Thứ tư 15 Tháng Giêng 2014
Sau nửa thế kỷ bị cô lập, ba
năm sau khi chế độ quân sự độc tài tự giải thể, vào thứ Sáu, 17/01/2014, Miến
Điện chủ trì một cuộc họp không chính thức cấp Ngoại trưởng các nước thành viên
Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN tại Bagan. Sự kiện này mở đầu cho một loạt các hoạt
động ngoại giao quan trọng trong nhiệm kỳ Miến Điện làm Chủ tịch ASEAN năm
2014.
Kể từ khi chế độ quân sự độc
tài chuyển giao quyền lực vào tháng 03/2011, chính phủ dân sự của Tổng thống
Thein Sein đã tiến hành nhiều cải cách ngoạn mục về chính trị và kinh tế. Do
vậy, các nước phương Tây đã bãi bỏ gần như toàn bộ cấm vận đối với Miến Điện.
Trong năm 2013, Miến Điện đã tổ
chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Đông Á và Đại hội Thể thao
Đông Nam Á – SEA Games. Với kinh nghiệm này, chính quyền Miến Điện tỏ ra rất tự
tin đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN, sẵn sàng đối mặt với các thách thức ngoại
giao và hậu cần.
Ông Than Htut, một quan chức
cao cấp thuộc bộ Kế hoạch Miến Điện, khẳng định với AFP : « Miến Điện đã sẵn
sàng. ASEAN là ngôi sao đang lên của nền kinh tế và chính trị thế giới. Chúng
tôi hy vọng là nhiệm kỳ Chủ tịch của chúng tôi sẽ hỗ trợ cho sự lớn mạnh này ».
Trong nhiều năm, khối ASEAN,
sau khi kết nạp Miến Điện năm 1997, đã rơi vào tình thế khó xử do các vụ vi
phạm nhân quyền thô bạo của chế độ quân sự độc tài Miến Điện. Đến mức là năm
2006, ASEAN đã phải thương lượng và không để cho Miến Điện làm Chủ tịch luân
phiên khối này.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi
và sự kiên nhẫn của tân chính quyền Miến Điện đã được trả giá. Theo nhận định
của giáo sư Carl Thayer, việc Miến Điện đảm trách chức Chủ tịch ASEAN, là tín
hiệu cho thấy chính phủ của Tổng thống Thein Sein muốn « thúc đẩy nhanh tiến
trình mở cửa ra khu vực và thế giới bên ngoài ».
Khi thừa nhận là giờ đây, «
Miến Điện sẽ có đóng góp tích cực », chuyên gia Sean Turnell, thuộc đại học
Macquarie, Úc lưu ý là không nên kỳ vọng quá nhiều vào nhiệm kỳ này. Ông cho
rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Miến Điện có thể là những mong đợi quá mức.
Cộng đồng quốc tế truớc đây không trông đợi nhiều vào Lào và Cam Bốt, thì các
nước này lại dễ dàng làm được nhiều việc hơn cả mong đợi. Thế nhưng, đây không
phải là trường hợp của Miến Điện.
Trong khi đó, giáo sư Carl
Thayer lại cho rằng chương trình hoạt động của ASEAN đã được thiết lập từ trước
và Miến Điện sẽ không rơi vào thế bị động.
Hiện nay, ASEAN phải đối mặt
với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là việc hoàn tất dự án hội nhập
kinh tế dự kiến vào năm 2015 và vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa một
số thành viên với Trung Quốc ở Biển Đông.
Miến Điện có quan hệ lâu đời
với Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có
nguy cơ đẩy Miến Điện vào tình thế tế nhị trong quan hệ với Bắc Kinh.
Năm 2012, trong cương vị Chủ
tịch ASEAN, Cam Bốt, đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã bị chỉ trích mạnh mẽ
vì ngăn cản Hội nghị các Ngoại trưởng của khối ra thông cáo chung, thể hiện lập
trường của ASEAN trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Năm nay, theo giáo sư Carl
Thayer, « các nhà ngoại giao Miến Điện, trong các cuộc gặp riêng, nói rằng họ
sẽ cố gắng phản ánh đồng thuận chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông », đồng thời
họ cũng ý thức được là sẽ chịu sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc trong hồ sơ này.
Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế
có thái độ thận trọng. Ông David Mathieson, thuộc Human Rights Watch bình luận
rằng nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN là một cơ hội cho chính phủ Miến Điện cải
thiện tình hình nhân quyền và chứng tỏ là họ nghiêm túc, có quyết tâm tổ chức
và hoàn tất việc chuyển giao quyền lực từ chế độ quân sự độc tài cho một chế độ
dân sự thực sự.
Từ năm 2011, Miến Điện đã trả
tự do cho nhiều tù chính trị, thậm chí còn tuyên bố là đã hết tù chính trị vào
cuối tháng 12 vừa qua. Lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, đã được quyền ra
ứng cử và trở thành nghị sĩ.
Thế nhưng, cộng đồng quốc tế
vẫn còn có nhiều lo ngại, đặc biệt là các vụ bắt bớ mới đây nhắm vào các nhà
tranh đấu cho dân chủ, hoặc khả năng đạt được các thỏa thuận tái lập hòa bình
giữa chính quyền với các nhóm nổi dậy của các sắc tộc thiểu số tại Miến Điện.
No comments:
Post a Comment