“Những lớp sóng ngôn từ” hay chính là NHỮNG LỚP SÓNG
GIẢI THƯỞNG đã, đang và sẽ đánh chìm nền thơ, làm chết đuối cả nền văn học nước
nhà. Quý vị trong ban lãnh đạo hội nhà văn VN quả thực đã mắc một tội lớn với
dân tộc Việt, với tiếng Việt bằng việc mấy năm nay toàn tôn vinh thơ dở, văn
dở, trong khi hàng năm xài phung phí hàng trăm tỉ đồng là tiền xương máu của
nhân dân, cốt để làm những việc bậy bạ như vụ trao giải thưởng dỏm này, chắc
chắn sẽ để tiếng xấu muôn đời sau...
*
Theo trang mạng của nhà văn Trần Nhương và hai trang
mạng của hai nhà văn ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam: Văn Công Hùng
& Đình Kính công bố trên Internet từ ngày 01-01-2014, rằng giải thưởng văn
học của Hội nhà văn VN 2013 về sáng tác trao cho hai cuốn văn xuôi và một cuốn
thơ. Tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2013 là tập: “Những lớp sóng
ngôn từ” của nhà thơ Mã Giang Lân (sách dày 94 trang, gồm 42 bài thơ, do NXB
Hội nhà văn ấn hành 2013).
Mã Giang Lân là bút danh của GS.TS. Lê Văn Lân (sinh
năm 1941, quê Thanh Hóa, dạy môn Văn học thuộc trường đại học khoa học xã hội
& nhân văn Hà Nội từ năm 1966, từng nhiều năm làm chủ nhiệm bộ môn văn học
Việt Nam hiện đại). Trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969-1970, năm Phạm
Tiến Duật được giải nhất, Mã Giang Lân được giải ba, với bài thơ: “Trụ cầu Hàm
Rồng”.
Người viết bài này đã đọc tập thơ “Những lớp sóng
ngôn từ” của Mã Giang Lân trước khi nó được giải thưởng Hội nhà văn VN năm
2013. Cảm giác của chúng tôi về tập thơ này là nó rất nhạt và rất dở. Nó, tập
thơ này có một ưu điểm là nó không dơ, không tục tĩu như tập “ Trường ca chân
đất” của Thanh Thảo được giải thưởng Hội nhà văn và cả giải thưởng Hội liên
hiệp văn học nghệ thuật với thứ thơ dơ kiểu: “Bác Năm Trì ngồi gãi háng/ Cứt
đầy nhà anh…”. Khi nghe tin tập thơ này được giải thưởng Hội nhà văn VN, chúng
tôi hơi bị bàng hoàng lục trên giá sách tìm lại “ Những lớp sóng ngôn từ” của
Mã Giang Lân và đọc lại một cách thận trọng. Chúng tôi rất buồn, đành phải
thông báo với quý vị rằng tập thơ vừa trúng giải Hội nhà văn VN này của ông Mã
Giang Lân rất nhạt và rất dở!
Là người đã viết hàng chục bài phê bình Hội Nhà văn
Việt Nam trong mấy năm gần đây hầu như có một chủ trương rất phi văn học là
liên tục chọn những tập văn dở nhất, tập thơ dở nhất để tôn vinh bằng cái gọi
là giải thưởng hàng năm của hội và các giải thưởng cao hơn do Hội đề đạt và
chịu trách nhiệm về chuyên môn? Mỗi năm nhân dân mất hàng trăm tỉ đồng nuôi cái
hội nhà văn quốc doanh này để nó liên tục tôn vinh văn dở, thơ dở làm hỏng thẩm
mỹ văn học của bao nhiêu lớp trẻ là có công hay có tội với dân tộc, đất nước
đây?
Nếu tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” của ông Mã
Giang Lân không được Hội nhà văn tôn vinh là tập thơ hay nhất năm 2013 thì
chúng tôi không mất công phê bình làm gì! Bởi người làm thơ nhạt, thơ dở vốn dĩ
không có tội tình gì. Chỉ những người vinh danh thơ dở, tán dương thơ nhạt nhẽo
bằng giải thưởng này giải thưởng nọ là có tội với nền văn học. Ít nhất những kẻ
tôn vinh, ca ngợi, trao giải thưởng cho thơ dở, thơ nhạt là có tội lừa đảo: treo
đầu dê bán thịt chó, tội làm hỏng thẩm mỹ văn học của lớp trẻ. Chúng tôi xin
chứng minh tập thơ được Hội nhà văn tôn vinh này nhạt và dở ra sao?
