Stephen
B. Young (Đàn Chim Việt)
08:08:am 06/01/14
Đầu năm 1954, ông cụ của tôi, Kenneth Todd Young,
đương làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ với chức Chủ Sở Đông-Bắc Á Châu vụ . Cụ
tham gia cuộc thương lượng chấm dứt chiến tranh Triều tiên tại Pan Mun Jom. Sau
khi Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý ngưng chiến tại Triều tiên, và Chánh phủ Pháp
quyết định không kéo dài chiến tranh kiểu xâm lăng thuộc địa tại Đông Dương
nữa, các cường quốc đồng ý mở một hội nghị tai Genève để giải quyết hai vấn đề
giữa thế giới tự do và khối cộng sản quốc tế .
Ông Young trong buổi gặp gỡ cố TT Diệm. Ảnh do gia
đình cung cấp
Bố tôi đi Genève để phụ tá Ngoại trưởng John Foster
Dulles trong nhiệm vụ chấm dứt chính thức chiến tranh Triều tiên. Sau việc đó
xong rồi, Ngoại trưởng Dulles giao cho ông trách nhiệm về Đông Nam á để giải
quyết sự ra đi của Chánh phủ Pháp tại Đông Dương.
Ông đã thăm viếng Việt Nam và Cao Miên lúc còn thanh
niên năm 1937 để xem cho biết Hà Nội, Sài Gòn và Angkor Wat. Ngoài ra, ông
không biết nhiều về Việt Nam. Nhưng ông đã học tiếng Trung Hoa tại Quảng Châu
và Bắc Kinh năm 1936 và hiểu biết được sự tranh quyền giữa đảng cộng sản tàu và
chánh phủ quốc gia tàu. Ông đã nghĩ chủ nghĩa cộng sản không hợp với người Á
châu vi các dân tộc á châu đã có sẵn dân tộc tính, nền văn hóa lâu đời và tiếng
nói riêng từ mấy ngàn năm trước. Ông nghĩ rằng, chủ nghĩa mác-lê là thứ xa lạ
từ Tây phương du nhập qua Á châu sẽ khó tránh khỏi sự xung đột văn hóa, tư
tưởng.
Vì vậy ông cũng nghĩ rằng, chế độ thuộc địa Âu châu
của thể kỷ 19th cũng không có nghĩa lý gì nữa ở Đông Dương. Nó không thể tồn
tại lâu dài. Các dân tộc Á
châu, theo ông, nên đi đến tự trị và chọn cho mình chế độ chánh trị độc lập như
các dân tộc khác trên thế giới .
Tháng 7 năm 1954, Chánh phủ Mỹ phải lựa chọn một
trong hai đường đối với Đông Dương. Một là theo Pháp để giúp duy trì ảnh hưởng
của Pháp tại Việt nam, Cao miên và Lào. Thứ hai là ủng hộ thành lập các chánh
phủ độc lập tại ba nước đó để tránh áp lực của người Pháp theo đuổi tham vọng
lâu đời nhằm tái lập chế độ thuộc địa.
Cụ Young lựa chọn con đường thứ hai.
Vậy là Hoa kỳ phải một lúc làm ba việc: ủng hộ các chánh phủ mới tại Sài gòn,
Nam Vang và Vientianne; chống sự phá hoại, xâm lăng, của Hà Nội và đảng cộng
sản Việt Nam và đảng cộng sản trung quốc đồng thời nhờ đó khuyến khích người
pháp dẹp bỏ chủ trương và hành động kiểu đế quốc cũ.
Lúc Trung Quốc đề nghị chia Việt Nam làm hai quốc
gia: một cho đảng cộng sản và một giao cho người Pháp cai trị, dĩ nhiên người
Pháp đồng ý, bố tôi bàn với Ngoại trưởng Dulles rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận như
vậy nên phải dốc lòng, dốc sức ủng hộ một Miền nam Việt Nam độc lập tự do, có
khả năng phòng thủ và chống lại cộng sản bắc Việt. Ông
Dulles đồng ý và quyết định chánh sách của Hoa kỳ tại Việt Nam là ủng hộ những
người Việt Nam không cộng sản, đồng thời không ngả theo lập trường của Pháp.
