Saturday, 25 January 2014

TÀI SẢN CẤT GIẤU CỦA CÁC "HOÀNG TỬ ĐỎ" TRUNG QUỐC (RFI, BBC)




Đức Tâm   -  RFI
Thứ năm 23 Tháng Giêng 2014

Điều tra của giới báo chí về tài sản của giới lãnh đạo Trung Quốc tẩu tán ở nước ngoài và tình hình căng thẳng tại Ukraina là hai chủ đề quốc tế được các tờ báo chính của Pháp rất quan tâm. Bên cạnh đó, báo chí cũng có các bài về Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, khai mạc ngày hôm qua tại Thụy Sĩ, đưa tin về hội nghị Geneve 2 liên quan đến Syria.

Hàng tựa : «Tài sản cất giấu của các Hoàng tử đỏ Trung Quốc» được đặt trên nền ảnh chụp một hội nghị của đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm nửa trang nhất báo Le Monde. Bên trong, tờ báo dành 4 trang để nói về chủ đề này.

Theo Le Monde, để hiểu được những tiết lộ về các khối tài sản khổng lồ mà nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc và người thân của họ cất giấu ở bên ngoài, cần phải quay lại thời điểm tháng Tư năm ngoái. Lúc đó, Le Monde hợp tác với Hiệp hội các nhà báo điều tra (ICIJ) và khoảng ba chục tờ báo lớn quốc tế, đưa ra những thông tin về các thiên đường thuế khóa trên thế giới. Cuộc điều tra, được đặt tên là «Offshore Leaks», dựa trên việc rò rỉ 2,5 triệu tài liệu đến từ hai nơi chuyên cung cấp dịch vụ tài chính offshore, Portcullis TrustNet, đặt tại Singapore và Commonwealth Trust Limited, đặt tại quần đảo Vierges của Anh.

Từ đó, nhiều thông tin được tiết lộ liên quan đến một số quan chức và giới ngân hàng Pháp, tài sản của những nhân vật thân cận điện Kremlin. Tuy nhiên, phần thông tin liên quan đến tài sản của những người thân trong giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc chưa thể công bố, vì chưa được điều tra, nhận dạng, kiểm chứng. Công việc này cần có thêm thời gian, với sự tham gia của nhiều nhà báo, kể cả một số nhà báo Trung Quốc chấp nhận hiểm nguy.

Có thể nói, kết quả điều tra gây nghẹt thở, liên quan đến người thân của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thuộc nhiều thế hệ : Thế hệ Mao có Đặng Tiểu Bình, Vương Chấn, Bành Chân, thế hệ kế tiếp có Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Bằng và cả thế hệ hiện nay là ông Tập Cận Bình.

Tổng cộng có gần 22 000 công ty đặt ở thiên đường thuế khóa, nhưng có địa chỉ tại Trung Hoa lục địa hoặc Hồng Kông và hầu như thuộc mọi lĩnh vực, như dầu lửa, năng lượng tái tạo, khai thác mỏ, buôn bán vũ khí.

Trong bài «Trung Quốc : Những tiết lộ về tiền bạc cất giấu của các Hoàng tử đỏ», báo Le Monde, nêu ra nhiều trường hợp, ví dụ ông Đặng Gia Quý (Deng Jiagui), anh rể Chủ tịch Tập Cận Bình, triệu phú, đầu tư kinh doanh bất động sản và kim loại hiếm. Ông này chiếm giữ 50% số vốn một công ty đặt tại quần đảo Vierges. Điều đáng nói là khi lên cầm quyền, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng, nhưng đồng thời thẳng tay trấn áp phong trào công dân đòi giới lãnh đạo minh bạch hóa tài sản.

Báo Le Monde nhấn mạnh, kết quả cuộc điều tra của các nhà báo không chỉ làm rõ khối tài sản kếch sù của giới lãnh đạo Trung Quốc, mà còn cho thấy một sự giả dối : Các cán bộ của đảng Cộng sản một mặt biểu thị các ý tưởng bình dân, vì dân, mặt khác, họ nhắm mắt làm ngơ, để cho người thân sử dụng quyền lực hoặc ảnh hưởng của họ để làm giầu, coi thường đạo lý và cả luật pháp.

