Theo dấu bằng chứng
chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 3: Vào Đông Dương văn khố
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
15/01/2014
10:35
TT
- Muốn hiểu sâu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt
Nam, chúng ta cần quan tâm các vấn đề liên quan như: lịch sử chinh phục biển
cả, quá trình hình thành nền văn hóa biển Việt Nam, hoạt động thương mại đường
biển giữa Việt Nam với các nước khác...
Gốm cổ Việt Nam phát
hiện ở Sakai, một bằng chứng của sự lan tỏa văn hóa Việt bằng đường biển vào
các thế kỷ XV-XVII - Ảnh: P.X.N.
Vì
lý do này, chúng tôi tìm đến Nhật Bản, nơi đang lưu giữ nhiều tư liệu liên quan
đến quá trình giao lưu văn hóa, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản
trong các thế kỷ XVI-XVII và tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Email cuối cùng của Nishimura
Trước
khi sang Nhật, chúng tôi liên lạc với PGS.TS Nishimura Masanari, nhà khảo cổ
học người Nhật chuyên nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam xuất sang Nhật Bản trong
các thế kỷ XV-XVII, để nhờ anh tư vấn.
Nishimura
lập cho tôi một kế hoạch rất chi tiết với khoảng 20 địa điểm cần đến, những nội
dung cần nghiên cứu, sao chụp và cung cấp địa chỉ email, số điện thoại của
những người mà tôi cần liên hệ ở Nhật.
Ngày
6-6-2013, Nishimura gửi email cho chúng tôi: “Tôi quen những nơi này nên sẽ hết
sức giúp đỡ để anh tiếp cận và sao chụp các tư liệu cần thiết”.
Đó
là email cuối cùng anh gửi cho tôi bởi sáng 9-6-2013, trên đường từ Hà Nội đi
đến một di chỉ khảo cổ đang khai quật ở Bắc Ninh, Nishimura bị tai nạn giao
thông qua đời.
Giới
sử học Việt Nam bàng hoàng thương tiếc anh, còn chúng tôi ngoài nỗi đau do mất
một người bạn thân thiết còn là sự bối rối vì kế hoạch nghiên cứu mà Nishimura
vạch ra bỗng hóa thành dang dở.
May
thay, một người quen khác là GS.TS Kikuchi Seiichi, nhà khảo cổ học và là giáo
sư về lịch sử Việt Nam ở Đại học nữ Showa (Tokyo), đã nhận lời giúp đỡ chúng
tôi. Lộ trình do Nishimura vạch ra đã được GS Kikuchi tiếp nối chỉ dẫn rất tận
tình.
Nhóm
chúng tôi bay đi Osaka để khảo cứu những hiện vật gốm sứ cổ Việt Nam xuất sang
Nhật Bản bằng đường biển vào thế kỷ XV, do các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai
quật được ở cảng Sakai, gần Osaka.
Sau
đó bay đi Okinawa để tìm hiểu gốm sứ cổ Việt Nam khai quật tại các di chỉ
Nakijin-jo, Shuri-jo và các bến cảng cổ ở Okinawa; tìm hiểu thông tin về cộng
đồng ngư dân gốc Việt từng định cư ở hòn đảo Yaeyama, thuộc quần đảo Okinawa từ
thế kỷ XVI.
Chúng
tôi cũng đến Nagasaki và Fukuoka, khảo cứu và thu thập các tư liệu, hiện vật
phản ánh mối quan hệ bang giao và hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt
Nam trong các thế kỷ XVI-XVII.
Các
đồng nghiệp Nhật Bản đã cho phép tiếp cận và khảo cứu nhiều tư liệu quý như bức
tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển, tranh vẽ thuyền Châu Ấn
đến Hội An buôn bán, các văn thư trao đổi giữa Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với
Quốc vương và Mạc phủ Nhật Bản, những danh mục hàng hóa trao đổi giữa thương
nhân hai nước Việt Nam và Nhật Bản...
Tại
Tokyo, chúng tôi đã gặp GS.TS Kikuchi Seiichi và TS Abe Yuriko tại Đại học nữ
Showa để tìm hiểu về giao lưu văn hóa và thương mại đường biển giữa Việt Nam
với Nhật Bản trong lịch sử.
GS.TS
Kikuchi Seiichi đã cung cấp nhiều thông tin quý về sự lan tỏa của văn hóa Việt
Nam thông qua đường biển, về hoạt động ngư nghiệp và hải thương giữa Việt Nam
với Nhật Bản trong các thế kỷ XVI-XVII.
