Sunday, 26 January 2014

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TRONG NĂM QUA (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2014-01-24

Hôm thứ Hai 21-01-2014, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch công bố bản phúc trình toàn cầu 2014, qua đó có đề cập tới tình hình nhân quyền Việt Nam. Thanh Quang tìm hiểu bài phân tích của Human Rights Watch cũng như ghi nhận một số ý kiến liên quan từ trong nước.

Sa sút trầm trọng

Theo bản phúc trình thì tình hình nhân quyền Việt Nam sa sút trầm trọng trong năm 2013, làm đậm nét thêm tình trạng sa sút nhân quyền ở Việt Nam trong những năm qua; mà ngay đầu năm đã diễn ra hành động đàn áp gia tăng nghiêm trọng đối với những người chỉ trích chính phủ, kể cả những án dù dài lâu dành cho những nhà hoạt động ôn hòa do điều gọi là “tội ác” chỉ vì họ kêu gọi cải cách chính trị.

Nói chung, phần dành cho Việt Nam trong bản phúc trình mới nhất này của Human Rights Watch lưu ý chuyện đảng CS Việt Nam tiếp tục duy trì thể chế độc quyền độc đảng; người dân bị tước đoạt những quyền căn bản; số tù nhân chính trị gia tăng hơn năm trước và bị xét xử qua tòa án không độc lập, bị những bản án có lợi cho đảng hay nhà nước; những nhà báo, blogger, nhà dân chủ là các đối tượng chính bị đàn áp; Nghị định 72 gia tăng quyền kiểm soát và đàn áp tôn giáo mà những đối tượng chính là các Giáo hội, Hội Thánh nằm ngòai sự kiểm soát của nhà nước. Việc Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới nhằm duy trì quyền lực của đảng và bất lợi cho người dân cũng được bản phúc trình nhắc tới…

Về văn kiện mới nhất này của Human Rights Watch, cư sĩ PGHH Võ Văn Bửu từ Miền Tây nhận xét:
“Chắc chắn đúng. Vì Việt Nam trên giấy tờ thì ký hết công ước này đến công ước kia với quốc tế, nhưng trên thực tế không bao giờ thực hiện theo những cam kết đó. Chẳng hạn như gần đây, Việt Nam ký vào Công ước Quốc tế Chống Tra tấn, thì họ lại chuyển tù nhân lương tâm từ miền Nam ra miền Bắc trong khi thời tiết giữa hai miền khác nhau, khiến những tù nhân này quen sống với khí hậu miền Nam thì gặp phải khí hậu rất lạnh ở miền Bắc. Thứ hai là những tù nhân này, như tu sĩ Mai Thị Dung của PGHH hay người trẻ yêu nước Đỗ Thị Minh Hạnh, khi bị bệnh nặng thì không được cho chữa trị. Như vậy là sau khi VN ký Công ước Chống Tra tấn, Việt Nam đâu có thực hiện. Do đó, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch công bố về việc VN vi phạm nhân quyền trầm trọng, tôi thấy rất là chính xác. Thực ra CSVN còn vi phạm nhiều hơn nữa.

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn lên tiếng:
“Việc ngày hôm nay tổ chức nhân quyền Human Rights Watch liệt kê Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng là đúng với thực tế. Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhưng với cương vị như vậy, nhà cầm quyền CSVN càng kiêu ngạo và cho rằng mình rất xứng đáng mới đạt được phiếu cao như vậy. Từ đó họ lại càng ra tay đàn áp, bắt bớ, bách hại những nhà hoạt động bất đồng chính kiến, thậm chí những người chỉ bày tỏ thái độ rất bình thường. Như vừa rồi có buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH đã hy sinh vì bảo vệ Tổ Quốc, nhưng nhà cầm quyền CS vẫn ra tay ngăn cản trù dập, sử dụng những hình thức rất đê hèn. Đó là những gì mà chúng ta chứng kiến. Do đó, tôi đồng tình với tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tiếp tục liệt kê Việt Nam là một trong những nước đàn áp nhân quyền trầm trọng và có số tù nhân chính trị có thể nói là gần như đứng đầu thế giới. Và tôi cực lực lên án những việc làm đi ngược lời nói của những người cầm quyền CSVN hiện nay.

Vi phạm nguyên tắc căn bản

Nhắc đến chuyện Việt Nam được gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ, một bài báo của tờ Washington Post hồi tháng 11 năm ngóai với tựa đề tạm hiểu “ Đừng cho những nước vi phạm nhân quyền vào Hội đồng LHQ” ( Keep the human rights abusers off U.N. council), nêu lên nghi vấn rằng tại sao lại ban bố tư cách thành viên cho những nước trắng trợn vi phạm nguyên tắc nhân quyền căn bản ? Và trong số những nước vi phạm nhân quyền mà bài báo đề cập tới, có Việt Nam, vốn trong thời gian qua đã liên tục đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền cùng các nhà dân chủ, tôn giáo, bloggers bất đồng chính kiến.

MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý:
“Vì mình đã sống, đã chứng kiến suốt 40 năm rồi nên mình không tin được những gì mà nhà cầm quyền CSVN nói, dù nói với người dân hay nói với quốc tế. Tất cả những gì họ nói và họ làm hoàn toàn đi ngược lại với nhau. Nên chuyện Việt Nam gia nhập được vào Hội đồng Nhân quyền, thì có rất nhiều quốc gia chỉ tin vào những gì Việt Nam nói mà thôi, chứ họ không nhìn vào thực tế về những gì mà nhà cầm quyền Việt Nam đối xử với công dân trong nước.”

Cư sĩ Võ Văn Bửu, từng bị tù đày vì lý do tín ngưỡng, nhận xét:
 “Tôi thấy từ năm 2005 trở lại đây, và gần đây nhất là từ 2010 tới 2013, thì Việt Nam ngày càng bắt bớ, giam cầm, hành hung những người tù bất đồng chính kiến dám nói lên sự thật về những gì mà nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm. Và họ càng bắt ngày càng đông. Còn những người không bị bỏ tù thì cũng bị đưa vào đồn công an, áp chế, đánh đập. Như vậy thì tổ chức Human Rights Watch công bố Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôi thấy không sai.”

Tại cuộc họp báo sáng thứ Hai 21 tháng Giêng năm 2014 ở Bangkok để công bố bản phúc trình, ông Phil Robertson, đại diện cho Human Rights Watch, lưu ý:
“Chúng tôi thấy tình hình Việt Nam thụt lui về mặt nhân quyền. Hiện giờ, chúng tôi ước tính Việt Nam đang giam giữ từ 150 tới 200 người chỉ vì họ thực hiện những nhân quyền căn bản; họ là những tù nhân chính trị.”

MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét về phát biểu của ông Robertson:
“Đây là nhận xét hoàn toàn chính xác. Nếu ai nói nhân quyền Việt Nam được cải thiện hơn, thì người đó hoàng toàn bàng quan và trong sự mơ hồ, nhìn nhận một cách mù qúang, bị lừa bịp bởi những lời phát biểu của nhà cầm quyền CS mà thôi. Còn chúng tôi là những người trong nước thì chúng tôi chứng kiến một điều chắc chắn là nhân quyền Việt Nam chưa hề có cải thiện.”

Cư sĩ Võ Văn Bửu cũng đồng ý với nhận xét của viên chức Human Rights Watch:
“Rất là đúng. Hôm rồi tôi có phản ảnh sau khi Việt Nam ngồi vào cái ghế nhân quyền. Nếu bước vào sân chơi chung thì Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền cũng như các nước thành viên khác. Nhưng thật sự tôi chưa thấy Việt Nam tôn trọng nhân quyền hay tôn trọng vấn đề gì hết, mà lại càng lúc càng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Mà người ta bất đồng đúng chứ đâu có sai.”

Qua bài 'Đảng vẫn chưa trưởng thành', LS Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội lưu ý rằng để duy trì quyền cai trị tuyệt đối, các lực lượng bảo vệ đảng CS thường bắt giữ và cầm tù dài lâu những người hoạt động nhân quyền, những người đối lập; LS Đài nhân tiện lưu ý rằng những lực lượng này lại có những hành động theo kiểu lưu manh, côn đồ như cướp tài sản, đánh người, ném chất bẩn vào người, vào nhà của những người hoạt động đấu tranh cho nhân quyền.

Và LS Nguyễn Văn Đài khẳng định, “ Rất rõ ràng là đảng CSVN chưa đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lương tâm và hệ tư tưởng dân chủ tiến bộ để lãnh đạo đất nước xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Ngoài ra, cái mà đảng CSVN đang thiếu, đó là văn hóa dân chủ, thiếu đạo đức chính trị để ứng xử với những công dân và tổ chức đối lập”.


1 comment:

  1. Nhà nước ta không hoàn hảo , điều đó tôi thấy đúng vì còn nhiều cán bộ tham nhũng, nhưng điều đó không có nghĩa là Đảng thiếu đạo đức chính trị thiếu văn hóa dân chủ. Bởi vì bên cạnh những quant ham thì cũng có nhiều người vì nhân vi nước. Cái chính là chúng ta biết nhìn nhận vấn đề để giải quyết chứ không nên chống phá không mang tính xây dựng như thế.

    ReplyDelete

View My Stats