Được đăng ngày Thứ ba, 14 Tháng
1 2014 19:32
Tin một người thanh niên có tên là Trương Minh Tam hay còn
có nick là Trương Ba Không
trên Facebook vừa bị kết án 1 năm tù với tội danh “chiếm đoạt tài sản trái
phép” vừa diễn ra tại tòa án Sóc Sơn, Hà Nội hôm 9/1/2014 đã không được nhiều
người biết đến, ngoài một số bạn bè gần gũi.
Dư luận cũng chỉ mới biết đến
vụ án này qua bài viết trên Thông Luận: Chả nhẽ lại nói: đất nước này “làm chó gì có luật pháp” để
mà em trông cậy, hòng đòi lại công bằng cho em? (Phương Bích).
Nội tình của vụ án qua lời kể
của tác giả Phương Bích cũng khá đơn giản: Trương Minh Tam bị chủ đại lý giao
hàng cho mình nợ tiền (30 triệu đồng), vì đòi mãi không được nên Tam đã giữ lại
số hàng tương đương với số nợ để…trừ nợ. Đại lý giao hàng (nợ tiền Tam) kiện
Tam và chính quyền nhanh chóng vào cuộc, sau 3 tháng bị giam giữ, Tam đã bị tòa
xử một năm tù ngồi. Dù chỉ là một vụ án cỏn con nhưng tòa xử kín như một vụ đại
hình, không ai được tham dự kể cả người thân và bạn bè của Trương Minh Tam.
Nếu Tam là một người bình
thường như bao người dân bình thường khác thì chắc không có gì để nói ngoài
việc khen ngợi chính quyền đã rất tận tụy để mang lại công lý cho người dân. Nhưng
Tam là ai? Vì sao Tam lại “không bình thường”? Cái “không bình thường” đó
là Tam đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm
2011, 2012. Tam là người yêu nước theo dư luận lề trái và là kẻ “gây rối trật
tự công cộng”, “kẻ phá hoại tình đoàn kết Việt-Trung” theo quan điểm của nhà
nước Việt Nam. Hay dễ hiểu hơn nữa thì Tam thuộc nhóm “dân không ngoan” theo cách phân loại của nhà báo kỳ
cựu Huỳnh Ngọc Chênh. Theo ông Chênh thì “dân ngoan” là những người
không bao giờ biết phản đối chính quyền dù chính quyền đúng hay sai, chính
quyền bảo con gà là con vịt và có bốn chân cũng gật đầu, còn “dân không ngoan”
là những người có suy nghĩ độc lập, biết phân biệt phải trái, đúng sai và có
chính kiến riêng của mình. ()
Như vậy chúng ta có thể thấy
được sự thật của việc chính quyền “vào cuộc nhanh chóng” trong vụ xử Trương
Minh Tam. Đây chỉ là một tranh chấp dân sự nhỏ, bình thường nếu Tam đồng ý trả
lại số hàng đó hoặc bồi thường bằng tiền thì bên “bị hại” rút đơn tố cáo thế là
xong. Theo tin mà bạn bè Tam cho biết trên Facebook thì nhiều bạn bè của Tam
sẵn sàng giúp Tam số tiền đó (30 triệu đồng, khoảng 1.500 đôla) để trả cho đại
lý và đại lý đó cũng đồng ý như vậy nhưng chính quyền thì nhất định… không
chịu. Chính quyền chỉ đồng
ý nếu Tam đồng ý bỏ chuyện viết lách trên Facebook và nhất là phải làm
một “công dân ngoan”, nhưng Tam đã dứt khoát từ chối.
Chúng ta đều biết, nếu vụ án
tranh chấp kinh tế nào mà chính quyền Việt Nam cũng nhập cuộc nhanh chóng như
vậy thì xã hội Việt Nam đâu có loạn lạc như hiện nay. Vụ án kinh tế khủng của
siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền chiếm đoạt là 4.000 tỉ đồng (gần 200
triệu đôla) thử hỏi sẽ có mấy người thu lại được số tiền đã mất? Biết bao nhiêu
vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân diễn ra suốt thời gian qua được
xét xử một cách công minh để mang lại công bằng cho người bị hại? Vì sao bao
nhiêu công ty thu hồi nợ được ra đời trong thời gian qua và làm ăn rất phát
đạt? Biết bao nhiêu băng nhóm xã hội đen tham gia vào việc thu hồi nợ bằng luật
rừng mà chính quyền bất lực?