Tình trạng tham những, lạm dụng quyền lực để làm giàu lan tràn đến mức, một luật sư Mỹ, làm việc tại Trung Quốc mỉa mai : «Làm lãnh đạo đảng Cộng sản có ích lợi gì nếu như không phải là để bòn rút một hoặc hai tỷ cho gia đình ?».

Trang bốn báo Le Monde vẽ lại sơ đồ các tài khoản đặt ở thiên đường thuế khóa của con cái, người thân nhiều lãnh đạo Trung Quốc : Con rể ông Đặng Tiểu Bình có hai tài khoản ở quần đảo Cook, hai người con trai và cô cháu nội ông Vương Chấn có tài khoản ở quần đảoVierges. Cũng ở quần đảo này, con ông Bành Chân có tới 5 tài khoản, người thân của ông Hồ Cẩm Đào có 3 tài khoản v.v.

Cùng về chủ đề này, báo Liberation cho biết « Tiền bạc cất giấu của giới lãnh đạo bị phơi ra ánh sáng, Trung Quốc phong tỏa internet ». Theo tờ báo, thực ra, việc lập một công ty ở thiên đường thuế khóa không thể coi là một hành động tham nhũng và không bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng, « có tật giật mình », ngay từ hôm qua, tại Trung Quốc, chính quyền đã vội vã ngăn chặn mọi truy cập vào website của các tờ báo đã hợp tác với ICIJ trong cuộc điều tra này.

Còn Les Echos cho biết « Bắc Kinh co cụm căng thẳng trước các cáo buộc tham nhũng ở tầng lớp cao cấp ». Sự lo ngại của chính quyền không chỉ thể hiện qua việc ngăn chặn truy cập vào các website của những tờ báo đăng tải các tiết lộ, mà còn thể hiện qua vụ xét xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, ngày hôm qua.

Về chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng với tuyên bố đập chết cả ruồi lẫn hổ, báo Les Echos cho rằng khó có thể đánh giá được kết quả từ hơn một năm qua, nhưng cho đến nay, « Ruồi muỗi thì bị đập chết, còn những con hổ của chế độ thì vẫn ẩn náu an toàn ».

Cũng về chủ đề này, báo La Croix đánh giá rằng « Trung Quốc đứng đầu trong việc sử dụng thiên đường thuế khóa ». Trong giai đoạn từ 2002 đến 2011, tổng số tiền được tẩu tán ra nước ngoài ước tính lên tới 1000 tỷ đô la.

Báo Cộng sản L’Humanité nhận định là « Bắc Kinh bị rung chuyển do các vụ bê bối thuế khóa » và nhận định rằng vấn đề tài sản của các « Hoàng tử đỏ » đã gây bất bình trong công luận Trung Quốc.

----------------------------------

BBC
Cập nhật: 04:58 GMT - thứ tư, 22 tháng 1, 2014

Một cuộc điều tra lớn trên phạm vi quốc tế thu thập được nhiều tư liệu tài chính rò rỉ cho thấy thân nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc, trong có cả em rể Chủ tịch Tập Cận Bình, nắm trong tay nhiều công ty hoạt động ở các 'thiên đường thuế' (tax havens).

Các tài liệu mật này nằm trong 2,5 triệu files mà Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tổng hợp được. Theo đó, nhiều nhân vật quyền thế trong hệ thống chính trị Trung Quốc đã lập ra các công ty và tài khoản đặt tại Cook Islands hoặc British Virgin Islands là những nơi bị coi là có điều kiện trốn thuế dễ dàng.

Trong số đó có ít nhất 15 người thuộc danh sách giàu có nhất Trung Quốc, đại biểu Quốc hội cũng như lãnh đạo các công ty nhà nước bị vướng cáo buộc tham nhũng.

Cần phải nói rằng việc lập tài khoản bí mật ở nước ngoài, kể cả các 'thiên đường thuế', không phải là hành động bất hợp pháp về luật, nhưng nó gây khó cho việc kiểm toán minh bạch, và che giấu quy mô tài sản mà giới này nắm trong tay.

