Saturday, 11 January 2014

NHỮNG NHẬN ĐỊNH TỪ VỤ VIỆC (4) : THỦ ĐOẠN MƯỢN TAY CÔN ĐỒ - NẮM LẤY TÓC NÓ (Nguyễn Văn Thạnh - Dân Luận)




Nguyễn Văn Thạnh
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Bảy, 11/01/2014

Tôi là người bị nạn trong thủ đoạn mượn tay côn đồ đánh người. Nhiều người kinh qua sẽ trở nên im lặng. Thấy sự dã man, tàn bạo, nham hiểm của nó, họ sợ. Ban đầu tôi cũng sợ, nhưng càng thấy bản chất “Bá Kiến” của nó, tôi nghĩ mình cần lên tiếng để cả xã hội nhận ra, chung tay dẹp bỏ nó.

Tôi đã viết nhiều bài về vấn đề này (1), (2), thông tin cũng khá đầy đủ. Tuy nhiên vì thủ đoạn này ngày càng được sử dụng, nhận thấy nó không chỉ tàn bạo, nham hiểm mà nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của cả xã hội, tương lai chính trị của đất nước nên tôi viết thêm bài này, ngõ hầu làm cho vấn đề thêm rõ hơn.

Tôi là một người con của đất võ (Tây Sơn - Bình Định), dù không học được võ (do chứng máu khó đông) nhưng tôi cũng học được tinh thần của võ học. Xung quanh tôi, có nhiều người giỏi võ. Bà tôi (vừa mới mất, thọ 100 tuổi) là một cao thủ về võ. Tôi hay nói chuyện với bà về chủ đề này. Bà kể, giảng giải tôi nghe về nhiều thế võ, trong đó tôi nhớ một “thế” là nắm lấy tóc đối thủ.

Bà nói, khi lâm chiến, phải tỉnh táo, nhắm vào điểm yếu đối phương mà tấn công, tập trung vào mục tiêu không rời ra dù phải trả giá thế nào. Bà ví dụ khi “đàn bà” đánh nhau người ta thường bằng mọi giá nắm tóc nhau. Khi đã để đối thủ nắm được tắm xem như thua vì đối phương sẽ nắm chặc, không buông tha. “Nó” đeo bám đến cùng và mình mất sức, đau đớn,…

Chiêm nghiệm từ “thế võ” trên, tôi thấy rất hữu ích khi hóa giải thủ đoạn nhân viên công lực (công an) mượn tay côn đồ đánh người.

Như đã phân tích trong bài trước, thủ đoạn này rất nham hiểm, nó tựa như thủ đoạn mượn dao giết người. Dù độc địa vậy, nhưng thời gian qua nó được dùng nhiều nhờ các ưu điểm sau:

- Người bị hại rất khó để tìm ra hung thủ, không có chứng cứ (thường chúng nhắm vào người quay phim, chụp ảnh đánh tàn bạo để cướp đồ, hủy diệt chứng cứ).

- Cơ quan công quyền có âm mưu nên họ bao che, không điều tra, lờ đi. Người bị nạn đi gửi đơn thường chỉ có thể “trao trọn niềm tin” chứ không nhận được giấy báo hay biên lai xác nhận việc nhận đơn của cơ quan công quyền. Họ cố tình làm cho người bị nạn mệt mỏi trong lịch sự.

- Người bị nạn chẳng những bất lực, bị đánh đau, nguy hiểm sức khỏe tính mạng mà nhiều người còn dính án “vu khống” hay “gây rối trật tự”, ra tòa gần như “ôm hận”.

Con người dù mạnh đến đâu cũng có gót chân Asin, thủ đoạn dù nham hiểm đến đâu cũng có thuốc giải. Thủ đoạn mượn tay côn đồ làm khó cho người bị nạn vì khó chứng minh được ai hại mình (hoặc nếu có thì chúng lờ đi) tức là đẩy cái khó cho người bị hại. Tại sao chúng ta không đẩy cái khó của thủ đoạn này cho kẻ “nham hiểm”.

Chúng ta biết rằng, mỗi người dân đều có nghĩa vụ đóng thuế và có quyền được bảo đảm an toàn bất khả xâm phạm về tính mạng, tài sản. Chính nhân viên công lực là người hưởng tiền thuế và phải bảo vệ cuộc sống an toàn cho mọi người dân. Người dân hiểu được điều này rất quan trọng. Đây là dân quyền.

Trên cơ sở hiểu biết này, khi chúng ta bị bất cứ ai xâm phạm thân thể, chúng ta phải đơn trình báo cơ quan chức năng và nhiệm vụ họ là phải giải quyết.

