Nguyễn Lễ
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 10:07 GMT - thứ hai, 20 tháng 1, 2014
Có bao giờ người dân Việt Nam theo dõi một phiên
tòa như xem một bộ phim hình sự?
Phiên tòa xử Dương Tự Trọng vừa có yếu tố bất
ngờ đột biến như sự kiện Chang Song-thaek ở Bắc Hàn, vừa có chi tiết ly
kỳ hấp dẫn như vụ án Bạc Hy Lai ở Trung Quốc.
Một nhân vật phụ bỗng chốc thành tâm điểm của dư
luận; một tử tội mà công chúng không tiếc lời nguyền rủa đột nhiên
giành được cảm tình của nhiều người; một kẻ được cho là chết nhiều
lần cũng chưa đáng tội bất ngờ có lời kêu gọi ân giảm.
Quả bom Dương Chí Dũng ném ra trước phiên Tòa xử
em trai thật lợi hại!
Quả bom mang tên Phạm Quý Ngọ nổ vang đến nỗi nó
át tất cả những gì nóng nhất đang diễn ra, từ ‘siêu lừa’ Huyền Như
cho đến chủ quyền trên Biển Đông. Nó ‘làm lu mờ’ cả nhân vật chính
của phiên tòa là Dương Tự Trọng.
Anh hùng vì nghĩa?
Thật hiếm thấy ở Việt Nam một nhân vật mới đứng
trước Tòa đã có lời ca ngợi và khi bị kết án xong cũng có tiếng
xót thương.
Tờ PetroTimes gọi Dương Tự Trọng là một ‘người
vẹn tài vẹn tâm’ trong một ‘đại án nhân tâm’ mà bản án ‘có phần quá
nghiêm khắc’.
Anh em nghĩa trọng tình thâm là điều hoàn toàn có
thể hiểu được và thông cảm được.
Nhưng tình anh em dù lớn đến đâu cũng chỉ là việc
của hai người trong khi việc nước ảnh hưởng đến muôn vạn người.
Ông Trọng có thể trọn tình nghĩa với anh trai
nhưng không tròn bổn phận với đất nước. Tên là Tự Trọng nhưng lại
không ngay thẳng với bản thân vì nhận tiền thuế của dân mà đi ngược
lại lợi ích của nhân dân.
Sử dụng người và của công để làm việc riêng đã
đành, mà việc riêng đó còn là hành động phạm tội. Nếu so với tội
của thường dân thì lại càng thêm nặng.
Những việc kể trên dù sao Tòa cũng đã xử, nhưng
có những việc Tòa không xử còn nguy hiểm hơn nhiều.
Dưới sự điều động của ông Trọng, một lực lượng
tinh nhuệ kết hợp cán bộ công an với tội phạm truy nã và giang hồ
cộm cán tạo thành một ‘liên minh hoàn hảo’.
Chính liên minh này đã thực hiện một nhiệm vụ
phức tạp từ bắc chí nam, xuyên biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi,
kín kẽ có thể dựng thành phim trinh thám!
Quan hệ giữa ông Trọng với hai tội phạm này chặt
chẽ như thế thì chắc gì họ chỉ được trưng dụng chỉ một lần?
Cơ ngơi hoành tráng của Dương Tự Trọng ở Hải
Phòng là từ đâu mà có?
Số tiền hàng chục ngàn đô la mà ông ta chu cấp cho
anh trai mình ở Campuchia là ở đâu mà ra?
Tham ô như Dương Chí Dũng là ăn trên mồ hôi công sức
của người lao động. Còn đồng tiền mà tội phạm kiếm được lại đẫm
máu và nước mắt của dân lành!
Chả trách ở một đất nước mà chính quyền cho là
‘không đâu bình yên bằng’ người dân lúc nào cũng nơm nớp vì trộm
cướp!
