Theo dấu bằng chứng
chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 4: Những tư liệu đặc biệt ở Hà Lan
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
16/01/2014
10:47
TT
- Tiếp nối hành trình, nhóm chúng tôi bay đến thành phố Den Haag (Hà Lan). Den
Haag, người Việt thường biết đến dưới tên gọi La Haye (tiếng Pháp) hay The
Hague (tiếng Anh), là thủ đô hành chính của Hà Lan.
Nơi
đây có Tòa án công lý quốc tế (Thường gọi là Tòa án La Haye-một trong những nơi
xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia).
>>
Kỳ 1: Khởi sự từ font tư
liệu Hoàng Sa
>> Kỳ 2: Hành trình trên nước Mỹ
>> Kỳ 3: Vào Đông Dương văn khố
>> Kỳ 2: Hành trình trên nước Mỹ
>> Kỳ 3: Vào Đông Dương văn khố
Bảo tàng Hàng hải,
nơi trưng bày một số hiện vật liên quan đến Việt Nam - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Bản đồ da dê và văn thư trao đổi
giữa VOC với chúa Nguyễn
Ba
học giả Hà Lan mà chúng tôi tham vấn là TS W.F. van Eekelen, nguyên bộ trưởng
quốc phòng Hà Lan, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Tây Âu; GS.TS Koetsier, chuyên
gia về Công pháp quốc tế của Đại học Amsterdam và TS Frans-Paul Van Der Putten,
chuyên gia về Đông Á và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu về quan hệ quốc tế
Clingendael.
Nội
dung trao đổi xoay quanh việc Trung Quốc và một số nước trong khu vực tranh
chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
TS
W.F. van Eekelen mời chúng tôi đến nhà riêng ở ngoại ô Den Haag để trao đổi và
giới thiệu một số tư liệu và bản đồ cổ do người Hà Lan vẽ, có đề cập đến Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt Nam mà ông thu thập được.
Trả
lời câu hỏi của tôi về giá trị của các tư liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo
Việt Nam, TS W.F. van Eekelen nhận định: “Việt Nam có nhiều chứng cứ lịch sử
đối với vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng cách
tốt nhất để bảo vệ chủ quyền đó trong bối cảnh hiện nay là dựa vào Công ước của
Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tòa án quốc tế về Luật
biển ở Den Haag. Đây là điều Việt Nam phải tính đến”.
Một
trong những nơi ở Den Haag mà chúng tôi phải đến cho bằng được là Văn khố quốc
gia Hà Lan. Nơi đây đang trong quá trình bảo dưỡng định kỳ hằng năm nên các kho
tư liệu cổ tạm thời đóng cửa.
Tuy
nhiên nhờ sự tiến cử của cựu bộ trưởng quốc phòng Hà Lan W.F. van Eekelen và
nhà sử học John Kleinen, chúng tôi được đặc cách “thâm nhập” kho bản đồ và văn
thư cổ.
Nơi
đây đang lưu trữ ba tấm bản đồ bằng da dê có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam.
Đây
là những bản đồ do nhà hàng hải Joan Blaeu vẽ năm 1687, ghi dấu thời kỳ người
Hà Lan “hùng cứ” trên các tuyến hải thương nối liền châu Á với cựu lục địa, mà
Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) là công ty hùng mạnh nhất. Phải qua ba vòng kiểm
tra, chúng tôi mới tiếp cận được tầng ngầm chứa ba bản đồ này để đo đạc, khảo
cứu và chụp ảnh.
Văn
khố quốc gia Hà Lan còn là nơi lưu giữ các hồ sơ gốc của VOC, trong đó có những
văn thư giao dịch giữa VOC với chính quyền ở Đàng Trong và Đàng Ngoài của Việt
Nam vào các thế kỷ XVII-XVIII.
Tôi
đặc biệt chú ý tập hồ sơ ký hiệu 402/VOC-OBP’s. Trong hồ sơ này có ba lá thư
viết tay, ký hiệu 1120, 1167 và 1207, viết vào các năm 1636, 1661 và 1662. Quản
thủ kho tư liệu dịch tóm lược nội dung ba bức thư trên, cho biết: hai thư đầu
là của lãnh đạo VOC gửi cho Quốc vương nước Quinam (tức là chúa Nguyễn ở Đàng
Trong) để xin phép cho các tàu buôn của họ được tới mua bán ở các thương cảng
của Quinam và sẵn sàng đóng thuế cho các giao dịch thương mại (thư đề năm
1636); xin phép cho tàu thuyền của VOC được vào tránh, trú bão trong các hòn
đảo nằm ngoài khơi Quinam, do Quốc vương Quinam quản lý (thư đề năm 1661); còn
bức thư thứ ba (đề năm 1662) là thư của một thuyền trưởng của VOC gửi từ Quinam
về Hà Lan báo tin Quốc vương Quinam đã đồng ý với đề nghị xin trú bão cho tàu
bè của VOC.
Có
lẽ đây là những văn kiện quan trọng nhất mà chúng tôi tìm thấy trong Văn khố
quốc gia Hà Lan ở Den Haag.
