LÝ - ĐỖ CƯỜI
Nguyễn
Quang Tuyến
Dalat, tháng 12/2013
Từ ngày có khu kinh tế Dung-Quất, nằm giáp ranh giữa Quảng Ngãi với
Quảng Nam, thì phi trường Chu Lai được hồi sinh. Trước bẩy-mươi-lăm, Chu Lai là
căn cứ quân sự Mỹ, chỉ có phi trường quân sự. Bên những đụn cát đùn lên cao làm
chiến hào, công sự phòng chống du kích xâm nhập, phi đạo như dấu phẩy nhỏ nằm giữa trang giấy
trắng, là trảng cát kéo dài từ biên Quảng Ngãi đến gần cầu An Tân của tỉnh
Quảng-Nam.
Dân Quảng phía nam nôn nao chờ đón vì muốn tỉnh mình cũng có sân
bay; nhưng rồi thời gian trôi qua, lòng bồn chồn theo ngày tháng thờ ơ đi, vì
sự thích thú không thắng được tính cách cần kiệm của dân xứ nghèo.
Mỗi tuần hai chuyến máy bay cánh quạt ATR sức chứa
bảy-mươi khách bao giờ cũng lưng lửng
đầy một nửa. Ngoài mấy kỹ sư chuyên viên khu lọc dầu Dung Quất, vài Việt Kiều
gốc Quảng về thăm quê hương, vài doanh nhân , quan chức địa phương hay năm ba
người dân vào Saigon có việc gấp,còn dân
thường thì vẫn di chuyển bằng xe đò .
Tôi đi trong chuyến bay trưa thứ bảy vào mùa hè. Phi
trường Chu Lai tiếp giáp với biển và cảng Kỳ Hà, từ cảng hướng chạy về phía bắc
là giòng sông Trường Giang chạy song song quốc lộ bắc-nam, suốt dãy xương sống
tỉnh Quảng Nam ra đến tận Hội An. Ngã ba nước chẻ hai, chẻ ba Tam-Anh, Tam
Quan, Tam Hải là vùng cá tôm nổi tiếng cả miền Trung. Sông Trường Giang dài trên bảy mươi cây số
ngăn cách với biển bởi một lưỡi đất cát dài như con thuồng luồng uốn éo gánh bớt cái
hung hãn của biển khơi. Trường Giang vừa dịu dàng vừa nhu nhã, vừa kiên cường
ôm gọn đám cư dân nghèo trong cánh tay nuột nà cát trắng.
Tại phi
trường Chu Lai, tôi được gặp ông Lý Đỗ trong một cảnh ngộ thật trớ trêu,phi-cảng
như chiếc hộp diêm nằm giữa trảng cát
nóng, ngập ánh nắng chói chang. Hơn vài chục hành khách đã làm thủ tục, xúm xít
quanh mấy dãy ghế, nhìn ra cát trắng chen lẫn những lùm cây lù xù như đám nhím
xỉa lông thi gan cùng gió cát.
“ Quảng Nam hay cãi”, bây giờ hình như người
Quảng đã bớt cãi nhau, mà cái nhu cầu
nói, nói nhiều, nói lớn được thỏa mãn với chiếc điện thoại di động ( họ gọi là cái a-lô). Điện thoại cầm tay đến với
người Quảng như “cửu hạn phùng cam vũ”
(nắng hạn lâu ngày gặp mưa sa). Xưa nay dân Quảng gặp
nhau, ngồi với nhau mới khởi đầu tranh cãi, để“ăn to, nói lớn” , thì bây giờ chỉ cần một người Quảng với cái “a-lô” là họ có thể cười hả
hê, nói huyên thuyên, vung tay, trợn mắt… rộn ràng mà chẳng cần có ai bên cạnh
mình.
Cái “a-lô”
đã thay đổi phong cách của người dân xứ Quảng, như vũ khí thay đổi thì cách đánh
của chiến binh đã khác và chiến tranh cũng khác! Cái tính hay nói, hay nói to,
hay có những câu hỏi tò mò vào đời sống
cá nhân người khác đã được thay thế bằng niềm vui “mi mi, tau tau với cái a-lô”. Cũng như tính“tám” của các bà, các cô mà gặp “chat”,
gặp Face Book. Ôi lắm nàng ôm cái Ipad hoặc cái điện thoại Android như ôm người tình,rỉ
rả tâm tình suốt ngày đêm không biết chán. Một thời buổi mới đã chuyển biến
tính chất của người địa phương, của xã
hội…
Phòng chờ ngợp trong cái nắng nóng thì ít hơn cái ồn
ào của quá ba mươi vị Quảng và bằng chừng ấy cái “a-lô” cùng giọng nói ồm ồm và chát chúa. Một ông già ngồi bên tôi
là ngoại lệ, ông trố mắt nhìn hết người này, người nọ. Ông như luống cuống
trong chiếc áo bà ba bốn túi mới tinh màu trắng và chiếc nón phớt ny-lon màu vỏ
trứng .
