Friday, 24 January 2014

LÊ HIẾU ĐẰNG & BI KỊCH CỦA MỘT THẾ HỆ (Nguyễn Trần Sâm)




Nguyễn Trần Sâm
24/01/2014

Lê Hiếu Đằng, nguyên lãnh tụ phong trào sinh viên đô thị miền Nam trước 1975, nguyên phó tổng thư ký UBTW Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên tổng thư kí UB Nhân Dân Cách Mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên phó chủ nhiệm Hội Đồng Tư Vấn về Dân Chủ và Pháp Luật thuộc UBTW MTTQVN, đã ra đi mãi mãi.

Như tất cả những người kính trọng và thương tiếc Anh, tôi cũng cảm thấy thôi thúc trong lòng được nói điều gì đó về Anh.

*
Cuộc đời Lê Hiếu Đằng có cả vinh quang và cay đắng, cả hào khí và bi kịch. Và có lẽ nét đặc trưng nhất là bi kịch. Một bi kịch chung cho tất cả những ai đã từng dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại một xã hội chưa tốt đẹp và còn nhiều khuyết tật, để hướng về và ủng hộ một xã hội khác, lúc đầu tưởng như vô cùng tốt đẹp, nhưng ngày càng để lộ ra những mặt trái và bản chất không những không thể tự hoàn thiện mà còn chỉ có thể ngày một suy đồi. Nói như nhà văn Đào Hiếu, đó là hệ quả của “bệnh tưởng bở”. Tưởng bở rằng những lời nói mỹ miều về một thứ chủ nghĩa cao siêu và tốt đẹp chưa từng có là thật, thậm chí là “khoa học”, để rồi tẽn tò nhận ra rằng tất cả những thứ đó chỉ là những thứ hão huyền, rằng những lời mỹ miều chỉ là trò lừa mị.

Nếu như trước 1975, khi nhận ra những khuyết tật và sai trái của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và hy vọng rằng có thể xây dựng một xã hội khác tốt đẹp hơn để thay thế, những người như Lê Hiếu Đằng đã nhanh chóng đi đến quyết định tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chính quyền VNCH, thì sau 1975, việc quyết định phải chống lại hệ thống mới không hề đơn giản. Đó là bi kịch của những người có trái tim, những người vốn nặng tình, một khi đã trao gửi lời thề non hẹn biển thì rất khó dứt bỏ lời thề đó. Bởi với người có lương tri, việc bội ước – ngay cả khi đã bị bội ước trước – cũng là điều gần như cấm kỵ. Người ta gần như chỉ còn biết hy vọng rằng những trò nhiễu nhương đang diễn ra hàng ngày kia chỉ là tạm thời, rồi xã hội sẽ tốt đẹp lên. Cho đến một ngày, người ta nhận ra tất cả đều vô vọng…

Nhưng ngay cả khi đã nhận ra điều đó, tôi nghĩ rằng các anh, những Lê Hiếu Đằng, vẫn còn tiếp tục dằn vặt bản thân, vò xé lương tâm hàng năm, thậm chí nhiều năm, trước khi “tính sổ” với thực tại. Và cũng có không ít những người đành chép miệng hay tặc lưỡi thở dài: thôi thì mặc kệ cho cuộc sống trôi đi, đến đâu thì đến. 

Vào phút chót, Lê Hiếu Đằng, người vừa ra đi hôm 22 tháng 1, đã quyết định dứt khoát từ bỏ Thực Tại, quyết định đối mặt với Nó, vạch mặt chỉ tên Nó.

Và cùng với làn sóng ủng hộ lập trường của Anh, như dự đoán, Anh cũng đã phải chịu những lời chỉ trích và thóa mạ từ nhiều phía. Những người trước đây ủng hộ chính thể VNCH thì “tính sổ” với Anh vì Anh đã từng chống lại chính thể của họ. Đối với họ, việc “phản tỉnh” của Lê Hiếu Đằng chỉ chứng tỏ hoạt động của Anh trước 1975 là sai trái. Những người của chính thể đương quyền thì coi Anh là kẻ phản bội, phản lại cái lý tưởng mà Anh đã đi theo trong những năm trước đây.

Chỉ những người từng ít nhiều hy vọng vào chính thể đương quyền và trong ba-bốn thập niên qua phải đứng nhìn nó múa may quay cuồng trên nỗi đau của hàng chục triệu người dân lao động mới hiểu Lê Hiếu Đằng. Và họ tìm thấy ở Anh người đã cất lên tiếng nói thay cho hàng ngàn người vừa có tâm đức, vừa có trí tuệ, nhưng đã nhận nhầm lớp mặt nạ là gương mặt nhân hậu, từ bi và thông tuệ. Bằng những lời tuyên cáo hùng hồn, Lê Hiếu Đằng đã dứt khoát bước ra khỏi bi kịch. Giờ đây, Anh đã có thể nhắm mắt mà cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.

*
Trong lịch sử, những người gặp phải bi kịch như Lê Hiếu Đằng không phải là ít.

Đã từng có những con người như Trần Đức Thảo, một nhà triết học được các học giả phương Tây kính nể, như Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức nổi tiếng ngay từ tuổi đôi mươi ở Pháp, như Tạ Quang Bửu, một trí tuệ mênh mông và sâu thẳm,… đã từng vì tình yêu quê hương đất nước mà từ bỏ môi trường khoa học và sự nghiệp mà họ mơ ước suốt những năm trẻ tuổi để về phục vụ cho cái chính thể mà họ hy vọng là tốt đẹp hơn chế độ cũ, để rồi cuối cùng, người thì bị vắt như những trái chanh, người thì bị đè bẹp, bị hành hạ suốt đời.

Đã từng có những con người, ngay tại một đất nước trong nhiều thế kỷ đã đi đầu trong nền văn minh thế giới như nước Đức, như Heidelberg, Nietzsche,… và hàng chục nhà tư tưởng và khoa học lỗi lạc, đã hy vọng rằng học thuyết của Hitler là đỉnh cao của lương tri.

Đã có hàng trăm hàng ngàn những con người vừa có tâm đức, vừa có trí tuệ đã nhận diện nhầm những chính thể.

Cũng có những người tỉnh táo hơn, đã sớm nhận ra bộ mặt giả dối. Hoàng Xuân Hãn khi nhận ra sự phản phúc đã quyết định ở hẳn lại Pháp từ 1951. Albert Einstein, ngay từ trước năm 1933 đã cảm thấy ghê tởm cái không khí quân phiệt ở Đức, và ông quyết định tới sống ở tận bán cầu Tây…

Nhưng không thể vì thế mà chúng ta có thể thóa mạ những người trót để mình rơi vào bi kịch. Bởi chính chúng ta cũng đang còn sống trong bi kịch.
Điều quan trọng là hãy biết vượt ra khỏi bi kịch, như Lê Hiếu Đằng đã làm.

NGUYỄN TRẦN SÂM  



No comments:

Post a Comment

View My Stats