Friday, 24 January 2014

HRW : LIÊN HIỆP QUỐC RỐT CUỘC XŨNG XỬ LÝ TÌNH TRẠNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN Ở CHÂU Á (Steve Finch - UCANews)




Steve Finch | UCANews | 22.1.2014

Người dịch: Lê Anh Hùng
Thứ Bảy, ngày 25 tháng 1 năm 2014

Human Rights Watch cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng và truy bức nhân quyền vẫn diễn ra tràn lan


Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) cuối cùng cũng đã bắt đầu đương đầu với những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Châu Á, kể cả Bắc Triều Tiên và Sri Lanka – đó là nhận định của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch trong bản báo cáo thường niên mới phát hành hôm thứ Ba vừa rồi.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu cho thấy các chế độ hay vi phạm nhân quyền có thể bị buộc phải giải trình, năm vừa qua tình hình vẫn xấu đi ở một số nước, trong đó có Việt Nam và Campuchia, Human Rights Watch nói. Tình trạng truy bức tôn giáo vẫn đang tiếp diễn trong khu vực, mà thường là không bị trừng phạt.

Các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch (HRW), từng chỉ trích mạnh mẽ UNHRC một thời gian sau khi cơ quan này ra đời năm 2006.

Thời gian sau đó, thiết chế nhân quyền cao nhất của LHQ đã “đi đến chỗ được thừa nhận”, giúp củng cố các mạng lưới để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền đồng thời tạo ra những tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ở Châu Á, như nhận định của Giám đốc Điều hành HRW Kenneth Roth.

“Kết quả tích cực thể hiện rõ nét nhất là ở Sri Lanka”, ông nói.

UNHRC đã gia tăng áp lực lên Tổng thống Mahinda Rajapaksa để buộc ông ta tiến hành điều tra nhiều tội ác, kể cả cái chết của khoảng 40.000 dân thường trong những ngày cuối cùng trước khi quân đội Sri Lanka đập tan phiến quân Những Con hổ Giải phóng Tamil (Tamil Tigers) năm 2009.

“Chúng tôi đặt niềm tin vào LHQ về vấn đề trách nhiệm giải trình ở Sri Lanka”, Anantha Sasitharan – nhà hoạt động nhân quyền ở Tamil và là uỷ viên Hội đồng Tỉnh Miền Bắc – chia sẻ.

“Các nạn nhân [của tình trạng vi phạm nhân quyền] đã khiếu nại đến một số uỷ ban của Tổng thống, nhưng chẳng ích gì. Tôi không hy vọng vào các cuộc điều tra ở trong nước.”

Để xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên, tháng Ba vừa qua, UNHRC đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là phái đến đây một uỷ ban điều tra các vụ vi phạm bị tố cáo – kể cả các trại tù lao động cưỡng bức – trong một năm vừa kết thúc bằng vụ Kim Jong-un xử tử Jang Song Thaek vì tội phản quốc.

Theo Phil Robertson, Phó Giám đốc Á Châu Vụ của HRW: “Niềm tin mơ hồ rằng Kim Jong-un có thể ôn hoà hơn theo cách nào đấy nhờ được giáo dục ở Thuỵ Sỹ đã bị phủi bỏ bởi sự tàn bạo kéo dài của cái chính quyền mà ông ta đang lãnh đạo.”

Bản báo cáo của HRW cũng kịch liệt chỉ trích Campuchia, nơi Thủ tướng Hun Sen vừa chỉ đạo một vụ đàn áp đẫm máu nhằm vào phe đối lập sau cuộc bầu cử gian lận hồi tháng Bảy, và Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản đã thông qua bản hiến pháp mới trong tháng 11 giữa lúc diễn ra các vụ bắt bớ nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động.

Việt Nam hiện nắm giữ “danh hiệu” tai tiếng là nhà tù lớn nhất của tù nhân chính trị ở Đông Nam Á sau các vụ ân xá hàng loạt tại Myanmar, theo số liệu mới nhất của HRW.

“Thay vì tống giam những người chỉ trích, chính phủ Việt Nam cần nắm bắt và xử lý các ý tưởng của họ, đồng thời phải chấp nhận thực tế rằng nhà nước độc đảng cần bị vứt vào sọt rác của lịch sử”, Brad Adams, Giám đốc Châu Á Vụ của HRW, bày tỏ.