Tức là chánh sách của Hoa Kỳ là đi tìm kiếm những người Việt Nam “nationalist”,
có tinh thần dân tộc mạnh.
Cụ Young cũng nghĩ rằng nếu chánh phủ mới không
tranh đấu cho quyền lợi đích thực của quốc gia dân tộc mà cứ làm tay sai cho
Paris, dân miền Nam sẽ không ủng hộ và Hà Nội sẽ dễ xâm chiếm trọn nước Việt
Nam từ Lạng sơn đến Cà mau.
Ông Young và cố TT Diệm. Ảnh do gia đình ông Young
cung cấp
Nếu người Việt Nam có lòng ái quốc, biết rõ các thủ
đọan gian manh của cộng sản, muốn đẩy lui và thanh toán các nổ lực bạo động của
cộng sản để bảo vệ phần đất cuối cùng của mình thì họ phải biết làm cho mọi
người thấy rõ chánh nghĩa quốc gia, thấy rõ rệt và toàn diện, từ chánh trị tự
do dân chủ đến kinh tế thật sự là nến kinh tế tư hữu lành mạnh và nền văn hóa
giáo dục khoa học, khai phóng, nhân bản áp dụng đồng đều từ thành thị đến xã ấp
.
Lúc đó Cụ Ngô Đình Diệm là Thủ Tướng Chánh phủ Quốc
gia Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm. Cụ Young tìm hiểu về Ông Diệm và
nghe nói Ông Diệm có tiếng chống Pháp. Tại Genève Ngoại trưởng Việt Nam là Cụ
Trần văn Đỗ . Cụ Young làm quen Ông Đỗ và hai người trở thành bạn lâu năm. Năm
1970 ông Cụ tôi bịnh, không qua Việt Nam được để tham dự lễ cưới của tôi, con
trai đích tôn của ông, nên Cụ Đỗ đã vui lòng nhận lời đứng ra đại diện họ đằng
trai.
Ông Cụ tôi có lúc nói với tôi rằng, Ông Diệm vừa có
lập trường vững vàng, không theo Pháp và không nhượng bộ cộng sản và có được
một số người quốc gia chống cộng, nhứt là những người Bắc di cư công giáo tín
nhiệm, ủng hộ. Nên Cụ quyết định cho Ông Diệm một cơ hội để xem Ông Diệm có khả
năng thật sự xây dựng Miền nam trở thành một quốc gia dân chủ tự do và phát
triển được hay không.
Sau hội nghị
Genève, người Pháp không thuận với chánh sách của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn người Pháp rút hết những viên chức của họ ra khỏi Việt Nam
và Mỹ sẽ đưa cố vấn tới thay thế. Hoa kỳ sẽ cho tiền và huấn luyện quân đội
Miền nam Việt Nam đủ sức ngăn chận quân đội bắc Việt khi xâm nhập qua biên
giới. Sau mấy tháng thương lượng với Chánh phủ Pháp, Cụ Young thấy rằng họ
không có thiện chí giúp Miền nam đứng vững theo nghĩa một quốc gia độc lập.
Vì vậy Cụ Young phải vận động Chánh phủ Mỹ để Hoa kỳ
sẽ thương lượng với Pháp để Hoa kỳ một mình ủng hộ Chánh phủ của Ông Diệm.
Tháng 10 năm 1954, Cụ Young soạn thảo một bức thơ để
Tổng Thống Eisenhower gởi cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Trong thơ, Hoa Ky hứa sẽ
ủng hộ Việt Nam nếu Việt Nam áp dụng đường lối chánh trị theo lý thuyết quốc
gia dân tộc (tức “nationalist”), tức ý muốn nói Việt Nam phải xây dựng một chế
độ dân chủ Tự do thật sự để có thể động viên được sức mạnh của toàn dân chống
cộng sản xâm lược Hà Nội. Bức Thơ đó viết:
“The purpose of this offer is to assist the
Government of Vietnam in developing and maintaining a strong, viable state,
capable of resisting attempted subversion or aggression through military means.
The Government of the United States expects that this aid will be met by
performance on the part of the Government of Vietnam in undertaking needed
reforms. It hopes that … such a government (of Vietnam) would … be so
responsive to the nationalist aspirations of its people, so enlightened in
purpose and effective in performance, that it will be respected both at home
and abroad and discourage any who might wish to impose a foreign ideology on
your free people” .
