Thursday 23 January 2014

CHINA LEAKS : TIẾT LỘ KHỐI TÀI SẢN Ở NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC (RFI, Der Spiegel)




Thụy My  -  RFI
Thứ tư 22 Tháng Giêng 2014

Những người thân của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng …đã che giấu một khối tài sản to lớn tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.

Tiết lộ trên từ cuộc điều tra công phu của Liên minh quốc tế các phóng viên điều tra (ICIJ) có trụ sở tại Washington, được nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng công bố hôm nay 22/01/2014 khiến người ta càng thêm nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng của Bắc Kinh.

Vụ China Leaks này là phần tiếp theo của chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ khởi động từ tháng 4/2013. Ban đầu là sự rò rỉ một ổ cứng chứa các dữ liệu của hai nhà cung cấp dịch vụ vi tính tại Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh, với hai triệu rưỡi tài liệu mật.

Khi nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu trên, các nhà báo ban đầu đã phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài của cựu thủ quỹ ông François Hollande, tài sản che giấu của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, con gái nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của Philippines. Nhưng phần liên quan đến Hoa lục và Hồng Kông phải mất thêm nhiều tháng trời, chủ yếu là do khó khăn từ chữ Hán.

Trong số 22.000 cái tên được tiết lộ, có thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp « thái tử đỏ ». Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro do khối tài sản trốn thuế này.

Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Excellence Effort Property Development. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenne College nhận định, cho dù các công ty trên « có thể không hẳn là bất hợp pháp », nhưng thường là những « xung đột lợi ích, phục vụ cho các quan hệ ở trung tâm quyền lực ».

Chủ đề này quá nhạy cảm đối với Bắc Kinh, nên hôm nay trang web của ICIJ hoàn toàn không truy cập được tại Trung Quốc, cũng như các trang mạng của những tờ báo liên kết với ICIJ như tờ The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha, hay Minh Báo của Hồng Kông.

Một trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong hôm nay diễn ra phiên tòa xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, nhà sáng lập phong trào Tân Công dân đã kiên trì đòi minh bạch tài sản của các lãnh đạo cao cấp.

Vài ngày trước đó, một lá thư của ông Ôn Gia Bảo được công bố trên một tờ báo Hồng Kông nhằm minh oan trước các tiết lộ của báo chí. Hồi tháng 11/2013, tờ New York Times khẳng định ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã tuyển dụng con gái ông là Wen Ruchun, có thể là nhằm giành được những hợp đồng béo bở tại Trung Quốc.

Theo tờ báo trên, Ngân hàng này với chính sách tuyển mộ người thân của các lãnh đạo Bắc Kinh, từng bị chính quyền Mỹ điều tra, đã chi 1,8 triệu đô la cho công ty tư vấn của con gái ông Ôn Gia Bảo từ 2006 đến 2008. Tài liệu của ICIJ hôm nay cho thấy cách thức bà Wen Ruchun đã xóa dấu vết liên hệ giữa công ty của bà và người cha, sử dụng tên giả là Lily Chang.

Cũng theo ICIJ, đến 90% khách hàng Hoa lục đã lập các công ty tại quần đảo Virgin thuộc Anh để trốn thuế, 7% tại quần đảo Samoa, 3% còn lại tại các thiên đường thuế khóa khác.

Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã cho rằng : « Logic các bài viết của ICIJ là không thuyết phục, đặt ra dấu hỏi về động cơ của họ ».

---------------------------------------



Hồ Gươm lược dịch
Thứ Tư, 22/01/2014

Câu chuyện được nói tới ở đây là những khoản tiền lớn và những thiên đường trốn thuế: Nhiều cơ quan truyền thông tường trình về những phi vụ chuyển tiền của giới thượng lưu Trung Quốc, đối với tầng lớp cai trị đỏ thì đây là thời điểm không thích hợp, lúc này có những nhà hoạt động chống tham nhũng đang phải hầu tòa, nhà chức trách đã phản ứng lại bằng sự kiểm duyệt gắt gao.

Ngay trước thời điểm năm mới, cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã viết một bức thư khác thường so với tính cách của ông đăng trong một chuyên mục báo ở Hồng Kông: "Tôi muốn đoạn hành trình cuối trên cõi đời này của tôi có một kết thúc có hậu, tôi sinh ra đời với bàn tay trắng và muốn từ giã nó với bàn tay sạch" - ông viết. "Tôi chưa bao giờ dính dáng vào một thương vụ nào mà trong đó tôi đã lạm dụng quyền lực của mình để thủ lợi, và cũng không bao giờ làm điều đó. Bởi không có bất kỳ lợi ích nào có thể lay chuyển được niềm tin của tôi."

Tại sao Ôn Giao Bảo, người rời khỏi chức vụ thủ tướng kể từ tháng 3 năm ngoái sau 10 năm nắm quyền, đã viết bức thư này? Tại sao ông ta lại viết nó ra ngay trong thời điểm này?

Kể từ chiều ngày thứ ba, ít ra cũng có một động cơ thúc đẩy khá gần với sự thừa nhận của Ôn Gia Bảo: Trong các tài liệu tường trình chi tiết của báo "Guardian", báo "Süddeutsche Zeitung" và các phương tiện truyền thông khác về hàng tỉ đô la của các doanh nhân Trung Quốc và thành viên gia đình các quan chức ở thiên đường trốn thuế tại quần đảo Virgin Islands - Anh Quốc.

