Saturday, 11 January 2014

ĐIỀU TRA PHẠM QUÝ NGỌ & TRẦN ĐẠI QUANG CÓ DỄ DÀNG ? (Tư Ngộ - Người Việt)




Tư Ngộ/Người Việt
Friday, January 10, 2014 5:43:34 PM

VIỆT NAM (NV) - Sau lời khai của Dương Chí Dũng ở phiên tòa ngày 7/1/2014, người ta chỉ mới thấy Bộ Công An cho tướng Hoàng Kông Tư lên tiếng theo kiểu “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ công An CSVN. (Hình: Người Lao Động)

Lời nói của ông này có nhiệm vụ chận trước vụ việc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống chết, số phận chính trị của nhiều người không riêng gì thượng tướng Phạm Quý Ngọ và đại tướng Trần Đại Quang của Bộ Công An.

Hiện mới chỉ thấy những lời bàn của “lề trái” còn phía “lề phải” báo chí đưa ra nhận định của một số luật sư. Đại tá Công an Nguyễn Như Phong ra mặt gỡ rối cho tướng Ngọ trên mặt tờ Petrotimes, cũng là chuyện dễ hiểu. Trên tờ VietnamNet, ông Nguyễn Đình Hương, một đảng viên cấp cao nghỉ hưu nguyên là Trưởng Ban nội Chính Trung Ương bình luận cầm chừng ít lời.

Nhưng cái vẻ yên lặng bề ngoài đó không có nghĩa là ở tầng sâu bên dưới không đang ồn ào.

Trang mạng của Bộ Công an  ngày 8/1/2014 đăng tải cuộc phỏng vấn tướng Hoàng Kông Tư cho hay sẽ có cuộc điều tra để xem lời khai của ông Dương Chí Dũng về “một số cán bộ Công an và cá nhân khác” thì “theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cơ quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án, các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy địn hcủa pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”. Ông Hoàng Kông Tư là quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh II (nội địa) kiêm Thủ trưởng Cơ quan Điều Tra Bộ Công An.

Trước hết, liệu có một cuộc điều tra khách quan và tới nơi tới chốn không khi mà tay trái điều tra tay phải ăn hối lộ? Chính những người bị tố cáo lại là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thứ trưởng Phạm Quý Ngọ lại là trưởng ban chuyên án điều tra Vinalines, ông đại tá Trần Duy Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Điều Tra Tội Phạm Tham Nhũng.

Điều đáng để ý trong lời ông Hoàng Kông Tư là ông ta hoàn toàn không đả động gì tới các số tiền hối lộ to lớn mà ông Dương Chí Dũng nêu ra ở phiên tòa. Số tiền đó, $510,000 đi trực tiếp vào túi ông Phạm Quý Ngọ để chạy án. Một triệu đô la (tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan chủ tịch Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn) nhờ ông Dương Chí Dũng cầm tới nhà ông Phạm Quý Ngọ. Số tiền này dừng ở đây hay còn được chuyển tới địa chỉ khác (cao hơn) không rõ ràng. Nhưng ít nhất, người ta thấy có lời “chỉ đạo” của ông bộ trưởng Trần Đại Quang thấp thoáng đâu đó. Rồi những số tiền nhỏ hơn tới tay một số ông khác ở Bộ Công an.

Tướng Hoàng Kông Tư chống chế ngay cho băng đảng của mình khi tuyên bố “chưa đủ căn cứ kết luận lời khai của Dương Chí Dũng”. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ Chức Trung Ương, nguyên Trưởng Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ Trung Ương của đảng CSVN, từng có tới 57 năm kinh nghiệm “làm công tác tổ chức” thì phải lập một ban chuyên án mới hy vọng khách quan.

Trước hết, theo ông phải “tạm đình chỉ chức vụ, công tác” buộc “ngồi tự kiểm điểm”. Thứ hai, lập ban chuyên án gồm nhiều thành phần khác nhau cả bên ngoài Bộ Công an để điều tra.

“Thành viên ban chuyên án đến từ các cơ quan: thanh tra, kiểm sát, ban nội chính... Với thành phần như vậy sẽ không ai "chạy" được án. Việc thứ ba, đó là phải điều tra tài sản. Lập ban chuyên án là ra hết", ông Nguyễn Đình Hương nói trên báo Vietnamnet.