Cuối năm 1954, Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng gởi viện trợ
quân sự và kinh tế trực tiếp giúp chánh phủ Sài Gòn, không thông qua chánh phủ
Pháp nữa. Dĩ nhiên chánh phủ Pháp không vui lòng. Họ thấy Ông Diệm thật sự là
người cứng rắn, có lập trường chống Pháp, không muốn nghe lời họ nữa . Vì vậy
họ tìm cách hạ Ông Diệm để thay thế bằng người khác.
Tổng Tư lệnh pháp, Tướng Ely, vốn bạn khá thân với
Tướng Collins của Mỹ, dành nhiều thì giờ thuyết phục ông bạn Tướng Collins,
người Đại diện đặc biệt của Tổng Thống Eisenhower, rằng Ông Diệm bất tài, mưu
sĩ, không thành thật, có tinh thần độc tài, không chịu lắng nghe ý kiến phải
trái của ai hết cả, không có uy tín, không có quần chúng ủng hộ. Pháp xui Tướng
Nguyễn văn Hinh chống lại Ông Diệm.
Đến tháng 4 năm 1955 có biến loạn xảy ra. Cuối cùng,
Tướng Collins nghe theo Pháp và đi về Washington xin Tổng Thống Eisenhower
không ủng hộ Ông Diệm nữa.
Lúc Tướng Collins lên đường đi Washington, Ông Diệm
ra lệnh cho Quân đội tấn công căn cứ của lực lực lượng võ trang Bình xuyên ở
Cầu Chữ Y. (Lực lượng Bình xuyên, truớc tình hình mới, rũ áo giang hồ anh chị,
nhiệt tình tham gia tham kháng chiến chống Pháp. Sau không chịu theo cộng sản
Hà Nội, không chịu nổi áp lực của Tướng cộng sản Nguyễn Bình, chấp nhận thương
lượng với Pháp rút về Chợ lớn, lập vùng Chợ lớn như khu tự trị để cán binh
kháng chiến thuần túy, không cộng sản, có con đường trở về không bị mặc cảm về
với Tây nhưng Pháp không giữ lới hứa để cho “khu tự trị thật sự được tự trị”,
mà “thực dân hóa” lực lượng võ trang này. Từ đây, lực lượng Bình xuyên bắt đầu
mang nhiều tai tiếng xấu do nhóm cán binh gây ra trong dân chúng. Nhưng lực
lượng Bình xuyên khi về Chợ lớn, kiểm soát an ninh được vùng này, đẩy lui Việt
Minh ra khỏi ven đô khá xa, đã làm cho Nguyễn Bình bị Hà Nội khiển trách và sau
đó, triệu hồi về Bắc).
Về tới Washington, Tướng Collins họp với Tổng Thống
Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles tại Tòa Bạch ốc. Tổng thống Eisenhower nhân
nhượng trước những lời yêu cầu thiết tha của Tướng Collins và đồng ý trở lại
họp tác với chánh phủ pháp, cho ngưng chức Thủ tướng của Ông Diệm, thay thế
bằng Ông Phan Huy Quát.
Ông Dulles về Bộ Ngoại giao chỉ thị cho Ông Cụ tôi
gởi điện tín cho Tòa Đại sứ Hoa kỳ tại Sài gòn nói rằng Hoa kỳ không ủng hộ Ông
Diệm nữa. Ông Cụ tôi rất buồn vì biết rằng nếu Pháp có quyền thực sự tại Miền
nam nữa, thì chắc chắn Hà Nội sẽ lại cướp luôn phần đất này.
Đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Tuy nghĩ như thế
nhưng bố tôi vẫn phải làm theo chỉ thị của cấp trên.
Gởi điện tín xong, ông về phòng làm việc. Bỗng có cú
điện thoại của chính ông Ngoại trưởng Foster Dulles. Ông báo tin: “Tai cơ
quan CIA, Ông Allen Dulles (em ruột của Ngoại trưởng Foster Dulles, lúc đó làm
Giám đốc CIA ) mới nhận được một điện tín của Ed Lansdale gởi từ Sài gòn.