Trước hết chúng tôi bàn qua về cái tên của tập thơ:
“Những lớp sóng ngôn từ”. Đã từ lâu trong nghệ thuật phân tích thơ dạy trong
nhà trường đã xuất hiện thuật ngữ: “lớp sóng ngôn từ”. Chỉ cần vào http://google.com, đánh cụm từ “lớp sóng ngôn
từ” ta sẽ có rất nhiều kết quả của nhiều bài tập làm văn của học sinh trung
học, của sinh viên văn học post lên mạng dùng thuật ngữ “lớp sóng ngôn từ”
trước khi tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” của Mã Giang Lân xuất bản
(2013) rất nhiều năm. Đến nỗi thuật ngữ “lớp sóng ngôn từ” bị lạm dụng quá
mức, ai ai cũng dùng nó để phân tích thơ văn, từ học sinh, sinh viên đến giáo
sư đại học, thành ra khuôn sáo, thậm chí sáo mòn, sáo rỗng...
Việc nhà thơ Mã Giang Lân, vốn mang học vị tiến sĩ,
học hàm giáo sư, dạy môn văn học bậc đại học lâu đến 47 năm, lại là nhà nghiên
cứu văn học viết rất nhiều sách về thơ văn, liên tục ngồi phản biện (chấm) các
luận án tiến sĩ văn học cấp nhà nước... lại quá dễ dãi dùng một cụm từ đã thành
mòn sáo “lớp sóng ngôn từ” vốn do người khác sáng tạo để dùng làm tên cho một
tập thơ của mình, là một việc làm rất phi văn học, thiếu sáng tạo, nếu không
nói là “đạo” văn của người khác. Việc này, có lẽ cũng giống như một ông làm thơ
trẻ Phạm Đương vừa được Hội nhà văn Việt Nam tôn vinh tập thơ viết theo trường
phái nước ốc “Giờ thứ 25” năm ngoái (2012) mà ông ta đã đạo (ăn cắp) tên cuốn
tiểu thuyết lừng danh thế giới của văn hào Rumani Constantin Virgil Gheghiu
chăng?
Lại nữa, tên tập thơ: “Những lớp sóng ngôn từ” của
Mã Giang Lân, theo chúng tôi là chưa ổn về phép tu từ. Bởi, danh từ “sóng” vốn
chỉ số nhiều, không thể có số ít. Người ta nói: “sóng biển” thì phải hiểu là có
nhiều con sóng chứ không phải là một con sóng. Không ai nói “những con sóng
biển” cả. Cũng như người ta nói: sóng âm, sóng radio, sóng thần, sóng điện
từ... thì danh từ “sóng” trong các từ trên đều chỉ số nhiều cả, không thể có số
ít. Ví dụ, danh từ “người” vừa có số ít: một người, vừa có số nhiều: những
người. Nhưng danh từ “sóng” thì phải hiểu là có nhiều con sóng. Việc tác giả
tập thơ này đặt từ “những” chỉ số nhiều trước một danh từ cũng chỉ số nhiều là
“sóng” là không ổn về phép tu từ; giống như một ai đó có bài thơ mang tên khá
buồn cười sau: “Những các cô gái quan họ” hay ai đó lại viết “Những phái nữ
miền duyên hải quê ta”... Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh không phải viết về một
con sóng; hay bộ phim “Sóng ở đáy sông” là chỉ nhiều con sóng; bài thơ “Sóng
vẫn đập vào eo biển” của Lê Văn Ngăn chẳng lẽ theo cách dùng từ lười nghĩ của
Mã Giang Lân lại lấy tên là “Những lớp sóng vẫn đập vào eo biển” hay sao?
Thông thường, người ta bao giờ cũng thích làm đẹp
mặt tiền ngôi nhà theo triết lý: “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điệm”. Một tập
thơ cũng vậy, bao giờ tác giả cũng tìm bài thơ vào loại hay nhất để lên đầu.