Khuôn mặt ông đen nâu, những vết nhăn cày xới trên nếp da mờ
dấu thời gian của tuổi tác, tóc hoe hoe nâu đen… đúng là dân miền biển cát xứ
Quảng. Càng rõ hơn, ông đúng là người dân chài, khi nhìn đôi bàn tay đen rám,
các đầu ngón tay khắc sần các vết khứa nát màu đen. Đó là vết cứa của các sợi
cước câu, lưới vây , khi bàn tay quần quật níu kéo nhọc nhằn mưu sinh trên biển
sóng. Đôi mắt lão đen và sáng tinh ranh, tò mò đảo qua lại, giữa mọi tiếng ồn
ào kêu réo từ “các cái a-lô” chung
quanh, như lão thày bói già, dẫu chẳng thấy gì, vẫn ngoảnh tai về hướng nơi có
lời qua lại liên hồi…
Chợt lão quay qua tôi:
– Nè anh ở mô
rứa? Đi mô hè?.
– Ô, tôi dân Diêm Phổ. Bác đi Saigon chơi?
– Thấm chi Saigon! Đi Mỹ chớ. Hai đứa ni là
con gái tui nè. Anh ở Cây -Trâm, Diêm-
Phổ, chu choa! Chỗ nứ có mì quảng với cua coớm rôm vàng ngon hỉ, già như tui mà mần hai boát lớn! ( cua
lột ram vàng ngon,già như tôi mà cũng ăn được hai tô lớn)
Lão nói như hét lớn giữa cái chợ âm thanh the
thé bên trái, bên phải. Cô gái ngồi bên cạnh tôi hình như là sinh viên cười lớn
với cái “a-lô”:
“– Reng, mi núa reng! Tối qua tau từ giã ảnh rồi, chu choa, mùi hết biết!”…
Anh thanh niên tay xách cặp,
đứng bên khung kính nhìn ra phi đạo hừng hực nóng, tay áp sát với cái “a-lô” nói như nạt nộ với ai:
“– Tau đỏa núa! Dứt khoát ! Dứt khoát, hợp đồng đỏa
ký, cứ rứa mà thi hành! Đã núa không thêm, không bớt! Đã núa… Đã núa…Phaải chẹt chẽ! Phaải lồm cho uy tín!”.(Tôi đã nói dứt khoát,
hợp đồng đã kí ,cứ thế mà thi hành.Đã nói,phải chặc chẽ,phải làm cho có uy-tín)
Phía sau lưng, đằng trước mặt,
một chợ âm thanh rộn rã, nói như cãi, nói như chửi, tay chân vung vẩy…
Tôi thích thú, bởi được tắm đẩm
trong âm thanh quê hương quen thuộc thuở ấu thơ, nhắm mắt mơ màng nhớ đến những
đêm hát bội ở đình làng quê xưa, tiếng trống, tiếng hát, tiếng ồn ào che lấp
tất cả mọi ý nghĩa của câu hát tiếng hò. Ờ, mà cần gì hiểu nghĩa cho lắm đâu,đối
đầu với sóng gió biển khơi gào thét,
phía xa xa là rừng thẳm núi cao… mấy trăm năm cũ, ông cố, ông sơ người Quảng
phải nói to, hét lớn để hợp quần chống chỏi bao nghịch cảnh và chống chỏi cả
lòng sợ hãi của chính mình.Từ thời dựng
nước , hơn bốn năm trăm năm trước , sau lưng là
Hán gian và quan quân xua đuổi , trước mặt là người Cham quyết tử bảo vệ
biên cương , người Việt-Quảng Nam có vũ khí nào hơn hợp quần ,hét lớn nói to
giữa trùng trùng gầm thét của thiên nhiên lạ lẩm . Tôi dựa lưng vào ghế, nhắm
mắt nghe như xôn xao giữa chợ làng quê xứ Quảng ba mươi tết.
– Reng, anh mệt lém soau?.Ông lão bên tôi lên tiếng hỏi .
– Dạ, không cháu đang nghe…Bác ở đâu miệt biển .
– Tui dân
Tam- Hải, qua đò An- Hòa. Tới gành Bàn- Than hỏi ai mà không biết tui , Lý Đỗ, cứ nói Đỗ- nục là ai cũng
biết.
– Sao gọi bác là Đỗ nục?