Người chấp pháp lại hỗ trợ kẻ phạm pháp. Hành
vi của ông Trọng là nguy hiểm với dân và sỉ nhục sự hy sinh của các
công an khác.
Nên từ chức?
Số tiền mà Dương Chí Dũng khai trước Tòa đã hiếu
kính ‘một ông anh’ ở Bộ Công an khiến ai cũng giật mình!
Thoạt nghe mà cứ tưởng là chuyện xảy ra ở đâu
đâu! Người dân mỗi ngày kiếm được vài đô đã nổ đom đóm mắt mà có
người phất tay một cái là có được từ nửa triệu đến cả triệu đô la!
Dẫu sao thì đây cũng chỉ mới là lời khai, mà lời
khai thì chưa khẳng định được gì cả.
Không may cho ông Ngọ là dư luận không nghĩ như vậy.
Họ chỉ đơn giản nhìn vào những căn hộ mà ông Ngọ
đang sở hữu cùng với việc ông thân tình với Dương Chí Dũng và nằm
trong số vài ba người biết được lệnh bắt khẩn cấp của thủ tướng -
thế là họ tin.
Cho nên để giải tỏa nghi ngờ, tốt nhất ông Ngọ nên
giải thích rõ ràng với báo chí, giống như Cảng Sài Gòn ra thông cáo
sau khi có lời khai của ông Dũng.
Nếu ông Ngọ trong sáng thì việc điều tra khách
quan xét cho cùng cũng là vì lợi ích của ông để tránh miệng đời dị
nghị. Do đó, tôi nghĩ ông nên tạm thời từ chức để không ảnh hưởng
đến cuộc điều tra.
Ông cũng đang điều trị bệnh thì càng phải nghỉ
ngơi. Hội nghị Đảng ủy Công an có chủ tịch nước mà ông còn không dự
được thì làm sao đảm đương chức trách?
Tạm rời chức vụ đối với ông lúc này là lợi cả
đôi đường. Nếu sau này có kết luận trong sạch thì ông đường hoàng
trở lại nhiệm sở thôi.
Nếu thật sự ông không nhận tiền thì dù một ngàn
chi tiết Dương Chí Dũng khai ra cũng không thể xác minh được. Thiết
nghĩ ông không có gì phải sợ.
Bạn trong hoạn nạn
Nhưng có khi nào lời trấn an của Đại tá Nguyễn
Như Phong, tổng biên tập PetroTimes, rằng ‘mọi việc còn lâu lắm’ nên ông
Ngọ không muốn từ chức lâu như vậy chăng?
Phải nói ông Phong là người bạn chí tình chí
nghĩa của ông Ngọ. Lúc ông Ngọ hoạn nạn ông đã không bỏ rơi mà còn
dám đi ngược chiều dư luận để bênh vực ông và đả kích Dương Chí
Dũng.
Ông lo lắng cho ông Ngọ không khác chi việc của bản
thân ông. Dương Chí Dũng còn chưa khai trước Tòa thì ông đã nhanh chóng
hỏi thăm ông Ngọ về khả năng này để chia sẻ nỗi lo với bạn.
Có điều tôi chưa hiểu là ông Phong đã khẳng định
ông Ngọ vô tội và Dương Chí Dũng khai man thì tại sao phải khởi tố
vụ án điều tra lại?
Có khi ông có bằng chứng nào đó mà cơ quan điều
tra chưa biết chăng? Chứ lập luận ông đưa ra tôi thấy không thuyết phục.
Ông lý giải Bộ Công an đã điều tra kỹ rồi mà ông
Ngọ vẫn được thăng thượng tướng, nhưng ở đây tôi muốn hỏi ông rằng
những người điều tra ông Ngọ đấy hoặc là cấp dưới, hoặc là chiến
hữu với ông Ngọ – tức là những người cũng như ông đã tin ông Ngọ vô
tội sẵn rồi – thì điều tra liệu có đáng tin?
