Friday, 17 January 2014

CHU VĨNH KHANG : NGÀY TÀN ĐƯỢC BÁO TRƯỚC (Minh Anh - RFI)




Minh Anh   -  RFI
Thứ tư 15 Tháng Giêng 2014

Sau hồi phim dài tập "Bạc Hy Lai", người dân Trung Quốc có lẽ lại phải chuẩn bị đón xem một bộ phim nhiều tập chính trị-pháp lý mới với nhiều hồi gây cấn. Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp sửa triệt hạ một "con hổ lớn" khác như cam kết chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, không tha từ "con muỗi" cho đến "con hổ".
Và « con cọp lớn », không ai khác chính là Chu Vĩnh Khang, cựu nhân vật số 9 của Đảng Cộng sản, cựu lãnh đạo ngành an ninh, gương mặt nổi bật của ngành dầu khí Trung Quốc. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Figaro số ra hôm nay 15/01/2014 dành nguyên trang 12 cho bài điều tra đề tựa « Sự sụp đổ báo trước của ‘Sa hoàng’ an ninh Trung Quốc ».
Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, vừa về hưu năm rồi, từng là nhân vật quyền lực thứ ba, đứng sau cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo. Và vì ông cũng là một trong số các nhân vật đáng ghét nhất … nên ông tự biến mình thành một mục tiêu tấn công lý tưởng cho dàn lãnh đạo mới. Theo tin tức từ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được Le Figaro trích dẫn lại, do đang trong vòng bị điều tra về tội tham nhũng và biển thủ công quỹ, Chu Vĩnh Khang đã bị quản thúc tại gia kể từ trung tuần tháng 12/2013.

Chu Vĩnh Khang phạm tội « khi quân » ?
Nhưng theo nhiều nguồn tin báo chí trong nước, ông Chu còn bị nghi ngờ tổ chức mưu sát vợ trước của mình. Lúc còn là bí thư tại tỉnh Tứ Xuyên giai đoạn 1999-2002, hình như Chu Vĩnh Khang có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ khác, trong đó có cô Giả Tiểu Hoa, người dẫn chương trình cho đài truyền hình CCTV và là vợ chính thức hiện nay của ông Chu. Khi cô Giả thông báo có thai, Chu Vĩnh Khang cam kết ly dị vợ. Thế nhưng, ít lâu sau, người vợ đầu của ông Chu đã tử nạn trong một tai nạn xe ô-tô bí ẩn.
Nhiều trang mạng Trung Quốc ở nước ngoài còn cho là ông Chu có vai trò quan trọng trong các vụ ám sát tàn nhẫn các nhà đối lập chính trị, một nhân vật quân sự quan trọng và ba doanh nhân khác. Các trang mạng này khẳng định rằng ông Chu có dự tính làm đảo chính để lật đổ chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách tổ chức ám sát ông Tập, và nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, gia đình và phe cánh của mình.
Thế nhưng, các tài liệu nội bộ được phân phát cho các ủy viên của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản sẽ không đề cập đến các tội mưu toan đảo chính và mưu sát. Nhà báo độc lập Cao Vũ nhận định « Chính quyền không được lợi lộc gì khi đưa các tội danh đó vào. Chủ đề này quá nhạy cảm ». Cũng theo quan sát của nữ nhà báo trên Tập Cận Bình và các thân cận của ông nắm đủ bằng chứng là Chu Vĩnh Khang đã phạm phải một tội khác tương đương với « tội khi quân » ngay trước khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18.
Cô giải thích « Những thông tin về tài sản mà gia đình Tập Cận Bình và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo thâu tóm bị phan phui trên báo chí nước ngoài xuất phát từ bộ phận 610. Ban đầu, cơ quan này chuyên trách thu thập các thông tin về giáo phái Pháp Luân Công ở nước ngoài. Nhưng sau đó bị đổi hướng để điều tra về tài sản ngoài lãnh thổ của các nhân vật lãnh đạo quan trọng của đảng. Bộ phận 610 lúc ấy do một thân cận của ông Chu lãnh đạo. Dĩ nhiên trong con mắt của đảng, những mưu toan bôi nhọ đó là không thể nào tha thứ được ».
Trên bình diện chính trị, ông Chu được xem như là nhân vật quyền lực thứ tư sau Đảng, chính phủ, và quân đội. Ông nắm trong tay quyền kiểm soát toàn bộ ngành cảnh sát, các lực lượng dân quân, biện lý, tòa án cũng như toàn hệ thống trại lao cải và được hưởng một ngân sách khổng lồ. Ông cũng chính là người điều phối mọi hoạt động phản gián của đất nước, như bộ phận Guoanbu đầy quyền lực.
Cũng theo nữ ký giả Cao, « Dưới danh nghĩa an ninh quốc gia, ông Chu đã hình thành phe cánh của mình ở đó mọi sự lạm dụng đều được bỏ qua. Tình hình thảm hại tại Tây Tạng và Tân Cương một phần lớn là kết quả của chính sách tồi tệ của ông Chu. Chiến lược đàn áp chỉ làm phân cực thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các bộ tộc thiểu số trong nước ».

