một người tương đối trẻ, vừa bỏ đảng công khai và có tầm ảnh hưởng tốt đến dư luận) v.v... nếu hành động đơn lẻ như ông Lê Thăng Long đang làm, mỗi người trong họ cũng sẽ gánh chịu sự đả kích mãnh liệt không kém. Lý do?

Thưa, sự phân ly và chia rẽ dân tộc này vô cùng nghiêm trọng hơn ông Long và một số người hay tổ chức khác nghĩ tới. Không chỉ sự tan nát về lòng người xuất phát từ 1975 mà còn trước đó rất lâu, ít nhất có thể tính từ sau ngày ĐCSVN cướp được chính quyền và phản bội dân tộc. Nó không hẳn chỉ đến từ cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau 1975 mà nó còn xuất phát từ những người miền Bắc di cư từ 1954 (hiện vẫn sống trong nước). Nó không chỉ xuất phát từ hận thù của những người vượt biển mà quan trọng hơn nhiều lần, nó còn phát sinh nội tại ngay trong xã hội Việt Nam hiện nay và suốt từ 39 năm qua. Ngày đầu năm dương lịch 2014, người dân oan vẫn biểu tình với khẩu hiệu "Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Việt Dzũng" - một con người đấu tranh không mệt mỏi và không khoan nhượng cũng như có sức ảnh hưởng khá lớn từ ngoài nước kéo vào trong nước.

Lẽ ra, ĐCSVN, nếu họ thật tâm muốn một cuộc "hòa giải hòa hợp", đó chính là thời điểm Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, cách đây 20 năm. Họ đã bỏ qua cơ hội tuyệt vời này, cốt chỉ để bảo vệ sự thống trị của ĐCSVN. Không những thế, những mũi tên lao ra và cứ mãi lao ra trong 20 năm qua chĩa về phía người dân như ngạn ngữ "phóng lao thì phải theo lao". Người cộng sản không còn đường lùi hay dừng lại được nữa. Đó là hoàn cảnh rất khó khăn và vô cùng bế tắc khi nói về "hòa giải hòa hợp". Do đó, đừng trách người Việt hải ngoại còn mang lòng hận thù, nếu như 20 năm qua người cộng sản biết "quay về nẻo chánh" và đừng tạo ra thêm quá nhiều oan trái, cùng hàng ngàn cái chết thảm thương trong mọi lý do, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Ngay cả Huy Đức, dù nhà báo này có tâm với "Bên Thắng Cuộc" cũng không đủ tầm vóc cá nhân để nói về câu chuyện "hòa giải hòa hợp", ngay với quần chúng trong nước, chưa cần nói ngoài nước.

Trình bày những điều trên để thưa với ông Long: ở ông thiếu hẳn nhiều yếu tố để coi như ông có thể là một "trọng tài" cần có:
- Một sự hẫng hụt kiến thức đủ đầy đặn về nhiều môn khoa học: lịch sử, tư tưởng, tâm lý, xã hội, chính trị.
- Một tiếng nói không có tầm ảnh hưởng nào cả, ít nhất ngay trong phạm vi những người bất đồng chính kiến.
- Một hành động đơn lẻ từ một người (như nhiều người nói) chưa lượng sức mình, bất chấp cứ tạm coi như ông Long là một người có tâm.
- Một ý chí chủ quan. Đó là tính "khái quát hóa vội vã" (một trong 50 phép ngụy biện) một vấn đề quá sức của ông. Dù tôi tin, ông vô tình không nghĩ tới.

Có thể nói, "Hòa giải hòa hợp dân tộc", không phải là giải quyết sự bất hòa anh em trong một gia đình, hay bà con trong một dòng tộc. Cái nhìn quá giản đơn của ông Lê Thăng Long chính là chỗ đó. Điều này cũng có thể, do ông đã lấy tình cảm cá nhân (vì ông xuất thân trong gia đình cộng sản và tạm chấp nhận ba ruột của ông là một người lương hảo) để áp lên tình cảm cả dân tộc (dành cho ĐCSVN). Đó lại cho thấy ông Long tiếp tục phạm vào 2 phép ngụy biện: "Kéo dài tính tương đồng" và "đơn giản hóa vấn đề".

Kết
Tuyên bố chính trị khác hẳn tuyên bố dân sự. Hành động chính trị khác hẳn với hoạt động dân sự. Đó có thể là điều kém cẩn trọng mà ông Long chủ quan không xem xét tới.
Do đó, những tuyên bố của ông có lẽ nên được dư luận cảm thông và châm chước khi đặt trong những vấn đề được trình bày, dù chưa đầy đủ như trên.

Riêng ông Lê Thăng Long, tôi thành thật gợi ý rằng: nếu ông quyết tâm trở thành một "trọng tài" thì ông hãy biến việc xin vô ĐCSVN của mình trở thành chiêu thức "tương kế tựu kế", "dĩ độc trị độc", lúc đó hành vi này, may ra mới hóa giải những điều tiếng trong mấy ngày qua, dù chưa chắc đắc dụng với ĐCSVN.

Tất cả các bước đi của "hòa giải hòa hợp" dân tộc phải tuân theo dòng chảy của xu hướng thời đại: chế độ độc đảng toàn trị phải chấm dứt. Đó là chân lý.

Đàm Mai Đạo
Sài Gòn 02/01/2014.

Chú thích :


-------------------------------------------



Nguyễn Ngọc Già     12/30/2013              2 Comments

Nguyễn Văn Thạnh   30/12/2013

Thanh Toàn      28-12-2013   


Hoàng Thanh Trúc     29-12-2013

Dân Luận    28/12/2013

LMH Tuấn     26-12-2013

Nguyễn Ngọc Già     26-12-2013

Nguyễn Tường Thụy   26-12-2013

Lê Thăng Long    26-12-2013

Hoà Ái  -   RFA    24-12-2013

Dân Luận    25-12-2013

Phát Định     12/12/2013



No comments:

Post a Comment

View My Stats