Ông thấy khó tin tại sao ông Dũng đang bị điều tra
mà đem túi tiền to đến nhà ông Ngọ lại không bị theo dõi? Nhưng liệu
thứ trưởng công an có để cho thuộc cấp theo dõi việc hối lộ mình,
nếu có, hay không?
Ông cáo buộc ông Dũng là ‘trâu lấm vẩy bùn’, nhưng
‘trâu lấm’ chờ án tử này đang muốn sống hơn bao giờ hết thì có đi ‘vẩy
bùn’ để triệt mọi con đường sống?
Những lý lẽ đưa ra không vững thì càng làm cho
người ta nghĩ rằng ông Phong đang lấp liếm. Mà ông càng lấp liếm thì
người ta lại càng nghi ngờ không tốt cho ông Ngọ.
Chưa kể bài báo của ông Phong vào lúc cuộc điều
tra mới bắt đầu càng khiến cho dư luận mất niềm tin vào tính nghiêm
minh của pháp luật và cuộc chiến chống tham nhũng. Trên khắp các
diễn đàn mạng, người ta đồn đoán rằng ‘vụ việc sắp chìm xuồng’.
Còn kết quả điều tra mà Bộ Công an công bố cũng
không khiến người ta tin rằng vụ việc 'sẽ được xử lý nghiêm'.
Ông Dũng khai nhiều chi tiết mà sao chỉ tập trung
vào danh sách cuộc gọi điện thoại? Còn việc nghi phạm thay đổi lời
khai thì có gì là bất thường? Nhất là lời khai chỉ đích danh người
đang là thứ trưởng?
Có sự giằng co?
Về phần ông Ngọ, tôi nghĩ ông ở hoàn cảnh rất
nhạy cảm. Một người vừa thân với Dương Chí Dũng vừa nằm trong ban
chuyên án nên nếu xảy ra việc bỏ trốn thì chắc chắn ông Ngọ bị tình
nghi nhiều nhất.
Ông Ngọ biết rõ điều đó nên có khi nào ông mạo
hiểm như thế? Tự tin quá mức chăng?
Mọi việc vẫn đang điều tra, nhưng với diễn biến
này người dân có lý do để mong đợi ở cuộc chiến chống tham nhũng.
Việc báo chí tường thuật tường tận lời khai của
Dương Chí Dũng là bước đột phá trước đây ít người nghĩ tới.
Nó gợi nhớ đến phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai khi
gần như tất cả chi tiết lời khai của ông Bạc được tường thuật trực
tiếp.
Tuy nhiên nếu như phiên tòa ông Bạc, việc tường
thuật là rành mạch còn ở Việt Nam dường như có sự dao động.
Tên ông Ngọ lúc ẩn lúc hiện trên báo mạng Một
Thế Giới trong khi đại đa số các báo đều né tên 'một ông anh'. Thậm
chí báo Nhân Dân lúc đầu còn không đề cập gì đến lời khai ông Dũng.
Làm báo ở Việt Nam phải nhạy về chính trị nên
thông báo một cái tên như Phạm Quý Ngọ ai mà không run? Khó có thể
tòa báo trong một phút sơ sót lọt ra tên ông Ngọ.
Không những thế, quá trình điều tra lời khai của
Dương Chí Dũng từ khi bị bắt cho đến giờ dường như có gì đó trục
trặc.
Lời khai chắc chắn được báo cáo lên Bộ Chính trị
vì liên quan đến ủy viên trung ương. Thế thì tại sao Bộ Chính trị
không chỉ thị thủ tướng tạm đình chỉ hay thuyên chuyển ông Ngọ để
điều tra được khách quan?
Thay vào đó, Ban Nội chính chọn con đường để ông
Ngọ tại vị nhưng trực tiếp điều tra.
Nuôi dưỡng tham nhũng?
