Thứ Hai, ngày 06 tháng 1 năm 2014
Tổng thống Thiệu ra lệnh tái chiếm Hoàng Sa, nhưng...
Đăng Bởi Một Thế Giới - 08:20 06-01-2014
Ngay
sau khi các chiến hạm của hải quân VNCH thất thủ trước Trung Quốc, đích thân
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Tư lệnh hải quân vùng I
"bằng mọi giá" phải giành lại đất của tổ tiên. Lần này, lực lượng
không quân được giao vai trò tiên phong.
Gấp rút
chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa
Ngay trong ngày 19.1.1974, Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu đã ra lệnh điều 5 phi đoàn chiến đấu F5, bao gồm 4 phi đoàn thuộc sân bay
Biên Hoà, 1 phi đoàn thuộc sân bay Đà Nẵng, tổng cộng 120 chiếc.
Địa điểm tập kết là sân bay Đà Nẵng.
Song song đó, Hải quân Việt nam Cộng hòa cũng gấp
rút hình thành một Hải đoàn đặc nhiệm mới sẽ có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tái
chiếm đảo sau khi lực lượng không quân rút đi.
Hải đoàn này bao gồm tàu HQ-6, HQ-17 điều động từ
Trường Sa trở về và chiến hạm HQ-5 từng tham chiến tại Hoàng Sa trước đó.
Đại tá Hà Văn Ngạc tiếp tục được chỉ định làm chỉ
huy Hải đoàn này.
Về phía không quân, sau khi nhận được lệnh, chỉ huy
các phi đoàn 520 – Nguyễn Văn Dũng, phi đoàn 536 – Đàm Thượng Vũ, phi đoàn 540
– Nguyễn Văn Thanh, phi đoàn 544 – Đặng Văn Quang, phi đoàn 538 – Nguyễn Văn
Giàu đã bàn bạc và lên kế hoạch tác chiến rất kỹ lưỡng.
Theo đó, bốn phi đoàn có nhiệm vụ tấn công và oanh
tạc các chiến hạm của Trung Quốc, một phi đoàn có nhiệm vụ bảo vệ. Thời gian
oanh kích sẽ kéo dài khoảng 30 phút.
Mỗi phi đoàn được trang bị 24 chiến đấu cơ F.5 và
trên mỗi chiếc F5 được trang bị thêm 3 bình xăng phụ.
Để hỗ trợ cho kế hoạch, hàng ngày các máy bay thám
thính RF5 của không lực VNCH có nhiệm vụ bay và chụp ảnh toàn bộ Hoàng
Sa.
Vào phút cuối, chiến đấu cơ F5 đã không được lệnh
xuất kích - Ảnh minh họa
Từ những bức không ảnh này, bộ phận phân tích thuộc
lực lượng không quân sẽ theo dõi sự di chuyển, thay đổi đội hình của các tàu
chiến Trung Quốc.
Ngoài ra, nó còn cung cấp cho các phi công chuẩn bị
tham chiến biết được cách bố trí đội hình phòng thủ để từ đó có cách đối phó
thích hợp.
Và theo những bức ảnh không thám ấy, thời điểm ngày
20.1.1974, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có tổng cộng 43 tàu chiến
lớn nhỏ.
Sở dĩ lực lượng không quân VNCH tin tưởng vào kế
hoạch oanh tạc và tái chiếm Hoàng Sa là do thời điểm đó, chiến đấu cơ F5 có
nhiều lợi thế hơn Trung Quốc.
Mặc dù khoảng cách đường bay từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa
tương đương khoảng cách từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa nhưng F5 được xem là ít tốn
nhiên liệu hơn Mig 21 của Trung Quốc.
Giờ
"G" đã không điểm
Khi mọi kế hoạch được bên không quân chuẩn bị đầy đủ
thì bất ngờ Tổng thống Thiệu ra lệnh hủy kế hoạch oanh kích tái chiếm Hoàng Sa.
Sau này, một số người cho rằng, nguyên nhân xuất
phát từ sự cố vấn của Đại tá Hà Văn Ngạc, người trức tiếp chỉ huy trận đánh vào
ngày 19.1.1974.
Khi đó, Đại tá Ngạc tin rằng "một cuộc phản
kích tái chiếm sẽ thất bại ngoại trừ đó là một chiến thuật thí quân nằm trong
một chiến lược cao hơn".
Được biết, các tàu chiến của VNCH lúc đó chỉ là các
tuần dương hạm cũ (WHEC) được Lực lượng tuần duyên Mỹ (US Coast Guard)
chuyển giao cho.
Do thiết kế nên các tàu này thích hợp cho công tác
tuần tiễu hơn là chiến đấu, bởi nó vừa chậm chạp vừa nặng nề nên khó chống trả
lại với các chiến hạm chiến đấu tối tân hơn.
Loại tàu này cũng chỉ được trang bị một hải pháo 127
ly, còn vị trí đặt 2 khẩu hải pháo 40 ly đã được Hải quân Việt Nam Cộng hòa
tháo dỡ làm bãi đáp trực thăng.
Theo nhiều người, nhận định của Đại tá Ngạc có cơ
sở, bởi nhiệm vụ giữ đảo thuộc về Hải quân.
Không thể phản ứng bằng "súng đạn", Tổng
thống Thiệu chuyển hướng sang lĩnh vực ngoại giao.
Liên tiếp các ngày 20, 21, 22.01.1974, Bộ Ngoại giao
lẫn Tổng thống VNCH đã liên tục thông báo tình hình quần đảo Hoàng Sa cho Đại
sứ Hoa kỳ tại Sài Gòn và Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon biết.
Thế nhưng, để đáp lại những thông báo ấy, Đại sứ
quán lẫn Chính phủ Hoa kỳ đều im lặng.
Không những thế, Hoa kỳ còn ra lệnh cho hạm đội 7 ở
Thái Bình Dương tránh xa quần đảo Hoàng Sa.
Chính sự "im lặng" của Mỹ là nguyên nhân
trực tiếp khiến Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng ngoài nguyên nhân khách
quan chủ yếu là tham vọng bá quyền của Trung Quốc ra, về phía Việt Nam Cộng hòa
vào thời điểm ấy đã không đủ năng lực quân sự lẫn ngoại giao để tái chiếm quần
đảo Hoàng Sa.
Nguyễn
Minh - Vũ Kiều (tổng hợp)
Nguồn:
Một Thế Giới.
Được đăng bởi Tễu vào lúc 19:43
No comments:
Post a Comment