40 năm
Hải chiến Hoàng Sa:
Duy Chiến (thực
hiện)
Cập nhật: 02:00 | 17/01/2014
LTS: Kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện
với bà Huỳnh Thị Sinh, vợ thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà, hạm trưởng tàu Nhật Tảo
HQ 10, đã tử trận trong trận hải chiến ngày 19/1/1974.
Bà Huỳnh Thị Sinh. Ảnh: Duy Chiến
Hạnh phúc ngắn ngủi
Thưa bà, bà có
thể kể lại những ngày cuối cùng của ông Thà, trước khi tạm biệt gia đình, đi
chiến đấu ở Hoàng Sa?
Đã 40 năm trôi qua, tôi vẫn
không sao quên được lần cuối cùng anh ấy ra đi. Trước đó mấy ngày, anh khoe với
tôi: “Tôi được thăng chức trung tá rồi bà ơi, tháng sau sẽ công bố chính
thức!”, rồi đem lon trung tá ra cho tôi xem.
Tôi hơi lo lắng vì không biết
có điềm gì chăng, vì chưa được phong chức chính thức mà anh ấy đã cầm lon trung
tá về trước. Dù không nói ra song trong tôi cứ ám ảnh một nỗi lo mơ hồ.
Khoảng ngày 15, anh về nói với
tôi chuẩn bị đi công tác ở Đà Nẵng. Buổi sáng anh xách vali xuống bến Bạch
Đằng, nhưng tầm 3 giờ chiều lại trở về đứng dưới nhà gọi tôi. Tôi ngạc nhiên:
“Sao anh trở về?”, anh nói: “Tàu bị hư, sửa chưa xong”. Hôm sau anh lại xuống
bến Bạch Đằng, lần này tàu đã sửa xong.
Tôi nhẩm tính chỉ còn mấy ngày
nữa là Tết. Mong anh đi công tác xong trở về ăn Tết cùng mẹ con tôi.
Bà biết tin ông
nhà tử trận như thế nào?
Ngày 20/1, tôi nghe tin trên
đài là có đánh nhau với Trung Quốc ở Hoàng Sa, tàu của mình bị chìm. Tôi lo
lắm. Ngày 21/1/1974, báo chí đăng hàng loạt tin tức về trận hải chiến Hoàng Sa,
nhiều binh sĩ hy sinh.
Trong danh sách tử trận có
chồng tôi, Ngụy Văn Thà. Tôi ngã quỵ xuống, choáng váng. Ba đứa con gái của tôi
đều còn nhỏ. Con gái lớn là Ngụy Thị Thu Trang mới 8 tuổi, cầm tờ báo lên đọc
và hỏi tôi: “Mẹ ơi báo đăng ba đã tử trận! Không đúng đâu. Ba không thể chết
được. Ba sẽ trở về ăn Tết với mẹ con mình phải không mẹ?”. Tôi ôm chặt con vào
lòng, nước mắt đầm đìa, lòng rối bời mà miệng vẫn phải an ủi con: “Ừ, ba không
chết được đâu. Mai mốt ba về ăn Tết với mẹ con mình”.
Các con thấy tôi khóc cũng khóc
theo, lao nhao: “Ba không chết được đâu. Báo viết sai rồi…”
Vậy chắc cái Tết
năm đó của mẹ con bà rất buồn?
Chồng mất, ôm ba đứa con nhỏ,
lòng tôi tan nát, chẳng còn hơi sức đâu nghĩ đến Tết. Tôi khóc suốt mấy ngày.
Lúc còn sống, anh Thà rất hiền
lành, vui tính và đặc biệt rất thương con. Sau mỗi đợt công tác về là ở nhà
chăm sóc, sắm sửa cho con. Anh không nhậu nhẹt rượu bia, không cà phê, chỉ hút
thuốc. Anh nói: “Đi tàu trên biển lạnh lắm. Hút thuốc cho ấm!”.
Mấy ngày trước khi mất anh còn
dẫn con đi mua dép, tắm rửa, đùa giỡn với con, đánh giày dép cho chúng sạch bóng.
Vậy mà anh đã mất, xác thì nằm dưới biển. Có ngờ đâu hạnh phúc của mẹ con tôi
ngắn ngủi quá. Khi ấy, anh mới 32 tuổi, còn tôi 26 tuổi…
Hôm sau có người của Bộ tư lệnh
Hải quân Việt Nam Cộng hòa đến thông báo chính thức và làm lễ truy điệu tại nhà
ba mẹ tôi, vì nhà ở của vợ chồng tôi ở chung cư, không làm lễ được. Chỉ có di
ảnh chứ không có xác anh ấy.
