Lê Phan
Saturday, January 25, 2014 2:06:49 PM
Hồi cuối thập niên 1990, ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997 khi mà nền kinh tế Thái Lan đã lâm nguy, tình hình chính trị ở Thái Lan có vẻ có nhiều triển vọng tốt đẹp.
Ngay năm 1997, khi đồng baht sụt giá thảm hại, nền kinh tế sụp đổ, Thái Lan phải cầu cứu sự giúp đỡ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), nhưng đó cũng là năm một Quốc Hội lập hiến được thành lập và một Hiến Pháp mới lần đầu tiên đưa ra cho Thái Lan một chế độ quân chủ lập hiến với lưỡng viện đều do dân bầu lên. Trong những năm sau đó, với sự cố gắng của Thủ tướng Chuan Leekpai và sự hợp tác của đối lập, nền kinh tế hồi phục vào năm 1999.
Nhưng năm 2001, đảng Thai Rak Thai (Thái yêu Thái) của ông Thaksin Shinawatra thắng trong cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên theo bản Hiến Pháp năm 1997.
Mặc dầu cuộc bầu cử đã phải bầu lại một phần, lãnh tụ đảng Thai Rak Thai đã đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp.
Lên được nhờ sự ủng hộ của khối nông dân miền Ðông Bắc, nên vừa cầm quyền ông Thaksin đã tìm cách củng cố sự ủng hộ đó bằng những chính sách mị dân như cung cấp tiểu tín dụng cho nông dân, trợ giá xăng dầu, và cung cấp dịch vụ y tế cho mọi người.
Hơn thế, ông ta còn có những phương pháp khác để củng cố vị thế của mình. Một anh bạn đồng nghiệp của tôi ở đài BBC, một hôm đi thăm Chiang Mai và các tỉnh miền Ðông Bắc về lắc đầu bảo tôi “tình hình không tốt tí nào cả!” Khi tôi hỏi lý do anh kể lại là ở mỗi làng ở vùng Ðông Bắc nay thường có một đài phát thanh và họ ra rả tuyên truyền nông dân về những lợi ích mà chính phủ Thaksin đem lại cho họ cũng như tạo nên một sự chia rẽ giữa người dân vùng này với Bangkok khi bảo với họ là người Bangkok coi thường người các tỉnh.
Chưa hết, dần dà ông Thaksin càng cảm thấy mình vững thế và bắt đầu có ý định muốn thách thức không những giới cầm quyền ở Bangkok mà còn có thể cả hoàng gia. Ðã có những tin đồn trong giới quyền thế là ông Thaksin nói nếu quốc vương không chấp nhận uy quyền của ông thì quốc vương cũng phải bị truất phế. Không biết những điều đó có đúng hay không nhưng càng ngày ông Thaksin càng làm cho giới cai trị cổ truyền của Thái Lan, một sự tập hợp của hoàng gia, quân đội, tòa án và các đảng chính trị cũ như đảng Dân Chủ. Và điều không chối cãi được là ở miền nông thôn và ở miền Ðông Bắc, ông Thaksin đã trở thành được dân chúng tôn thờ hơn cả quốc vương.
Năm 2005, “guồng máy” của ông Thaksin đã giúp ông thắng cử lần thứ nhì, mà thắng lớn nữa. Phe bảo hoàng, mặc áo vàng, bắt đầu tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ đòi ông Thaksin phải từ chức. Trong một hành động không khác gì đương kim thủ tướng và cũng là em ông, ông Thaksin giải tán Quốc Hội vào tháng 4 năm 2006 và tổ chức bầu cử đột ngột. Phe đối lập tẩy chay và cuộc bầu cử sau đó đã bị Tòa Bảo Hiến hủy, tạo nên một khoảng trống chính trị.
Trong một cử chỉ đầy kịch tính điển hình cho con người của ông, ông Thaksin nói ông nghỉ bảy tuần không làm việc. Tình hình ngày càng căng thẳng. Tháng 8 năm 2006, ông Thaksin cáo buộc nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội là âm mưu ám sát ông sau khi cảnh sát tìm thấy một xe chở đầy vật liệu làm bom ở gần nhà ông. Cũng xin thêm là ông Thaksin, vốn xuất thân là cảnh sát trước khi trở thành tỷ phú nên được sự ủng hộ của cảnh sát.
Ngày 19 tháng 9 năm 2006, quân đội tổ chức một cuộc đảo chánh “cung đình” trong khi Thủ Tướng Thaksin đang đi New York tham dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Ông Thaksin chọn đi lưu vong. Một ông tướng về hưu được đưa ra làm thủ tướng lâm thời. Nhưng hành động của quân đội đã bị ngay đám áo vàng ở Bangkok không hưởng ứng nên ngay tháng 1 năm 2007 thiết quân luật đã được hủy bỏ một phần và một bản hiến pháp nữa do một ủy ban quân đội chỉ định soạn thảo rồi thì được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Tháng 12 năm 2007, tổng tuyển cử đã lại một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của ông Thaksin khi đảng People Power, vốn là hiện thân của Thai Rak Thai chiếm được nhiều phiếu nhất. Thủ tướng Samak Sundaravej nhậm chức vào tháng 2 năm 2008 và ông Thaksin trở về nước.
