Friday, 17 January 2014

MẸ ĐỖ THỊ MINH HẠNH ĐIỀU TRẦN TẠI HẠ VIỆN MỸ (Nam Phương - Người Việt)




Nam Phương/Người Việt (tường trình từ Washington, DC)
Thursday, January 16, 2014 6:44:59 PM

WASHINGTON, DC (NV)
- Cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, 28 tuổi, chỉ vì can đảm đấu tranh cho quyền làm người, giúp người dân lao động Việt Nam chống lại bóc lột, ngược đãi, mà bị ở tù.

Ðó là những gì được bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, mẹ cô Ðỗ Thị Minh Hạnh hiện đang ở tù tại Việt Nam, trình bày trong cuộc điều trần buổi sáng hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, để kêu gọi Quốc Hội và chính phủ Hoa Kỳ áp lực để trả tự do cho con bà, cũng như cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh (trái) và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng tại buổi điều trần ở Hạ Viện. (Hình: RFA)

“Ðỗ Thị Minh Hạnh đi tù chỉ vì giúp người dân lao động tranh đấu đòi quyền lợi,” bà Minh nói trong cuộc điều trần của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ. “Quý vị không hiểu được đời sống của người lao động tại Việt Nam nó tồi tệ như thế nào.”

Bà kể lại cho ủy ban, gồm một số dân biểu hằng quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới và khoảng 80 người thuộc nhiều tổ chức đến tham dự biết. Tiền kiếm được của họ không đủ sống, nên thường chỉ mua các loại thực phẩm có phẩm chất tệ hại ăn qua ngày, trong khi đau ốm, tai nạn lao động không được quan tâm.

Vì cùng một số bạn khác tham gia giúp dân lao động tại Việt Nam đấu tranh mà họ đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án tù hồi Tháng Mười, 2010.

Là thành viên của Phong Trào Lao Ðộng Việt, cô Ðỗ Thị Minh Hạnh đã cùng hai bạn trẻ khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương giúp công nhân hãng giày Mỹ Phong ở Trà Vinh biểu tình, rải truyền đơn đòi quyền lợi cho công nhân khi họ bị chủ đàn áp.

Sau đó, họ bị đưa ra tòa sơ thẩm ở Trà Vinh.

Ðỗ Thị Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù khi mới 25 tuổi, trong khi hai người kia bị 9 năm tù.

“Con tôi đã bị đánh đập rất nhiều lần trong tù, bị cưỡng bức lao động, bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Bị đối xử như con vật,” bà Minh nói. “Con tôi bị họ ép nhận tội nhưng con tôi không chấp nhận.”

Tiến Sĩ Robert P. George, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới (USCIRF), đưa hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một tù nhân lương tâm tại Việt Nam, trong lúc phát biểu tại buổi điều trần. (Hình: Người Việt)

Theo lời bà, bao năm qua, chính quyền CSVN đã đánh lừa chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như cả thế giới về sự ngược đãi, về tình trạng tồi tệ thật sự của người lao động tại Việt Nam. Hệ thống công đoàn lao động tại Việt Nam thật sự chỉ là cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, do các đảng viên CSVN cầm đầu chỉ để kiểm soát người lao động, chứ không bảo vệ người lao động.

Không chỉ con gái bà, mà hàng trăm người đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện đang bị giam trong các nhà tù. Bà cho hay bà sẵn sàng cung cấp một danh sách hơn 600 tù nhân lương tâm do chính các tù nhân lương tâm liệt kê ra, hiện đang bị giam giữ rải rác trên cả nước.

Theo lời bà, một số tổ chức, cá nhân đã được chính quyền cho đi thăm một số “nhà tù” do họ dàn dựng, chuẩn bị sẵn để khoe khoang lừa dối dư luận quốc tế. Họ không biết rằng thật sự, sau bức vách tường nhà tù, là “địa ngục của tù nhân tại Việt Nam.”

Xem Video  :  
Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh Điều Trần Tại Quốc Hội Hoa Kỳ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ tạo áp lực để chính quyền Việt Nam trả tự do cho con bà cũng như các tù nhân lương tâm khác. Riêng con gái bà sức khỏe rất tồi tệ và hiện đang có những chứng cớ của ung thư ngực mà nhà tù hay nói chung chính quyền không cho chữa trị, thuốc men.

Trong cuộc điều trần, ngoài bà Minh, còn có một số tổ chức và cá nhân điều trần về tình hình nhân quyền và ngược đãi tù nhân tại Trung Quốc, Nga, Iran.

Cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ diễn ra trước ngày mà chính quyền Việt Nam phải báo cáo định kỳ tại Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào đầu Tháng Hai tới đây. Một phái đoàn gồm nhiều thành viên khác nhau của các tổ chức đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo từ Việt Nam cũng sẽ có mặt ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Ðồng Nhân Quyền, để trình bày cho mọi người biết sự thật, ngược hoàn toàn với những gì chính quyền Việt Nam tuyên truyền.

Vào buổi chiều cùng ngày, còn có cuộc họp báo về vấn đề chính quyền Việt Nam dung dưỡng cho công an đánh đập, tra tấn tù nhân, hay ngay cả nghi can khi mới bị bắt, một cách có hệ thống.


Những người tham gia buổi điều trần. (Hình: Người Việt)

Sự đối xử đó còn đặc biệt đối với những người bị bắt vì đấu tranh ôn hòa cho các quyền tự do phát biểu, hội họp, biểu tình và tự do tín ngưỡng, hoặc vì tìm sự bảo vệ hay tư cách tị nạn ở nước ngoài.
Cuộc họp báo do hai dân biểu Christopher Smith và Frank Wolf đồng bảo trợ với tổ chức BPSOS, cùng sự phối hợp của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, phát động chiến dịch “xóa bỏ tra tấn tại Việt Nam.”
Một bản báo cáo dày 140 trang có tựa đề “Việt Nam: Tra Tấn và Lạm Dụng Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo,” được công bố tại phiên điều trần là bản tường thuật đặc biệt và chi tiết. Bản phúc trình nêu ra các lạm dụng trong các nhà tù và các trung tâm giam giữ nổi tiếng bưng bít của CSVN, lột tả các phương pháp khắc nghiệt được các cấp chính quyền khác nhau sử dụng nhằm bịt miệng và trừng phạt những ai can đảm lên tiếng chỉ trích bằng các bản án bất công, trái với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký cam kết tuân thủ.

“Quyền không bị tra tấn là một trong những quyền con người cơ bản và hiển nhiên nhất,” Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, nói. “Tra tấn không bao giờ có thể được biện minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Bản báo cáo chỉ ra rằng người tù ở Việt Nam - gồm các nghi phạm hình sự bị giam giữ cũng như những người tù chính trị và tôn giáo - thường xuyên đối mặt với tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ nhân phẩm. Trong một số trường hợp đáng quan ngại, tra tấn và lạm dụng nghiêm trọng đến nỗi nạn nhân chết trong nhà giam hoặc ngay sau khi được thả.


------------------------------------


Tú Anh  -  RFI      Thứ sáu 17 Tháng Giêng 2014

Thanh Trúc, phóng viên RFA      2014-01-17

BBC    Cập nhật: 09:58 GMT - thứ sáu, 17 tháng 1, 2014



No comments:

Post a Comment

View My Stats