– Chu choa anh biết reng không? Biển xứ mình hết cá chuồn
tháng ba là đến mùa cá cơm than, gần cuối tháng bảy là qua mùa cá nục. Tui mà nhìn con nước, ngửi gìó biển là
biết chỗ mô bủa lưới vây cá nục. Đả
lắm anh ơi! Ghe boạn(ghe bạn) thấy tôi
cho ghe đi đâu là theo, en chét (ăn
chắc). trúng lớn. Nẩu núa (họ nói): “Cứ theo ông Đỗ nục là trúng, mà thiệt”.
Nước biển xanh lớp lớp, cá nục bay túa lên, khép vòng lưới, ôi trời ơi, ngàn
vạn con cá xanh óng mướt dưới ánh néng (nắng)
đẹp lắm anh ui! (anh ơi)
Mắt lão lim dim thả hồn về làn
nước biển xanh đầy cá chuồn, cá cơm, cá nục….
– Chao ui! Nồm vừa đổi qua, bấc thổi về, ở trong bờ, sóng lớn bao
nhiêu, thì ngoài, nhiều cá bấy nhiêu. Tôi là Đỗ nục mà, thấy dờn dợn sóng nhấp
nhô, là biết ngay choóc nục boạc ngoàn sa
số là nục anh nề (ngay chóc cá nục bạc ngàn sa số là cá nục anh à).
Hai chị em con gái ông Lý Đỗ
ngồi ở hang ghế đối diện bên kia lối đi, cô chị tóc nhuộm màu nâu vàng, son
phấn kỹ, cô em ốm và đôi mắt thất thần, lạc lõng .
– Choa nề (cha này), reng
có mệt không choa. Cô em lo âu hỏi.
– Ui.. ui.. giòa rùi, reng
biết được mi hè! (già rồi làm sao
biết được). Nó lên cơn khi mô ai biết
nè.
Lão đưa tay đen đúa đè lên
khung sườn ngực lép cúi xuống vờ như mệt rồi khề khà:
– Anh biết không nề, dân biển tụi tui lâu lâu không đi biển nhớ chịu không nổi nề, chiều chiều ra biển ngóng chờ ghe về nhớ chết được nè! .
Có tiếng o o xen vào cái chợ
rôm rả, ồn ào của hàng chục người khọt khẹt cười, thút thít khóc bên cái”a-lô”, ngoài khung trời hừng hực đổ
lửa, chiếc ATR hai cánh quạt quay vào sân đậu.
Hơn hai mươi khách đi như chạy
vào phòng đợi lãnh hàng, để tránh cái nóng như nung. Lão Đỗ rút đôi chân gầy
đen, như que củi ra khỏi đôi dép nhựa, ngồi chồm hổm trên đó,trên ghế người vẹo
nghiêng như đang mệt… .
– Cha ri liệu có đi được không cha? Người con gái lớn đứng dậy, đến gần
hỏi.
– Chi núa chi lọa hè (Chị nói chi lạ hè). Choa khỏe hơn chị em mình nữa nì.
Phải không choa? Đứa em cũng lại gần.
Khi có hai đứa con gái đến bên
cạnh, cầm đôi tay đen nẻ, xướt như vết đen tưa trên ngón tay. Lão Đỗ lim dim
đôi mắt, thở như mệt nhọc:
– Giòa! Giòa rồi , biết reng,
núa trước được chi. Yên tâm choa
khỏe mà.
Hai đứa con gái về chỗ ngồi. Lý
Đỗ hấp háy đôi mắt tinh quái nhìn chiếc máy bay phập phò thở trong nắng rát.
Hơn ba mươi hành khách xếp
hàng, hành ly xách tay của dân quê, thôi thì, lủ khủ gói, cột, túm, mang… hàng
chục cái a-lô reo đủ thứ nhạc chờ lạ
tai, dậm dựt trong đó chen lẫn cả câu cải lương, bài hành Phương Nam, bài Lý
Ngựa Ô, cả nhạc rap… Cô con gái đi trước, vai phải đeo xách thời trang, tay kéo
va-li màu hồng, vai trái đeo túi lưới có mấy bịch tỏi Lý Sơn, mấy gói bánh đậu xanh
khô, tay trái cầm điện thoại áp sát tai, vừa đi vừa hét :
– Thoôi …em
đoang roa moáy boay… Chu choa chi rứa mà chờ chết được… Thoôi…đi nghe!... Đi nghe…
Mười mấy cái a-lô,
cái gọi tới, cái réo đi,… trong gió biển phần phật thổi hơi cát nóng bừng,
chẳng có bóng cây xanh. Quả là người Quảng thật là ồn ào!
Tiếp viên yêu cầu khách kiểm tra cài dây an toàn,
lưng ghế dựa thẳng, tắt máy điện thoại, không hút thuốc.
Ông Lý Đỗ ngồi trước tôi hai dẫy ghế, máy bay còn
mấy mươi ghế trống.
Tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra bụi cát và nắng lung
linh đổ hoa, thấp thoáng mấy bụi gai như
rủ nhau chạy tránh gió cát.
Máy bay cất cánh, anh thanh niên trẻ ngồi bên tôi
lặng lẽ đọc báo. Tất cả các cái”a-lô”
bị tắt, không gian được trả lại yên tĩnh ngoài tiếng động cơ đều đều. Đây đó
những tiềng rầm rì nho nhỏ, cô tiếp viên thông báo sẽ phục vụ khăn lạnh, nước
giải khát và yêu cầu khách đừng rời chỗ ngồi, nếu không có nhu cầu… .
Chưa quá năm phút bay, bỗng người con gái lớn của Lý
Đỗ, ngồi cạnh ông la lớn :
– Choa! Choa
ơi, choa reng rứa choa?(cha ơi cha làm sao vậy).
– Reng, reng, sô ổng trợn dộc mét lên rứa trời !(sao ông trợn ngược mắt lên vậy trời). Cô em ngồi ghế sau chồm lên băng
trước la choai choái.
– Choa! Choa! Trời
ơi, cô tiếp viên ơi! Heo, heo ( help,
help!). Cô chị Việt Kiều la lớn.
Cả dàn đồng ca dân quê tôi nhốn nháo, ồn ào, không
gian nhỏ hẹp ồn ào hẳn lên trong lòng chiếc máy bay nhỏ giữa lưng trời. Hai
người tiếp viên chạy đến bên Lý Đỗ :
– Xin quý khách ngồi xuống tại chỗ của mình, xin quý
khách đừng chạy qua, chạy lại, xin quý khách giữ yên lặng cho .xin…xin ..
Như nước bờ đập đổ ào khi vỡ, ba mươi mấy người, mỗi
người một câu “reng, rứa, cho, mô, lọa
quá!”, đủ đinh tai, nhức óc. Trổi lên trên dàn đồng ca đó là giọng cô út
ông Lý Đỗ :
– Choa ơi,
Choa tỉnh lại mòa, chi lọa rứa choa! Cô khóc rưng rức, mấy mươi chiếc đầu
đều quay về mái tóc muối tiêu và nước da đồng đen miền biển của lão Lý Đỗ, chúi
xuống trên thành ghế. Tiếp viên hàng không mang bình ốc-xy đến, sơ cứu qua loa
rồi qua buồng lái báo tin với cơ trưởng. Lay, xoa, bóp, xức dầu …Lý Đỗ vẫn
không nhúc nhích… nhiều người la lối với tiếp viên :
– Ông lão tét
thở rùi! Ông lão chêết thiệt rùi !( tắt thở rồi,chết thiệt rồi)
Anh tiếp viên
và cô bạn đồng nghiệp quýnh quáng ra vào bối rối.
– Thưa quý khách có ai trong quý khách là y sĩ, bác
sĩ không?
Anh thanh niên trẻ ngồi bên tôi, đứng dậy lên chỗ
lão Đỗ-nục, cô con gái con
ông già xuống ngồi cạnh tôi. Anh
thanh niên trẻ cởi nút thắt áo quần ông lão, anh hỏi cô tiếp viên :
– Trên máy bay có ống nghe, dụng cụ đo huyết áp
không?
– Dạ có.
Cô tiếp viên quay đi lấy dụng cụ y tế cho anh bác sỹ
trẻ. Mười mấy chiếc đầu chồm lên, im lặng nhìn ông lão Lý Đỗ giật giật tay chân, nhưng vẫn mê man bất tỉnh. Anh bác sĩ trẻ nghiêm nghị lắng
nghe, bên cả chục lời rầm rì xen lẫn với tiếng máy bay.
– Nhịp tim hơi nhanh ! Ông già như ngất đi , không có cách gì làm ông ta
tỉnh lại.
Anh bác sĩ
trẻ bỏ ống nghe trở về chỗ ngồi.
– Bác sĩ khám thấy thế nào rồi?. Tôi hỏi.
– Dạ em là
nha sĩ, chẳng biết làm cách nào, mọi sự
bình thường chỉ có người ông lão rũ ra bất tỉnh…
Tiếp viên chờ
chỉ thị mặt đất và thông báo cho hành khách:
– Máy bay sẽ quay về phi trường Chu- Lai đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Quý khách
thắt dây lưng an toàn và ngồi yên tại chỗ…
Râm ran đây đó nhiều giọng xì xào, tri trô:
– Reng
quay lại…, tau thấy máy bay nó đảo
lại, chắc là tới Bình Định rồi!
– Không chưa mô
ô …mới tới Bồng Sơn…
– Đã núa…mới
boay mà. Chừ mới tới Tôm Quang ..
Người Quảng
với nhau có cơ hội là cải, ai cũng muốn khẳng định ý kiến riêng của mình.
Tiếp viên hàng không đi qua lại kiểm tra dây đai,
ghế dựng thẳng… và nhắc nhở :
– Xin quý khách giữ yên lặng, yên lặng cho. Xin
không sử dụng điện thoại di động…
Mấy mươi cái
”a-lô đã sẳn sàng” trên tay ,như
chiến-sĩ sẳn sàng tay súng chờ lâm trận, mấy mươi cái đầu trồi lên xuống, thấp
thỏm… chỉ mong có cơ hội, để mình phải là phóng viên đầu tiên đưa tin sốt dẻo cho người thân dưới dất.
– Út ơi, răng choa
thở đều hơi và như ngủ, như ngất rứa mi?…. Cô chị nói với cô em gái Út.
– Đã núa,
có reng mô, choa đau chi mà lọa! (Cha đau chi mà lạ!).
Máy bay hạ cánh, phì phò thở dốc quay vào sân bay Chu Lai. Vừa
đứng yên, tắt máy, viên phi công ngoại quốc mở cửa nhìn vào bệnh nhân. Mấy mươi
chiếc a-lô nhao nhao, trai, gái, già
trẻ, cùng la hết công suất, hết mọi cách mô tả, giật gân gấp trăm lần, hơn
những gì tôi chứng kiến. Quả dân Quảng có năng khiếu làm báo viết ,báo nó,báo
hình…
“– Biết không … biết không, bay trở lại Chu Lai rồi, có người chết trên
không. Trời ơi. Khó mô tỏa nổi! Giật
giật! Lè lưỡi! Chết tại chỗ.”
“– Anh ơi, em núa cho nghe, - Cô gái trẻ tóc vàng nói – phải bay trở lại, ông già sùi bọt mép, bác sĩ bó tay nè. Bác sĩ cạy miệng ra không được nè. Anh ơi sợ quá, anh ơi...”
“– Trời ơi mi biết không, hai đứa con gái mà đành ngồi nhìn choa
chết thổm! (Cha chết thảm!) giữa trời
mi ơi. Bây giờ chờ xe đến khiêng xác
xuống, tau nhớ đời! Tau nhớ đời!”.
Tất cả hành-khách vẫn còn ngồi yên trên máy bay mà nhao nhao nói như
bầy chim bù chao thi nhau hót lao xao trong bụi cây rậm giữa trưa hè oi ả.
Hai cô con gái nhờ tôi và anh
nha sĩ xốc nách đỡ ông Lý Đỗ xuống cầu thang máy bay. Tôi thấy mặt ông vẫn tươi
nhuận trong sắc da đen lẻm cố hữu, chiếc
nón phớt hất gọn ra sau, cánh tay quàng qua cổ tôi, rõ là có có sức ghì, kéo,
của một sức sống, không phải là một xác “chết
thổm” như mọi người lo âu. Ông Đỗ-nục
hé mắt nhìn tôi, lẹ làng xốc bàn chân
đen xù xì vết nứt vào đôi dép nhựa dưới sàn ghế.
Phi trường mỗi tuần có hai
chuyến bay trưa thứ ba và thứ bảy, ra vào Saigon. Hôm nay thứ bảy khi máy bay
cất cánh, tất cả mọi hoạt động ở phi-trường ngưng nghỉ, đóng
cửa, dọn dẹp… Chỉ còn mấy người bảo vệ và trực ca ra vào.
Cô em kêu taxi đưa bệnh nhân
đến bệnh xá gấp sau khi nhân viên dưới đất làm thủ tục trả hành lý của cô em Út
và ông già Lý Đỗ.Máy bay chờ tiếp liệu và sẽ tiếp tục bay về Sai-Gòn.
Trong khi hành khách ngồi chờ ở
phòng đợi để máy bay tiếp nhiên liệu và sẽ tiếp tục bay về Saigon . Tôi và anh
nha sĩ giúp đưa ông lão đến bệnh xá cùng cô con gái Út. Bệnh xá, theo tài xế
taxi, đi mười phút là tới. Cô em Út ngồi ghế trước bên tài xế, tôi và anh nha
sĩ đỡ ông Lý Đỗ nằm xoài trên ghế sau.
Xe rời phi trường, chạy qua
khỏi cổng thu phí, lão Lý Đỗ trở mình, dựa người vào ghế và nói như người vừa
ngủ dậy:
– Nì, mở máy lạnh chi, bác
tài ? - cho tôi gió biển…, ngộp quá, ngộp quá…
Tôi quay kính xe xuống, lão dướn người lên,
mắt hấp háy nhìn về hướng hàng dương xanh đang run rẩy ngày, đêm vẫy gọi biển
khơi.
– Nghe mùi gió biển sôô nó khỏe re! khỏe re!( Sao nó khỏe re ! khỏe re
!)