Lansdale nói rằng Ông Diệm ra lệnh dẹp Bình Xuyên, Quân đội Quốc gia nghe theo
lệnh đang đánh Bình Xuyên, và dân chúng Sài Gòn ra đường mừng và ủng hộ quân
đội (?) . Yêu cầu Allen cho biết quyết định phải làm thế nào bây giờ ” .
Cụ Young lập tức gọi Ông Allen Dulles . Hai người lấy
quyết định không bỏ Ông Diệm vì nếu bỏ Ông Dìệm lúc này chỉ có lợi cho Pháp và
sau đó, khó tránh sẽ bị Pháp buông ra cho cộng sản Hà Nội.
Sau đó, ông Cụ tôi phụ trách về “ Chánh sách liên
hệ giữa Hoa kỳ và Việt Nam Cộng hòa ”. Ông qua Việt Nam mấy lần nghiên cứu
tình hình . Ông đã gặp riêng Cụ Diệm nhiều lần. Cụ cũng có dịp gặp Ông Bà Ngô
Đình Nhu, Giám mục Ngô Đình Thục, và nhiều người lớn trong chánh phủ nữa.
Sau này, ông Cụ tôi nói rằng Ông Diệm là người tốt,
khá thông minh, lương thiện, tỏ ra có khả năng, có thể dám hy sinh cho quyền
lơi của dân tộc, biết suy nghĩ, biết lo cho người làm ruộng, làm việc chăm chỉ,
hết mình.
Nhưng ông Cụ tôi đã thấy sớm rằng Ông Ngô Đình Nhu
có ảnh hưởng bao trùm lên chế độ. Nhiều lúc Cụ gặp mặt Ông Diệm có Ông Nhu nữa.
Nhiều khi, lúc Ông Diệm đương nói, Ông Nhu chen vào, giành nói hết, không để
khách nghe riêng lời nói của ông Tổng Thống. Có khi Ông Nhu cãi với Ông Diệm
hay cắt lời của Ông Diệm đang nói mà Ông Diệm vẫn im lặng.
Ông Cụ tôi trọng Ông Diệm là người đứng đắn và quí
mến ông vì ông tỏ ra thành thật với ông Cụ tôi. Ông Diệm có vẻ tin ông Cụ tôi
vì Cụ đã ủng hộ ông ấy vô điều kiện trong biến cố tháng 4 năm 1955.
Lần cuối cùng mà ông Cụ tôi gặp mặt Cụ Diệm là đầu
năm 1963 tại phòng khách ở Dinh Gia long, Sài gòn. Phòng đó ở trên lầu hai của
dinh Gia long. Ông Diệm lo lắng lắm về sự nhượng bộ của Hoa kỳ ở Lào, việc này
do Ông Averill Harriman phụ trách vì ông Harriman không thích chống cộng ở Đông
Nam Á . Hiệp định Genève 1962 về Lào không bắt buộc
Hà Nội rút ra khỏi Lào. Như vậy, Ông Diệm biết Hà Nội sẽ dùng đường mòn Hồ Chí
Minh vượt qua Lào để đẩy mạnh sự xâm lăng ngầm Miền nam nhằm đánh lừa dư luận
thế giới rằng cuộc chiến ở Miền Nam chỉ là cuộc chiến tranh du kích do nhân dân
Miền nam bất mãn nổi dậy chống Mỹ Ngụy cứu nước.
Nói chuyện xong rồi, Cụ Diệm đưa ông Cụ tôi ra khỏi
phòng khách, tới đầu cầu thang đi xuống. Cụ Diệm bắt tay ông Cụ tôi và nói bằng
tiếng Pháp: “Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi họ …” . Và lúc đó, Cụ Diệm
đưa tay mặt lên làm bộ cầm súng và bắn một viên đạn vào đầu ông.
Trên đây là những kỷ niệm đẹp của ông Cụ tôi giữ
riêng đối với Cụ Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu Cụ Diệm về lập chánh phủ do sự
bổ nhiệm của Quốc trưởng Bảo Đại.
Không biết phải chăng vì ảnh hưởng bố tôi mà tôi
năng duyên nợ với Việt Nam, một đất nước xa xôi với quê hương của tôi?