Xin quý bạn đọc thử đọc qua bài thơ đầu tiên của tập thơ: “Những lớp sóng ngôn
từ” của Mã Giang Lân xem nó dở hay hay:
“MỘT SÁNG HÀM RỒNG
Từ đây tới biển rất gần / gần hơn tưởng tượng
Bao người lính năm xưa nằm xuống
Bây giờ phiêu diêu nơi nào
Cây xanh đến nao lòng
Hồn các anh xanh thế không
Bây giờ mấy người mơ mộng
Nhìn lung linh cầu đổ bóng mặt sông
Bốn mươi năm lại một sáng này
Nhà chài tung lưới
Đoàn tàu hối hả lao vào
Hình như ngày hè găm đầy mắt lưới
3-2010”
(hết trích)
Cả bài thơ chào hàng của Mã Giang Lân trên toàn
những lời nói thông thường xuống dòng liên tù tì, không hề có tư tưởng, không
hề có cảm xúc, chẳng thấy một câu thơ nào là sao? Đã nhiều lần chúng tôi từng
nói: TRONG THƠ CÓ NÓI NHƯNG CHỈ TOÀN NÓI KHÔNG THÌ KHÔNG PHẢI THƠ. Lối viết dễ
dãi, nhạt nhẽo, dở hơi này đang tràn ngập nền thơ hôm nay. Cứ với lối viết rất
dễ dãi kiểu nước cống ngày, xin lỗi, chúng tôi dám cá với cả bàn dân thiên hạ,
nếu trong một ngày, chúng tôi không sản xuất ra 15 tập thơ thuộc hàng được giải
thưởng của hội nhà văn VN như kiểu này thì chúng tôi xin mất mười con voi, ba vạn
chín nghìn con kiến (!). Chúng tôi xin khoe: đã từng ngồi hai tiếng đồng hồ sản
xuất ra 20 bài thơ nhái theo kiểu thơ tân con cóc của Nguyễn Quang Thiều rồi
tung lên mạng, được một số bạn viết thư khen giống hệt thơ NQT và còn hay hơn
thơ NQT nữa. Nay chúng tôi xin ứng tác liền trên máy tính một bài thơ theo kiều
Mã Giang Lân trên để hầu bạn đọc, như sau:
MỘT
CHIỀU TRÀNG TIỀN
Sông Tràng Tiền lừ đừ về từ ngã ba Tuần mà lâu hơn
mấy thế kỷ
Có nhiều anh đã tự tử trên sông vì thất tình
Con sông hiền lành lại dễ chết đuối
Sông xanh đến nghi ngờ
Hồn ai ám mãi con sông
Lúc này ít người đi bộ
Cầu im như thóc soi mặt sông lặng lẽ
Ngót bốn mươi năm anh có chiều nay
Cồn Hến hình như đang trôi
Một chiếc xe ô tô xịt khói đen trên cầu
Áo dài trắng một o Huế bị khói xe làm đen xạm
Hình như chiều thu đang tối trong mắt em.
Chúng tôi xin trích nguyên bài thơ thứ hai trong tập
“Những lớp sóng ngôn từ” của Mã Giang Lân để xem thơ được giải Hội nhà văn VN
hay cỡ nào? Bài thơ in ở trang 06, như sau:
ĐỘNG
LONG QUANG
Tôi về quê đọc thơ Lê Thánh Tông
Vách đá động Long Quang
Giữa sườn xanh núi
Mây đầy trời
Mây đầy đất
Mây đầy cây
Lá ướt long lanh thiếu nữ
Gió sông mơn man gợi nhớ
Tôi hỏi cùng mây gió
Làm sao hiểu được lòng người
Làm sao hiểu được lẽ đời
Vách đá âm thầm vọng lại
Cứ về đây
Hàm Rồng 2-4-2010
(hết trích)
Bài thơ thứ hai của tập thơ được giải thưởng Hội nhà
văn này cũng không phải thơ: không có tứ, không có câu thơ, không xúc cảm dư
ba, toàn là những câu nói thông thường rất ấm ớ xuống dòng liên tục. Đến nỗi
bảo “bài thơ” này là thơ dở đã là đề cao nó quá rồi. Bài này đâu có thể gọi là
thơ mà dở với hay?
Người viết bài này bèn ngứa bút, xin lỗi bạn đọc,
đành phải “ngoáy” trong giây phút cái lối thơ vô hồn, vô ý, dễ dãi, dông dài
của Mã Giang Lân để làm bài thơ nhái rất xịn, rất giải thưởng hội, như sau:
ĐỘNG
PHONG NHA
Tôi về quê bạn tôi Quảng Bình tìm thơ xưa để đọc
Trên vách đá động Phong Nha không thấy khắc thơ thẩn
gì
Trong vòm hang Phong Nha toàn đá là đá
Đá trên đầu
Đá dưới chân
Đá ngập mắt, ngập hồn
Suối khóc rách rách oan hồn trinh nữ đá
Hơi lạnh bồi hồi thương thế gian
Tôi hỏi động đẹp nhất thế giới này hay hỏi các nhũ
đá
Làm sao biết được vú đá không nuôi ai
Làm sao tôi biết đá có linh hồn hay không
Vách đá Phong Nha câm như hến không thèm trả lời
Không hiểu sao các người lại ngu hơn đá...
Ôi, người xưa bảo: quá tam ba bận. Chúng tôi xin
trích nguyên cái gọi là “bài thơ” thứ ba trong tập: “Những lớp sóng ngôn từ”
của Mã Giang Lân in ở trang 07, xem có phải là thơ không:
“CÂY ĐA Ở LAM KINH
Mấy trăm năm rễ tua tủa
Dáng lão nông trầm ngâm
Thân xù xì mốc
Bên lăng tẩm rêu phong
Những cành cong
Tay ngai phủ bụi
Xếp chồng thời gian
Mà sao cứ tua tủa lên đầy trời
Lá nõn xanh non
03-4-2010”
(hết trích)
Bài này cũng chỉ là những câu nói thông thường xuống
dòng mà thôi: không tứ, không thơ. Câu kết có vẻ thơ, có vẻ triết lý nhưng chỉ
là lặp lại ý của trăm người khác viết về cây già sinh lá nõn như câu ca dao:
“tre già măng mọc”. Người viết bài này xin phép “ ngoáy” một bài thơ nhái dễ
dãi viết không cần nghĩ ngợi, như sau:
CÂY
LỘC VỪNG BÊN HỒ GƯƠM
Lộc vừng cổ thụ bao tuổi rồi
Già cỗi mà sao đẹp như thiếu nữ
Thân cây xấu gớm xấu ghiếc
Lộc non đâm lên giời
Hoa lại thả xuống đất như râu cụ ông ngàn tuổi
Có cành cong
Có cành thẳng
Thả hoa xuống đất chơi
Trầm ngâm quá
Mà sao đỏng đảnh lẳng lơ thế
Lộc vừng.
Hi vọng bài cuối cùng của tập thơ “ Những lớp sóng
ngôn từ” in ở trang 90, xem Mã Giang Lân có kết thúc bằng một bài thơ, hay chỉ
là một bài nói suông, xin trích nguyên cả bài để cống hiến độc giả:
“TRÊN CHUYẾN BUS BAN MAI
Bác tài vừa kê đầu vợ chiếc gối hoang hoải mùi đêm
Đôi tay điệu nghệ của một vòng sương giăng phố vắng
Đèn pha quét những ngả đường nhàu ướt
Hành khách lên xe run rẩy
Người trở về sau một đêm vã mồ hôi
Người chạy chợ đầu mối
Lỉnh kỉnh cân tay bao bì dây buộc
Cần một hệ số an toàn cho cuộc mưu sinh
Người nhấp nhổm nhận mặt điểm dừng
Chuyển tiếp ngoại ô nhà máy
Áo quần còn hoi hoi chưa kịp khô
Một tốp học sinh ào lên xe run rẩy
Người lớn rạt lại thành đống phế thải
Ríu rít trẻ thơ che chắn hết mùi xăng tiếng máy
Xe nồng nàn những bánh mì xôi xéo bích quy nước uống
Cứ thế các em làm mới ban mai
4-2012
Thơ với chả thẩn! Các cụ bô lão xã tôi trong “câu
lạc bộ thơ xã Nghĩa Phú” mà phải đọc được những ngữ được giải hội nhà văn như
