Wednesday, 3 July 2013

VỤ SNOWDEN : MÁY BAY TỔNG THỐNG BOLIVIA KHÔNG ĐƯỢC BAY QUA PHÁP & BỒ ĐÀO NHA (RFI / BBC)




Thụy My  -  RFI
Thứ tư 03 Tháng Bẩy 2013

Bolivia hôm nay 03/07/2013 phản ứng dữ dội trước việc Pháp và Bồ Đào Nha từ chối cho phi cơ của Tổng thống Evo Morales bay qua không phận nước mình hôm qua. La Paz khẳng định đó là do tin đồn máy bay có chở theo Edward Snowden, người đã tiết lộ các thông tin mật của Mỹ.

Ông Morales từ Matxcơva trở về sau khi tham gia diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, và phi cơ cần phải hạ cánh ở Bồ Đào Nha để tiếp nhiên liệu. Tối qua, máy bay chở Tổng thống Bolivia đành phải hạ cánh xuống Vienna, Áo, tuy cuối cùng Paris và Lisboa đã đồng ý cho quá cảnh. 

Từ thủ đô La Paz của Bolivia, thông tín viên RFI Reza Nourmamode tường trình: 

“Pháp và Bồ Đào Nha phải giải thích cho chúng tôi vì sao đã từ chối cho phép phi cơ bay ngang qua không phận của họ trong lúc đang bay”. David Choquehuanca, Ngoại trưởng Bolivia đã tuyên bố như trên, và nói thêm là quyết định này đã “làm nguy hiểm đến tính mạng của Tổng thống Bolivia”, đây là một sự “phân biệt đối xử” đối với ông Evo Morales. 

Về mối nghi ngờ có sự hiện diện của Edward Snowden trên máy bay của Tổng thống, Ngoại trưởng Bolivia nói rằng: “Chúng tôi không biết ai đã sáng tác ra cái tin láo toét này, nhưng ai đó tìm cách làm hại đất nước chúng tôi”. 

Bộ trưởng Thông tin Amanda Davila cho biết khi nói chuyện qua điện thoại từ Vienna, Tổng thống Morales nói rằng ông “phẫn nộ và rất buồn” về tình trạng này. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ruben Saavedra tố cáo “những đe dọa, sách nhiễu và áp lực” từ chính phủ Mỹ lên Paris và Lisboa để hai nước này từ chối cho phi cơ chở Tổng thống Bolivia bay ngang không phận cũng như hạ cánh. 

Sự kiện này diễn ra vài giờ sau khi ông Evo Morales tuyên bố là Bolivia sẵn sàng xem xét nếu cựu nhân viên CIA xin tị nạn chính trị”.

-----------------------------

BBC
Cập nhật: 15:32 GMT - thứ tư, 3 tháng 7, 2013

Bolivia tố cáo các nước châu Ậu 'gây hấn' sau khi máy bay của Tổng thống Evo Morales bị buộc phải hạ cánh để tìm ông Edward Snowden, người rò rỉ thông tin mật của Mỹ.

Bolivia nói Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã không cho máy bay bay qua không phận của họ.
Tổng thống Morales đang trên đường bay về Bolivia từ Moscow và máy bay bị buộc phải hạ cánh ở Vienna.
Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi ông Morales tuyên bố nước ông sẽ xem xét đơn xin tị nạn chính trị của ông Snowden.

Đặc sứ của Bolivia tại Liên Hiệp Quốc, Sacha Llorenti, nói với các phóng viên ở Geneva rằng ông sẽ khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về các hành động của các nước Châu Âu.
Ông Llorenti nói: "Quyết định của những nước này vi phạm luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi đang có thủ tục để lên án điều này tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc."

