Ghi chép của Phạm Toàn
Posted by diendanxahoidansu
on 05/01/2014
“Hãy làm một việc gì cho rành rọt đi … hãy thả anh
Đoàn Văn Vươn ra … Không làm được điều gì đó để chứng minh là bạn có Thực
Tâm, có Thực Trí, có Thực Quyền mà chỉ dừng lại ở những biện
pháp tu từ, thì… nói như giới trẻ hiện thời, họ chỉ có một chữ thôi: phắn!
“
------------------------
Thứ bảy 4 tháng 1 năm 2014
Ghi chép của Phạm Toàn
1.
Thứ sáu, 3 tháng 1 năm 2014. Một người bạn gọi điện bảo
“Sáng thứ bảy, 9 giờ, anh đến nhà Marina nhé?”
“Có việc gì đó, anh?”
“À, các bạn ở báo Tuổi trẻ mời chúng ta tới đó để
nghe chúng ta chia sẻ về bản Thông
điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng chính phủ”. (*)
Và như để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của sự kiện
phỏng vấn tập thể, anh kể cho tôi nghe tên tuổi một loạt cựu quan chức tầm cỡ.
Tôi phải thú thực rằng ở Việt Nam ta, tôi chưa bao
giờ bị gây ấn tượng bởi bất kỳ “quan chức tầm cỡ” nào. Những ấn tượng mang tính
định kiến nhiều chục năm ấy vẫn không phản bội tôi.
Ngay sau lời khai mạc của báo Tuổi trẻ, những
lời phát biểu của anh Lê Đăng Doanh rất có giá trị.
Những lời ngắn gọn, vừa đủ thông tin, và nó cũng
khách quan như là văn báo chí ấy: thông điệp xuất hiện ở đâu, có mấy phần mấy
ý, đã có những ai viết bình luận về thông điệp đó, đã có những ai trả lời phỏng
vấn – quan trọng hơn, tuy anh Lê Đăng Doanh nói rất nhanh nhưng lại rất đủ ý về
những điều kiện của việc hiện thực hóa nội dung thông điệp. Anh Lê Đăng Doanh
phát biểu rất hay, nhưng
tiếc thay, tôi lại không xếp anh vào hàng quan chức tầm cỡ. Anh là một nhà
nghiên cứu về kinh tế.
Rồi
anh Hoàng Tụy bắt đầu nói. Tai tôi hơi nghễnh ngãng
nên tôi phải tiến lại đứng gần anh hơn để nghe cho rõ. Nhưng tôi đã lầm. Anh
Hoàng Tụy sức yếu nhưng khí lực của anh để nói ra những điều từ trong tâm can
và luôn luôn nhằm thuyết phục người nghe, khiến lời anh vang vang, và tôi lẳng
lặng trở về chỗ ngồi mà vẫn nghe đủ.
Rất tiếc, tiếp liền đó, một quan chức tầm cỡ thật,
một cựu bộ trưởng, đã lên tiếng. Ông nói rất dài. Ông nói như người nói thầm
với ai đó. Và tôi chợt nghĩ: là bộ trưởng thì phải có giọng nói và lối nói để
thuyết phục cấp trên cấp dưới cấp ngang, giọng nói nhỏ nhẻ ấy có đúng là giọng
một bộ trưởng cần phải có? Hay giọng nói đó là đủ cho một bộ trưởng chỉ cần
vâng lời?
2.
Thông điệp đầu năm của ông thủ tướng! Thật là một sự
lạ ở nước ta. Vì hình thức thông điệp đó xuất hiện lần đầu trong đời sống chính
trị – xã hội Việt Nam. Ở Hoa Kỳ thì đã thành lệ năm nào tổng thống (đứng đầu
ngành hành pháp «tương tự» như thủ tướng bên ta) cũng có thông điệp liên bang.
Ông Putin vốn quen với cách làm việc thép của ngành Mật vụ KGB cũng học theo
cách đó, tập đưa ra thông điệp đầu năm cho nhân dân Nga, rõ ràng là muốn thay
đổi hình ảnh mình trước con mắt người dân.
Nước ta học tập dần cách làm việc dân chủ và có
trách nhiệm của người đứng đầu ngành hành pháp, thế thì cũng tốt thôi. Chỉ hơi
tiếc một chút: giá mà bản thông điệp này ra đời đầu năm 2013 thì tốt biết bao!