Vụ án của Trương
Minh Tam chỉ có thể hiểu được và nhìn nhận như là một vụ trả thù. Nhà nước trả thù công dân. Vụ án này làm cho bộ mặt của nhà
nước Việt Nam vốn đã nhem nhuốc lại càng nhem nhuốc thêm. Nếu vì tội “biểu tình
chống Trung Quốc” mà Tam bị xử như vậy thì chính quyền này là của ai? Không lẽ
là của Trung Quốc như dư luận “xấu” đồn đại? Nếu chỉ vì Tam cứng đầu cứng cổ mà
xử như vậy thì rõ ràng là chính quyền bất lực nên phải dùng vũ lực và nhà tù để
khuất phục công dân của mình? Theo nhìn nhận và
đánh giá của chúng tôi thì Trương Minh Tam là một thanh niên trẻ có lý tưởng,
có chính kiến, dũng cảm, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải… Tam là thành phần trí thức
trẻ tinh hoa của đất nước, thay vì đàn áp và bịt miệng thì chính quyền cần tôn
trọng và đối thoại thẳng thắn với những người như Tam để tìm ra tiếng nói
chung, đồng thuận chung.
Nếu thanh niên Việt Nam ai cũng là “dân ngoan” chỉ biết cúi đầu nghe dạy
bảo thì đất nước này sẽ đi về đâu? Một nhà nước luôn tìm mọi cách để triệt
đường sống của những thanh niên có bản lĩnh và chính kiến như Tam thì nhà nước
đó là nhà nước gì? Rõ ràng đó là một nhà nước phản động. Không chỉ có Tam là trường hợp duy nhất bị chính
quyền trả thù độc ác như vậy mà tất cả những người Việt Nam yêu nước, có chính
kiến khác với chính quyền cộng sản đều bị trả thù như vậy. Họ luôn bị theo dõi,
sách nhiễu, đe dọa, hành hung, vu khống và triệt đường sinh sống, thậm chí ngăn
cản cả việc tối thiểu là thuê nhà như trường hợp kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và vợ
chồng Trịnh Kim Tiến…
Một nhà nước đối xử với công dân như vậy có xứng đáng là
một nhà nước bình thường hay không? Liệu những lời kêu gọi thống thiết của đương kim thủ tướng trong thông
điệp đầu năm là “đổi mới thể chế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây
dựng nhà nước pháp quyền….” có tí giá trị nào hay không? Làm thế nào để tin
những lời nói đó là thật tâm? Ai thích thì tin, chứ chúng tôi thì không thể nào
tin được. Quả bóng hiện nay không còn nằm trong chân chính quyền nữa, nó đang
nằm trong chân chúng ta, những người Việt Nam yêu nước và lương thiện. Chính
người dân Việt Nam mới là những người tạo ra sự thay đổi của thể chế, tạo ra
nhà nước pháp quyền, tạo ra một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Chính
quyền Việt Nam không bao giờ muốn và dù có muốn cũng không thể nào làm được
điều đó.
Đừng trông mong vào việc chính
quyền cộng sản tự thay đổi và tự sửa chữa. Đó là điều viển vông. Hãy ủng hộ cho
một đảng đối lập dân chủ ôn hòa, hiểu biết, bao dung và có trách nhiệm để làm
đối trọng với đảng cộng sản. Hãy làm như người dân Miến Điện, ủng hộ cho một
đảng đối lập dân chủ và thủ lĩnh đối lập của nó. Chúng ta sẽ tạo ra được sự
thay đổi trong hòa bình để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong khu vực.
Những thành phần trí thức trẻ và tinh hoa sẽ không bị vùi dập mà ngược lại sẽ
là những người đóng góp trí tuệ chủ lực cho sự hồi sinh của đất nước.
Việt Hoàng
No comments:
Post a Comment