Thu, 01/16/2014 - 11:08 — tuongnangtien
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng tôi, chết nửa con người...
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng tôi, chết nửa con người...
Tôi chưa bao giờ may mắn được diện kiến một cô
du kích, nhìn từ xa xa cũng không luôn, có chăng là chỉ thấy loáng
thoáng qua sách báo hay phim ảnh. Sài
Gòn Tiếp Thị Online , số ra ngày 21 tháng 12 năm 2011, có tấm hình
một cô “đứng trên toà sen” (trông) rất ... ngộ:
Ảnh:
Đoàn
Nguyễn
“Tại một hồ nước trên cánh đồng thuộc xã Đại Cường
(Đại Lộc, Quảng Nam) có một pho tượng cô du kích đầu đội mũ tai bèo, vai mang
súng. Bức tượng khi xây có thể là thạch cao trắng, nhưng bây giờ, người ta thấy
đã loang lổ nhiều mảng đen.
Trong hồ nước, nông dân làm chuồng nuôi vịt. Qua mấy
ngày mưa lũ, đàn vịt không còn, chỉ còn lại cái chuồng xiêu vẹo tả tơi. Một bác
nông dân vác cuốc đi ngang dừng lại góp chuyện: “Mấy tháng trước, hồ nước sạch
sẽ lắm, không ai dám thả vịt, thả cá, nước trong vắt. Nhưng từ khi thay Phật bà
bằng cô du kích thì ra như ri đây”. Phật Quan Âm? Tôi ngạc nhiên và nhìn kỹ thì
thấy có điều lạ là cô du kích này đứng trên... toà sen.
Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi
quyên góp tiền và xây ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền
không cho để tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì
uổng phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích”.
Mới đây, tôi lại được thấy “một cô” khác nữa,
qua ảnh chụp khi đã qua tuổi thanh xuân:
Bà Phạm Thị Chiều, vợ nhà thơ Giang Nam, vừa qua đời
tại Nha Trang, hưởng thọ 83 tuổi. Bà chính là “cô du kích” trong bài thơ Quê
hương nổi tiếng của Giang Nam, từng lay động nhiều thế hệ những người yêu thơ
suốt 53 năm qua.
Nhà thơ Giang Nam và
bà Phạm Thị Chiều - Ảnh: Trần
Đăng
“Cô du kích” trong bài thơ với tiếng cười “khúc
khích” và đôi mắt “đen tròn” đã bị “giặc giết em rồi quăng mất xác”, còn bà
Chiều thì vẫn gắn bó với nhà thơ Giang Nam đến tận hôm nay.
Sở dĩ có sự “vô lý” trên là do nhầm lẫn từ một nguồn
tin của cơ sở trong thành báo ra. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Tôi và nhà tôi có
cảm tình với nhau từ khi còn ở chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa) trong kháng chiến
chống Pháp. Mãi đến năm 1955 chúng tôi mới cưới nhau.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ mỗi lúc một khốc liệt, để
tránh sự bố ráp của kẻ thù, tổ chức phân công cả hai chúng tôi vào hoạt động
tại Biên Hòa. Chẳng bao lâu sau, vợ và con gái tôi bị địch bắt giam tại nhà tù
Phú Lợi.
Giữa năm 1960, tôi nghe tổ chức thông báo rằng vợ
con tôi bị địch sát hại trong nhà tù này. Quá đau đớn, trong một buổi tối ở
rừng, tôi đã viết xong bài thơ Quê hương. Sau này tôi mới biết, thông tin trên
là do nhầm lẫn”.
Sự nhầm lẫn ấy để thi đàn Việt Nam có thêm một thi
phẩm làm lay động lòng người suốt 50 năm qua về lòng thủy chung của những đôi
lứa yêu nhau thời chiến, đã phải chịu nhiều đau thương mất mát để giành lại nền
độc lập tự do cho dân tộc.
Những dòng chữ trên tôi vừa đọc được trên
trang Dân
Luận, cùng với phản hồi của một vị độc giả (chắc) không dễ
tính:
thichkhach
(khách viếng thăm) gửi lúc 23:50, 30/12/2013 -
mã số 107004
Bản tin nì đã đăng vào ngày 18.4.2013 trên tờ
dantri.com ạ. Hâm nóng mần chi rứa? chưa tới giỗ đầu nhá.
Nhờ đường link này, tôi được biết thêm đôi
điều về đời sống tình cảm và “hoạt động cách mạng” cô du kích thứ
hai:
Nhờ công tác phong trào và viết báo tốt, khoảng đầu
năm 1954, ông được điều động về căn cứ Đá Bàn. Ở đây anh lính Nguyễn Sung đã
gặp cô gái xinh đẹp Phạm Thị Triều. Dù tình trong như đã nhưng hồi ấy chuyện
yêu đương trong cùng tổ chức rất nghiêm ngặt.