Hồi Tháng 6-2012 khi còn chưa bắt được Dương Chí Dũng, ông bộ trưởng Công an Trần Đại Quang điều trần ở Quốc hội rằng “Chúng tôi đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật". Từ đó đến nay,  chính kẻ đi trốn khai ra kẻ “mật báo”, còn cái “Cơ quan Cảnh sát Điều Tra” của Bộ Công an chẳng thấy báo cáo gì cả.

Một số tờ báo dẫn ý kiến của một số luật cho rằng rất khó “xử lý” nếu không “xác minh” được điện thoại (sim rác) liên lạc báo tin ngày nào giờ nào có khớp với lời khai hay không thì mới có thể kết luận là có kẻ “tiết lộ bí mật nhà nước”. Nhưng hãy đặt câu hỏi: “Cái lệnh của ông thủ tướng ra lệnh bắt giam Dương Chí Dũng có mấy người biết?” Chắc chắn không có nhiều người liên quan đến chuyên án Vinalines và có thể đếm được trên đầu ngón tay. Chỉ cần điều tra những người này thì ra ngay. Thứ đến, cuộc gọi điện thoại là một ký hiệu điện tử chắc chắn còn nằm ở trong hệ thống lưu trữ của nhà mạng. Nếu muốn lần mò lại thì chuyên viên hiểu biết kỹ thuật có thể làm được.

Vấn đề là chế độ Hà Nội có muốn vụ việc Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang được làm đến nơi đến chốn hay không. Hoặc sẽ có màn họp báo nói rằng đã điều tra “theo đúng quy trình” bảo đảm “không bỏ lọt tội phạm, tránh oan, sai” thì thấy không có chứng cớ nào rằng thì là thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã ba lần cầm trước sau hơn 1.5 triệu đô la từ tay Dương Chí Dũng. Rồi ông bộ trưởng Trần Đại Quang cũng không có gặp Dương Chí Dũng chỉ đạo gì về vụ bà Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát đề nghị đừng gây rắc rối. Dương Chí Dũng “vấy bùn” cho các lãnh đạo bộ Công an, theo lối bình luận “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” trên trang mạng chinhphu.vn.

Nếu lần mò ngược lên theo hệ thống dọc, ít nhất dính tới ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chớ không phải chỉ tới bộ trưởng Trần Đại Quang, vì ông thủ tướng là người có thẩm quyền gật hay lắc của cùng từ dự án xây dựng đến xử án tham nhũng cỡ lớn.

Rút dây động rừng, nhiều người trên các mạng xã hội tin rằng nếu cứ tiếp tục bươi móc thêm mãi, mặt mũi tèm lem của những kẻ cầm đầu chế độ càng lộ ra rõ hơn.  Tóm lại, nhiều phần Phạm Quý Ngọ sẽ chối hết, Trần Đại Quang sẽ chối hết, cơ quan điều tra không tìm thấy bằng chứng. Vụ việc sẽ được khép lại với một số kẻ bị hy sinh.

Trên trang nhà chinhphu.vn, một bài viết dài kể lể công trạng to lớn của ngành Công an CSVN trong việc phòng chống tội phạm qua bài viết “Đại án Vinalines và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước”. Bài viết kể từ chuyện Dương Chí Dũng bó trốn đến việc lập chuyên án điều tra, truy bắt. Bài viết ca tụng “Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ quyết liệt triển khai các kế hoạch tấn công tội phạm trên mọi lĩnh vực”.

Lâu nay, giới bình luận thời sự tin rằng có hai hay ba phe đối nghịch nhau trong thượng tầng cai trị của chế độ Hà Nội. Từ kết luận điều tra lời tố cáo của Dương Chí Dũng chỉ ra hướng nào, người ta có thể hình dung ra phe nào đang “trên cơ” phe kia. Còn đi đến tận cùng của “đại án Vinalines”, chẳng có nhiều hy vọng.

Bởi vì, chống tham nhũng ở Việt Nam, người ta chỉ chống từ rốn trở xuống, như nhiều người từng nhận xét.


No comments:

Post a Comment

View My Stats