Tiếp tục hé lộ

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã phải đối diện với một số cáo buộc chấn động mà các cơ quan truyền thông có uy tín như The New York Times và hãng Bloomberg đưa ra, trong có đề cập đến khối tài sản của các ông Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Mới đây, ông Ôn Gia Bảo đã phải viết tâm thư khẳng định mình trong sạch.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập đã tỏ ra khá cương quyết và lớn tiếng trong việc bài trừ tham nhũng, không bỏ sót bất cứ ai từ "hổ báo tới ruồi muỗi" (các tầng lớp khác nhau trong hệ thống chính trị) để nhằm phục hồi uy tín và tính chính danh cho Đảng Cộng sản trong một đất nước mà người dân ngày càng bức xúc về nạn tham nhũng và bất bình đẳng xã hội.

Các tài liệu được ICIJ tiếp cận là từ hai công ty vốn chuyên giúp khách hàng thành lập công ty, tài khoản và quỹ vốn ở các nước thuế thấp.

Chúng cho thấy gần 22.000 khách hàng có địa chỉ ở Hoa lục và Hong Kong, trong đó có công ty địa ốc của em rể ông Tập là Đặng Gia Huy, và một số công ty đăng ký ở British Virgin Islands của con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Ôn Vân Tùng, và con rể ông là Lưu Xuân Hàng.

Những cái tên khác được nêu trong điều tra của ICIJ có Hồ Dực Thời, họ hàng của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng.

Cuộc điều tra cũng phát hiện rằng các tập đoàn PricewaterhouseCoopers, UBS, Credit Suisse và một số ngân hàng phương Tây khác đã đóng vai trò môi giới tí́ch cực cho các khách hàng Trung Quốc thiết lập tài khoản ở các thiên đường thuế.

Ngành dầu khí của Trung Quốc, vốn là lĩnh vực xảy ra nhiều bê bối tham nhũng, có liên hệ chặt chẽ với các trung tâm tài chính nước ngoài. Ba tập đoàn dầu khí hàng đầu của Trung Quốc: CNPC, Sinopec và CNOOC - đều có quan hệ với hàng chục công ty đặt tại British Virgin Islands.

Giới chức Trung Quốc hiện chưa bị buộc phải kê khai tài sản một cách công khai và song song với nền kinh tế 'nổi' chính thức vẫn tồn tại một nền kinh tế 'chui' giúp giữ bí mật các thương vụ và tài khoản khổng lồ của các nhà tài phiệt đỏ.

Theo một số ước tính, lượng tài sản trị giá khoảng từ 1 nghìn tỷ tới 4 nghìn tỷ đôla đã bị tuồn ra khỏi Trung Quốc từ năm 2000.

Hố sâu bất bình đẳng

Nền kinh tế tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong dân khi hố sâu trong thu nhập ngày càng giãn rộng.

100 người trong danh sách giàu nhất Trung Quốc có tổng tài sản lên tới trên 300 tỷ đôla, trong khi khoảng 300 triệu người còn ở mức thu nhập dưới 2 đôla/ngày.

Thiếu minh bạch tài sản là một trong những vấn nạn còn tồn tại trong nước.

Gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo có lẽ là trường hợp đầu tiên và liên tiếp bị báo chí phương Tây phanh phui. Mới tháng 11 năm ngoái, tờ New York Times đưa tin rằng một công ty tư vấn do con gái ông Ôn Gia Bảo - tên Mỹ là Lily Chang, điều hành, đã nhận 1,8 triệu đô từ tập đoàn JPMorgan của Mỹ .
Vụ này đã khiến nhà chức trách Hoa Kỳ tổ chức điều tra hoạt động của JPMorgan tại Trung Quốc, trong đó có xem xét quá trình tuyển dụng của công ty này, vốn bị cáo buộc là chỉ nhằm thu dụng con cái hay họ hàng của các nhân vật có ảnh hưởng.

Hôm 27/12, ông Ôn Gia Bảo đã gửi tâm thư tới nhà báo Ngô Khang Dân ở Hong Kong, cựu đại biểu Quốc hội Trung Quốc, để bảo vệ thanh danh. Ông viết: "Tôi chưa bao giờ liên quan và cũng không bao giờ liên quan tới việc lạm dụng quyền lực nhằm thu lợi cá nhân vì các mối lợi như vậy đi ngược lại những gì tôi vẫn tin tưởng".



No comments:

Post a Comment

View My Stats