Hàng
chục tư liệu thành văn quý hiếm về những vấn đề này đã được GS.TS Kikuchi
Seiichi giới thiệu và cho phép nhóm nghiên cứu VN sao chụp, trong đó có các văn
bản chép tay quý hiếm như: An Nam kỷ lược cảo, An Nam quốc phiêu lưu ký, Ngoại
phiên thông thư...
Tờ bản đồ ghi địa
danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá
vẽ vào cuối thế kỷ XVII đang lưu trữ tại Đông Dương văn khố - Ảnh: P.X.N.
Đông Dương văn khố và tờ bản đồ xứ
Quảng Nam của Đỗ Bá
Nhật
Bản có rất nhiều thư viện tư nhân danh tiếng. Đông Dương văn khố (Toyo Bunko) ở
Tokyo là thư viện hàng đầu trong những thư viện tư nhân danh giá đó.
Đây
là nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý hiếm bậc nhất Nhật Bản về chính trị,
lịch sử, văn học, văn hóa, nghệ thuật... của Nhật Bản và nhiều nước trên thế
giới, nhất là tư liệu về Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy
nhiên, Đông Dương văn khố không chủ trương mở cửa cho tất cả công chúng mà chỉ
phục vụ các học giả và giới nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài
ra, việc sao chụp tư liệu ở đây rất hạn chế và chi phí sao chụp cực kỳ đắt đỏ,
nên việc có được bản sao những tư liệu quý của Đông Dương văn khố dường như nằm
ngoài tầm tay của những người “ngoại giới”.
Nhờ
sự tiến cử của GS Kikuchi Seiichi và sự hướng dẫn nhiệt tình của TS Abe Yuriko,
phu nhân của GS Kikuchi Seiichi, chúng tôi đã được tiếp cận các tư liệu quý
liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đáng
chú ý là 10 bản đồ vẽ về châu Á, biển Đông và Việt Nam, do các nhà địa lý và
hàng hải phương Tây như Herman Moll, Jodocus Hondius, Homann Heirs, Van de
Kusten... vẽ trong các thế kỷ XVI-XVIII.
Trên
những bản đồ này, vịnh Bắc bộ được ghi chú là Gulf of Cochinchina hoặc Gulf of
Tunkin, quần đảo Hoàng Sa được định danh là The Shoal of Paracel (Bãi Hoàng
Sa), còn vùng bờ biển đối diện với quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam
được ghi là Coast of Paracel (Bờ biển Hoàng Sa).
Đặc
biệt, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc bộ Hồng Đức bản đồ được soạn vẽ từ thời
Lê Thánh Tông (1442-1497). Đây là bản chép tay duy nhất bộ Hồng Đức bản đồ có
niên đại từ thế kỷ XVI mà Đông Dương văn khố còn lưu giữ được.
Phần
sau bộ Hồng Đức bản đồ này có đính kèm bộ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ
đồ do Đỗ Bá vẽ vào cuối thế kỷ XVII, trong đó có tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam.
Trên
tờ bản đồ này có ghi ba chữ Nôm Bãi Cát Vàng để định danh cho một vùng đảo nằm
ở ngoài khơi. Phần chú giải phía trên tờ bản đồ này viết bằng chữ Hán và chữ
Nôm, trong đó có đoạn ghi (Việt dịch): “...Giữa biển có một dải cát dài, gọi là
Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại
Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở
phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi
đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy
hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn...”.
Năm
1962, Bộ Quốc gia giáo dục (Việt Nam cộng hòa) đã xuất bản bản dịch bộ Hồng Đức
bản đồ, trong đó có tờ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ. Tờ bản đồ này đã
được
giới thiệu trong nhiều công trình biên khảo, biên dịch liên quan đến vấn đề chủ
quyền biển đảo của các học giả trong và ngoài nước. Bản sao của bản đồ này cũng
đã được đưa vào Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng
Sa - Thành phố Đà Nẵng từ năm 2011.
Tuy
nhiên, cho đến nay rất ít người có cơ hội tiếp cận tờ bản đồ hơn 400 năm tuổi
này vì chế độ bảo quản nghiêm ngặt của Đông Dương văn khố.
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
__________
Sau
Nhật Bản, hành trình tìm kiếm tư liệu chủ quyền của chúng tôi tiếp tục ở châu
Âu, mà điểm dừng đầu tiên là Hà Lan, quốc gia từng có quan hệ hải thương rất
chặt chẽ với Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XVIII.
Kỳ
tới: Những tư liệu đặc biệt ở Hà Lan
No comments:
Post a Comment