Saturday, 25 January 2014

"CÔNG DÂN MỚI" : PHONG TRÀO XÃ HỘI KHIẾN BẮC KINH LO SỢ (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ sáu 24 Tháng Giêng 2014

Nhật báo Le Monde có bài đáng chú ý về một phong trào xã hội khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại với tựa đề «các Công dân Mới, những chiến binh vì sự minh bạch». Bài viết trên Le Monde điểm lại một đôi nét lịch sử phong trào mang tên «Tân Công dân», nhân sự kiện tư pháp Trung Quốc mở phiên tòa xét xử ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một trong những người khởi xướng chủ yếu của phong trào. Le Monde nhận định sở dĩ Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc phản ứng một cách hung bạo như vậy là vì phong trào xã hội nói trên đã chạm đến «một sợi dây thần kinh» nhạy cảm của hệ thống quyền lực.

Một mục tiêu chính của phong trào «Tân Công dân», xuất hiện vào tháng 8/2012, là kêu gọi các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc công khai hóa tài sản. Yêu cầu này được đưa ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực qua Đại hội 18. Cũng vào thời điểm này, truyền thông nước ngoài đưa ra nghi vấn về khoản tài sản hàng tỷ đô la của Thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo. Đây cũng thời điểm cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai bị bắt và chờ ngày xét xử.

Một cuộc xuống đường của các thành viên phong trào công dân mới tại Trung Quốc, yêu cầu giới chức lãnh đạo minh bạch tài sản.   Reuters

«Tân Công Dân» là một phong trào trải rộng trên khắp đất nước Trung Quốc, dù không có một tổ chức thống nhất, không có người lãnh đạo. Hoạt động của phong trào đặc biệt dựa trên các «bữa ăn tối công dân», được tổ chức vào mỗi kỳ nghỉ của tuần cuối cùng hàng tháng, tại khoảng 200 thành phố, thị xã trên cả nước. Phong trào tổ chức nhiều cuộc xuống đường để thông tin trực tiếp đến các công dân, nhằm thu thập chữ ký vào kiến nghị ủng hộ đưa dự luật buộc giới lãnh đạo minh bạch tài sản ra Quốc hội Trung Quốc đầu năm 2013.

Thoạt tiên phong trào hoạt động không trở ngại. Tại Quảng Đông, nhiều lãnh đạo địa phương hứa hẹn công khai tài sản. Tuy nhiên, vào đầu năm 2013 sự ủng hộ chính thức cho cuộc chiến chống tham nhũng chấm dứt : hàng chục nhà báo, blogger và người biểu tình chống tham nhũng bị bắt. Cho đến nay, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), ít nhất 65 người của Phong trào các Công dân Mới bị giam cầm, trong đó hơn 10 người bị truy tố.

Le Monde nhận định sở dĩ Đảng và Nhà nước Trung Quốc phản ứng một cách hung bạo như vậy là vì phong trào xã hội nói trên đã chạm đến «một sợi dây thần kinh» nhạy cảm của hệ thống quyền lực. Các vụ bắt bớ phủ bóng đen lên thời gian đầu của nhiệm kỳ Tập Cận Bình. Đây là đợt đàn áp khốc liệt nhất của chính quyền, kể từ thời điểm khởi sự Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Theo nhà luật học Đằng Bưu (Teng Biao), giảng dậy tại Hồng Kông, người ủng hộ phong trào từ đầu, chính quyền khó mà cấm được sự lan rộng của một phong trào vốn dựa trên các hoạt động bình thường trong xã hội – bữa ăn giữa «các bạn hữu» -, cho dù các hoạt động này có thể bị theo dõi hay bị ngăn cản.

Theo Le Monde, vấn đề hiện nay đối với phong trào các Công dân Mới là xem xét lại các ưu tiên hành động. Điều khẩn thiết hiện nay là phải đòi tự do cho «các chiến binh vì sự minh bạch», đang đối diện với án tù đến 5 năm.

Trở lại với phiên tòa xử luật sư Hứa Chí Vĩnh tại Bắc Kinh, nhà tranh đấu cùng luật sư đã chọn một hình thức phản kháng «chưa từng có» : giữ im lặng trong phiên xử, để phản đối việc tòa án không tuân thủ các thủ tục tố tụng theo quy định. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên nhắm vào các thành viên Phong trào các Công dân Mới.

Cuộc chiến không mệt mỏi vì Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc

Xã luận Le Monde, với tựa đề « Cuộc chiến không mệt mỏi vì Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc », ca ngợi Tiến sĩ luật Hứa Chí Vĩnh, người lựa chọn con đường đấu tranh dựa trên sự tôn trọng hệ thống pháp luật Trung Quốc. Ông Hứa Chí Vĩnh là người khởi xướng phong trào các công dân mới nói trên.

Cho đến nay, theo Le Monde, thường thì người Trung Quốc khá nhất cũng chỉ được chính quyền gọi là «cư dân» (jumin) (từ được sử dụng trong chứng minh thư của người Trung Quốc). Từ «công dân» gây lo ngại cho Đảng-Nhà nước Trung Quốc.

Phiên tòa xét xử ông Hứa Chí Vĩnh được mở ra đúng vào ngày bùng lên «ChinaLeaks», vụ tiết lộ các tin tức chưa từng có về tài sản bí mật của các lãnh đạo Trung Quốc đặt tại các thiên đường thuế nước ngoài. Trong số những người có tài sản tại các thiên đường thuế, có nhiều người thân cận với giới lãnh đạo chóp bu, như anh rể Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo Le Monde, cho dù Chủ tịch Trung Quốc coi cuộc chiến chống tham nhũng là một ưu tiên, và khẳng định tấn công «cả ruồi lẫn hổ», cho dù hàng chục nghìn vụ tham nhũng đã bị xử lý, nhưng chiến dịch này ít xuất phát từ một nền pháp quyền độc lập, hơn là từ uy quyền của một «hoàng đế» toàn năng. Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, chính quyền đàn áp những người yêu cầu minh bạch, và đa số người dân không biết đến chuyện này, do hệ thống truyền thông chính thức bị bịt miệng. Le Monde nhận định, cho dù đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng tham nhũng làm hủy hoại tính chính đáng của chế độ, nhưng nguyên tắc bảo vệ sự thống trị của đảng duy nhất độc quyền vẫn là nguyên tắc tối cao. Le Monde đặt câu hỏi, tại sao ông Tập Cận Bình – con người cải cách – lại trấn áp những người ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do ông khởi xướng ?

Toàn bộ sáu trang đầu của Le Monde được dành cho hồ sơ « ChinaLeaks ». Tiếp theo các tiết lộ về tài sản của thân nhân giới lãnh đạo tại các thiên đường trốn thuế hôm trước, Le Monde vén lộ những cội rễ của nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo Trung Quốc qua các hồ sơ «Ngành dầu khí, động lực của tham nhũng tại Trung Quốc», «Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nhà máy lọc tiền hối lộ»… Tham nhũng tại dự án nhà máy lọc dầu trị giá gần 5 tỷ euro, dự án lớn nhất tỉnh Tứ Xuyên từ khi lập quốc, được ghi nhận có bàn tay của con trai cựu lãnh đạo đầy quyền lực ngành an ninh Chu Vĩnh Khang.


No comments:

Post a Comment

View My Stats