Ở Bangladesh, Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia, một cơ quan độc lập trên danh nghĩa, đã cáo buộc HRW là “thiên vị và thổi phồng” trong bản đánh giá rất tiêu cực mà HRW dành cho quốc gia này.

HRW cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina đã tiêu diệt và bịt miệng các đối thủ, kể cả Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) – đảng tẩy chay cuộc bỏ phiếu trong tháng này, và Jamaat-e-Islami – đảng bị cấm tranh cử trong năm tiền bầu cử hỗn loạn 2013.

“Giống như trước đây, HRW lại một lần nữa nhân danh nhân quyền để đứng về phía những kẻ khủng bố”, Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Mizanur Rahman nói.

Không nêu đích danh Jamaat hay BNP, Rahman cáo buộc cả hai đảng đối lập đều giết hại người vô tội cũng như những người thực thi pháp luật trong bối cảnh cuộc xung đột chính trị kéo dài bởi bên nào cũng muốn giành quyền lực.

Bản đánh giá cả tích cực lẫn tiêu cực mà HRW dành cho chương trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar đã ghi nhận những tiến bộ sau các vụ đặc xá chính trị – chỉ còn 34 người bị giam giữ – trong khi lại chỉ trích lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi về thái độ im lặng của bà trước tình trạng vi phạm nhân quyền nhằm vào những người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo.

Chủ nhân của giải Nobel Hoà bình này bị cáo buộc là chạy theo những đòi hỏi của giới quân sự trong khi họ đang xem xét liệu bà có thể tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2015 hay không.

“Thế giới rõ ràng là đã nhầm lẫn khi cho rằng, với tư cách một nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền được kính trọng, bà cũng sẽ là một người bảo vệ nhân quyền có nguyên tắc”, Roth nói.
Tuy nhiên, Han Thar Myint, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương thuộc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Suu Kyi, lại phủ nhận cáo buộc rằng Suu Kyi đã đặt chính trị lên trên lập trường nguyên tắc về nhân quyền.

“NLD chưa thay đổi lập trường của mình về quyền con người cơ bản của nhân dân Myanmar, song chúng tôi cũng không thể hiện lập trường thiên vị khi lên án tình trạng bạo lực tôn giáo ở bang Rakhine, bởi Rakhine còn là một sắc dân thiểu số”, ông bày tỏ.

Việc sát hại người Rohingya ở đất nước mà phật tử chiếm đa số này vẫn tiếp tục diễn ra tuần trước với các báo cáo cho biết tới 60 người có thể đã chết ở Maungdaw, một thị trấn của người Rahingya tại bang Rakhine (phía Tây Myanmar).

David Mathieson, chuyên gia nghiên cứu Myanmar kỳ cựu của HRW, phát biểu sau một chuyến thăm gần đây rằng tình trạng hạn chế ra vào khu vực đã khiến người ta không thể xác định được mức độ của vụ bạo lực mới nhất này.

Một số quốc gia trong khu vực cũng chứng kiến tình trạng truy bức tôn giáo đáng chú ý trong năm 2013, với Trung Quốc nằm trong số quốc gia vi phạm nhiều nhất.

Bản báo cáo ghi nhận tình trạng bất khoan dung tôn giáo tiếp tục diễn ra ở Indonesia (nơi người Công giáo và các giáo phái Hồi giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của các nhóm Hồi giáo Sunni hung hãn) và ở Ấn Độ (trong bối cảnh các cuộc xung đột leo thang giữa người Hindu đa số, người Hồi giáo và người Công giáo trước cuộc bầu cử vào tháng Năm tới đây).

Ở Papua New Guinea, việc chính phủ thay đổi luật pháp năm ngoái đã giúp chống lại các vụ hành hung tàn bạo nhằm vào những phụ nữ bị coi là “phù thuỷ”, nhờ đó những vụ việc như thế sẽ bị coi là giết người.

Tuy nhiên, HRW lại cảnh báo rằng một quyết định mở rộng phạm vi chịu án tử hình đã làm suy yếu tiến bộ đạt được: “Việc trở lại với các vụ xử tử sẽ là một bước thụt lùi nghiêm trọng”, Adams nói.


Được đăng bởi Lê Anh Hùng vào lúc 00:09



No comments:

Post a Comment

View My Stats