Xử Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình đang nhổ răng cọp ?
Điều đáng chú ý là bình thường đảng cộng sản Trung Quốc thường xử lý nội bộ khi cho hạ bệ các quan chức cao cấp. Lần này, nhiều dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình sẽ không bỏ qua việc hạ nhục Chu Vĩnh Khang trước công chúng. Le Figaro nhận định giả như Tập Cận Bình quyết điều khiển phiên xử công khai chống ông Chu bằng cách đưa ra bản án nặng nhất như tử hình hay tù chung thân, rõ ràng đây là lần đầu tiên kể từ sau phiên xử bè lũ bốn tên năm 1970, chủ tịch Tập phá vỡ một thông lệ. Theo đó các quan chức lãnh đạo cao cấp sẽ được hưởng quyền miễn trừ trọn đời, dù không còn tại chức nữa.
Theo Le Figaro, các thế lực ủng hộ ông Chu ngay trong lòng bộ máy đảng Cộng sản, nhất là cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, những người phản đối các chính sách cải cách kinh tế theo hướng tự do đã cố ngăn cản Tập Cận Bình. Về điểm này, nữ ký giả độc lập Cao Vũ có hướng giải thích như sau : « Giang Trạch Dân thật sự rất tức giận và cách đây nhiều tháng ông ta đã đánh tiếng cho ông Tập biết điều đó. Ông ta cho biết sẵn sàng phơi bày trước công chúng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng và điều đó có thể gây tổn hại đến hình ảnh Tập Cận Bình. Chính vì vậy mà Tập Cận Bình bắt đầu nhổ từng chiếc răng con cọp trước khi xẻ thịt chúng ».
Ngay từ giữa tháng 12/2012, các tay chân thân tín của Chu Vĩnh Khang lần lượt bị nhổ bật và gần đây nhất là vụ bắt giữ Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang. Khi tung ra chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình hứa rằng sẽ đánh từ « muỗi » (ám chỉ các viên chức nhỏ) cho đến « cọp » (các quan chức cao cấp), chắc chắn trong đầu ông Tập đã nghĩ đến Chu Vĩnh Khang.
Cuối cùng, Le Figaro kết luận việc đánh đổ Chu Vĩnh Khang, ông hoàng ngành an ninh Trung Quốc cho phép Tập Cận Bình củng cố quyền lực và nắm lấy quyền kiểm soát ngành an ninh đất nước. Không những thế, qua việc quyết đi đến cùng, Tập Cận Bình có thể vô hiệu hóa hoàn toàn phe cánh Giang Trạch Dân đồng thời đánh đi một cảnh báo trọng lượng cho mọi đối thủ tiềm tàng.