– Choa không chịu đi với chị Hai,cha giả bộ ngất, chỉ làm khổ con.
Lão nhắm mắt, mũi hin hin hai
cánh như mũi thỏ tìm rau xanh, hít dài hơi gió biển thân quen, tay lão để trên
vai tôi bóp nhẹ, cười hóm hỉnh .
– Đi mô cho bằng về quê mình con. Út à, con cứ về Tam Kỳ, Đà Nẵng, ở với
chồng con. Cứ để choa một mình ở
ngoài bãi rạng Bàn- Than. Có sôô
đâu con? .
– Reng không sôô ! Choa núa rứa mà nghe được sao choa. Một mình choa lủi thủi dưới tán dừa, biển khơi, khi nắng gió sớm hôm ai đỡ
đần! Tụi con sống sao yên tâm cho được choa?. Cô Út rưng rức khóc.
Điện thoại lão Lý reo vang
trong túi áo, lão lụp chụp lần tay lấy ra, lão rút chân để lên ghế như người ngồi chồm hổm
trên nệm, thanh thản, chậm rải nói :
“– A lô nà! A lô nà!
Lão Chư hả?. “ – Ơ, ơ, mình đây nà , Đỗ- nục đây nà. Hử.. hử? Reng mà đi được nà, phải về chớ nà. Đi mô bằng ở quê mình, hôm trước mấy lỗ (lão)
rót rượu chia tay, mình núa không có đi mô đâu nà!Mình đi lên mé boay cho biết thôi moà . Reng hả ,ghe lưới thằng út Lực con anh đã vô bờ chưa nà? - Vô rồi hả, có nục suông không hè, nhiều hả? Xế xế tôi ghé rủ lão Đởm, Ba Hà tụi mình xôốp vô (xáp vào), tôi kể chuyện bay lên côo (cao) cho nghe…ờ, tui mua tráng nướng ở chỗ chợ đem qua bển hè!”
Lão tắt a-lô
mắt rạng rỡ, chẳng còn chút vết tích con người nằm thẳng cẳng, ngáp ngáp, tưởng
đã chết ở lưng trời. Tôi quay sang lão hỏi nhỏ :
– Cá nục suông là cá gì vậy bác Đổ?
– Anh xa quê nhà lâu rồi quên bén hết rồi! Mùa chuyển nồm này, biển giăng trúng một mẻ cá nục
suông, là thôi hết biết! Da cá xanh óng, nhấp nhánh trong nắng, xanh như mắt
mèo. Suông, thon, tròn lẳn non tầm gang tay. Chu choa! Cá nục suông mà luộc sổi, hấp sổi với chút nước biển, mềm
rụm như chẳng có xương… Chu choa! Rồi
rau muống cỡ gang tay cắt ngọn ... Chu
choa! Rồi bánh tráng nướng xong, nhúng nước mềm rôm rốp Chu choa, rồi chén nước mắm nhĩ ớt tỏi cay nồng…rồi Chu choa…ba bốn tay già ngồi tên chõng
tre, dưới gốc dừa bên bãi rạng nghe gió
biển ù ù … Chu choa… một ly rượu
trắng nhỏ, rôm rốp , rôm rốm, kén
(cắn) rồm rộp.. Chu choa... ôi, anh nà nó sướng râng râng người anh nà,
sướng lắm anh nà.Có chổ mô cho mình
được cái hạnh-phúc ni anh hè ?
Giọng lão nhò dần, nhỏ dần, mắt lão nhắm lại, miệng
lão mỉm cười trên khuôn mặt đen nhẻm, rạng rỡ. Lão cười trông sao sung sướng
đến thế, khóe mắt lão ròng ròng một hàng nước mắt chảy dài. Lão nói trong xụt
xịt nước mũi, trong nụ cười trên môi:
– Út à rứa
làm răng choa xa quê con ơi! Choa không thể đi mô đâu con à. Cô gái Út quay lại mắt đỏ hoe nhìn cha già , vừa cười
vừa xụt xịt:
– Choa cứ rứa,
cứ chết dí trong xóm rạng. không điện, không nước, chỉ có gió và biển khơi sầm
sập, sóng đánh vào hốc đá suốt ngày đêm. Gần đến bệnh xá rồi, cha vô cho họ …
khám qua, rồi con để hai anh ni, bay
vô Saigon nữa!.
– Bác Đỗ thấy khỏe chưa bác?
Lão lại bóp vai tôi nói nhỏ:
– Sôô mòa
(sao mà) chết được anh hè? Dân xứ
Quảng mà, như cái ông Trình Giảo Kim trong truyện tàu, phoang boa búa (phang ba búa) mà không thắng được thì thua,lão chỉ
có boa
búa thôôi (ba búa thôi)…hà, thua là lão nằm lăn quay ra đất, lão ta mạng thổ,
có hơi đất là lão sống lại, rồi tiếp tục phoang
boa búa khác! ..Ha ha.., dân Quảng quê tui
cũng vậy mà, đau khổ, thất bại ê chề chỗ mô
trên đường làm eng (ăn) bôn tẩu, thì
cứ lếch thếch về, đặt chân lên đất quê nhà là tỉnh lại liền, là sung lên rồi
lại ra đi tiếp tục phoang boa búa nữa! Hà
..hà ..tui reng chết được anh, chỉ
cần về lại quê nhà, nghe mùi gió nồm nực mùi biển khơi, mùi tanh tanh của cá là
tui tỉnh lại liền à.
Lý Đỗ cười ranh mãnh, mắt lão lim dim, trong khóe mắt
sáng lên đầy ngụ ý.
Tôi và anh bạn trẻ từ giã Đỗ-nục và cô con gái út đứng
ở cửa bệnh xá mắt đỏ hoe, lên xe trở về phi trường.
Hành khách vẫn còn ngồi đứng la liệt trong khu cách
ly, ồn ào, rộn rã với các “a-lô” của
mình.
Cô chị thấy chúng tôi về, sà đến hỏi gấp:
– Cha tôi tỉnh lại khỏe chưa anh? Mắt cô cũng hoe
hoe đỏ như cô em.
– Vậy cô Út chưa điện cho cô à? Tôi hỏi.
– Nó giận tôi, nó giận ông già, từ lúc lấy hành lý
đưa cha tôi đi, chẳng điện cho tôi. Sao rồi anh?.
Tôi tần ngần không nói hết suy nghĩ của mình.
– Bác hơi khỏe rồi cô, đã tỉnh lại, đã vào nằm nghỉ
trong bệnh xá, tôi chắc bác nghỉ yên tĩnh trong thời gian ngắn sẽ khỏi thôi.
Tuổi già là vậy cô à.
– Tôi nghiệp con Út, Cha tôi chuớng lắm anh ơi. Con
út, nó thuyết phục khản cả cổ, ông mới chịu theo tôi qua Mỹ. Bên đó có đầy đủ
điều kiện thuốc men, y tế chăm sóc cho người già… Chứ cha già mà sống một mình
ngoài bãi rạng Bàn Than thì tội quá…Tôi theo chồng qua bên đó hơn mười năm rồi,
đời sống cũng ổn định, đây là lúc tôi phải lo cho cha già. Nhưng anh cũng biết
việc cung cấp tiền bạc không khó ,mà … Cô chị nói nhỏ dần, miệng mếu máo nói
không thành lời.
– Rồi sao cô? Tôi hỏi.
– Khi tôi mới đi, em gái Út của tôi mới hơn mười tuổi, sau đó năm năm
mẹ tôi mất, nhà chỉ còn nó thui thủi vừa chăm cha già vừa đi học. Nhà tui ở
ngoài rạng Bàn Than, qua bên kia bến đò An Hòa, căn nhà lợp tôn trong tụm dừa
nhìn ra biển cả mênh mông, Chao ôi, đêm
đêm nghe sóng vỗ vô hốc núi Ban Than soàm soạp, oàm oạp xen trong gió biển,
buồn vô hạn anh ạ. Tôi bao lần làm đơn bảo lãnh cha và em, nhưng nhất dịnh cha
tôi không rời căn nhà nhỏ nơi bải rạng,
không rời được tiếng oàm oạp ngày đêm của sóng biển…Con Út làm sao đi đâu. Rồi
mấy năm trước, con Út gặp anh chàng công nhân gốc Bắc, làm ở khu công nghiệp
Chu Lai, hai vợ chồng nay đã có một đứa con trai, đang tính về Tam Kỳ ở, vì
chồng nó có quen biết, nên được đổi về làm ở Sở Tài Nguyên Môi Trường Quảng
Nam. Nó cứ thậm thụt chạy ra, chạy vào lo âu, áy náy về cha già…Anh nghĩ coi…
Cô lại rấm rức khóc, lấy khăn lau nước mắt và nói nhỏ … .
– Rồi sao nữa cô? Tôi gạn hỏi.