Tòa án, vốn vẫn còn nằm trong tay phe lãnh đạo cổ truyền bắt đầu truy tố ông Thaksin và bà vợ. Tháng 7 năm 2008, bà Pojaman Shinawatra, vợ của ông Thaksin bị kết tội gian lận và bị kết án ba năm tù. Bà được tại ngoại chờ kháng án. Một tháng sau đó, ông Thaksin đã bỏ trốn sang Anh cùng với gia đình sau khi bị kêu ra tòa về những cáo buộc tham nhũng.
Tháng 9 năm 2008, những người biểu tình thuộc phe áo vàng xuống đường, chiếm khu văn phòng chính phủ đòi Thủ Tướng Samak phải từ chức. Tòa Bảo hiến cách chức thủ tướng vì đã vi phạm luật khi ông có một show trên truyền hình dạy nấu ăn trong khi vẫn làm thủ tướng. Ông Somchai Wongsawat được Quốc Hội bầu lên thay nhưng cuộc xuống đường tiếp tục. Tháng 11 năm 2008, nhiều chục ngàn thành viên của nhóm áo vàng chiếm đóng hai phi trường chính của Bangkok trong “trận cuối” để lật đổ chính phủ. Kết quả là tháng 12 năm 2008, Tòa Bảo Hiến giải tán chính phủ Somchai vì gian lận bầu cử và cấm các lãnh tụ đảng tham chính trong năm năm. Lãnh tụ đối lập của đảng Dân Chủ là Abhisit Veijaijiva thành lập một chính phủ liên hiệp.
Ngay lập tức tháng 3 năm 2009 ủng hộ viên “áo đỏ” của cựu Thủ Tướng Thaksin tổ chức những cuộc biểu tình chống chính phủ. Thủ Tướng Abhisit đưa quân đội vào Bangkok giải tán cuộc biểu tình. Hơn 120 người bị thương. Nhưng phe áo đỏ tiếp tục biểu tình và đến tháng 12 năm 2009 thì họ tổ chức một cuộc meeting lớn ở Bangkok và ông Thaksin, từ nơi lưu vong, đã dùng video kêu gọi họ.
Sau khi Tối Cao Pháp Viện tước đoạt hết một nửa tài sản của gia đình ông Thaksin nói là ông đã chiếm dụng một số tài sản lên đến 1.4 tỷ đô la khi còn làm thủ tướng cũng như kết án ông vắng mặt hai năm tù về tội tham nhũng, phe áo đỏ trở lại Bangkok chiếm đóng khu trung tâm thương mại của thủ đô, đòi Thủ Tướng Abhisit từ chức, và bầu cử lại. Phó Thủ Tướng Suthep Thaugsuban, người mà nay lãnh đạo các cuộc biểu tình của phe áo vàng, chỉ huy một cuộc đàn áp của quân đội với số tử vong lên đến 91 người, con số tệ hại nhất trong lịch sử hiện đại của Thái Lan.
Tháng 7 năm 2011, cuộc bầu cử mới được tổ chức và đảng Pheu Thai, một hiện thân mới nữa của đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin, lần này do cô em gái của cựu thủ tướng lãnh đạo, lại thắng lớn. Tháng 10 năm đó, chính phủ đưa ra một kế hoạch trợ giá cho nông dân, bảo đảm giá gạo. Kế hoạch mua chuộc nông dân này đã làm cho nợ công tăng vọt và giá cao làm lần đầu tiên trong nhiều năm Thái Lan mất vị thế đứng đầu xuất cảng gạo. Suốt năm 2012, nhiều lần phe áo vàng tổ chức biểu tình chống chính phủ.
Nhưng mãi đến tháng 11 năm 2013, phong trào áo vàng mới bắt đầu hoạt động mạnh khi chính phủ Yingluck đưa ra một lệnh ân xá toàn diện, nói là để hòa giải cho những người đã có tội trong các cuộc biểu tình ở cả hai bên nhưng điều rõ ràng nhất là theo luật này ông Thaksin sẽ không có tội nữa và có thể trở về nước. Tháng 12 năm 2013, Thủ Tướng Yingluck tuyên bố giải tán Quốc Hội và kêu gọi bầu cử vào tháng 2 nhưng từ chối từ chức. Trong khi đó cựu Thủ Tướng Abhisit bị cáo buộc tội sát nhân trong vụ đàn áp năm 2010. Ông Abhisit bác bỏ cáo trạng này và hiện đang tại ngoại.
Chả trách tờ The Nation đã than thở hôm Thứ Tư vừa qua là “thiếu niềm tin, thiếu thông cảm và chối bỏ thực tế có vẻ như tràn ngập xã hội Thái ngày nay.”
No comments:
Post a Comment