Đầu năm 2013, đất nước ta có cuộc đại sinh hoạt
chính trị toàn dân thảo luận Hiến pháp mới. Thế rồi, sau khi nhận được «hàng
chục triệu ý kiến đóng góp», thì một bản Hiến pháp không mới lại đã được
thông qua. Một câu chuyện ván đã đóng thuyền như được nói rất khéo trong tuyên
bố ngừng trang «Cùng viết hiến pháp» của giáo sư Ngô Bảo Châu rằng «Chúng
tôi thấy cần nói rõ là ở những điểm quan trọng nhất, Hiến pháp sửa đổi mà Quốc
hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 khác hẳn với những đề xuất của chúng
tôi và đa số ý kiến bạn đọc» (Lời tạm
biệt – Cùng viết hiến pháp, 28-11-2013).
Và cái cũ-mới hoặc mới-cũ ấy đã được thông qua với
chỉ hai phiếu từ chối phát biểu ý kiến. Một trong hai phiếu trắng đó được công
khai danh tính là của anh Dương Trung Quốc. Lá phiếu trắng thứ hai chưa bao giờ
được tiết lộ tên tuổi người sở hữu chính chủ cái ngón tay đã ấn vào nút bấm.
Song, nếu căn cứ theo cái khẩu khí của bản Thông điệp 2014, tôi ngờ rằng người
thứ hai sau anh Dương Trung Quốc rất có thể là tác giả bản Thông điệp này lắm!
3.
Lại nói về cái khẩu khí trong thông điệp, đó là cái mà bất kỳ người sành sỏi nào
chỉ cần «ngửi» qua hơi văn cũng nhận ra ngay giá trị thực của văn bản.
Ở đây, cần phải nói về những «người chấm văn» và cái
gì bảo đảm cho họ thành những nhà chấm văn sành sỏi? Đơn giản hết sức: những
bậc thày «thẩm định văn bản» không chấm điểm bài «văn nghị luận» này theo đáp
án cho sẵn, càng không thẩm định theo lối của những người chấm điểm vô cảm, tắc
trách, sáng vác ô đi chấm cho xong tối vác ô về.
Những người thẩm định văn bản ở đây có tên là anh
nông dân có trình độ kỹ sư canh nông Đoàn Văn Vươn, là nhà báo tự do
Nguyễn Văn Hải bút danh Điếu cày, người được nhắc
tên trong một thông điệp khác từ Obama nhưng không hiển hiện trong thông điệp
này, là nhà giáo Đinh Đăng Định …
Những người thẩm định văn bản ở đây là những người
dân bình thường, họ không chết đói như ngả rạ hồi năm 1945, nhưng họ đang hoàn
toàn sống vật vờ, không biết mình có cái tư thế gì trong cái đất nước của cha
ông họ để lại nay đang trở thành hoang vắng xa lạ – hoang vắng như những sân
golf, xa lạ như những căn hộ trong tòa nhà chọc trời được đại gia quan chức mua
rồi quỳ dâng cho gái.
Những tiếng nói trí thức mang cái khẩu khí thực
chứng như của một Lê Đăng Doanh, mang cái khẩu khí chân tình, đanh thép, không
sợ mất lòng như của một Hoàng Tụy, có thể coi đó là những tiếng nói của những
tâm hồn đồng điệu với biết bao dân oan, biết bao người đang sống oan khuất
trong lầm than rên xiết. Song những tiếng nói thẩm định đại diện ấy vẫn chưa
nói hết dù chỉ một phần triệu, một phần tỉ nỗi đau Việt Nam đương thời.
4.
Hãy làm một việc gì cho rành rọt đi, một việc làm xứng đáng với tấm áo chính
khách tiến bộ như bạn định khoác cho mình, thay cho lời hiệu triệu lòng thòng.
Đây là một thí dụ: sắp Tết rồi, hãy thả anh Đoàn Văn
Vươn ra cho anh về ăn Tết với gia đình bên con đầm thủy sản nơi anh đã gửi xác
con gái yêu tám tuổi của mình. Chỉ những kẻ tâm thần hoặc hết sức sa đọa mới
không thấy tính chất oan khiên trong vụ án Đoàn Văn Vươn. Nhưng thôi, tha cho
những kẻ mưu ác tên Hiền, tha cho kẻ vu khống dân tên Thoại, tha cho kẻ vừa xấu
về hình dong vừa xấu về trí tuệ tên Ca … và cả công ty của họ, tha hết, chỉ cần
cứu một người làm mẫu đã: HÃY THẢ ĐOÀN VĂN VƯƠN.
Không làm được điều gì đó để chứng minh là bạn có
Thực Tâm, có Thực Trí, có Thực Quyền mà chỉ dừng lại ở những
biện pháp tu từ, thì… nói như giới trẻ hiện thời, họ chỉ có một chữ thôi: phắn!
—–
*
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment