BBC
Cập nhật: 09:20 GMT -
thứ sáu, 17 tháng 1, 2014
Cựu thượng sỹ trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư Lữ
Công Bảy kể lại với BBC về khoảnh khắc ác liệt nhất của trận chiến năm 1974 và
người bạn thân trên HQ-10 Nhựt Tảo mà ông đã mất tại Hoàng Sa.
"Vai trò của tôi lúc đó là phụ tá trưởng
ngành hàng hải kiêm hạ sỹ quan phụ tá trưởng khối hành quân, làm nhiệm vụ xác
định tàu trên biển và đánh chặn tín hiệu của tàu Trung Quốc," ông Bảy kể lại.
"Khi trận đánh xảy ra, tôi đang ở trên đài
chỉ huy. Lúc đầu, vì mình nổ súng trước nên hai chiếc tàu 271 và 274 [của Trung
Quốc] bị thiệt hại rất nặng nề".
Tuy nhiên, các tàu của Trung
Quốc vẫn chưa hoàn toàn bị hạ gục do tàu của phía Việt Nam lúc đó cao lớn, tất
cả tàu của Trung Quốc lại thấp, nên các khẩu pháo lớn bị hạn chế tầm bắn, ông
cho biết.
Vài phút sau khi trận chiến nổ
ra, hải quân Việt Nam Cộng hòa bắt đầu rơi vào tình thế bất lợi sau khi HQ-10
Nhựt Tảo bị mất liên lạc vì "bị trúng hai viên đạn pháo lớn của Trung
Quốc".
"Chừng 15 phút sau thì
cũng mất liên lạc hẳn với HQ-16 vì bị bắn gãy ăng-ten," ông Bảy nói.
Giờ phút cuối của HQ-10
Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo
Trước khi mất hẳn liên lạc, ông
Bảy đã kịp nghe thấy qua điện đàm những giây phút cuối cùng của thủy thủ đoàn
HQ-10 Nhựt Tảo trước khi hộ tống hạm này bị tàu Trung Quốc nhấn chìm.
"Tôi
có người bạn rất thân bên HQ-10 là Trung sỹ Giám lộ Vương Thương. Lúc đó anh ấy ở trên đài chỉ huy [của HQ-10] và đang bị thương nhưng
vẫn còn đủ tỉnh táo để báo cáo bằng máy bộ đàm về soái hạm," ông kể.
"Anh Vương Thương nói là bị trúng đạn ở đài
chỉ huy, hạm trưởng bị đứt đầu, hạm phó bị trọng thương, toàn bộ anh em trên
đài chỉ huy đều bị thương hoặc tử trận."
"Bạn tôi báo cáo được chừng ba phút sau thì
chúng tôi mất liên lạc với HQ-10".
Ông Thương, dù di tản được khỏi
hộ tống hạm Nhựt Tảo, nhưng sau đó đã qua đời vì vết thương khiến ông mất quá
nhiều máu.
Ông Bảy kể rằng ông Thương,
"người bạn thân nhất" của ông, chỉ vừa được cấp giấy kết hôn không
lâu trước khi tử trận.
"Chỉ có anh ấy mới thông thạo Hoàng Sa nhất
thôi, nên sau khi được hạm trưởng Thà động viên, anh đã tình nguyện ra
đi", ông nói.
'Vì Tổ quốc, không vì chế độ'
Ông Bảy cho biết đã 40 năm qua,
nhưng ông và những đồng đội vẫn còn rất "day dứt và đau khổ" vì không
bảo vệ được Hoàng Sa.
"Anh em chúng tôi bảo vệ Hoàng Sa không phải
cho cá nhân hay chế độ nào, mà cho Tổ quốc Việt Nam," ông nói.
"Thế hệ chúng tôi đã không thể bảo vệ Hoàng
Sa, mong rằng thế hệ trẻ sau này sẽ luôn gìn giữ, bảo vệ Trường Sa và thu hồi
được Hoàng Sa về.
"Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ hay ngàn sau
cũng sẽ luôn là của Việt Nam".
Sau năm 1975, ông Bảy chuyển
sang phục vụ cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Khi được hỏi cảm nghĩ khi nghe
tin về trận Trường Sa năm 1988, ông Bảy nói:
"Trung Quốc đã gần như tàn sát số binh sỹ
của Hải quân Nhân dân. Chúng tôi xem mà tức tối lắm, nhưng không làm sao được,
tức lắm."
"Ngay cả những anh em của chế độ cũ cũng
vậy, giờ mà có cho tình nguyện đi chiến đấu với Trung Quốc, anh em chúng tôi
cũng sẵn sàng tình nguyện.
BBC / Lữ
Công Bảy
Cập nhật: 09:15 GMT - thứ sáu, 17 tháng 1, 2014
No comments:
Post a Comment