Nhưng Pháp bác bỏ chuyện họ từ chối cho phép máy bay vào không phận và Tây Ban Nha sau đó cũng nói họ vẫn mở không phận cho máy bay.
Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha nói Bồ Đào Nha cho phép máy bay vào không phận nhưng bác bỏ đề nghị hạ cánh để tiếp nhiên liệu của máy bay vì lý do kỹ thuật.
Còn một quan chức giấu tên của Áo nói với hãng tin Associated Press rằng ông Morales đã đề nghị được hạ cánh vì "không rõ" là liệu máy bay có đủ nhiên liệu để tiếp tục bay không.
Nhưng ông Llorenti kiên quyết nói rằng máy bay Bolivia đã không được quyền bay qua không phận một số nước Châu Au do Hoa Kỳ yêu cầu.
"Chúng tôi không nghi ngờ gì rằng đó là lệnh từ Nhà Trắng... Không vì bất cứ lý do gì mà một máy bay ngoại giao với tổng thống trên đó có thể bị buộc phải đổi hướng và buộc phải hạ cánh ở một nước khác."
Các quan chức Áo nói giới chức sân bay đã khám máy bay nhưng với sự đồng ý cùa ông Morales.
Máy bay sau đó đã cất cánh từ Vienna sau khi hạ cánh xuống đây tối thứ Ba.

'Xúc phạm Mỹ Latin'

Tổng thống Morales nói mọi tổng thống đều có quyền tới bất cứ nơi đâu trên thế giới.
"Đó không phải là xúc phạm một tổng thống mà là xúc phạm một đất nước và cả vùng Mỹ Latin," ông Morales tuyên bố trước khi cất cánh.
Ông coi sự cố là "gần như bị bắt cóc trong 13 giờ".
Tuy nhiên, Eurocontrol - tổ chức điều phối không phận và kiểm soát không lưu của châu Âu - nói đó là "quyết định của mỗi quốc gia trong chuyện có chấp nhận một chuyến bay của một nước" hay không theo điều khoản của Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Ông Snowden đang bị Hoa Kỳ truy nã sau khi tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật mà ông có được khi làm cho Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ.
Các tài liệu mà ông Snowden công bố cho thấy Hoa Kỳ đã thu thập có hệ thống một số lượng lớn dữ liệu điện thoại và qua mạng internet.

Giám đốc CIA xin lỗi

Snowden đã rút đơn xin tỵ nạn ở Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói ông chỉ được phép ở lại với điều kiện ngưng làm tổn hại 'người bạn Mỹ của Nga', người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov nói.
Snowden đang bị Mỹ truy nã với cáo buộc rò rĩ thông tin mà ông thu thập được trong thời gian làm việc ở Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Hôm thứ Ba 2/7, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ, ông James Clapper, đã xin lỗi vì từng nói trước Quốc hội hồi tháng Ba rằng NSA không có chính sách thu thập dữ liệu của hàng triệu người Mỹ.
Ông viết trong một lá thư gửi đến bà Dianne Feinstein, người đứng đầu ủy ban tình báo Thượng viện, rằng phát biểu của ông 'rõ ràng là sai'.
Sự rò rĩ hàng ngàn tài liệu tình báo cho thấy Hoa Kỳ đã thu thập một cách có hệ thống rấ́t nhiều dữ liệu điện thoại và internet.
Wikileaks, vốn đang tư vấn cho Snowden, cho biết hầu hết các đơn xin tỵ nạn đã được đưa gửi đến lãnh sự quán Nga tại sân bay Sheremetyevo, Moscow hôm Chủ nhật ngày 30/6 để được chuyển đến sứ quán các nước liên quan.

Snowden xin tị nạn
Từ chối: Ấn Độ, Ba Lan, Brazil
Đang xem xét: Bolivia, Đức, Ý
Phải có mặt tại chỗ để xin: Hà Lan, Áo, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Tây Ban Nha, Ireland, Thụy Sỹ, Ecuador.
Chưa xác nhận: Trung Quốc, Pháp, Venezuela.
Rút đơn: Nga
Chờ xin: Nicaragua, Cuba

Các bài liên quan



1 comment:

  1. Pháp và Bồ Đào Nha từ chối cho phi cơ của Tổng thống Evo Morales bay qua không phận nước mình. Phi cơ của bị buộc phải hạ cánh ở Vien-Áo. Nhiều người cho rằng máy bay Bolivia đã không được phép bay qua không phận một số nước là do Mỹ ngầm yêu cầu. Đây là hành động xúc phạm tổng thống Bolivia. Nếu Bolivia mà thắng kiện ở Liên Hợp Quốc thì Mỹ sẽ lại một phen bị bẽ mặt.

    ReplyDelete

View My Stats