Báo Tổ
Quốc -
Số 162 - Ngày 15-7-2013
Được đăng ngày Thứ ba, 16 Tháng
7 2013 12:39
“…Tình thế vẫn có thể đảo ngược
được. Quan hệ lệ thuộc hiện nay chủ yếu là những thỏa thuận giữa hai ban lãnh
đạo, quốc hội Việt Nam không hề biết đến vì thế chúng không có giá trị pháp lý.
Chúng ta chỉ cần ý chí và quyết tâm…”
*
Ngoại giao Việt Nam tỏ ra đặc biệt sôi động trong lúc này. Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang sẽ thăm viếng Hoa Kỳ cuối tháng 7/2013 này, sau khi đã thăm
viếng Trung Quốc và Indonesia cuối tháng trước.
Ít ai còn hy vọng gì ở ông
Trương Tấn Sang sau những gì ông đã thay mặt lãnh đạo CSVN thỏa thuận với Trung
Quốc trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi; câu hỏi đặt ra là ông, đúng ra là lãnh
đạo Việt Nam, còn có gì để nói với Hoa Kỳ?
Rất ít về mặt ngoại giao, vì
Việt Nam không còn tiếng nói độc lập sau khi đã cam kết "điều
phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nghĩa là nhận chỉ
thị của Trung Quốc, trong quan hệ đối ngoại. Càng ít về hợp tác quân sự vì sau
thỏa thuận gắn bó hai quân đội Trung Quốc và Việt Nam chuyển giao vũ khí và kỹ
thuật cho Việt Nam tương đương với chuyển giao cho Trung Quốc, điều mà Hoa Kỳ
và các nước dân chủ không thể chấp nhận. Họ đang nhìn Trung Quốc như một thách
thức. Bản thông báo ngắn của tòa Nhà Trắng về chuyến viếng thăm này đã chỉ nói
tổng thống Obama mong muốn thảo luận với ông Sang về các chủ đề nhân
quyền, môi trường, khí hậu và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
mà nhiều nước đang cố gắng để hoàn tất. Không thể đơn giản hơn. Thông cáo này
cũng có nói tới hợp tác Mỹ - ASEAN nhưng Việt Nam không còn tư cách để nói
chuyện về đề tài này bởi vì Việt Nam không còn là một thành viên bình thường
của ASEAN nữa; dưới mắt đa số các thành viên ASEAN Việt Nam đã trở thành tai
mắt của Trung Quốc trong khối ASEAN trong khi mục đích chính của tổ chức này là
liên kết các nước Đông Nam Á để cùng đương đầu với Trung Quốc.
Tuy có rất ít điều để nói,
nhưng Việt Nam lại có rất nhiều để mất. Hoa Kỳ là thị trường lớn hàng đầu của
Việt Nam đem lại 15 tỷ USD thặng dư mỗi năm. Trao đổi thương mại Việt Nam – Hoa
Kỳ có nguy cơ sút giảm, và sút giảm mạnh, nếu Hoa Kỳ đi tới kết luận là trong
trung hạn không thể kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và nâng đỡ Việt Nam
cũng là giúp Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ trước hết là một kho tàng vô tận kiến
thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa và phương pháp mà Việt Nam đang rất cần học
hỏi để vươn lên. Và Hoa Kỳ cũng là siêu cường vừa không có ý đồ lấn chiếm vừa
có thừa sức mạnh để bảo vệ Việt Nam trước bất cứ một đe dọa nào đến từ bên
ngoài. Quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ cũng đi song song và nhịp nhàng với quan hệ
hợp tác với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Chúng ta có thể mất rất
nhiều.
Hợp tác với Trung Quốc, trái
lại, chỉ có một lợi ích rất giới hạn cho Việt Nam ngay cả nếu chúng ta thiết
lập được một quan hệ thực sự hữu nghị với họ chứ không phải quan hệ chèn ép và
thua thiệt như hiện nay. Hai nước có cấu trúc văn hóa, xã hội và kinh tế tương
tự, chỉ khác nhau ở mức độ. Ta có rất ít điều để học nơi họ và tất cả những gì
ta sản xuất ra Trung Quốc cũng sản xuất được, nhưng thường thường tốt và rẻ
hơn. Ngoại thương của ta đối với Trung Quốc chỉ có thể thâm thủng như thực tế
đã chứng tỏ: năm 2012 thâm thủng của ta với Trung Quốc là 17 tỷ USD.
Tình thế vẫn có thể đảo ngược
được. Quan hệ lệ thuộc hiện nay chủ yếu là những thỏa thuận giữa hai ban lãnh
đạo, quốc hội Việt Nam không hề biết đến vì thế chúng không có giá trị pháp lý.
Chúng ta chỉ cần ý chí và quyết tâm.
Ban Biên Tập Tổ Quốc
DOWNLOAD
:
No comments:
Post a Comment