– Ôi, nó nói nghe mà thương quá anh ơi. Lần trước
tôi về thăm quê mươi hôm, hai chị em về căn nhà cha dưới rạng, sống với cha già
đôi ngày. Chỉ vài ngày là đi, bây giờ mình quen sống với tiện nghi thành thị,
ngủ chõng tre, bếp củi, con mòng, con bù-hóng chích sưng chân tay mặt mày… Đêm
đến, không điện, ngọn đèn tù mù tỏa ra khói, gió hun hút qua mấy phên tre, nghe
sóng oàm oạp vỗ vào hốc núi. Choa ôi
sao mà nó buồn thúi ruột anh ơi! Con Út nói với tôi và cha: “Chị Hai ơi, chị cho cha qua bển để biết đây
biết đó, suốt đời cha mẹ có đi đâu qua khỏi cầu An Tân. Bên đó có bác sĩ, có
thuốc men, dầu có vô dưỡng lão, như chị nói, buồn lắm thì cũng có người đẩy xe
lăn, có người làm bạn …. Chứ ở đây chị coi cha cứ thui thủi quẩn quanh qua mấy
gốc dừa, mấy ông bạn chài lưới già. Sáng sáng, chiều chiều… cứ đi quanh quẩn
chờ từng chiếc ghe lưới cưỡi sóng trở về, cứ luẩn quẩn ngó từng lưới. từng ghe
xem thúng cá cơm, cá chích, con chuồn, con mực…tươi rói.Ông đi quanh quẩn ,
miệng móm sọm, mắt kèm nhèm , cười vu vơ … Rồi đảo về, lủi thủi một mình bắc
niêu cơm trên ba ông táo, thở dài khi lên thắp cây nhang trên bàn thờ mẹ …rồi
ra, rồi vào…. Chị ơi.. chị đưa cha qua với chị đi, chị ơi!...” Anh coi nó
nói rồi nó khóc, nó như quỳ xuống ôm gối tôi mà nói… .
– Rồi sao nữa cô?.
– Làm sao khác được anh? Tôi làm thủ tục bảo lãnh
cho cha tôi qua thăm con cháu vài tháng
xem sao, rồi sau đó tính tiếp. Nhưng anh biết đó, cảnh sống ở bên đó có vui vẻ
gì cho cam. Đêm qua tôi không ngủ được, thâm tâm tôi không muốn đưa cha tôi đi
vì cứ nghĩ cha già ngơ ngác giữa những người xa lạ, cảnh vật xa lạ tại viện
dưỡng lão. Lúc chiều qua tôi và con Út, từ Tam Kỳ xuống rạng Bàn Than đón cha
già. Ổng bảo hai đứa làm mâm cỗ thưa với mẹ rồi đi. Ông thắp nhang trên bàn thờ
mẹ tôi, nói chuyện với lư nhang trên bàn thờ mà như nói với người sống :”Bà ơi, bà coi nhà, tui đi dăm
ngày, nửa tháng rồi về; tui qua coi
mấy cháu ngoại ,con con Hai nó ra reng?”. Nói xong ông ra trước hàng dừa
trước cửa nhà, vịn cây ngóng biển mà sụt sùi. Ôi, anh ơi, cha tui thấy không đâu vui sống bằng chốn này.Tôi đưa cha đi xa
như là đem nhổ dây khoai ra khỏi vồng cát, dây khoai sẽ héo úa mà chết. Bây giờ
ông bị đau mà ở lại tôi mừng, tôi chỉ
thương con Út. Tôi nghiệp nó, bên chồng, bên cha già, tôi khổ tâm hết sức biết
làm sao anh?
Tôi yên lặng nhìn cô Hai. Khách xếp hàng lên máy bay để tiếp tục hành
trình. Tôi nói với cô gái lớn lão Lý Đỗ, mà như thầm nhủ với chính mình:
– Cô ơi! Như Trình- Giảo- Kim “họa thổ thôi mà” (hạ thổ thôi mà). Có chi mô! Đặt được bàn chân
xuống mảnh đất quê hương , có hơi đất quê nhà là mình tỉnh lại, tiếp tục đi phoang boa búa nữa mòa.
En thua chi mô( đi phang ba búa nữa
mà, ăn thua chi mô !).
Khi máy bay
cất cánh, qua khung cửa sổ, tôi thấy biển xanh và sóng trắng cùng cả rừng dừa xanh ngút ngàn đến tận mũi núi đá
Bàn Than bên cảng Kỳ- Hà.Tôi mườn tượng hình ảnh mấy ông già, tóc bạc, da
mồi,da rám nắng đang ngồi trên chỏng tre,rôm rốp bánh tráng nướng với cá nục
suông,tiếng cười ha hả lẩn trong tiếng sóng oàm-oạp lùa vào hốc đá.Làm sao họ
có thể đi đâu xa ngoài sóng gió Quê nhà ?.Tôi như nghe lão Đổ-nục lên tiếng:
-Nề,mấy lão nề! Tụi mình như mấy ông Trình-giảo-Kim
, boàn chưn độp được trên đất quê choa thì reng moà chết được hè ?.(
Bàn chân đạp được trên đất quê cha thì làm sao mà chết được?)
NGUYỄN-QUANG-TUYẾN
( Dalat, tháng 12/2013)
No comments:
Post a Comment