Chủ nhật 26 Tháng Giêng 2014
Có lẽ do trùng hợp với ngày Tết
Nguyên đán, tuần báo Anh The Economist số đề ngày 25/01/2014 đã dành hồ sơ đặc
biệt cho thị trường Trung Quốc. Trên trang bìa màu đỏ là hình chiếc mặt nạ đen/trắng
biểu thị cho nhân vật dữ trong tuồng Trung Quốc, bên dưới hàng tựa lớn «
Trung Quốc mất sức hấp dẫn » kèm theo câu hỏi «Vì sao tình hình ngày càng trở
nên khó khăn hơn cho các công ty nước ngoài».
Bài xã luận trang trong của
tuần báo Anh đã nêu bật một số nguyên nhân khiến cho các tập đoàn đa quốc gia,
trước đây rất phấn khởi với thị trường Trung Quốc, nay đang càng lúc càng thấy
rằng làm ăn với Bắc Kinh không phải là dễ. Nhiều đại công ty quốc tế đã bỏ
cuộc, trong lúc những ai muốn bám trụ thì phải điều chỉnh cung cách kinh doanh.
The Economist đã ngược dòng
lịch sử về đầu thập niên 1980, khi đất nước Trung Quốc – thời Đặng Tiểu Bình -
bắt đầu mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp ngoại quốc, sau khi nền kinh
tế bị chính sách tai hại của Mao Trạch Đông đánh gục, và khi mơ ước của người
Trung Quốc chỉ đơn giản là có được bốn thứ : Xe đạp, máy may, quạt máy và đồng
hồ.
Chính sách mở cửa của Đặng Tiểu
Bình đã nhanh chóng biến Trung Quốc thành một trong những thị trường lớn nhất
và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Và trong ba thập kỷ qua, các tập đoàn
đa quốc gia đã đổ xô vào vùng đất hứa này. Thế nhưng hiện nay, cơn sốt có vẻ
như đã hạ hẳn xuống, cho dù trong một chừng mực nào đó, thị trường Trung Quốc
vẫn thuộc diện hấp dẫn nhất thế giới, nơi mà GM và Apple, hai tập đoàn lớn của
Mỹ, đã thu được những món lợi nhuận béo bở.
Thế nhưng, theo The Economist,
đối với nhiều công ty nước ngoài khác, mọi thứ đang trở thành khó khăn hơn, một
phần là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm sút, trong khi chi phí nhân
công lại đang tăng lên. Công nhân trẻ lành nghề càng lúc càng khó kiếm, và nếu
kiếm được thì tiền lương phải trả lại tăng vọt.
Khó khăn cũng đến từ phía chính
phủ Trung Quốc, càng lúc càng gây khó dễ cho các doanh nghiệp ngoại quốc trong
một số lĩnh vực. Họ đã giới hạn ngành ngân hàng và chứng khoán đối với các tập
đoàn nước ngoài. Họ cũng đã chặn đường các công ty internet, trong đó có
Facebook và Twitter, và bắt đầu chĩa mũi dùi vào các hãng chuyên về phần cứng
như Cisco, IBM và Qualcomm, đặc biệt từ sau các tiết lộ của Edward Snowden.
GlaxoSmithKline, một hãng dược
phẩm, đang vướng vào một cuộc điều tra tham nhũng ; Apple vào năm ngoái đã bị
buộc phải xin lỗi một cách nhục nhã vì sơ ý trong vấn đề bảo hành sản phẩm ;
dây chuyền cà phê Starbucks thì bị các phương tiện truyền thông nhà nước cáo
buộc là bán hàng với giá cắt cổ. Vào tháng Ba tới đây, một đạo luật bảo vệ
người tiêu dùng một cách chặt chẽ sẽ có hiệu lực,và khi ấy, các tập đoàn đa
quốc gia sẽ lại trở thành đối tượng của một đợt tấn công mới.
Nguyên nhân khó khăn thứ ba,
theo tuần báo Anh, là sự cạnh tranh đang càng lúc càng khốc liệt. Vốn đã là
chiến trường ác liệt nhất thế giới của các thương hiệu toàn cầu, nay các tập
đoàn đa quốc gia đang phải đối mặt với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một số tập đoàn Trung Quốc đang
vươn lên trên trường quốc tế, như Tiểu Mễ (Xiaomi) và Hoa Vi (Huawei) đã đưa ra
được những chiếc điện thoại thông minh đẳng cấp thế giới, hay Tam Nhất (Sany)
với những loại máy công cụ chẳng thua kém gì Hitachi và Caterpillar.
Cái khó cho các tập đoàn ngoại
quốc là nhìn chung, người tiêu dùng Trung Quốc chưa có thói quen trung thành
với một thương hiệu nhất định, và nhờ sự phát triển của Internet, họ có thể so
sánh và trở thành những khách hàng thuộc loại khó tính nhất trên thế giới.
Một số công ty đã lần lượt tháo
chạy. Tháng 12 vừa qua, Tập đoàn mỹ phẩm Revlon cho biết là họ sẽ rút khỏi
Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh của họ là L'Oréal, công ty mỹ phẩm lớn nhất thế
giới, cũng cho biết là họ sẽ ngừng bán Garnier, một trong những thương hiệu
chính của họ. Best Buy, một nhà bán lẻ điện tử của Mỹ, và Media Markt, một đối
thủ cạnh tranh người Đức, cũng đã bỏ cuộc, tương tự như Yahoo, một tập đoàn
internet khổng lồ…
Các công ty còn cố bám trụ thì
đang gặp khó khăn. Vào đầu tuần này, tập đoàn máy tính IBM cho biết doanh thu
tại Trung Quốc giảm 23% trong quý cuối cùng của năm 2013. Rémy Cointreau, hãng
rượu của Pháp thì cho biết doanh số bán hàng loại Cognac Rémy Martin của họ đã
giảm hơn 30 % trong ba quý đầu tiên của năm ngoái vì sự sụt giảm tiêu thụ ở
Trung Quốc... Danh sách này ngày càng dài.
Đối với The Economist, thực tế
đã rõ, thời kỳ vàng son của các tập đoàn ngoại quốc tại Trung Quốc đã qua rồi.
No comments:
Post a Comment