Cũng may mọi người điều thương nên trước ngày ông ra
Bình Định tham gia đoàn sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết
hiệp định Genève, đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho hai người. Vợ chồng trẻ ở với
nhau được hai ngày thì ông lên đường.
Cái kiểu
“cưới nhau xong là đi” của vợ chồng Giang Nam, có thể, khiến nhiều
người nhớ đến bài Mầu
Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Riêng tôi lại bỗng nhớ đến một đoạn
tạp văn của ông Võ Phiến:
Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào
Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả
già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh hương hưu, các cụ cố
thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v…
Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có
lớp lang:
- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại:
có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc
sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn
trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
- Địa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều
được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ
dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng
của họ;
- Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ
có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ
lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân
ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;
- Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập
kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc
khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy
nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.
Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha
mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập
kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội
tuyến cho chúng...
Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh
tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài
Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ,
hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các
cơ sở quần chúng đầu tiên.
Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp
số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ
trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào.
Sau đó mới có cái Mặt trận Giải phóng ra đời.
Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ
những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau
việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày
khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.
Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên
hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc
liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám
cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do
trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này
không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến
thành góa bụa từ 1954. [(Võ Phiến. “Bắt Trẻ Đồng
Xanh”. (Trích Tuyển Tập Võ Phiến, 2nded. Westminster,
CA: Người Việt, 2006)].
Bà Phạm Thị Triều (hay Chiều ?) may mắn đã
không trở thành goá bụa. Bà và phu quân cũng không bị thương tích hay
trầy trụa gì ráo trọi cho đến khi chiến tranh chấm dứt, theo như lời
của ký giả Trịnh Anh:
Bà Phạm Thị Chiều sinh năm 1931 tại Vĩnh Trường, Nha
Trang trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà là Đảng viên 63 năm tuổi
Đảng; nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường; cựu tù chính trị từng 2 lần
bị địch bắt tù đày...
Tưởng rằng vợ con đã bị địch giết hại, nhưng bất
ngờ, năm 1962, sau 3 năm bị bắt, vợ và con gái ông được thả về do không tìm ra
căn cứ kết tội...”
Vẫn theo ký giả Trịnh Anh :”... năm 1968 bà
Triều lại bị bắt lần hai vẫn với cô con gái nhỏ do sơ xuất của người giao liên
đã để lộ đầu mối. Hai mẹ con bà bị địch buộc tội đưa ra tòa mấy lần nhưng không
thành là nhờ một luật sư tốt bụng bào chữa giúp.”
Cuộc đời của hai ông bà tuy nhiều gian nan
nhưng vô cùng có hậu nhưng hậu vận của dân tộc thì ngược lại. Bởi
vậy, tôi hoàn toàn không đồng tình khi đọc những chữ thượng dẫn của
nhà báo Trần Đăng: “... thi đàn Việt Nam có thêm một thi phẩm làm lay động
lòng người suốt 50 năm qua về lòng thủy chung của những đôi lứa yêu nhau thời
chiến, đã phải chịu nhiều đau thương mất mát để giành lại nền độc lập tự do cho
dân tộc.”
Dân tộc này chắc không mấy ai cảm thấy thoải
mái với “nền độc lập tự do” hiện tại khi nhìn thấy biển đảo bị xâm
lấn, và du kích bước lên toà sen, rồi dẵm luôn lên luật pháp. Nguyễn
Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Đinh Đăng Định, Trần Huỳnh Duy
Thức, Hồ thị Bích Khương, Nguyễn Công Chính, Tạ Phong Tần, Huỳnh
Anh Tú, Huỳnh
Anh Trí ...tuổi đời đều ít hơn tuổi đảng của bà kích Phạm Thị
Triều, và đều lãnh những bản án hàng chục năm tù mà không cần có
bằng chứng gì ráo trọi.
Tuy được an táng năm 2013 nhưng tôi e rằng cô du
kích của chúng ta đã chết hồi năm 1977, vào lúc những kẻ khai sinh ra
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam quyết định khai tử nó. Còn với quần
chúng thì cô chết sớm hơn nữa – từ tháng 9 năm 1975 – ngay sau khi mà
“chính quyền cách mạng” đã hiện nguyên hình là một bọn cướp ngày,
qua phương thức đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ở
miền Nam.
Phu quân của cô du kích Phạm Thị Triều, nhà
thơ Giang Nam, tuy chưa chôn nhưng e cũng đã chết lâu rồi. Ông “tự vận”
vào hôm 25 tháng 4 năm 1976, sau khi “đắc cử” và trở thành một ông
nghị (gật) trong Quốc Hội Việt Nam, khoá IV.
No comments:
Post a Comment