Mấy ngày Tết xung quanh rộn
ràng tiếng pháo, còn tôi và 3 con thì ngập đầy nước mắt! Dù bạn bè, đồng đội
của anh an ủi động viên rất nhiều, song nỗi đau quá lớn và ập đến bất ngờ khiến
tôi không thể giữ được bình tĩnh.
Nhờ ba con mà tôi cố gắng không
ngã quỵ. Phải sống để lo cho con nên người.
Tàu Nhật Tảo và người chỉ huy – Thiếu tá VNCH
Ngụy Văn Thà: Ảnh tư liệu/ Infonet
Chỉ mong có một chỗ để thờ chồng
Sau khi ông nhà
tử trận, bà và ba con sống ra sao? Có khi nào bà tính đi bước nữa không, bởi
lúc ấy bà còn rất trẻ, rất đẹp?
Tôi không bao giờ có ý định đi
bước nữa. Lúc sống, anh ấy là người hiền lành, hết lòng yêu thương mẹ con tôi.
Anh mất vì thực hiện bổn phận với đất nước, sao tôi có thể phụ lòng anh để đi
bước nữa?
Từ khi hay tin anh ra đi tôi đã
nguyện trong lòng sẽ thay anh nuôi 3 con khôn lớn và ở vậy thờ phụng anh cho
đến khi tôi nằm xuống, sẽ về với anh!
Suốt 40 năm nay, năm nào tôi
cũng tổ chức giỗ anh dù xác anh vẫn không tìm thấy. Mỗi lần cúng, tôi lại nhớ
đến khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi của đời mình! Ngắn ngủi thật nhưng vô
cùng lớn lao, không gì có thể thay thế được.
Hiện cuộc sống
của bà và ba con ra sao?
Căn nhà chung cư của tôi bị
giải tỏa, tôi phải về sống nương nhờ nhà ba mẹ. Ba mẹ tôi đã mất, giờ chỉ còn
mấy chị em chen chúc nhau qua ngày.
Ba con gái tôi nay đã trưởng
thành, cháu lớn Ngụy Thị Thu Trang đã 47 tuổi. Các cháu đã lập gia đình, hoàn
cảnh cũng tạm thôi, phải lo cơm áo gạo tiền cũng vất vả. Thỉnh thoảng các con
ghé qua thăm tôi biếu mẹ một hai trăm chi xài.
Gần đây, nhiều ý
kiến cho rằng đất nước cần tri ân những người lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh
trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 như ông nhà, thiếu tá Ngụy Văn Thà.
Cảm xúc của bà ra sao?
Sau một thời gian dài cái chết
của chồng tôi và các anh em khác tưởng rơi vào quên lãng, nhưng mấy năm nay lại
được nhắc đến, tôi vui lắm. Chắc anh ấy dưới kia cũng mãn nguyện. Cái chết của
anh rất có ý nghĩa, tôi tự hào và thấy yên lòng hẳn.
Có nhiều bậc trí thức, các nhà
báo trong và ngoài nước quan tâm, đến tìm hiểu, an ủi, chia sẻ, tôi cảm động
lắm.
Bốn năm nay do phải ở nhờ,
không có chỗ lập bàn thờ cho anh Thà là điều tôi đau lòng nhất. Cứ gần Tết đến
ngày giỗ của anh, lòng tôi ngậm ngùi. Cầu mong anh phù hộ cho có được nơi chốn ở,
lớn nhỏ không quan trọng, cái chính là có nơi để lập bàn thờ có di ảnh của anh
đàng hoàng. Đó là niềm mong ước cuối đời của tôi.
Duy
Chiến (thực hiện)
Loạt bài kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa của Tuần Việt Nam:
Việt Nam cần có những hành động, hoặc ủng hộ hoặc tự
mình làm, để chứng minh cho thế giới là Việt Nam đấu tranh để bảo vệ an ninh và
luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh một nước Việt Nam thống nhất và
có chiều hướng thân Liên Xô sắp thành hình, Bắc Kinh quyết định ra tay trước,
chiếm lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Dù đã chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn
không nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của họ đối với
Hoàng Sa.
"Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của
VN đều không bao giờ cắt đất cho TQ cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do
hoàn cảnh lịch sử...".
No comments:
Post a Comment