Thái Lan : Lãnh đạo đối lập cũng không phải là « Thánh »
Nhìn sang Đông Nam Á, tình hình chính trị tại Thái Lan thời gian gần đây không mấy sáng sủa. Báo chí Pháp tiếp tục theo dõi diễn biến và đưa ra các nhận định về phong trào phản đối chống chính phủ cầm quyền của phe đối lập. « Đối lập Thái xiết chặt vòng vây », tựa của Le Figaro. « Tầng lớp tinh hoa vây hãm Thái Lan » tít của L’Humanité.
Từ hôm thứ hai vừa qua, thủ đô Bangkok hoàn toàn tê liệt do những người biểu tình tìm cách lật đổ chính phủ. Họ tìm cách bao vây các cơ quan chính phủ. Trước làn sóng phản đối dường như không chút suy yếu, hôm nay, thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra có buổi họp với các đảng chính trị có liên quan trong xung đột lần này nhằm nghiên cứu giải pháp dời ngày bầu cử đến ngày 04/05 năm nay.
Tuy nhiên, báo Le Monde trong bài nhận định có tựa đề « Tại Bangkok, phong trào phản đối tiếp tục kéo dài », lại có cái nhìn không mấy khả quan cho đời sống chính trị tại Thái Lan. Theo tác giả Bruno Philip thông tín viên của nhật báo tại Bangkok, thì lý lịch tư pháp của lãnh đạo đối lập Thái cũng không mấy trong sạch. Ông Suthep Thaungsuban đòi lật đổ chính phủ cầm quyền tham nhũng hiện nay, nhưng trong quá khứ bản thân ông cũng liên đới trong nhiều vụ tai tiếng.
Tờ báo nhắc lại vụ tai tiếng đầu tiên là trong những năm 1990, khi ông Suthep lãnh đạo Bộ Nông nghiệp. Lúc đó ông đã cấp phát đất trên đảo Phuket cho gia đình của những kẻ thân cận với ông, thay vì là phải trả lại cho nông dân nghèo. Sự việc đổ bể gây rùm beng đến mức đảng cầm quyền lúc bấy giờ là Đảng Dân chủ buộc ông Suthep phải từ chức.
Nhưng có lẽ vụ trấn áp những người biểu tình « Áo đỏ » năm 2010 mới chính là vết đen tệ hại nhất trong sự nghiệp chính trị của Suthep. Lúc bấy giờ, trên cương vị Phó Thủ tướng, ông là một trong những người đã ra lệnh nã súng vào đoàn người biểu tình, làm hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Theo một nhà bình luận trên tờ Bangkok Post, ông lấy làm « ngạc nhiên khi thấy phong trào chống tham nhũng lại do một gương mặt nổi tiếng tham nhũng dẫn đầu ». Không khéo lần này chính trường Thái Lan « tránh vỏ dưa » lại « gặp vỏ dừa ».

Nhật Bản : lão hóa dân số tăng nhanh
Trở lại vùng Đông Bắc Á với xứ sở Hoa Anh Đào, báo Le Monde trên mục Quốc tế và Hành tinh có bài nhận định về hiện tượng dân số già tại đây. Tờ báo lấy một xã ven biển Nhật Bản làm ví dụ điển hình qua bài viết đề tựa « Sống và chết tại Suo-Oshima, thành phố biểu tượng của hiện tượng dân số già tại Nhật Bản ».
Với tấm ảnh các cụ già trong một nghĩa trang, xa xa cảnh núi non biển cả mênh mông, Le Monde chú thích tại Nakahama, do thiếu người trẻ, các lão bà trong làng ở độ tuổi thất thập phải tự làm lấy công việc chăm sóc mộ phần tổ tiên.
Xã Suo-Oshima thuộc tỉnh Yamaguchi là nơi nổi tiếng loại cam mật và có thắng cảnh đẹp như mơ. Dân số xã chỉ độ có 18000 người, nhưng có đến 48,5% trong số họ là trên 65 tuổi, một con số kỷ lục tại Nhật Bản. Số người ra đi (470 người) cao gần đến 9 lần so với số trẻ mới sinh (70 trẻ) trong năm 2013.
Đương nhiên, tỷ lệ lão hóa cao tại xã cũng có cái giá của nó. Mức chi cho an sinh xã hội tại đây ước tính sẽ chiếm đến 31,8% trong ngân sách 2014 của xã. Đây cũng một trong những mục phải tăng mức chi tiêu. Chỉ có 18000 cư dân, xã Suo-Oshima lại có đến 3 bệnh viện công với tổng công suất phục vụ là 266 giường bệnh, 76 trung tâm dành cho người già (nhà dưỡng lão, trung tâm tiếp nhận và phục hồi) huy động đến 1350 nhân viên. Một viên chức công nhận các con số nêu trên là khá cao, nhưng trên thực tế xã này vẫn luôn trong tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ và hộ lý.
Điều nghịch lý là chính phủ lại không có nhiều chính sách khuyến khích sinh nở. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn luôn chống lại hiện tượng nhập cư. Hiện tượng lão hóa dân số khiến cho nền kinh tế thiếu nhân công. Để giải quyết tình trạng này, Nhật Bản dự tính tuyển dụng phụ nữ và người già , thậm chí đến cả người máy.



No comments:

Post a Comment

View My Stats