Sau này, trong những năm cuối 60 và đầu 70, tôi tới
Việt nam làm việc cho chương trình CORDS – chương trình đặc biệt của Hoa kỳ về
bình định và phát triển xã ấp. Trong chức vụ cố vấn an ninh và phát triển, tôi
tiếp xúc, quen biết nhiều giới chức VNCH trong đó có các bạn của bố tôi như Bs
Trần văn Đỗ, Bs Phan Huy Quát và những đảng viên Đại việt Quốc dân đảng, Việt
Nam Quốc dân đảng, những nhân sĩ từng ủng hộ Cụ Diệm khi về chấp chánh.
Tôi cũng để thì giờ tìm hiểu về các tôn giáo như Đạo
Phật, Cao Đài và Hòa Hảo nữa. Qua sự quen biết này, tôi bắt đầu tìm hiểu về chế
độ Đệ I Cộng hòa. Tôi cũng tìm đọc thêm nhiều thông tin liên quan đến Cụ Diệm
và gia đình của Cụ. Tôi thấy bản thân Cụ là người trong sạch, không tham nhũng.
Nhưng Cụ nặng tình gia đình, nặng tinh thần phân biệt đối xử, phán quyết độc
đoán, nên đã để mất sự thuận lợi của tình hình lúc ban đầu cho thế đại đoàn kết
dân tộc ; điều này chắc chắn đã không tránh khỏi góp phần tạo ra sự lớn mạnh
nhanh chóng của Việt cộng mà hậu quả vô cùng thảm hại sau này.
Riêng Đại Việt, với Bs Nguyễn Tôn Hoàn và Ông Nguyễn
Ngọc Huy liên lạc viên giữa hai người, đã từng hợp tác chặt chẽ với Ông Ngô
Đình Nhu, Giám mục Ngô Đình Thục, …trong giải pháp Bảo Đại từ những năm 40.
Thế mà những người này và nhiều nhân sĩ khác như các
Ông Vũ Tam Anh, Nguyển Phan Châu, Nguyễn Bảo Toàn, Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân,
…kẻ bị giết, người phải bỏ chạy trốn ra nước ngoài. Hai ông Nguyễn Tôn Hoàn,
Nguyễn Ngọc Huy phải đi bán hủ tiếu ở đường Montagne Ste Geneviève, Paris, cho
tới sau 1963 mới có cơ hội hồi hương.
Tôi nhớ lại năm 1967, lúc tôi đương học tiếng Việt
tại “Việt nam Training Center”, ở Arlington, Virginia, tôi được mấy lần gặp Ông
Bà Trần văn Chương tại nhà riêng ở Chevy Chase, Washington, DC. Ông Chương là
cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ. Ông Bà là bố mẹ của Bà Trần thị Lệ
Xuân, vợ của Ông Ngô Đình Nhu, Cố vần của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Một hôm,
Ông Chương mời tôi uống trà với ông tại phòng ăn. Tôi hỏi Ông Chương tại sao
Ông Diệm có vẻ không tin ai ngoài gia đình. Ông Chương cười và đáp: “Ông Diệm không tin chính ông thì
thử hỏi làm sao tin người khác được?”.
Một buổi khác nữa, Ông Chương tiết lộ một chuyện,
tôi cho là rất quan trọng và rất đặc biệt. Trước cuộc đảo chánh 1/11/1963 độ 10
hôm hay một tuần, Ông Diệm nhận thấy ông không còn đủ uy tín để tiếp tục chức
Tổng thống. Tình hình phức tạp quá, khó tìm người ủng hộ ông hết mình. Ông Diệm
có ý từ chức và xuất ngoại để Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lên thay. Lúc đó,
bà Nhu đang ở ngoại quốc vận động dư luận thế giới ủng hộ đường lối của chánh
phủ Sài Gòn. Sau khi Ông Diệm nói ra quyết định từ chức, Ông Nhu gọi điện thoại
cho Bà Nhu báo tin quan trọng này. Lúc đó Bà Nhu đang ở Nhựt bổn. Ông Nhu cho
vợ biết rằng ông và Ông Diệm sẽ xuất ngoại và ông sẽ gặp bà ở Nhựt trong vài
ngày nữa.