Ông Dũng khai lót tay ba người, một thứ trưởng,
một cục trưởng và một cán bộ điều tra. Ba người nhận đủ cả ba. Nếu
đúng như vậy thì ở Việt Nam ai đủ tiền thì có thể một tay che cả
bầu trời!
Xã hội nào cũng vậy, có quyền dễ dẫn đến có
tiền. Mà tiền ai chẳng tham!
Nhưng ở Việt Nam, đồng lương ít ỏi thì cán bộ
không thể nào gặm chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh để
sống qua ngày được.
Chế độ độc đảng không có giám sát tạo ra một lỗ
đen để mọi việc khuất tuất có thể xảy ra. Mà Ủy ban Kiểm tra và Ban
Nội chính của Đảng không thể ba đầu sáu tay giám sát hết cán bộ
đảng viên được.
Trong khi đó, Đảng kiểm soát báo chí tức là đã
triệt tiêu một kênh giám sát hiệu quả. Đến tên ông Ngọ còn run thì
báo còn dám làm gì?
Chẳng phải chuyện tham nhũng trong Dự án Đại lộ
Đông Tây là nhờ báo chí Nhật phanh phui còn báo chí Việt Nam chẳng
biết gì đó sao?
Muốn giám sát
thì không ai làm tốt cho bằng đảng đối lập. Họ sinh ra là để giám sát chính quyền. Cứ xem người biểu tình
Thái Lan kể rõ ràng những sai phạm của chính quyền Shinawatra sẽ
biết.
Cơ chế giám sát thì không có trong khi cơ chế
trừng phạt thì nằm trong tay Đảng nên bị bóp méo bằng ý chí chủ
quan của Đảng.
Luật pháp không như sơn thì không đủ sức mạnh để
răn đe tội phạm tham nhũng.
Bây giờ Đảng chống tham nhũng quyết liệt thì Dương
Chí Dũng bị án tử hình, còn những lúc trước Đảng lơ là hay giả sử
sau này Đảng lơi lỏng thì những người như Dương Chí Dũng lại thoát
án tử hình chăng?
Rõ ràng luật
lệ là theo ý chí chủ quan của Đảng. Cùng là Đảng Cộng sản nhưng Trung Quốc họ cho rằng xử tội ủy
viên Bộ Chính trị thì sẽ củng cố sức mạnh của Đảng trong khi Việt
Nam không kỷ luật ‘một ủy viên Bộ Chính trị’ vì 'có hại cho Đảng'.
Giả dụ tham nhũng ở Việt Nam đã hoành hành không
có thuốc chữa, lan rộng khắp nơi, lan sâu đến cơ sở và lan cao đến
giới lãnh đạo thì Đảng có dám xử lý hết không?
Ván cờ của Đảng
Lời khai của Dương Chí Dũng đối với dân là bất
ngờ nhưng đối với Đảng không có gì bất ngờ cả. Tất cả đều nằm
trong vòng kiểm soát.
Người dân biết tường tận về lời khai của Dương
Chí Dũng vì Đảng muốn cho dân biết. Chắc chắn còn nhiều ẩn khuất
mà dân chưa được biết hoặc không bao giờ được biết.
Khi để cho Dương Chí Dũng công khai lời khai, Đảng
chắc chắn đã cân nhắc kỹ.
Nếu lời khai là bất minh thì sẽ làm mất uy tín
một ủy viên Trung ương Đảng, còn nếu Đảng không thể điều tra cặn kẽ
thì sẽ mất lòng tin của dân.
Nếu không chắc phần thắng thì Đảng đã không giăng
mẻ lưới này!
Với lời khai của ông Dũng, người dân đã đi từ cảm
giác bất bình nhưng cuối cùng họ bắt đầu có lòng tin vào quyết tâm
chống tham nhũng.
Nhưng lòng tin đang dâng rất cao đó giờ đang dần
chuyển thành sự ngờ vực. Và nó sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu Đảng xử
lý không thỏa đáng!
No comments:
Post a Comment