bài thơ trên của Mã Giang Lân và đọc cả tập thơ vừa được hội tôn vinh này, chắc
chắn các cụ sẽ nguyền rủa những thứ phản thơ, giết thơ này ít nhất là tám
tháng. Chúng tôi sau khi đã ăn phải 42 bài (bốn mươi hai hạt sạn) trong tập
“Những lớp sóng ngôn từ” và đã có tội làm khổ bạn đọc vì trích ra mấy bài nói
dông dài, ấm ớ, vớ vẩn được mạo danh thơ vừa được hội nhà văn VN tôn vinh này,
bèn viết một bài nói dông dài theo phong cách vớ vẩn phi thơ của Mã Giang Lân,
theo trường phái diệt thơ do Hội nhà văn VN đang thực thi để giết nền văn học
nước nhà. Đặng mua vui cho bạn đọc, như sau:
TRONG
CHỢ ĐỒNG XUÂN BUỔI SÁNG
Một anh gác chợ giai tơ liếc một bà sồn sồn vừa chui
ra khỏi chăn bông ngái ngủ
Các bà béo, các cô gầy, các bà lưng còng và các cô
lưng thẳng chen nhau họp chợ
Đèn chợ chưa tắt vàng mắt con tum hùm đang còn dở
sống dở chết
Người họp chợ như ong vỡ tổ
Mồ hôi người pha mùi tanh cá mùi tanh thịt để qua
đêm sắp thiu
Người bán hằm hằm người mặc cả đanh đá
Có người cãi nhau
Lại có người tính đánh nhau vì trả giá làm gầy con
cá
Làm sao im lặng tí các bà đi chợ
Ồn quá, lộn xộn không ra hàng lối gì
Mua bán quân hồi vô phèng
Áo quần mấy bà âm lịch hôi quá đi mất
Sáng ra rét thế mà bà bán thịt vẫn vã mồ hôi
Cả đám trẻ con cũng đi chợ
Bọn người lớn hằm hằm trả giá tí giết nhau
Mấy em gái nhà quê nổi cơn tam bành mua xôi sáng mà
đưa nhầm khoai nướng
Không thấy ai bán thơ bán văn trong chợ
Người gác chợ nhảy bổ vào bắt nhầm một tên móc túi
Cứ thế người gác chợ làm mới chợ Đồng Xuân
Nói tóm lại, “Những lớp sóng ngôn từ” in ra 42 bài
nói dông dài, nói vớ vẩn, dễ dãi, lẩm cẩm, ngô nghê, không hề có tư tưởng,
không hề có cảm xúc... tịnh không có bài nào đáng gọi là thơ cả. Hàng mấy chục
ông (bà) trong ban sơ khảo, chung khảo đã đọc tập thơ này. Quý vị đã nhận thù
lao Hội rất nhiều tiền cho công đọc riêng một tập thơ này thôi, sao lại vô
lương tâm đến thế, lấy một tập nói dông dài bậy bạ như trên để tôn vinh là tập
thơ hay nhất năm 2013 của toàn cõi Việt Nam thì thử hỏi các quý ông quý bà
trong ban giám khảo một là thần kinh có vấn đề, hai là tịnh không hề đọc, ba là
thơ này là thơ chạy giải (đút tiền) như lời đồn lâu nay, ngoài ra không còn
nguyên nhân nào khác?
Than ôi, “Những lớp sóng ngôn từ” hay chính là NHỮNG
LỚP SÓNG GIẢI THƯỞNG đã, đang và sẽ đánh chìm nền thơ, làm chết đuối cả nền văn
học nước nhà. Quý vị trong ban lãnh đạo hội nhà văn VN quả thực đã mắc một tội
lớn với dân tộc Việt, với tiếng Việt bằng việc mấy năm nay toàn tôn vinh thơ
dở, văn dở, trong khi hàng năm xài phung phí hàng trăm tỉ đồng là tiền xương
máu của nhân dân, cốt để làm những việc bậy bạ như vụ trao giải thưởng dỏm này,
chắc chắn sẽ để tiếng xấu muôn đời sau...
Sài Gòn ngày 03-01-2014
No comments:
Post a Comment