Bà trả lời với sự giận dữ, lớn tiếng, chửi chồng
nặng nề, nói rằng nếu hai người (Ông Nhu và Ông Diệm) hèn như thế, nhác như
thế, thì bà sẽ không làm vợ Ông Nhu nữa. Bà nhắc Ông Nhu rằng, lúc cuộc chỉnh
lý 1960, cả hai người đều muốn chịu thua phe đảo chánh, chỉ có bà là không chịu
thua và nhứt định giữ lập trường cứng rắn bảo vệ chế độ, bằng cách đi kiếm các
tướng lãnh trung thành để cứu mình.
Bà nhấn mạnh với Ông Nhu rằng bà không bao giờ muốn
làm vợ người không đủ can đảm, đủ tài trí đối phó với hoàn cảnh khó khăn. Bà
chỉ làm vợ kẻ anh hùng chớ không thể làm vợ kẻ tiểu nhân được.
Ông Nhu nghe những lời vợ nói như vậy và không cãi
lại được một lời nào hết. Ông phải dẹp bỏ ý định đi ra nước ngoài lánh nạn với
Ông Diệm, ở lại giữ Dinh Gia long theo ý bà vợ muốn. Ông Diệm cũng nghe theo
em.
Một chuyện khác về Ông Diệm và Ông Nhu . Giáo sư
Nguyễn Ngọc Huy, một lần cho tôi biết, thời gian1954/1955, chính Ông Diệm muốn
có sự hợp tác của Bs Nguyễn Tôn Hoàn trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Ông
Diệm nhờ Ông Nhu mời Ông Hoàn. Ông Nhu không liên lạc với Ông Hoàn, trái lại
nói dối với Ông Diệm rằng Ông Hoàn từ chối, không muốn ủng hộ chánh phủ của Ông
Diệm. Nghe qua, Ông Diệm tức giận lắm. Vì sự hiểu lầm này mà Ông Diệm đã không
ngăn cản Ông Nhu khi đàn áp các đảng phái và cả Đại Việt.
Buồn, tiếc! Nhưng tôi cũng hiểu, và hiểu rõ, trong
chánh trị có ai là bạn muôn thuở, có ai là kẻ thù muôn đời bao giờ đâu. Chánh
trị chỉ là “ mục tiêu”!
Nhưng theo nhà triết lý Hy- lạp thời xưa, số mạng
được hiểu theo đức tính “character is destiny”. Đức tính của Ông Ngô Đình Diệm,
như đức tính của mọi người, có phần thuận lợi và có phần bất lợi. Ông làm được
một số việc lịch sử có giúp ích cho dân tộc của ông, nhưng có một số việc khác
ông làm không đúng theo sự mong đợi của dân.
Thi hào việt nam Nguyễn Du đã viết:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau .
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau .
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Sau 50 năm, từ sự ra đi của Cụ Ngô Đình Diệm, tôi cảm thấy đời người dường như không khỏi bị hệ lụy theo số mạng do Trời Đất xếp đặt sẳn, như Cụ Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta.
St Paul, Minnesota, Oct 27, 2013
Stephen
B. Young (*)
© Đàn Chim Việt
—————————————–
* Tác giả Stephen Young thuộc gia đình dòng dõi, tham gia lập quốc
Hoa Kỳ. Ông đã giữ các chức vụ Phó Khoa trưởng Luật khoa tại đại học Harvard,
Khoa trưởng tại Đại học Hamline. Ông học tiếng Việt tại “Việt Nam Training
Center”, Arlington, Virginia, từng làm cố vấn Chương trình Bình định Phát triển
nông thôn ở Miền Nam Việt Nam (CORDS).
Sau biến cố 1975, ông là một trong những người vận
động chính phủ Hoa Kỳ đón nhận người tị nạn Việt Nam.
Năm 1992, ông đưa đề nghị với Hà Nội “Chương trình 6
điểm” để chuyển hóa Việt Nam một cách ôn hòa và phát triển.
Stephen Young là đồng tác giả cuốn “Human
Rights in Traditional China and Vietnam” với Gs Nguyễn Ngọc Huy. Ông cũng
là tác giả 2 cuốn “Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ” và “Moral Capitalism”.
Hiện Stephen Young làm Tổng Giám đốc “Caux
Round Table”, một Tổ chức phi lợi nhuận, tài trợ chương trình phát triển xã hội
ở các nước nghèo. Ông thành hôn với Bà Phạm Thị Hòa, người Hà Đông.
No comments:
Post a Comment