Nhiều người sẽ nói “ngây thơ, nó không giải quyết thì làm được gì? Quyền trong tay nó, nó muốn làm hay không là quyền của nó,…”. (Khi nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh, tôi có hỏi Huỳnh Thục Vy là có làm đơn trình báo không? Thì được cho biết là không muốn mất thời gian với bọn chúng,…). Đúng là thực tế hiện nay là vậy, nhưng vấn đề không đơn giải vậy, nếu chúng ta hiểu thêm về dân quyền.

Khi đi làm đơn trình báo là chúng ta đã nắm được tóc của bọn nham hiểm. Bọn này thường nhận đơn mà không chịu để lại biên lai, hay giấy xác nhận là có âm mưu muốn phủi trách nhiệm. Chúng ta phải có cách có được bằng chứng gửi đơn, ví dụ gửi qua dịch vụ chuyển phát hay thông báo rộng rãi cho cộng đồng biết.

Bằng hành động này, chúng ta đưa chúng vào hai lựa chọn khó khăn: không làm thì công luận qui tội vô trách nhiệm, ăn lương dân mà khinh dân, làm nhờn quốc pháp; làm thì không thể được.

Bằng hành động này, chúng ta cho công luận hiểu biết về luật pháp, về dân quyền; chúng ta là người tranh đấu đàng hoàng trong khuôn khổ của luật pháp chứ không phải là kể gây rối, làm loạn như chính quyền rêu rao.

Bằng hành động này, chúng ta kéo công luận vào cuộc. Chứng minh cho công luận thấy bộ mặt nham hiểm của chúng và chứng minh cho mọi người thấy tất cả công dân đều có thể là nạn nhân của thủ đoạn trên. Đến nước này, bọn nham hiểm dù có muốn ỉm đi, cũng rất khó. Trong trường hợp chúng ỉm đi, chúng ta sẽ “truy kích” tiếp. Quá trình truy kích cũng là một học cụ cho dân quyền.

Chúng ta không gửi đơn tố cáo bâng quơ, mà nhắm vào người có trách nhiệm về bảo an lớn nhất khu vực đó: giám đốc công an, chủ tịch,… Chúng ta nắm chặt thằng có tóc mà truy kích. Thế này không khác gì thế võ “nắm lấy tóc nó” của bà tôi. Càng quẫy vùng, chúng sẽ càng “chết”.

Chúng có gian manh thoát được thì cũng làm chùn tay những tên “Bá Kiến” khác.

Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời đến các nhân viên chấp pháp là “hãy sống và làm việc theo pháp luật”, không nên bước qua luật pháp để sử dụng thủ đoạn nham hiểm hay biến mình thành công cụ cho thủ đoạn trên. Qua vụ án Dương Chí Dũng, chúng ta thấy, sự bảo kê không bao giờ bảo đảm an toàn, chỉ có pháp luật mới bảo vệ được tất cả chúng ta mà thôi.

Đà Nẵng 11.1.2014
Nguyễn Văn Thạnh

------------------------------------------------


NHÀ CẦM QUYỀN CSVN TRUY BỨC
KỸ SƯ NGUYỄN VĂN THẠNH

Lê Anh Hùng    31-12-2013


Không chốn nương thân - Tặng Nguyễn Văn Thạnh
Người Buôn Gió    Thứ sáu, ngày 20 tháng mười hai năm 2013

Lê Anh Hùng  -  Lê Thị Phương AnhChi tiết    Thứ ba, 17 Tháng 12 2013 17:01


Nguyễn Đức Quốc   -   Bauxite Việt Nam    17/12/2013

Nguyễn Đức Quốc    -    DienDanCTM    06:33 - 17/12/2013


Bài 8. Những nhận định từ vụ việc (4) (*)   : Thủ đoạn mượn tay côn đồ  -  Nắm lấy tóc nó     10-1-2014
Bài 8. Những nhận định từ vụ việc (3) (*) : Ai nên quan tâm đến vấn nạn mượn tay côn đồ?  6-1-2014
Bài 8. Những nhận định từ vụ việc (2) (*) : Vấn nạn mượn tay côn đồ, vấn đề & giải pháp   6-1-2014
Bài 8. Những nhận định từ vụ việc (1) (*) : Quan điểm của tôi khi xử lý các vấn đề   2-1-2014
Bài 7. Né   27-12-2013
Bài 5. Câu chuyện tôi chuyển nhà (7)  -  Bản tường trình tổng kết  29-12-2013

NHỮNG BÀI VIẾT của NGUYỄN VĂN THẠNH



No comments:

Post a Comment

View My Stats