Bản đồ và tư liệu của VOC ở
Amsterdam
GS
John Kleinen (Đại học Amsterdam), chuyên gia về lịch sử hải thương giữa Hà Lan
và các nước châu Á, là người đã giúp đỡ chúng tôi trong hành trình tìm kiếm tư
liệu ở Hà Lan.
Bằng
uy tín của mình, ông đã sắp xếp cho chúng tôi được tiếp cận và thu thập tư liệu
ở nhiều nơi như: Bushuis, Dutch East India Company Gentlemen XVII và Bảo tàng
Hàng hải ở Amsterdam; Văn khố quốc gia Hà Lan ở Den Haag.
Bushuis
và Dutch East India Company Gentlemen XVII tọa lạc trong khuôn viên của Đại học
Amsterdam. Đây là hai địa điểm quan trọng nhất của VOC ở Amsterdam còn được bảo
tồn nguyên vẹn.
Bushuis
vốn là nơi hội họp định kỳ của các thành viên ban quản trị VOC để thảo luận
những vấn đề kinh doanh của VOC trên toàn thế giới. Dutch East India Company
Gentlemen XVII là nơi lưu giữ những tư liệu, bản đồ, tranh ảnh liên quan đến
hoạt động của VOC.
Khung
cảnh bên trong Bushuis và Dutch East India Company Gentlemen XVII vẫn được giữ
nguyên như xưa với các bức bản đồ thế giới, bản đồ châu Á được vẽ cách đây hàng
thế kỷ treo ở trên tường.
Đặc
biệt là bốn bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh các thương cảng nổi tiếng ở Đông Á
mà VOC từng đặt thương trạm là: Hirado, Couchyn, Canton và Ludea, ghi lại dấu
ấn thời hoàng kim của VOC.
Trong
số những bản đồ cổ có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tấm
bản đồ Nova et Exacta Asiæ Geographica Descriptio do G. Ianßonio vẽ vào thế kỷ
XVII. Bản đồ này đã được tái bản nhiều lần và là một trong những bản đồ sớm
nhất có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa với các
đảo thuộc quần đảo Trường Sa và những đảo khác ở ngoài khơi miền Nam Trung bộ.
Nhiều
tư liệu về hoạt động kinh doanh của VOC ở châu Á cũng được lưu trữ nơi này,
trong đó có những tư liệu liên quan đến Việt Nam.
Ngoài
Bushuis và Dutch East India Company Gentlemen XVII, ở Amsterdam còn có một địa
chỉ khác từng thuộc về VOC, cũng là nơi đang lưu giữ những hiện vật liên quan
đến biển đảo Việt Nam.
Đó
là Bảo tàng Hàng hải, ở ngay bến cảng Amsterdam, vốn là kho hàng của VOC. Chính
quyền thành phố Amsterdam đã đầu tư 8 triệu euro để biến căn nhà kho ba tầng cũ
kỹ này thành tòa bảo tàng hiện đại giới thiệu lịch sử và thành tựu của ngành
hàng hải Hà Lan.
Trong
bảo tàng này trưng bày hàng trăm quả địa cầu hàng trăm năm tuổi làm bằng nhiều
chất liệu khác nhau. Phần lớn các quả địa cầu đều có vẽ hình hai quần đảo
Paracel và Spratly với những chú dẫn như trên các bản đồ do người Hà Lan vẽ,
thể hiện mối liên hệ khăng khít giữa hai quần đảo này với lãnh thổ Việt Nam.
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Các
nhà hàng hải người Hà Lan đã dong thuyền đi khám phá các vùng biển ở châu Á -
Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông từ đầu thế kỷ XVI. Họ thiết lập sơ đồ
tuyến hải hành xuyên qua biển Đông, dừng chân trên các hòn đảo ở ngoài khơi
Việt Nam, định danh các quần đảo trên biển Đông vào những tấm bản đồ địa lý
do chính họ vẽ. Họ cũng để lại những tập nhật ký hải hành, những ghi chép
miêu tả về đất nước, biển đảo, con người Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XIX.
Đặc biệt, người Hà Lan đã có trao đổi thương mại với Việt Nam từ rất sớm,
thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oost-Indische Compagnie in Dutch
- VOC), công ty thương mại đường biển hùng mạnh nhất châu Âu, từng làm mưa
làm gió trên các vùng biển và thương cảng quốc tế vào các thế kỷ XVII-XVIII.
VOC từng là đối tác thương mại hàng đầu của chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở
Đàng Ngoài lẫn chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong thời kỳ đại thương mại
của thế giới. Chính vì thế, tư liệu về Việt Nam được lưu trữ trong các font
tư liệu của VOC cũng rất nhiều.
|
____________________
Sau
Hà Lan, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bồ Đào Nha. Tại Lisbon, chúng tôi đã
“bội thu” tư liệu nhờ sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Bồ Đào Nha.
Kỳ
tới: Những người bạn Bồ Đào Nha
No comments:
Post a Comment