Một lần nữa, tên con trai, con gái và con rể của Ôn Gia Bảo lại xuất hiện trong những báo cáo từ các tài liệu rò rỉ được gọi là Offshore-Leaks. Những thương vụ nhạy cảm này đã được báo "New York Times" tường thuật. Theo những tính toán của tất cả những tờ báo thì Ôn Gia Bảo đã phải biết những gì sẽ đến với mình và gia đình.

Và các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc cũng vậy. Từ mấy ngày nay người ngoại quốc tại Bắc Kinh rất ngạc nhiên vì trang báo "Guardian" tạm thời không truy cập được, rốt cuộc kể từ sáng thứ Tư thì trang báo "Guardian" cũng đã bị chặn. Tương tự như vậy đối với trang ICIJ, nơi mà hai năm trước đã rò rỉ tài liệu từ nguồn Offshore-Leaks. Tờ báo "Süddeutsche Zeitung" cũng không truy cập được - chưa rõ là lý do kỹ thuật hay bị kiểm duyệt.

Các nhà hoạt động chống tham nhũng ra tòa

Những tiết lộ, mà tên tuổi của những người dính dáng vào, vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình Ôn Gia Bảo, trong số đó có cả họ hàng thân thích của chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu thủ tướng Lý Bằng, nhà cải cách Đặng Tiểu Bình và một số lượng lớn các doanh nhân nổi tiếng, quả là một ngày đáng ghi nhớ của Trung Quốc.

Và trong ngày thứ tư này ở Bắc Kinh bắt đầu một loạt các phiên tòa xét xử đối với những thành viên của "Phong Trào Công Dân Mới", một nhóm những nhà hoạt động đấu tranh đòi công khai tài sản các quan chức Trung Quốc.

Phiên tòa được bắt đầu bằng các thủ tục tố tụng đối với nhà lãnh đạo của nhóm, luật sư Hứa Chí Vĩnh, người đã bị bắt từ hồi tháng 8 vì tội kích động "tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng". Tới hôm thứ năm này, Triệu Trường Thanh (Zhao Changqing), một nhà hoạt động Nhân Quyền, đã từng tham gia cuộc nổi dậy tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và đã phải nhiều năm ngồi tù, cũng bị ra trước tòa vì bị cáo buộc tội danh tương tự.

Phiên tòa xét xử tiếp theo vào ngày thứ sáu đối với các nhà hoạt động Nhân Quyền Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), Lý Mai (Li Wei) và nhà báo Hầu Hân (Hou Xin). Tất cả đã tham gia vào một cuộc biểu tình vào hồi tháng 3 năm 2013 tại khu phố thương mại Tây Đan (Xidan) thuộc Bắc Kinh, tại đó họ đã dùng loa phóng thanh và biểu ngữ kêu gọi những đảng viên Cộng Sản phải công khai tài sản.

Từ hàng năm trước đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã từng ra nghị quyết, những nhà lãnh đạo đảng có trách nhiệm phải công khai minh bạch tài sản. Cho đến ngày hôm nay, nghị quyết này cũng không được thực hiện. Thay vào đó, Tập Cận Bình, tổng bí thư mới của Trung Quốc phát động riêng một phong trào chống tham những khác. Mặc dù sẽ rất khó khăn, nhưng nó đặc biệt nhắm tới giới quan chức trong bộ máy doanh nghiệp nhà nước, là tầng lớp đang muốn làm giảm thiểu quyền lực của tổng bí thư.

Những tiết lộ chưa tràn qua bức tường lửa

Giới lãnh đạo vẫn che giấu cho tới nay, những tố cáo của những người đang bị tống vào tù, cũng chính những điều mà Đảng cũng đang phàn nàn và cũng là những ý kiến của đại đa số người dân về một vấn nạn nghiêm trọng của Trung Quốc đó là: Sự làm giàu vô liêm sỉ của giới tinh hoa, tham nhũng lan tới thượng tầng lãnh đạo. Sau những tiết lộ vào hôm thứ ba, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ lại càng khó khăn hơn trong việc giải thích những mâu thuẫn trên. Con số được nêu ra trong nguồn tài liệu với tên gọi Offshore-Leaks đơn giản là quá khủng khiếp, để có thể bị cho chìm xuống: 1000 tỉ đến 4000 tỉ đô la đã được chảy từ Trung Quốc vào những thiên đường trốn thuế trong 13 năm qua.

Tuy nhiên những con số này chỉ tạo được áp lực chính trị khi nó được biết đến rộng rãi và được công khai tranh luận. Và nhà cầm quyền sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản điều đó. Cho đến này cơn bão của sự phẫn nộ chỉ xảy ra ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và những mạng xã hội như Twitter, là nơi mà đại đa số người dân Trung Quốc không thể truy cập được. Làn sóng về những tiết lộ này vẫn chưa tràn qua được bức tường lửa, và đài BBC, là kênh tin tức cũng được phát sóng ở Trung Quốc, trong buổi phát sóng tin tức vào buổi sáng, thì màn hình đã bị bôi đen và mất tiếng.

Các nhà chức trách biết rằng họ phải làm gì, bởi những tiết lộ về sự giàu có của giới quyền lực vẫn được che dấu nếu dư luận được biết, được bàn tán, truyền tải, sẽ làm cho giới lãnh đạo rất lo ngại. Luật sư Trương Học Trung (Zhang Xuezhong), luật sư bào chữa của một nhà hoạt động Nhân Quyền đang bị mang ra xét xử, đã tóm gọn một câu: "Những nhà cai trị tàn bạo nhất của nhân loại là những kẻ không tuân thủ luật pháp mà chính họ đã viết ra!"

--------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats