Tuesday 16 July 2013

HÃY QUẲNG CHIẾC BÀI VỊ THỜ LÊNIN RA KHỎI HIẾN PHÁP (Nghiêm Huấn Từ)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ hai, 15 Tháng 7 2013 21:37

“…chế độ Xô Viết sụp đổ cũng chính do hai điều “sáng tạo” trên, khi người dân tự ý thức về tự do, dân chủ. Con đường Xô Viết đang lặp lại một cách lạc lõng ở 5 nước XHCN nay còn sống sót, nhưng sẽ dẫn tới cùng một kết cục…”

*

Can ngăn đảng đưa tên Lênin vào hiến pháp

Dân ta bày bài vị tổ tiên “mũi tẹt da vàng” lên bàn thờ. Còn đảng CS lại dùng bài vị Mác-Lê.

Trong đại hội XI, hình Mác-Lê vẫn treo cao trước hội trường, như chiếc bài vị bày nghiêm trang trên bàn thờ của đảng. Nhưng từ hội nghị 2, hình Mác-Lê tưởng chừng đã bị phế bỏ. Nhiều người nghĩ, nếu đảng CSVN thoát được cái gông ý thức hệ trước hết sẽ tốt cho chính mình, rồi sau đó tốt cho dân tộc…

Nhưng lầm to. Trong Dự Thảo sửa hiến pháp 1992, đảng CSVN vẫn thờ bài vị 2 cụ Mác và Lê. Điều 4 vẫn nêu: Đảng Cộng sản Việt Nam - lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng - là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Hiến pháp tồn tại tương đối lâu, nếu ghi cả tên Mác, Lênin vào đấy, sau này sẽ khó sửa một khi muốn phế bỏ bài vị thờ 2 cụ.

Qua bài này, tôi - U100 - xin can đảng: Hãy kịp quẳng ngay cái bài vị Lênin trên bàn thờ trước khi quá muộn. Tiện thể, phế luôn cả Mác.

Nước Nga sẽ chôn vĩnh viễn Lênin, phế bỏ một biểu tượng.
Thế thì, thật vô duyên đến lố bịch nếu đảng CSVN vẫn cứ thờ Lênin.

Xin tóm tắt vài tin tức và sự kiện lấy từ internet (do cháu chắt cung cấp).  

- Qua các lần thăm dò dư luận, dân Nga ngày càng tán thành đưa thi hài cụ Lênin ra khỏi lăng và chôn vĩnh viễn. Tỷ lệ phản đối ban đầu từ 70% sau mấy năm đã hạ xuống 50%. Làn sóng phản đối yếu dần. Và sẽ tới lúc nó không đủ sức gây xáo trộn xã hội nữa: Đó sẽ là thời điểm thích hợp để cụ Lênin về với đất. Để dịp đó tới nhanh hơn, chính quyền Nga đề nghị hình thức an táng xứng với một nhân vật lịch sử của đất nước. Gần đây nhất (tháng 6-2012), vẫn tiếp tục có động thái thăm dò: Một vị bộ trưởng lại đề xuất “một lễ an táng trọng thể” cho Lênin…

- Trong khi chờ đợi tình hình đủ chín, dân Nga đã tự phát phá hủy nhiều tượng Lênin, kể cả dùng chất nổ. Nhiều nước xô viết chư hầu (cũ) đã biểu quyết: Thanh toán dần mọi biểu tượng Lênin…

- Chính quyền Nga cũng không ngồi đợi. Họ dự kiến sẽ chuyển các tượng Lênin hiện đang ngự sừng sững ở các quảng trường, vào… nhà bảo tàng. Lý cớ: để bảo vệ tượng như một di sản của quá khứ.

- Ở các nước Đông Âu, điều này đã được thực hiện lâu rồi, kể cả việc rao bán tượng Mác, Anghen, Lênin, Stalin như bán đồ cổ hoặc đồng nát.

- Có lẽ Mông Cổ là nước làm điều này muộn nhất. Bán không được, họ giật đổ luôn.

Diễn biến xấu như vậy, ai chẳng nghĩ rằng bộ máy quản lý tư tưởng của các ông Tô Huy Rứa (trước đây) và Đinh Thế Huynh (hiện nay) phải đủ nhạy cảm và thức thời đặng góp ý với đảng?. Nhưng không. Họ vẫn là hiện thân của khái niệm “mê muội” và “ù lỳ”…


Hình ảnh Lênin bị bôi bác trước bàn dân.
Và nhếch nhác ở ngay bên ngoài lăng, tại quảng trường Đỏ (tên cũ).

Đầu đuôi thế này. Những công dân Nga nếu (may mắn) hơi bị lùn và sở hữu cái trán hói có thể kiếm ăn vặt ngay quanh lăng Lênin. Họ cố hóa trang thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới, để… chèo kéo du khách chụp hình kỷ niệm. Các “Lênin giả” này đã nhiều lần gây gổ với nhau, mất trật tự, do đó bị cảnh sát xua đuổi. Thật nhếch nhác, bi hài...

Lênin tái sinh (?) bỏ lăng, ra ngoài

Stalin tái thế (?) ngồi vêu ở đường hầm mời khách vãng lai chụp hình, lấy tiền

Lênin từng có những thành công

Không cần thiết dùng ngôn từ hạ cấp để thóa mạ một nhân vật lịch sử.

Tôi cho rằng Lênin thông minh hiếm thấy. Ông đã viết hàng vạn trang, bao gồm sách lý luận, bài báo chính trị và diễn văn. Chế độ Xô Viết tồn tại được trên 70 năm là do sử dụng 2 công cụ cai trị do ông sáng tạo:

1- Nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong sinh hoạt đảng (tập trung là danh từ, dân chủ là tính từ). Nhờ vậy quyền lực tối cao tập trung vào bộ phận đầu não, đứng đầu là chính ông. Cách giải thích nghe ra rất logic: Mọi vấn đề đều được thảo luận hết sức dân chủ, nhưng khi đã biểu quyết (để thành quyết nghi) nhất nhất phải tuyệt đối tuân theo. Những thành công ban đầu của đảng và chế độ Xô Viết là nhờ nguyên tắc này. Khốn nỗi, xã hội tiểu nông Nga chưa quen với sinh hoạt dân chủ, đồng thời có nhu cầu tự thân tạo ra một vị thánh (chính là Lênin, kế đó là Stalin). Do vậy, cái gọi là “tập trung dân chủ” biến thành tập trung chuyên chế, gây nghẹt thở cho toàn xã hội - nhất cho là trí thức.

2- Chuyên chế vô sản. Lênin (đồng ý với Mác) coi Nhà Nước là bộ máy chuyên chế của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Vậy Nhà Nước Xô Viết phải là công cụ đàn áp. Nhưng trong xã hội Xô Viết, giai cấp hữu sản đã bị diệt, còn Công-Nông đã chiếm tuyệt đa số thì chuyên chế vô sản nhằm đàn áp ai? Rốt cuộc, nó chỉ còn đàn áp mọi tư tưởng “phi vô sản” - tức là triệt hạ bất cứ ai (cả Công-Nông và đồng chí) nếu họ bị quy kết là có tư tưởng phi vô sản.      

Hai sáng tạo trên của Lênin đã đem lại những thành công.
Nhưng về lâu dài, đương nhiên phải thất bại

Chế độ Xô Viết tàn bạo ở mọi mức độ với khoảng 10 hay 20% số dân, nhưng tạo “phấn khởi trong kỷ luật sắt” cho 80 hay 90% số dân còn lại. Năng suất tăng nhanh, chỉ sau 25 năm, Liên Xô đã có công nghiệp hiện đại, đủ sức đánh bại phát xít xâm lược và giải phóng Đông Âu.       

Nhưng chế độ Xô Viết sụp đổ cũng chính do hai điều “sáng tạo” trên, khi người dân tự ý thức về tự do, dân chủ. Con đường Xô Viết đang lặp lại một cách lạc lõng ở 5 nước XHCN nay còn sống sót, nhưng sẽ dẫn tới cùng một kết cục.

Ới đảng! Nghe đây: Hãy quẳng chiếc bài vị thờ Lênin trước khi quá muộn.

Nghiêm Huấn Từ



No comments:

Post a Comment

View My Stats